TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong “Sửa đổi lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mang đậm tính khoa học, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, luôn soi sáng cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vấn đề cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, coi đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, tồn vong của chế độ. Do vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chính sách đúng đắn, phù hợp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng của Người về cán bộ và công tác cán bộ được thể hiện rõ nét trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947. Cho đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị.

Trước hết, về vị trí, vai trò của người cán bộ đối với cách mạng. Cán bộ chính là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, là ngọn nguồn của mọi công việc, công việc tốt, xấu, thành hay bại đều do cán bộ mà ra: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(1). “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (2).

Từ nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rằng, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, “huấn luyện” cán bộ là việc làm rất quan trọng, quyết định sự thành, bại của cách mạng. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng (3) và “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” (4).

Trong công tác huấn luyện cán bộ, Người chỉ rõ những khuyết điểm thường mắc phải như: huấn luyện một đằng nhưng làm một nẻo, lý luận không đi đôi với thực hành, cách dạy máy móc theo kiểu học thuộc lòng, huấn luyện cán bộ xong nhưng họ chưa làm hoặc làm không đúng… Do vậy, cần phải có chính sách đào tạo, “huấn luyện” cán bộ một cách toàn diện về nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận đi đôi với thực hành, cả đức và tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc huấn luyện về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bên cạnh tài năng. Mỗi người cán bộ, đảng viên cần có những tính tốt: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đức và tài phải thống nhất với nhau, trong đó đức là “gốc”, “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (5). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả mai sau, mang tầm chiến lược, thời đại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết” (6).

Cùng với chính sách “huấn luyện” cán bộ, cần phải có chính sách lựa chọn, “cất nhắc”, sử dụng cán bộ sao cho không để “lãng phí” nhân tài, cán bộ, “chảy máu chất xám”. Muốn cất nhắc đúng, trước hết cần phải hiểu rõ về năng lực, tư cách, đạo đức của cán bộ, có khả năng phù hợp với công việc được giao hay không, “khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xem xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” (7).

Đồng thời, phải có chính sách sử dụng, bố trí cán bộ sao cho phù hợp với năng lực của cán bộ, với từng vùng, miền. Người thường xuyên nhấn mạnh: việc cất nhắc, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc sẽ đem lại thành công cho sự nghiệp cách mạng, cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, sự nghiệp cách mạng sẽ ngày càng nảy nở. Ngược lại, cất nhắc sử dụng không đúng sẽ dẫn tới lãng phí nhân tài, gây tai họa cho cách mạng. Để phát huy tốt vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, trong chính sách cán bộ, Người nhấn mạnh cần lưu ý mấy điểm lớn: “Hiểu biết cán bộ; Khéo dùng cán bộ; Cất nhắc cán bộ; Thương yêu cán bộ và Phê bình cán bộ” (8).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là sự kết tinh giá trị truyền thống của cha ông ta trong việc dùng người để trị quốc, là đỉnh cao của “thuật dùng người”. Thực tiễn trong lịch sử từ khi có Đảng, do làm tốt công tác cán bộ, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được đội ngũ đông đảo những cán bộ, đảng viên, nhân tài ngoài đảng có đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn từng bước giành thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền.

Vận dụng tư tưởng của Bác trong công tác cán bộ hiện nay là một việc làm cực kỳ cần thiết, qua đó, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, đồng thời tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, đoàn kết, phấn đấu đưa nước ta phát triển sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn./

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 237

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 267

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.267

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 271

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 250 - 251

(6) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tr. 24, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 272

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 275