Tìm hiểu quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận trong xây dựng Đảng, củng cố chính quyền. Tìm hiểu quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Dân vận là vận động lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm và những việc mà đoàn thể chính phủ giao cho, dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(1).
Ngắn gọn, hàm xúc, quan niệm của Hồ Chí Minh về công tác dân vận thể hiện rõ quan điểm của Người về mục đích, đối tượng, phương cách thực hành công tác dân vận thế nào cho có hiệu quả cao.
Ai là dân, nhân dân, ai làm dân vận?
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đối tượng để vận động là dân, nhân dân. Dân, nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể. Theo Bác, dân, nhân dân là “Mọi con dân nước Việt”, “Mỗi một con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, “già, trẻ gái trai, giàu nghèo, quý tiện”. Như vậy, hễ là người Việt Nam, kể cả cán bộ, đảng viên đều là thành tố cấu thành dân, nhân dân nước Việt, đều là đối tượng để vận động, đồng thời cũng là những người làm dân vận. Như vậy, theo Bác, công việc vận động nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên và những người hiểu biết được công việc trong dân. Hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm những việc ích quốc, lợi dân. Đó là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc của mình và đối với chính mình. Bởi lẽ, xây dựng một xã hội của dân, vì dân thì lực lượng phải là toàn dân. Khái quát lại, công tác dân vận phải được hướng vào công cuộc kiến thiết nước nhà và bảo vệ Tổ quốc. Bác đã nhiều lần nêu rõ: Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ.
Vì sao phải vận động nhân dân?
Khi nói về công việc “Kháng chiến kiến quốc”, Hồ Chí Minh nêu câu hỏi: Ai thực hiện “Kháng chiến kiến quốc”? Và Người trả lời: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”. Có thể thấy, quan niệm về chủ thể của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Hồ Chí Minh tiếp thu một cách sáng tạo là một cuộc cách mạng trong nhận thức về lực lượng cách mạng. Ở đó, nhân dân lao động là nguồn gốc, động lực, sức mạnh quyết định thành bại của cách mạng, là đối tượng thụ hưởng mọi thành quả của sự nghiệp gian khổ, khó khăn, lâu dài mà cao cả đó. Hồ Chí Minh khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi nước ta đang quằn quại dưới ách nô dịch của thực dân phương Tây, hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa, Hồ Chí Minh chỉ ra: cách mệnh thì sống, không cách mệnh thì chết...; “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Khi nói về nguyên nhân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Bác khẳng định: Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.
Sau này, Bác còn mượn lời nhân dân Quảng Bình để khẳng định: dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. Xuất phát từ quan điểm ấy, Bác đã tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào; chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân vì nước. Người căn dặn: Cần xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để phục vụ nhân dân. Như vậy, lực lượng làm nên thành bại của cách mạng, thành công của công cuộc kiến thiết nước nhà đi tới ấm no, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh chính là dân, nhân dân.
Về vai trò của các thành tố trong dân, nhân dân?
Dân, nhân dân là một tập hợp rộng lớn nên khi vận động, Bác lưu ý, cần xác định rõ vị trí, vai trò của từng thành tố trong nó, chỉ có như vậy lực lượng của dân, nhân dân mới thành một tổ chức vững mạnh được. Bác xác định: đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng của khối liên minh công nông. Người viết: Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất. Sau này, Bác chỉ rõ, nền tảng đại đoàn kết dân tộc là liên minh công - nông - lao động trí óc. Khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Muốn vận động được dân, nhân dân, cả dân tộc, Đảng phải: Vừa là đạo đức, vừa là văn minh; Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại; Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí; được nhân dân thừa nhận. Người viết: Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thành nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo.
Muốn dân vận có kết quả thực tế, bên cạnh nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động thì đòi hỏi đạo đức, năng lực của mỗi đảng viên, cán bộ (cấu thành nên hệ thống chính trị) phải ngang tầm. Phải làm gương trong sáng, không vun vén cho riêng mình, coi lợi ích cho dân là lợi ích cho mình, sống được dân yêu thương, quý trọng; phải chăm lo bồi dưỡng để năng lực lãnh đạo không ngừng được nâng cao, phải xứng đáng tiên phong trong mọi công việc, ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, giải quyết tốt những vấn đề thuộc về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý. Dân, nhân dân trọng đức, nể tài đảng viên, cán bộ là nguyên nhân căn bản làm nên thành công của công tác dân vận.
Phạm vi vận động nhân dân?
Trong thời đại xóa bỏ mọi áp bức bóc lột, Hồ Chí Minh đã nêu luận điểm “con đỉa hai vòi”. Những người cách mạng chỉ có thể xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, nô dịch, bất công một khi phải đồng thời cắt bỏ cả hai cái vòi ấy. Chỉ có như vậy mới xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa đế quốc ở cả chính quốc và thuộc địa. Nếu chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia sẽ lại mọc ra. Sự nghiệp cách mạng vô sản là từ mỗi quốc gia mở ra toàn thế giới. Vì thế, một trong những chuẩn mực đạo đức cao cả của người cách mạng mà Bác đã nêu là có tinh thần quốc tế trong sáng. Bác đã nêu khẩu hiệu:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công”
Người khẳng định: yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân. Điều kiện để làm cách mạng vô sản: Cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Người luôn luôn khẳng định: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Cách mạng Việt Nam chỉ giành được thắng lợi khi đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới.
Như vậy, muốn có được mặt trận đoàn kết toàn thế giới của những người yêu nước, ghét áp bức bóc lột, yêu chuộng tự do, bình đẳng trong nhân loại phải tiến hành tuyên truyền vận động không chỉ nhân dân trong nước mà còn tất cả nhân dân thế giới.
Hồ Chí Minh là hình mẫu của những hoạt động không mệt mỏi tuyên truyền, vận động cho khối đại đoàn kết đó, trước hết là giữa các đảng cộng sản, giai cấp công nhân và các dân tộc trên thế giới.
Phương cách dân vận theo quan điểm của Bác
Theo Bác, việc đầu tiên của công tác dân vận là phải tìm mọi cách tuyên truyền, giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng, việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Lịch sử nhân loại từ công xã Pa-ri tới nay cho thấy, các cuộc cách mạng xã hội muốn giành được thắng lợi không thể do một nhóm người hay một cá nhân có thể thực hiện được, mà đòi hỏi phải do chính đảng có lý luận tiên phong lãnh đạo, phải biết tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục và vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhưng để quần chúng nhân dân có thể một lòng đi theo chính đảng, cùng chính đảng thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng thì họ cần phải thấy được quyền lợi của mình khi tham gia. Theo quan điểm của C. Mác: tất cả những cái gì mà con người đấu tranh giành lấy đều phải dính liền với lợi ích của họ. Phát triển quan điểm này V.I.Lênin nhận định: Những lý tưởng cao cả nhất cũng không đáng một xu nhỏ, chừng nào người ta không biết kết hợp chặt chẽ những lý tưởng đó với lợi ích của chính ngay những người đang tham gia cuộc đấu tranh kinh tế, chừng nào người ta không biết kết hợp những lý tưởng đó với những vấn đề chật hẹp và nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày của giai cấp ấy như vấn đề trả công lao động một cách công bằng.
Trong quan niệm của mình về dân vận, Hồ Chí Minh yêu cầu người làm dân vận phải giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu được việc đảng, đoàn thể, vận động họ làm là có lợi cho họ và là nhiệm vụ của họ, họ phải hăng say thực hiện. Mục đích của những người cộng sản chân chính vận động nhân dân làm cách mạng nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân. Song, để nhân dân có thể một lòng đi theo Đảng, khi mà những lợi ích đối với họ chưa có ngay trước mắt mà phải đương đầu với gian khổ, tù tội, hy sinh, mất mát thì cần phải dân vận để nhân dân hiểu, thấy được lợi ích lâu dài của sự hy sinh, gian khổ khi làm cách mạng mà dấn thân theo Đảng. Hiểu và thấy được lợi ích chính đáng mà họ được thụ hưởng khi cách mạng thành công thì chắc chắn họ sẽ nhất tề theo Đảng, xả thân vì sự nghiệp của họ, do họ và vì họ. Thực tế cách mạng nước ta hơn 80 năm dưới ngọn cờ của Đảng đã minh chứng, một khi đường lối đúng, dân vận khéo, cán bộ tận tụy, trong sáng vì dân vì nước nêu gương thì nhân dân theo Đảng, bảo vệ Đảng, cách mạng thành công.
Phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay có nhiều tấm gương tiêu biểu trong công tác vận động nhân dân tham gia tích cực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, cũng có nhiều tấm gương nông dân hiến đất mở đường, làm trường…Kết quả đó trước hết là từ chủ trương đúng, người dân được tuyên truyền vận động nên họ hiểu và thấy được lợi ích cho cả chính mình (đường mở to, giá đất tăng cao hơn, đi lại thuận tiện hơn, làng xóm khang trang…). Và thực tế cũng minh chứng, nơi nào công tác dân vận không tốt thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tiếp theo, bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
C. Mác đã căn dặn làm dân vận là phải dùng phương pháp nêu gương và giúp đỡ. Trong dân vận việc nêu gương, biểu dương những mô hình hay từ thực tiễn có tác dụng cổ vũ động viên rất lớn. Khi làm công tác vận động quần chúng không được dùng mệnh lệnh, áp đặt ý chí, phải biết lắng nghe kinh nghiệm trong dân, trí tuệ của dân, bàn bạc cùng nhân dân thực hiện nhiệm vụ.
V.I. Lênin rất coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục và biểu dương nhân dân. Người đề ra nhiệm vụ hàng đầu đối với đảng cộng sản là phải thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình, khuyến khích mở rộng dân chủ, công khai làm cho người dân biết được công việc của đảng, của nhà nước, luôn biết lắng nghe và trân trọng ý kiến của người dân, coi đó là nguồn thông tin, kinh nghiệm quý báu để hình thành chính sách.
Quan điểm của Hồ Chí Minh trong công tác dân vận là phải lắng nghe và coi trọng ý kiến và kinh nghiệm của nhân dân. Đối với cán bộ dân vận nếu như không biết lắng nghe từ nhân dân, chỉ biết áp đặt, buộc họ phải làm theo một cách máy móc chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không cao. Người làm dân vận giỏi là phải biết biểu dương, khen thưởng kịp thời, chính xác những mô hình hay, những việc làm tốt, những giải pháp hiệu quả. Trên cơ sở đó nhân rộng, xã hội hóa những phương pháp, cách thức dẫn đến thành công. Khi xây dựng kế hoạch cần dân chủ rộng rãi bàn bạc với dân để dân cung cấp thực tiễn của địa phương, dân hiến kế, dân tham gia. Ý Đảng, lòng dân là nguyên nhân của mọi thành công.
Trong quá trình triển khai thực hiện công việc cần có sự theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích nhân dân thực hiện, việc xong cần phải cùng dân rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Người làm dân vận không nên mang tư tưởng làm cho xong việc, nghĩ rằng đây là việc của Đảng và của Nhà nước nên không cho dân tham gia hoặc mang tư tưởng đây là việc của dân nên do dân thực hiện tất cả. Thực tế công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cho thấy, điều tra cụ thể theo ý kiến nhân dân thì sáng tỏ nhiều vấn đề mà Đảng, chính quyền, các cơ quan pháp luật không nhìn thấu. Tai mắt nhân dân là thế. Để cho dân “mở miệng” ra như Bác dạy thì nhiều vấn đề sẽ sáng tỏ hơn.
Cuối cùng, dân vận là vận động lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào.
Quần chúng nhân dân có sức mạnh vô địch, tuy nhiên muốn nhân dân phát huy được sức mạnh đó thì họ cần phải đoàn kết lại. C. Mác đã từng kêu gọi “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Nhờ đoàn kết mà giai cấp công nhân đã giành được thắng lợi. Người khẳng định: Chúng ta hãy nhớ một nguyên tắc cơ bản của thế giới đó chính là sự đoàn kết.
V.I. Lênin đã luôn khẳng định và đánh giá cao việc động viên và phát huy mọi lực lượng của quần chúng nhân dân. Người cảnh báo: Những ai chỉ trông vào bàn tay của những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản là những kẻ có tư tưởng hết sức ngây thơ.
Quan điểm của Bác trong công tác vận động quần chúng là “không để sót một người dân nào” vì mỗi người dân, mỗi tầng lớp xã hội đều giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc cách mạng, người làm dân vận khéo là phải biết vận động tất cả quần chúng nhân dân cùng tham gia các phong trào cách mạng.
Công tác dân vận hiện nay
Công tác dân vận hiện nay được toàn hệ thống chính trị quan tâm, tích cực đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả. Đông đảo nhân dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nên hăng say thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Họ tích cực tham gia các đoàn thể chính trị, các hội, các phong trào… Phát huy dân chủ ở cơ sở càng tạo thêm cơ hội để nhân dân tham gia giải quyết những vấn đề tại khu dân cư, vừa đóng góp cho xã hội, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân, địa phương, quốc gia. Một số phong trào: vận động nhân dân hiến đất làm đường, mở đường ở các khu dân cư, vận động quần chúng tham gia đóng góp những quỹ từ thiện xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc… ở nhiều địa phương trong những năm qua là kết quả sinh động của công tác dân vận. Cùng với đó là những công trình chăm lo cho đời sống nhân dân như trường học, trạm y tế, cầu đường… ngày càng được nâng cấp, xây mới, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự vận động, thuyết phục của công tác dân vận.
Tuy nhiên, trong thực tiễn không ít tập thể, cá nhân làm công tác dân vận một cách hình thức, máy móc, áp đặt, lợi dụng chức, quyền được giao để sách nhiễu nhân dân, đã không vận động nhân dân tham gia mà còn làm khó, cản trở vai trò thực thi giám sát của nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng lại đi tuyên truyền, vận động nhân dân. Tình trạng phản cảm này dẫn tới sự suy giảm lòng tin của nhân dân vào công tác dân vận. Không ít trường hợp công tác dân vận được thực hiện bởi những người trách nhiệm thấp, thiếu kỹ năng, làm cho có chuyện, phát mà không động, áp đặt máy móc, không giải thích, ít lắng nghe nhân dân. Điều này thường thấy qua các buổi họp ở cơ sở. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, vì lợi ích cá nhân đã cố tình cản trở vai trò giám sát của nhân dân để rồi có những công trình làm ra chưa sử dụng đã lún nứt, những công trình tốn nhiều tiền đầu tư nhưng mới sử dụng đã hỏng… Ở không ít nơi cán bộ hiểu sai công tác dân vận, chỉ nghĩ đến việc huy động tiền của trong dân, khi vận động nhân dân lại tiến hành một cách “chọn lọc”. Họ chỉ tập trung vào một số người có khả năng trở thành những mạnh thường quân, bỏ qua những người nghèo nhưng họ lại sẵn sàng đóng góp theo khả năng của mình. Có tình trạng một số cán bộ dân vận có đạo đức tốt, vận động được đông đảo quần chúng tham gia các phong trào cách mạng, phản ánh được nhiều ý kiến từ phía nhân dân đóng góp cho Đảng, nhà nước thì bị quy kết “chống đối”, thậm chí bị trù dập… Đó là những vấn đề đang đặt ra, cần được tháo gỡ để công tác dân vận có hiệu quả hơn.
Quan điểm của Bác về công tác dân vận có ý nghĩa lý luận sâu sắc và thực tiễn thiết thực đối với mỗi người cán bộ làm công tác dân vận. Sự nghiệp dân vận là của cả hệ thống chính trị, của mỗi người, của toàn dân. Đó là công tác quan trọng có tính quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam nói chung và sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan nói riêng, không chỉ hôm qua trong hai cuộc kháng chiến, gần 30 năm đổi mới mà càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, cần xác định rằng, đó là công tác phức tạp, lâu dài, nối tiếp suốt tiến trình cách mạng. Vì thế, đòi hỏi tâm và tầm của Đảng, đảng viên, cán bộ nói chung, nhất là những người được phân công trực tiếp làm công tác tham mưu về dân vận cho Đảng ở các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị hiện nay./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.5, tr. 698
Báo chí và doanh nghiệp: Gắn bó, hợp tác và chia sẻ  (21/10/2014)
Báo chí và doanh nghiệp: Gắn bó, hợp tác và chia sẻ  (21/10/2014)
Triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển bền vững y tế biển đảo  (21/10/2014)
Triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển bền vững y tế biển đảo  (21/10/2014)
Gần 3.730 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội  (20/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên