Tiếp tục phát huy sức mạnh của hai phong trào hành động cách mạng
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu tổng quan tình hình thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2007 - 2012, xây dựng phương hướng, hệ thống giải pháp triển khai công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2012 - 2017 (Do Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiến hành), vấn đề này đã được khảo sát, điều tra và phân tích để đưa ra những đề xuất kịp thời.
Những kết quả chính của hai phong trào: "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”:
- Phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” là phong trào nhằm giúp đoàn viên, thanh niên xác định rõ vai trò xung kích của mình trong những nhiệm vụ cụ thể: Xung kích lao động sáng tạo và phát triển kinh tế, xã hội; Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Xung kích thực hiện cải cách hành chính; Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế cho thấy phong trào này đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh nội lực của tuổi trẻ, cụ thể là tinh thần tự nguyện cống hiến, tính tiền phong và tính sáng tạo trong mọi hoạt động vì lợi ích của cộng đồng và đất nước. Bằng những nội dung cụ thể của mình, phong trào đã tập hợp thanh niên, đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng tuổi trẻ, khích lệ họ chủ động, sáng tạo, gương mẫu tham gia vào việc giải quyết những vấn đề bức thiết của cộng đồng, xã hội và đất nước trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Từ những nội dung của phong trào “5 xung kích”, nhiều phong trào nhánh đã nảy nở và phát triển mạnh mẽ. Nhiều nội dung, giải pháp đã có bước phát triển vượt bậc, một số chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ đã được thực hiện ở mức đạt và vượt. Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam và tổ chức Đoàn tiếp tục được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
- Phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp ” khẳng định mục tiêu: Đoàn là người bạn của thanh niên. Muốn thể hiện vai trò là bạn, Đoàn cần phải hiểu thanh niên, nắm bắt được nhu cầu và lợi ích chính đáng của họ. Từ đó, Đoàn mới có thể ủng hộ thanh niên, sát cánh bên họ, giúp đỡ họ trên những bước đường của cuộc sống.
Phong trào này có 4 nội dung: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá tinh thần; Đồng hành với thanh niên trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội.
Thực tế những năm qua cho thấy phong trào này đã hỗ trợ, giúp đỡ được đông đảo thanh niên trong những lĩnh vực quan trọng như học tập, việc làm, sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội… Qua những việc làm thiết thực của phong trào này, Đoàn đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng thế hệ trẻ. Thanh niên đã hiểu rõ hơn về tổ chức Đoàn, tin tưởng hơn vào Đoàn và từ đó, họ đã thiết tha, gắn bó hơn với tổ chức của mình.
Những hạn chế, yếu kém của hai phong trào:
Điểm hạn chế rõ nét nhất trong thời gian qua là các nội dung của hai phong trào này chưa được triển khai đồng đều. Những nội dung nào phù hợp với thanh niên, có giải pháp rõ ràng thì dễ triển khai thực hiện, và vì vậy mà đã có hiệu quả tích cực, thể hiện rõ được vai trò của thanh niên và tổ chức Đoàn. Một số nội dung chưa phù hợp với đại bộ phận đoàn viên, thanh niên nên khó triển khai, vì thế mà vai trò của thanh niên và tổ chức đoàn chưa thể hiện được.
Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của thanh niên về mức độ hiệu quả của hai phong trào, có thể thấy rằng, trong các nội dung của phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” thì nội dung “xung kích thực hiện cải cách hành chính” và “xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế” chưa được đánh giá là đạt hiệu quả cao. Như vậy là hai nội dung này chưa đem lại hiệu quả thực sự tích cực và rõ nét. Về phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” thì hầu hết các nội dung đều được đa số thanh niên nhận xét là đem lại hiệu quả cao.
Một hạn chế nữa là việc xác định số lượng cụ thể cho các phong trào hành động (5 và 4) là chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở. Có những địa phương, do điều kiện đặc thù nên không thể triển khai đầy đủ cả 5 nội dung của “Xung kích” và cả 4 nội dung của “Đồng hành”. Ví dụ: Trong khối trường học, nội dung xung kích cải cách hành chính là chưa phù hợp. Trong khối thanh niên nông thôn thì nội dung xung kích hội nhập quốc tế trong thanh niên nông thôn… là rất khó triển khai. Có những địa phương thì một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế nhưng lại chưa được phát huy đúng mức.
Còn một số hạn chế khác như việc nắm bắt tình hình, kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả của các cơ sở Đoàn chưa được thực hiện tốt; những mô hình có sức hấp dẫn với thanh niên còn ít; việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về các phong trào còn chưa được chú trọng đúng mức.
Đề xuất
Trên cơ sở khảo sát, phân tích, đánh giá tổng quan, đề tài đã đưa ra một số dự báo về tình hình thanh niên trong giai đoạn mới và từ đó đề xuất một số điều chỉnh về nội dung và giải pháp thực hiện hai phong trào hành động này trong thời gian tới.
1. Có thể chỉnh sửa tên gọi hai phong trào sao cho linh hoạt hơn
Với sự ra đời của “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, phong trào thanh niên đã có bước phát triển mới về cả lý luận và thực tiễn, cả về chất và lượng. Những nội dung cơ bản của hai phong trào đều đã được cụ thể hóa và được thực hiện với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình, giải pháp hay. Tư tưởng, nội dung và những giải pháp thực hiện của hai phong trào vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Việc phân tích, đánh giá, so sánh hai phong trào này với các phong trào hành động trong những nhiệm kỳ trước cho phép chúng ta khẳng định: Để hai phong trào thực sự gắn bó keo sơn với thanh niên, được thanh niên hưởng ứng, được xã hội công nhận thì hai phong trào này cần phải được duy trì và tiếp tục phát triển trên nền tảng những điểm mạnh, những ưu thế của các phong trào trước đó. Mặt khác, để đáp ứng với những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và để phù hợp hơn với những điều kiện đặc thù của từng địa phương, có lẽ tên hai phong trào (5 và 4) cần được chỉnh sửa sao cho linh hoạt hơn, bớt “cứng nhắc” hơn. Có như thế thì các cơ sở Đoàn ở địa phương mới có thể vận dụng sáng tạo và phù hợp với thực tế.
2. Có thể đưa nội dung “xung kích thực hiện cải cách hành chính” và “xung kích trong hội nhập quốc tế” vào nội dung “xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”
Thực tế triển khai “5 xung kích” cho thấy nội dung “xung kích thực hiện cải cách hành chính” là chưa hiệu quả. Lý do là lực lượng thanh niên tham gia nội dung xung kích này không lớn; hoạt động cải cách hành chính là hoạt động có tính đặc thù, khó tạo ra phong trào; các quy định hành chính mặc dù còn nhiều bất cập nhưng có tính ổn định cao, để thay đổi một quy trình hành chính cần có một thời gian nhất định; nội dung “xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế” cũng chưa được triển khai hiệu quả do nội dung này chưa mang tính phổ quát trong đông đảo thanh niên. Xét từ góc độ khác thì nội hàm của hai nội dung này có nhiều mảng giao thoa với các nội dung khác của phong trào “5 xung kích”. Chính vì vậy mà khó có thể đưa ra hệ thống giải pháp thực sự cụ thể. Có thể, việc đưa hai nội dung này vào nội hàm của nội dung “xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” sẽ tạo điều kiện để phong trào tiếp tục phát huy được vai trò của mình. Nội dung “xung kích cải cách hành chính” và “xung kích hội nhập quốc tế” đều nhằm mục đích khơi dậy sức thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đưa 2 nội dung này vào nội dung "xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, trong đó coi cải cách hành chính là một trong những giải pháp thực hiện, sẽ tạo sự thuận lợi cho những cơ sở có điều kiện phù hợp để vận dụng triển khai.
3. Có thể bổ sung nội dung "Xung kích lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ"
Sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp con người thành công. Lao động sáng tạo là hoạt động quan trọng giúp thanh thiếu niên hoàn thiện nhân cách và phát triển bản thân. Không những vậy, hoạt động sáng tạo của thanh niên, nếu được phát huy đúng cách sẽ góp phần tạo động lực to lớn cho những đóng góp của họ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát huy thuộc tính sáng tạo của thanh niên sẽ là giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Lao động sáng tạo luôn luôn đi liền với khoa học công nghệ, bởi muốn sáng tạo, người thanh niên phải hiểu, biết ứng dụng và làm chủ được khoa học công nghệ. Khoa học, công nghệ vừa là sản phẩm, vừa là phương tiện giúp thanh niên sáng tạo. Đảng ta khẳng định khoa học công nghệ cùng với giáo dục là quốc sách, là ưu tiên hàng đầu.
Trong nhiều năm qua, các hoạt động sáng tạo của tuổi trẻ, phong trào "Sáng tạo trẻ” luôn đạt được những kết quả rất tích cực. Việc bổ sung nội dung "Xung kích lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ” vừa góp phần tạo động lực phát triển cho thanh niên, vừa thể hiện rõ nét vai trò của tuổi trẻ trong dựng xây đất nước và trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng.
4. Có thể bổ sung nội dung "Xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”
Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả to lớn cho môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của chính quyền các cấp mà còn của mọi người, trong đó có thanh niên. Quan điểm của Đảng ta về phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng nhấn mạnh "Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Thực tiễn phong trào trong nhiệm kỳ qua cho thấy, dưới sự tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương... đem lại nhiều kết quả tích cực, là một trong những hoạt động được triển khai rất có hiệu quả của tổ chức Đoàn.
Như vậy, nếu "Xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” được bổ sung vào nội dung của phong trào hành động trong thời gian tới thì tuổi trẻ cả nước sẽ khẳng định rõ rệt hơn vai trò của mình, tinh thần xung kích của mình trong lĩnh vực bức thiết này, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững, thể hiện vai trò của thanh niên Việt Nam trước những vấn đề mang tính toàn cầu./.
Eurozone nhất trí giải ngân cứu trợ khẩn cho Hy Lạp  (13/12/2012)
IAEA và Iran nối lại đàm phán chương trình hạt nhân  (13/12/2012)
Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị năm 2012  (13/12/2012)
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X gồm 151 người  (13/12/2012)
Thủ tướng Cộng hòa Haiti sắp đến thăm Việt Nam  (13/12/2012)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm