Một số kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ cơ sở ở Hà Nội: Thành công và những bài học rút ra
TCCS - Ngày 10-7-2020, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Ứng Hòa tổ chức tọa đàm khoa học: “Một số kinh nghiệm rút ra từ đại hội đảng bộ cơ sở ở Hà Nội”. Những bài học kinh nghiệm quý đa dạng, phong phú sau quá trình hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở của Hà Nội, nhất là của huyện Ứng Hòa, có giá trị tham khảo tốt đối với các đảng bộ trong toàn quốc.
Các đồng chí PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; TS. Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa chủ trì tọa đàm. Cùng dự tọa đàm còn có các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng Đảng, các đồng chí lãnh đạo đại diện các quận ủy, huyện ủy thuộc Thành ủy Hà Nội, bí thư đảng ủy các xã, thị trấn của Huyện ủy Ứng Hòa…
Tọa đàm đúc rút những thành công, hạn chế và một số bài học kinh nghiệm quý sau quá trình hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở, nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội, nhất là từ một địa phương cụ thể là huyện Ứng Hòa. Những bài học kinh nghiệm đa dạng, phong phú từ Huyện ủy Ứng Hòa có giá trị tham khảo tốt với các đảng bộ trong toàn quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí TS. Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đến ngày 30-6-2020, Đảng bộ Thành phố đã hoàn thành 100% đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 (2.311/2.311 tổ chức cơ sở đảng). Nhìn tổng thể, đại hội cấp xã, phường, thị trấn của Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt kết quả tốt toàn diện trên nhiều mặt. Đây là điểm nhấn rất đáng ghi nhận so với một số nhiệm kỳ trước, khi đại hội đảng bộ cấp cơ sở vẫn nảy sinh không ít vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, qua việc tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ này cũng cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, vấn đề đặt ra ảnh hưởng tới thành công của đại hội, như vấn đề tâm lý dòng họ, tính cục bộ địa phương ở nhiều nơi còn khá nặng nề; vấn đề chia tách, sáp nhập các thôn, xã trước đại hội gây nên những xáo trộn về địa giới, tổ chức, nhân sự; về chất lượng còn hạn chế, rập khuôn, chưa sát hợp với tình hình thực tiễn địa phương của một số báo cáo chính trị; những lúng túng và kết quả chưa như mong muốn của việc thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương ở cấp xã, phường, thị trấn; tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo còn khá phức tạp trước đại hội, nhất là việc lợi dụng các phương tiện truyền thống xã hội để tung tin thất thiệt tác động không nhỏ tới tư tưởng, tâm lý đại biểu, cũng như kết quả về công tác nhân sự… Nhiều vấn đề đặt ra trên đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng cũng có những vấn đề mới nảy sinh, đều cần được quan tâm làm rõ, giải quyết để giúp việc tổ chức đại hội cấp huyện và tương đương đang được tiến hành đạt kết quả tốt hơn.
Đồng chí TS. Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, Đảng bộ huyện Ứng Hòa có 54 tổ chức cơ sở đảng, 356 chi bộ trực thuộc, với tổng số 8.657 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ứng Hòa xác định phải chỉ đạo tốt đại hội đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở để tạo tiền đề tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, với phương châm: “Dưới có vững thì trên mới bền chắc”. Do đó, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch, nên việc tiến hành đại hội ở một số đảng bộ, chi bộ cơ sở có chậm lại, nhưng với sự chủ động và quyết tâm cao độ, đến ngày 29-5-2020, 54/54 đảng bộ, chi bộ trực thuộc huyện Ứng Hòa đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhìn chung, các đại bội đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở trên địa bàn huyện đã thành công, đạt được mục đích, yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và các văn bản hướng dẫn của các cấp. Trong đó, 25/29 đảng bộ xã, thị trấn tổ chức đại hội đại biểu, 4 đảng bộ xã tổ chức đại hội đảng viên. Công tác bầu cử cấp ủy đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Việc phân công sắp xếp nhân sự sau đại hội cũng được tiến hành nghiêm túc, khách quan, dân chủ…
Tọa đàm đã nghe một số ý kiến phát biểu của các bí thư đảng ủy xã: Sơn Công, Liên Bạt, Hoa Sơn, Viên An về những kinh nghiệm tổ chức đại hội cấp cơ sở, qua đó rút ra một số thành công nổi bật:
Một là, công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã của huyện Ứng Hòa đã được các cấp ủy chủ động triển khai, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Báo cáo chính trị và hệ thống văn kiện của đại hội được xây dựng nghiêm túc, qua nhiều bước lấy ý kiến, đã phát huy được tính dân chủ và trí tuệ tập thể của cấp ủy, đảng viên. Chất lượng văn bản cơ bản bảo đảm yêu cầu đại hội, nội dung ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng việc gắn với tình hình, đặc điểm của từng chi bộ, đảng bộ cơ sở.
Hai là, công tác tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội được quan tâm, với các nội dung cụ thể và bằng nhiều hình thức phong phú. Việc tuyên truyền Chỉ thị số 35-CT/TW, ý nghĩa, tầm quan trọng việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025… được tổ chức trên hệ thống loa truyền thanh, pa-nô, áp phích, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, tại các hội nghị của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở các thôn, xã trước, trong và sau đại hội, qua đó góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên. Cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình dư luận, lắng nghe tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời có những phương án giải quyết thấu tình, đạt lý, hợp lòng dân. Đặc biệt, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thực sự là trung tâm đoàn kết, truyền cảm hứng tới mỗi cán bộ, đảng viên trong từng chi bộ, đảng bộ qua hành động, lời nói, việc làm của mình.
Ba là, thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016, về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan thực hiện nghiêm, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm khách quan, chính xác, có chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đồng chí cấp ủy viên cấp xã đều xuống sinh hoạt đảng với các chi bộ thôn, sâu sát hơn với cơ sở, với thực tiễn. Từ đó, giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp lợi dụng việc khiếu kiện, tố cáo gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để phát sinh những “điểm nóng”, tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng của đảng viên, nhân dân trước đại hội.
Bốn là, quy trình nhân sự cấp ủy 5 bước theo quy định của Trung ương chặt chẽ, rõ ràng, giúp công tác nhân sự được các cấp ủy chuẩn bị chu đáo, tiến hành đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình. Các cấp ủy viên trúng cử theo đề án, danh sách đề cử do cấp ủy khóa trước chuẩn bị đạt tỷ lệ cao.
Năm là, thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, của huyện Ứng Hòa góp phần củng cố và tạo niềm tin của cử tri và nhân dân vào sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền thành phố, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp. Việc các cấp lãnh đạo của thành phố, huyện chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhận được sự đánh giá cao của người dân, góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ cấp cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, tại tọa đàm, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục:
Thứ nhất, ở một số đại hội đảng bộ cơ sở, chất lượng chuẩn bị báo cáo chính trị trình đại hội còn chưa thật sự tốt, còn chung chung và chưa gắn sát với tình hình cụ thể của địa phương, chưa đưa ra được những giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, thiếu những giải pháp mang tính đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đơn vị mình. Phần trình bày báo cáo chính trị tóm tắt tại đại hội chưa toát lên được những nội dung cơ bản, quan trọng. Báo cáo kiểm điểm ở một số đại hội còn có những nội dung trùng lắp với báo cáo chính trị, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chưa đi sâu phân tích làm rõ ưu, nhược điểm trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy và chức trách, nhiệm vụ của mỗi cấp ủy viên.
Thứ hai, thời gian dành cho phần thảo luận và số lượng ý kiến thảo luận tại đại hội có nơi còn chưa nhiều. Số lượng ý kiến tham gia làm rõ những hạn chế và nguyên nhân còn ít, chưa có ý kiến phân tích về những hạn chế, khuyết điểm của cấp ủy. Một số ít tham luận trong đại hội còn mang nặng tính minh họa, xuôi chiều, thiếu việc tham gia đóng góp ý kiến phản biện hoặc đề xuất những giải pháp cụ thể, sáng kiến khả thi.
Thứ ba, quy trình 5 bước chặt chẽ giúp chất lượng công tác chuẩn bị danh sách nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới của cấp ủy khóa trước được nâng lên, song mặt khác cũng phần nào khiến việc ứng cử, đề cử tại đại hội có phần hạn chế; những trường hợp được đề cử tại đại hội thường không trúng cử cấp ủy.
Thứ tư, vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong chuẩn bị đại hội tại một số nơi chưa thể hiện rõ; công tác dự báo tình hình, nắm bắt dư luận, xử lý các xung đột phát sinh, các vấn đề tồn tại ở địa phương… chưa chủ động, rốt ráo, hiệu quả.
Thứ năm, những vấn đề liên quan tới yếu tố cục bộ địa phương, dòng tộc; đơn thư khiếu nại, tố cáo, thông tin thất thiệt; luân chuyển cán bộ còn hạn chế… vẫn tồn tại, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội.
Kết luận tọa đàm, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở có những khó khăn riêng và đặc thù. Do đó, việc tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở của huyện Ứng Hòa và các quận, huyện khác của Hà Nội là kết quả hết sức đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp của Hà Nội, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Sự thành công đó phản ánh các cấp ủy có quá trình chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện cho đại hội, từ xây dựng báo cáo chính trị, phương án nhân sự, đến giải quyết những vấn đề tồn đọng mà nếu không làm tốt có thể dẫn tới những “điểm nóng”… Từ thực tiễn của Hà Nội đã khẳng định các văn bản chỉ đạo đại hội của Trung ương, của Thành ủy Hà Nội là đúng đắn, kịp thời, sát tình hình thực tiễn. Từ đây cũng gợi mở nhiều vấn đề cho việc tổ chức đại hội cấp quận, huyện và thành phố, nhất là những vấn đề về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, vấn đề nhân sự, việc tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Việc Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học tại huyện Ứng Hòa - vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân của đất nước - thể hiện tinh thần hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở, học hỏi cơ sở, gắn lý luận với thực tiễn. Đây là một cách làm mới, thành công và rất đáng nhân rộng.
Ứng Hòa là huyện phía nam của thành phố Hà Nội, mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân của đất nước. Nơi đây không chỉ có 20 vị tiến sĩ được lưu danh ở bia Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Huế, mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Ứng Hòa còn được biết đến là vùng quê giàu truyền thống anh hùng cách mạng, với những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như: Trầm Lộng - an toàn khu của Xứ uỷ Bắc kỳ thời kỳ tiền khởi nghĩa và là căn cứ kháng chiến trong Khu Cháy kiên cường của tỉnh Hà Đông thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Hòa Xã - quê hương của phong trào chiếc gậy Trường Sơn ra đời trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ…
Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ứng Hòa đã đồng lòng vượt khó đi lên, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế của huyện vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra và nhiều chỉ số phát triển tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.042 tỷ đồng, bằng 48,73% kế hoạch năm (tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị sản xuất thực tế đạt 7.922 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương đạt kết quả khá, 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 194 tỷ đồng, bằng 57% Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện giao, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 1,01%, đến 6 tháng đầu năm 2020, số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm 96/250 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,85%... Ứng Hòa đang tự tin bước vào Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Một số kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ cơ sở ở Hà Nội: Thành công và những bài học rút ra  (13/07/2020)
Đảng bộ Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (12/07/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm