Hà Nội phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
TCCS - Hướng đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Điểm sáng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống... Trong Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội; trong đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân; phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.
Tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố Hà Nội còn khoảng 0,2% hộ nghèo và 1,56% hộ cận nghèo; có 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới); đã giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người; hỗ trợ những người gặp khó khăn bằng tiền mặt; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch; miễn, giảm học phí,… với tổng ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của thành phố lên đến 10.640,4 tỷ đồng và riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 6.527,9 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến trung tuần tháng 9-2022, thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng, với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được quan tâm, triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm, 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh(1) tại các quận, huyện...; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng nhanh và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội… Ngoài ra, thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân, để giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, các cấp, ngành cần chú trọng đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Song song với đó là đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số..., tạo điểm tựa an sinh vững chắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
Bảo hiểm thành phố Hà Nội Hà Nội đã chi trả cho trên 1,680 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 4.000 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP “Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Đối với sách đặc thù cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay, các địa phương đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND; rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho trên 297.000 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là hơn 316 tỷ đồng, đã tổ chức chi trả cho trên 296.000 đối tượng với kinh phí gần 315 tỷ đồng.
Từ năm 2022, một số trường hợp đặc biệt còn được hỗ trợ theo chính sách đặc thù để có mức sống trên mức chuẩn nghèo. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ nhận mức hỗ trợ hằng tháng là 440.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo...
Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU, các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng các đề án, kế hoạch, cụ thể. Kết quả: Về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số (kế hoạch Chương trình 08-CTr/TU năm 2022 là 92,5%). Trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành phố Hà Nội duy trì hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 với số mắc liên tục giảm từ giữa tháng 3-2022. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Các bệnh viện tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, bố trí khoa khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, như ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; nợ bảo hiểm xã hội tồn đọng, kéo dài; tình hình sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện việc trích nộp hằng tháng theo quy định...; một số văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn chậm được ban hành; nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội dù được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Xác định con người là trung tâm của quá trình phát triển
Thực hiện được an sinh xã hội là thực hiện được tiền đề của ổn định, phát triển. Vì vậy, quá trình cải cách hệ thống an sinh xã hội cần tiếp tục lấy con người làm trung tâm, bảo đảm các chính sách xã hội được xây dựng, triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Do đó, thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện một số công việc sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; rà soát, xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 207/KH-UBND, ngày 8-9-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, bảo đảm hoàn thành. Gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình này với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, địa phương.
Hai là, ban hành các chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.
Ba là, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển bền vững.
Bốn là, tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.
Năm là, chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển hệ thống an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.
Sáu là, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bảy là, phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Biểu dương các hộ gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Đồng thời chung tay thực hiện thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có cơ hội thay đổi và có cuộc sống tốt hơn./.
----------------------
(1) Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) có 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các huyện, bao gồm: Đông Anh, Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng và Thạch Thất; 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, gồm: Long Biên, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Ứng Hòa và Thường Tín
Quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô - cốt lõi của nhiệm vụ phát triển y tế Thủ đô hiện đại, đồng bộ trong giai đoạn mới  (25/10/2022)
Một số giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới  (25/10/2022)
Thành phố Hà Nội thực hiện quản lý phát triển xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người toàn diện  (24/10/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên