Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-5 đến ngày 02-6-2019
Thủ tướng chứng kiến ký kết hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử
Chiều 30-5, tại Trụ sở Chính phủ, đã diễn ra ký kết văn Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Cơ quan phát triển Pháp. Dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.
Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp trong việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ quá trình số hóa chính phủ, hiện đại hóa hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Bản ghi nhớ này là sự tiếp nối Bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế và Tài chính nước Cộng hòa Pháp.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về chính phủ điện tử, nên có nhiều kinh nghiệm tốt có thể chia sẻ cho Việt Nam, nhất là khi hiện nay Chính phủ Việt Nam đang xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử là chiến lược quan trọng để phục vụ nhân dân. Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng các cơ quan chức năng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các vấn đề cần thiết để triển khai thỏa thuận này hiệu quả.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam và Pháp đã có sự hợp tác sôi động và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng chính phủ điện tử. Ông cho rằng, xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ rất quan trọng của các chính phủ để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành cũng như phục vụ người dân. Vấn đề quan trọng trong quá trình này là phải đưa ra các dịch vụ hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng và thuận tiện, an toàn, bảo mật cao. Thời gian qua, Pháp cũng đã cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: hỗ trợ Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trọng tâm là xây dựng các chỉ số chủ yếu về theo dõi và đánh giá kết quả; xây dựng giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền và bảo vệ dữ liệu; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia ; xây dựng giải pháp xác thực định danh cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài những hướng hợp tác ưu tiên vừa nêu, về lâu dài, quan hệ đối tác giữa các bên có thể hợp tác về các chủ đề có cùng quan tâm như: Hỗ trợ thay đổi, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (IT) và an toàn thông tin mạng; Chính phủ số và dữ liệu mở; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia…
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành về nợ đọng đề án, nhiệm vụ
Ngày 30-5, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, 38/123 đề án (chiếm 30,8%) còn nợ đọng thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, qua rà soát của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan tham gia buổi làm việc còn nợ đọng 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đã giải trình, báo cáo cụ thể tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện từng nhiệm vụ, nêu giải pháp khắc phục và cam kết thời gian cụ thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trước 13 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác đề nghị Bộ cần rất quan tâm các nhiệm vụ liên quan tới thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nhiều công việc đang phải dừng lại do nhiều quy hoạch không điều chỉnh, bổ sung được vì chưa có hướng dẫn chi tiết, ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bộ cần theo dõi sát các diễn biến mới về thương mại toàn cầu để đề xuất giải pháp phù hợp.
Bộ Tài chính hiện còn 20 nhiệm vụ nợ đọng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng rất quan tâm tới vấn đề thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và chính sách thuế khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cụ thể là dự thảo Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP.
Đáng chú ý, trong số 13 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ Công an, hai dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng hiện đã gửi Văn phòng Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, do các văn bản này liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải đánh giá tác động thật kỹ, lắng nghe các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài, nên việc ban hành chậm hơn dự kiến trước kia.
Một cơ quan khác cũng còn nhiều nhiệm vụ nợ đọng là Thanh tra Chính phủ với 12 nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo cơ quan này cam kết sẽ sớm trình dự thảo Nghị định kiểm soát tài sản thu nhập và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tổ công tác đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lưu ý việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô, cần đánh giá kỹ, tinh thần là nếu không tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới thì đất nước sẽ lạc hậu. Đồng thời, việc thu phí điện tử không dừng là rất quan trọng, rất cần sự minh bạch của các doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước.
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề nghị các Bộ đôn đốc, hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế; đồng thời trả lời nhanh trong phối hợp công tác giữa các cơ quan để không có nhiệm vụ nào không hoàn thành.
Chính phủ sẽ quy định tổng số cấp phó của các sở, ngành, địa phương tùy tình hình để sắp xếp hợp lý
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này quy định giao Chính phủ quy định khung các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban). Nếu như trước đây, quy định cứng một sở không quá 3 phó giám đốc, tới đây, Chính phủ sẽ quy định tổng số cấp phó của các sở, ngành của một tỉnh, địa phương sẽ tùy tình hình để sắp xếp hợp lý. Theo đó, có sở có thể có 4, 5 phó giám đốc, nhưng có sở chỉ có 1 hoặc 2 phó giám đốc, miễn sao tổng số cấp phó các sở ngành không vượt quá con số Chính phủ quy định.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, một số sở, ngành quy định cứng, tổ chức thống nhất trong cả nước là Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra, Nội vụ, Văn phòng Ủy ban. Các sở khác có thể sáp nhập, hợp nhất với những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ sẽ định hướng khung, không để từng tỉnh muốn nhập như thế nào thì nhập.
Trước đó, tại buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết, dự thảo nghị định đưa ra hướng các sở được tổ chức thống nhất (cứng) gồm có 9 sở (dự thảo ban đầu chỉ giữ cứng 4 sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế). Những sở ngành có thể sáp nhập, hợp nhất gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng… Đối với các sở này, riêng 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách và những tỉnh có diện tích trên 10.000 km2 và có dân số trên 2 triệu dân, địa phương có thể quyết định nhập hay không nhập. Đối với 4 sở có thể hợp nhất: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, địa phương tùy vào đặc thù để sắp xếp hợp lý.
Mặc dù nghị định sửa đổi chưa được ban hành, song, ngay sau khi có Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều địa phương đã sớm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sáp nhập sở ngành, phòng ban). Việc sáp nhập, sắp xếp này còn chưa có sự thống nhất, tạo ra nhiều điểm "nghẽn" và gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, chờ Chính phủ ban hành Nghị định.
Vĩnh Phúc triển khai thí điểm ký số, phát hành văn bản điện tử
Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm việc gửi, nhận các văn bản có sử dụng chữ ký số trên Trục liên thông Quốc gia (trừ văn bản mật) trong hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn.
Đối với văn bản của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh gửi Tỉnh ủy; HĐND tỉnh thực hiện gửi song song văn bản điện tử và văn bản giấy. Đối với văn bản của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh chỉ gửi văn bản điện tử.
Các loại văn bản áp dụng gồm: Văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định của UBND tỉnh) và văn bản hành chính (Chỉ thị, Quy chế, Quy định, Thông báo, …).
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc tăng cường nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… giải quyết công việc thông qua mạng Internet. Đây là những nội dung quan trọng trong cải cách hành chính của tỉnh.
Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu cơ bản trong cải cách hành chính là đẩy mạnh cải cách theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Đến nay, 100% các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc, tất cả huyện, thành phố trong tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng thông qua đường truyền tốc độ cao; tỉ lệ cán bộ chuyên môn cơ quan Đảng cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt gần 100%...
Nỗ lực cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai ở Bình Thuận
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận Hồ Lâm cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượt người đến phòng tiếp công dân của Sở là 58 lượt/ 82 người, trong đó lãnh đạo Sở tiếp 7 lượt/10 người. Hầu hết nội dung công dân thắc mắc các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án: Khu dân cư Hùng Vương 2, Sông Dinh 3, đường Lê Duẩn...Các vấn đề thắc mắc, phản ánh của công dân đều được giải thích cụ thể và hướng dẫn gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Trong các cuộc họp giao ban hàng, tháng, quý, Sở đã thường xuyên nhắc nhở các phòng, đơn vị tổ chức kiểm tra và chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 27-CT/TU; kiểm tra đột xuất đối với các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, qua đó chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường đã công khai đầy đủ các thủ tục hành chính và tất cả các loại phí, lệ phí tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ thực hiện thủ tục hành chính. Quá trình giải quyết hồ sơ thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 73/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, không đặt thêm các thủ tục khác ngoài quy định. Các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc đã tiến hành rà soát và sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với quy định về tài chính theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành Công văn số 685 và thường xuyên có văn bản, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, giờ giấc làm việc. Công văn số 4823 triển khai Quy chế làm việc của UBND tỉnh gắn với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-5 đến 02-6-2019)  (03/06/2019)
Dầu khí - Những điều trăn trở  (03/06/2019)
Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành dầu khí  (03/06/2019)
Sơ kết và trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng của Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương.  (03/06/2019)
Cống hiến trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc  (02/06/2019)
Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước  (02/06/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam