Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-02 đến ngày 05-3-2017
Nghị quyết về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017
Ngày 06-02-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Phát triển mạnh công nghệ thông tin làm cơ sở triển khai Chính phủ điện tử
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế cũng như tăng cường nhận thức, các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin; đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước,... là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thông tin truyền thông nỗ lực thực hiện trong thời gian tới.
Trong thời gian tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngay trong năm 2017, Bộ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Bộ sẽ có những giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 về Chính phủ điện tử; tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực phát triển đất nước.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử. Để có thể giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Với nhu cầu cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này.
Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những biện pháp để thúc đẩy việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ chứng thực điện tử trong xã hội, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó làm cơ sở để có thể triển khai các giao dịch điện tử trong quản lý nhà nước như Chính phủ điện tử, Hải quan điện tử, hay trong các dịch vụ phục vụ cho toàn thể xã hội trong cung cấp dịch vụ y tế, đào tạo, tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử...
Hà Nội cải cách nền hành chính công vì nhân dân phục vụ
Điểm nhấn của công cuộc đổi mới và phát triển Thủ đô là bức tranh kinh tế - đô thị khởi sắc, văn minh, sạch đẹp. Một chính quyền năng động, kỷ cương, trách nhiệm gắn với nền hành chính công hiện đại hết lòng vì người dân phục vụ với sức lan tỏa sâu rộng từ Đảng bộ, chính quyền thành phố cho đến phường xã. Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cán bộ, công chức và cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên toàn địa bàn Thủ đô. Chỉ thị yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ trật tự và thứ bậc hành chính, đúng thẩm quyền; thực hiện đúng, đủ chức trách và nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Sức lan tỏa của Chỉ thị không những ở Văn phòng UBND thành phố Hà Nội mà còn ở các sở, ban, ngành khác trực thuộc UBND thành phố, thậm chí ở xã, phường cũng đã có sự đổi mới, hết lòng vì người dân phục vụ. Tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, 8 cửa tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa đều có cán bộ trực đầy đủ, niềm nở tiếp đón, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Các cán bộ không ngơi tay nhập dữ liệu vào máy tính. Người dân và doanh nghiệp hối hả kê khai thủ tục thông qua máy tính nội bộ để giải quyết công việc mình cần, mỗi người chỉ mất chừng 5 phút là hoàn thành thủ tục.
Hiện UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: http://egov.hanoi.gov.vn và tổ chức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã/phường/thị trấn trên địa bàn Thủ đô. Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn thành phố (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn) tính đến cuối năm 2016 đạt trên 70%. Trong năm 2017, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ngay trong tháng 2 các quận, huyện, thị xã đã và đang hoàn thành việc xử lý văn bản qua hệ thống mạng và đến 01-4-2017, Hà Nội sẽ phấn đấu chấm dứt việc sử dụng văn bản giấy, giấy mời đối với tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị. Trước đó, Hà Nội đã trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh cho giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sử dụng, để điều hành công việc trên mạng. Với việc trang bị thiết bị công nghệ thông minh, Hà Nội hi vọng sẽ tăng cường công tác áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp được nhanh hơn, cũng như giảm chi phí cho việc in, sao tài liệu, tiết kiệm ngân sách.
Năm 2017, Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính của sở, ban, ngành; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tuyến mức độ 3,4. 100% các đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối dịch vụ công thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức 3,4. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh đạt trên 60%; các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực khác đạt tối thiểu 30% được thực hiện qua mạng; đồng thời duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai số hóa; xây dựng và duy trì 4 cơ sở dữ liệu quan trọng là đất đai, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cán bộ công chức, tư pháp - hộ tịch…
Cần Thơ tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thành phố Cần Thơ vừa triển khai Chương trình số 02 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Quyết định số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, thành phố Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2017 và những năm tiếp theo, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực của nền kinh tế, trong đó thành phố đặt trọng tâm vào các nội dung cải thiện cả về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đưa thành phố trở thành một trong những địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước về chỉ số thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, sự tinh tế của thị trường và tinh tế trong kinh doanh. Thành phố cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu để Cần Thơ được đánh giá là "Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt"...
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, UBND thành phố Cần Thơ đã tiến hành phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cho từng đơn vị của mình, tổ chức tuyên truyền, quán triệt phổ biến rộng rãi trong toàn thể cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ và thống nhất thực hiện Chương trình. Các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tập trung thực hiện cơ chế một cửa liên thông và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát...
Đà Nẵng xây dựng lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020
Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có gần 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đây là mục tiêu Đà Nẵng đặt ra trong quá trình triển khai lộ trình dịch vụ công trực tuyến tại thành phố giai đoạn 2017- 2020.
Theo đó, trong năm 2017 thành phố triển khai cung cấp thêm khoảng 40 dịch vụ công mới; triển khai khoảng 215 dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn 2018-2020 thuộc các lĩnh vực Đăng ký kinh doanh và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Du lịch, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội và thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện. Đồng thời, thành phố triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến để phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc phải tích hợp trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn để kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công trục tuyến của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương khi có yêu cầu. Để nâng cao hiệu quả triển khai, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND thành phố yêu cầu hằng năm, rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ hài lòng về dịch vụ công đã được triển khai, tổng kết những khó khăn vướng mắc, bất cập đang tồn tại, giám sát thường xuyên hoạt động của dịch vụ công trực tuyến, kịp thời hiệu chỉnh và cập nhật nếu thủ tục có thay đổi. Cùng với đó rà soát, tinh giản hồ sơ đầu vào của các thủ tục hành chính trong Bộ thủ tục hành chính của thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tin học hóa và nộp hồ sơ qua môi trường mạng của tổ chức, công dân. UBND thành phố đề nghị các cơ quan khi xử lý thủ tục hành chính thì ưu tiên nhận hồ sơ trực tuyến thay vì nhận hồ sơ giấy như truyền thống; bố trí nhân lực tại tổ một cửa để hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký trực tuyến khi dịch vụ mới đưa vào hoạt động.
UBND thành phố cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn chi tiết đối với việc lưu trữ hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy trong quá trình xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân và có cơ chế công chứng điện tử (nhận bản giấy và công chứng thành bản điện tử hoặc nhận bản điện tử và công chứng thành bản giấy để chuyển đổi tính pháp lý giữa bản giấy và bản điện tử).
Phú Yên phấn đấu thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà vừa ban hành kế hoạch tinh giản biên chế công chức, viên chức năm 2017 với mục tiêu tinh giản tối thiểu 480 biên chế. Theo đó, năm 2017, tỉnh Phú Yên tinh giản tối thiểu 42 biên chế công chức và 438 biên chế viên chức, như vậy tổng biên chế công chức, viên chức trong toàn tỉnh giảm xuống còn 21.301 người, trong đó biên chế công chức có 2.088 người. Trong tổng số biên chế tinh giản có 318 biên chế đang làm việc ở các huyện, thị xã, thành phố.
Phú Yên đề ra mục tiêu đến 2021 đạt tỷ lệ tinh giản tối thiểu là 10% biên chế được giao so với năm 2015. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tinh giản biên chế. Theo đó, từ nay đến năm 2021, mỗi năm cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tinh giản từ 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao tính từ năm 2015.
Riêng những cơ quan, đơn vị, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Trong trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì cơ quan, đơn vị, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao... Việc tinh giản nhân sự nói trên được thực hiện theo đúng Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-02 đến 05-3-2017)  (06/03/2017)
Khởi động “Giờ trái đất 2017"  (05/03/2017)
Gặp mặt các nữ Đại sứ, Trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam  (05/03/2017)
Nhật hoàng và Hoàng hậu kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (05/03/2017)
Hàng nghìn nữ sinh TP. Hồ Chí Minh đồng diễn áo dài “Tôi yêu Việt Nam”  (05/03/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên