Bạc Liêu 20 năm: Xây dựng Đảng, chính quyền

Việt Sử
22:17, ngày 24-02-2017

TCCSĐT - 20 năm trôi qua, kể từ khi Bạc Liêu được tái lập (1997), Tỉnh ủy lãnh đạo tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nên diện mạo mới cho Bạc Liêu, song vẫn rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở.

Tập trung đào tạo cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

Nhìn về quá khứ trong bối cảnh của 20 năm về trước, khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Minh Hải (cũ), gần như nguồn nhân lực từ con người cho công việc cụ thể ở một đơn vị hay ở tổ chức cơ sở đảng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vào thời điểm đó, toàn tỉnh có 6.800 đảng viên, sinh hoạt tại 542 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh có 27 đồng chí. Lượng cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật điều từ tỉnh Minh Hải về không đủ đáp ứng các yêu cầu công tác. Đội ngũ cán bộ trong tỉnh thiếu rất nhiều nên phải điều chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh mới. Trước bối cảnh khó khăn này, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã thực hiện những nhiệm vụ chiến lược trong khâu tổ chức cán bộ, đó là “sàng lọc” đội ngũ cán bộ từ các tổ chức cơ sở đảng kinh qua những kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành tại cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận lẫn chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt quan tâm nhiều đến đào tạo sau đại học và học ở nước ngoài. Công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh theo đúng quy trình, chuyên môn, phù hợp với sở trường, năng lực công tác của cán bộ. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách cẩn trọng góp phần bảo vệ Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức… Từ đó đã nâng cao chất lượng công tác bố trí, sử dụng cán bộ, kết nạp đảng viên.

Bên cạnh những chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì các chính sách khác như thu hút nhân tài, chăm sóc sức khỏe cán bộ, công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh được đồng bộ thực hiện một cách hiệu quả. Những động thái trên đã góp phần nâng dần chất lượng đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05-6-2012 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt của tỉnh giai đoạn 2010-2015; đồng thời xây dựng quy hoạch giai đoạn 2015-2020. Công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện rất chặt chẽ từ khâu rà soát phát hiện; đánh giá, nhận xét; tuyển chọn, giới thiệu lấy ý kiến từ dưới lên thông qua nhiều vòng được thực hiện “bằng phiếu kín” theo đa số quá bán. Đây là điểm nổi bật trong công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành mà tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ thị của Trung ương.

Một điểm nhấn trong công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh là bên cạnh việc tuyển chọn theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực sở trường của từng cán bộ để đưa vào nguồn quy hoạch tỉnh cũng mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Với phương châm quy hoạch “động” và “mở”, trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã đưa ra khỏi quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ cấp ủy và cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành 166 đồng chí, đồng thời đã bổ sung 263 đồng chí vào quy hoạch các chức danh nói trên. Về “mở” có 39 cán bộ của các cơ quan, đơn vị này được quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị khác. Theo đó, một chức danh quy hoạch nhiều người, một người quy hoạch nhiều chức danh, nhờ vậy đã khắc phục được cơ bản tình trạng khép kín trong quy hoạch cán bộ tại địa phương. Đặc biệt, cán bộ được quy hoạch của tỉnh hiện nay đa số là tuổi đời còn rất trẻ có thể đảm đương được nhiệm vụ ở nhiều nhiệm kỳ tới, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cao hơn nhiệm kỳ trước.

Sau 20 năm xây dựng, phát triển, đội ngũ đảng viên, cán bộ quản lý của tỉnh được trưởng thành, tăng cả lượng với chất: Toàn Đảng bộ có hơn 23.700 đảng viên và 342 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 161 đảng bộ cơ sở và 181 chi bộ cơ sở); 1.536 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn và đảng bộ ngành. Trong giai đoạn 2011-2015 có 164 tổ chức đảng đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” (đạt 47,95%), gần 2.600 đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Không chỉ đội ngũ cán bộ trẻ được rèn luyện trưởng thành từ thực tiễn, mà còn có một thế hệ kế thừa không nhỏ là con em nông dân, công nhân, gia đình chính sách, gia đình nghèo từ khắp các vùng quê nông thôn Bạc Liêu, Cà Mau được trọng dụng, cất nhắc giữ vị trí cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Cán bộ phải vì dân mà phục vụ

Với Bạc Liêu, khi quy hoạch cán bộ bên cạnh đạt chuẩn về các tiêu chí còn có thêm chuẩn về vai trò của cán bộ đảng viên tại các tổ chức cơ sở đảng, mức độ tín nhiệm của nhân dân, biểu thị bằng việc làm cụ thể trong quá trình lãnh đạo, điều hành công việc tại lĩnh vực mà bản thân người cán bộ đảm trách. Theo đó, người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng phải năng động, sáng tạo, nói phải đi đôi với làm, bằng hành động cụ thể thiết thực trước sự giám sát của cán bộ đảng viên trong tổ chức. Chẳng hạn, ở một địa phương xảy ra tranh chấp dẫn đến những vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội mà cấp ủy, chính quyền buông lỏng dẫn đến hệ quả xấu thì trách nhiệm đó thuộc về người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng. Để cán bộ chủ chốt bám sát địa bàn, gần dân, Tỉnh ủy chủ trương mỗi tháng cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành đều có mặt tại các địa phương nơi địa bàn quản lý để xử lý những vấn đề bức xúc của người dân.

Bài học từ việc xử lý nghiêm minh trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long do chính quyền địa phương chạy theo thành tích dẫn đến hậu quả nợ nần chồng chất là một điển hình trong công tác củng cố tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương do thiếu cơ chế giám sát của dân, các ngành, các cấp. Tỉnh ủy Bạc Liêu đã mạnh dạn tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ lãnh đạo huyện do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong quá trình thực hiện chủ trương.

Từ thực tiễn của địa phương khi định hướng phát triển kinh tế Bạc Liêu dựa trên lợi ích sinh kế của cộng đồng, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì không có lợi cho dân thì tránh. Vì vậy, tỉnh đã mạnh dạn xin rút dự án đầu tư nhiệt điện than Cái Cùng - đây là lời giải cho bài toán giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than để bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản. Quyết định trên mang tính đột phá, thể hiện sự chủ động của tỉnh trong việc lựa chọn mô hình phát triển sạch, bền vững theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và phát huy lợi thế của địa phương và đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tới môi trường, sức khỏe, sinh kế của cộng đồng, điều mà người dân nơi nào cũng kỳ vọng.

Những minh chứng điển hình trên cho thấy, trong công tác xây dựng Đảng khi thực hiện chọn lựa cán bộ lãnh đạo, điều hành phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược từ chủ trương đến thực tiễn, phải cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực thì người cán bộ, đảng viên mới thật sự là công bộc của dân, do dân và vì dân.

Còn đó những hạn chế

Sau 20 năm, nhìn lại công tác xây dựng Đảng, chính quyền của tỉnh Bạc Liêu tuy đạt những thành tựu đáng khích lệ, song cũng còn những hạn chế nhất định. Đó là:

Thứ nhất, việc triển khai công tác xây dựng quy hoạch cán bộ còn chậm so với quy định. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức để đưa vào quy hoạch còn đơn giản, thiếu chính xác; quy hoạch cán bộ có số dư cao nhưng chất lượng quy hoạch một số chức danh còn thấp, quy hoạch cán bộ vẫn còn mang tính chắp vá. Một chức danh quy hoạch nhiều người vượt mức quy định và vẫn còn tình trạng đưa vào quy hoạch đối với cán bộ có chức danh tương đương.

Thứ hai, việc tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa được các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện thường xuyên theo quy định; công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng, đạt kế hoạch đề ra; chưa thực hiện tốt công tác bố trí cán bộ quy hoạch vào các chức danh theo lộ trình quy hoạch, một số chức danh bổ nhiệm, đề bạt chưa đúng theo quy hoạch. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa thật sự chú trọng công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ có nghi vấn về lịch sử chính trị.

Thứ ba, số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi chức danh cán bộ chủ chốt, các phòng, ban và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, số dư ban chấp hành đảng ủy cấp xã vẫn còn cao, khó thực hiện; Chưa có cơ chế tăng thêm các chức danh cấp phó (phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và huyện) để thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo quy định.

Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới

Với quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cổ vũ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, chung lòng hoàn thành thắng lợi mục tiêu huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ, trong đó chú trọng “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền Bạc Liêu triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thống nhất nhận thức về mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc và phương châm của công tác quy hoạch cán bộ. Phải xem công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ, từ đó chủ động có tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong công tác cán bộ; đưa công tác quy hoạch cán bộ ngày càng trở nên nền nếp, chất lượng hơn trong tất cả các ngành, các cấp. Nhanh chóng tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025 đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từ tỉnh đến cơ sở và trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 42 và Kết luận số 24 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 15 của Ban Tổ chức Trung ương và phải hoàn thành, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Hai là, hằng năm đánh giá, phân loại cán bộ và tiến hành rà soát quy hoạch cán bộ, bổ sung các nhân tố mới vào quy hoạch cũng như kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình rà soát, cần chú ý đến thời hạn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của từng chức danh cán bộ trong đối tượng quy hoạch; quan tâm quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ các chức danh quy hoạch, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các ngành cấp tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ đã được quy hoạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới.

Ba là, trên cơ sở quy hoạch, đánh giá cán bộ cần đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, giữa các đơn vị trong ngành và giữa các địa phương để đào tạo, rèn luyện toàn diện cán bộ trong thực tiễn, tạo điều kiện cho cán bộ dự nguồn tích lũy kinh nghiệm ở các vị trí công tác khác nhau.

Bốn là, căn cứ các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị về phẩm chất, trình độ, năng lực, chuyên môn, sở trường của cán bộ để tiến hành bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, nhằm đủ điều kiện để bố trí đề bạt theo quy hoạch phù hợp. Mạnh dạn điều chỉnh, sắp xếp một số cán bộ chủ chốt phẩm chất, năng lực hạn chế, những cán bộ giữ vị trí quá lâu để có điều kiện bổ sung, tạo nguồn cán bộ dự bị.

Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào hiện trạng các tổ chức cơ sở đảng tại các địa phương, đơn vị, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã và đang thực hiện, hai vấn đề quan trọng đó là: “Quy hoạch cán bộ” và “Sửa đổi lề lối làm việc”, đồng thời ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác quy hoạch cán bộ, nhất là khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, đào tạo, luân chuyển theo kế hoạch đã đề ra, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ theo lộ trình quy hoạch để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp bảo đảm tính công khai, dân chủ, khách quan, đúng chủ trương, quy định của Đảng./.