Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-5 đến ngày 17-5-2015)
Tổng thống Pháp bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Cuba
Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại La Habana. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 11-5-2015 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Thủ đô La Habana của Cuba, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên của một người đứng đầu Nhà nước Pháp tới quốc đảo thuộc vùng Caribbean này trong hơn một thế kỷ qua. Tổng thống Francois Hollande thăm Cuba trong khuôn khổ chuyến thăm vùng Caribbean, bao gồm các vùng lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại, như Martinique, St. Martin và St. Bartholoneu và Haiti. Chuyến thăm nhằm tăng cường lợi ích của Pháp cũng như Liên minh châu Âu (EU) tại Cuba; tạo động lực cho việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa EU và Cuba, vốn bị đóng băng từ năm 1996; và ủng hộ những bước xích lại gần nhau giữa Cuba và Mỹ.
Nhật báo Le Monde số ra ngày 11-5 chạy dòng tít “Bằng chuyến thăm tới Cuba, François Hollande trở thành vua của nền ngoại giao kinh tế”. Trong chuyến thăm của ông François Hollande, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung thảo luận việc tăng cường phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương. Như vậy, cùng với chuyến thăm tới các nước vùng Vịnh vừa qua, ông François Hollande sẽ đem lại cho nước Pháp những hợp đồng xuất khẩu với giá trị lớn, đưa ông trở thành “vua của nền ngoại giao kinh tế” với thuật ngữ “ngoại giao hollandaise”. Trong khi đó, nhật báo L’Huminité nhấn mạnh Tổng thống François Hollande là nguyên thủ phương Tây đầu tiên thực hiện chuyến thăm chính thức tới Cuba kể từ khi La Habana và Washington tuyên bố bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ đối đầu.
Washington sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông
Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: U.S. Navy/WSJ
Ngày 13-5-2015, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề Biển Đông. Trong cuộc điều trần, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở Biển Đông, đồng thời hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải có phản ứng cương quyết hơn đối với những động thái này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định Washington sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, khi được hỏi về thông tin đăng tải trên tờ “Nhật báo Phố Uôn” ngày 12-5 rằng Washington đang cân nhắc điều tàu và máy bay của Hải quân Mỹ tới khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tiến hành bồi đắp trên Biển Đông, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương David Shear khẳng định các đảo chìm đang bị tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều không có các quyền lãnh thổ. Ông nhấn mạnh Hải quân Mỹ có quyền đi qua và không gây phương hại tại những khu vực như thế và Washington sẽ sử dụng quyền này ở Biển Đông cũng như trên toàn cầu, trên mặt biển cũng như trên không.
Tăng trưởng kinh tế toàn diện bảo đảm sự thịnh vượng bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 14-5-2015, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế, xã hội của khu vực. Theo đó, kinh tế của khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng, hòa nhập tốt vào bối cảnh toàn cầu, lạm phát sẽ giảm do giá dầu thế giới thấp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chỉ tăng nhẹ từ 5,8% (năm 2014) lên 5,9% (năm 2015) và dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể trong năm 2016.
ESCAP nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng chung trong khu vực. ESCAP cho rằng các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải đạt được sự tiến bộ trong việc bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bằng cách mở rộng tiếp cận đối với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. ESCAP cũng ủng hộ các quốc gia thúc đẩy cơ hội bình đẳng, tạo việc làm thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công nghiệp hóa nông thôn, với việc khu vực tư nhân tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện hơn. Ngoài ra, ESCAP cũng nhấn mạnh đến các vấn đề chính sách quan trọng cho các tiểu vùng.
Đàm phán bế tắc, kinh tế Hy Lạp trở lại suy thoái
Nếu không có một thỏa thuận nào đạt được để giải ngân tiền cứu trợ thì có khả năng Hy Lạp phải tuyên bố phá sản. Ảnh: Reuters
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Hy Lạp, trong quý một năm 2015, kinh tế Hy Lạp đã giảm 0,2%, như vậy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm quý thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trưởng trong hầu hết năm 2014. Kinh tế Hy Lạp đã giảm 0,4% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Trong lúc này, cuộc đàm phán suốt 4 tháng qua giữa Athens và các chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) nhằm giải ngân khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỉ euro lại đang dậm chân tại chỗ, khiến Hy Lạp cạn kiệt nguồn tiền mặt. Ngày 11-5, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cảnh báo Athens chỉ còn đủ tiền cho hai tuần, trong thời gian đó nếu không có một thỏa thuận nào đạt được để giải ngân tiền cứu trợ thì có khả năng nước này phải tuyên bố phá sản, kéo theo nguy cơ rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Theo giới chuyên gia, Hy Lạp còn khoảng 15 - 20 ngày để khai thông đàm phán nếu muốn chặn đà suy thoái. Tuy nhiên, ngày 13-5, Bộ trưởng Yanis Varoufakis cho biết, đàm phán đang ở vào giai đoạn phức tạp và dễ đổ vỡ nhất, đồng thời đổ lỗi cho các chủ nợ quốc tế khi yêu cầu Hy Lạp phải cắt giảm lương xuống còn 700 euro.
Malaysia kêu gọi ASEAN cùng giải quyết vấn đề người tị nạn
Những người tị nạn dạt vào tỉnh Aceh (Indonesia) ngày 11-5-2015. Ảnh: Reuters
Trong một phát biểu ngày 16-5-2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có một giải pháp chung để giải quyết vấn đề người tị nạn trước khi vấn đề này trở thành thảm họa. Truyền thông Malaysia dẫn lời Thủ tướng Najib Razak nêu rõ Malaysia tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, theo đó, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào khác trong Hiệp hội. Tuy nhiên, khi một vấn đề đã lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN khác và có thể cả các nước ngoài ASEAN, cần tìm giải pháp thông qua diễn đàn ASEAN và hợp tác với các bên khác. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sáng 16-5, ông Najib Razak nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề của ASEAN mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề toàn cầu và phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nước.
Phát biểu trên của Thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra làn sóng người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya ở Myanmar và từ Bangladesh, tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển của các đường dây buôn người trong khu vực./.
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước  (18/05/2015)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước  (18/05/2015)
Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy triển khai quan hệ đối tác toàn diện  (18/05/2015)
Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao  (18/05/2015)
Thực hiện các giao dịch về bảo hiểm xã hội qua mạng Internet  (18/05/2015)
Nhân dân - cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc  (18/05/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển