TCCSĐT - Đảng ta xác định mỗi chi bộ của Đảng là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.

Vai trò của tổ chức cơ sở đảng

Trong hệ thống tổ chức của Đảng, có nhiều cấp, mỗi cấp có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Cấp cơ sở là nền tảng của Đảng, nơi trực tiếp triển khai và tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng. Cơ sở cũng là nơi mà thông qua đó, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, qua hoạt động thực tiễn của mỗi đảng viên lan tỏa đến với quần chúng nhân dân.

Đảng ta có tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, có mối liên hệ mật thiết với quần chúng, được tổ chức tại các đơn vị cơ sở. Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Người xác định mỗi chi bộ của Đảng là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Đảng mạnh là do các chi bộ đều mạnh, chi bộ là đồn luỹ của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng. Chi bộ là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng.

Vai trò của tổ chức cơ sở đảng thể hiện trên một số khía cạnh sau:

- Tổ chức cơ sở đảng là nơi nối liền cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng với quần chúng, là cầu nối giữa Đảng với dân.

- Tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp nghiên cứu, quán triệt và đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cán bộ, đảng viên và quần chúng, là nơi tổ chức cho quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Tổ chức cơ sở đảng là nơi giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi cử ra cơ quan lãnh đạo cấp trên của tổ chức cơ sở đảng.

Có thể khẳng định tổ chức cơ sở đảng có vai trò rất quan trọng, tạo nên sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng nói chung. Vì vậy, một trong những nội dung cần đặc biệt quan tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng. Bên cạnh các biện pháp về tổ chức, quản lý, cần chú trọng tăng cường thực hành dân chủ trong sinh hoạt tổ chức cơ sở đảng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định: “Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ”(1).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng yêu cầu: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng…, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình”.

Thực trạng thực hành dân chủ trong sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng

Hiện nay, toàn Đảng có hơn 57.000 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có hơn 23.000 đảng bộ cơ sở và hơn 34.000 chi bộ cơ sở, hơn 230.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Trong tổng số tổ chức cơ sở đảng trên có thể phân theo năm loại hình cơ bản: ở xã, phường, thị trấn có hơn 11.000 tổ chức cơ sở đảng; cơ quan hành chính có hơn 18.000; các loại doanh nghiệp có hơn 10.000; các đơn vị sự nghiệp có gần 7.000; lực lượng vũ trang có gần 8.500. Các tổ chức cơ sở đảng đang trực tiếp quản lý, giáo dục hơn 4 triệu đảng viên(2).

Qua khảo sát thì thấy còn có tình trạng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở không đều, thất thường. Nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, ít thiết thực, hình thức sinh hoạt đơn điệu, chưa thực sự phát huy dân chủ, trí tuệ của đảng viên để tìm chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề bức thiết nảy sinh tại cơ quan, đơn vị. Trong sinh hoạt chi bộ chủ yếu là nghe phổ biến nghị quyết của cấp trên, các nội dung học tập, nâng cao nhận thức rất ít được quan tâm.

Thực tế cho thấy các hiện tượng, biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị và nhất là những vấn đề thuộc về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra, đều được thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người cùng công tác, ở gần đều nhận thấy (tất nhiên, họ rất khéo léo che đậy) nhưng ít được đảng viên khác góp ý, nhắc nhở, kể cả lãnh đạo đơn vị và cấp ủy… Trong sinh hoạt đảng, nhiều tổ chức cơ sở đảng vẫn còn nặng về phổ biến, liệt kê công việc, chưa đi sâu sinh hoạt chuyên đề theo từng quý để kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của bí thư, cấp ủy…, cũng như tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác xây dựng chi bộ và lãnh đạo tổ chức hoạt động của các đoàn thể còn chung chung. Các tính chất sinh hoạt của chi bộ như tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu chưa được thực hiện đầy đủ. Việc tự phê bình và phê bình chưa được tiến hành thường xuyên, tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý khá phổ biến, một số không nhỏ đảng viên coi phương châm sống “im lặng là vàng”. Thậm chí, có người tư duy ba phải nên thường phát biểu chung chung để không mất lòng ai, kể cả với những người mắc sai phạm, khuyết điểm.

Việc phát huy dân chủ trong công tác cán bộ ở nhiều nơi chưa được tiến hành nghiêm túc, thậm chí có người cho rằng, việc đề bạt, cất nhắc cán bộ là của cấp trên, của thủ trưởng đơn vị, mình có tham gia ý kiến cũng không thay đổi được vì cấp trên đã có hướng và sẽ quyết, tham gia góp ý chỉ gây mất lòng, ảnh hưởng đến sự đoàn kết… Trong cuộc họp không có ý kiến nhưng ra ngoài thì bàn tán, thậm chí có trường hợp còn tập hợp một số người đứng tên gửi đơn thư dưới hình thức “góp ý” lên cấp trên…

Việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng tại tổ chức cở sở đảng là hình thức sinh hoạt học tập được quy định trong Điều lệ Đảng và được xác định là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn. Thực tế cho thấy, phần lớn các tổ chức đảng đã nghiêm túc thực hiện, nhờ đó cán bộ, đảng viên đã cơ bản nắm được đường lối, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ cùng các giải pháp; biết vận dụng vào thực tiễn, góp phần thực hiện đường lối đổi mới… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều vấn đề trong tổ chức và học tập nghị quyết đảng cần khắc phục, như thời gian học tập thường rút ngắn, học theo kiểu phổ biến, nghe là chính, không nhiều người ghi chép, lớp tổ chức quá đông, phần thảo luận không đảm bảo, ít thảo luận, tranh luận để nắm sâu sắc nghị quyết và quan trọng hơn là ý thức học tập của một bộ phận đảng viên còn hạn chế… Vì vậy, khi thực hiện, vận dụng vào thực tiễn rất lúng túng, thậm chí có nơi làm chưa đúng với tinh thần của nghị quyết, biểu hiện rõ là chương trình hành động thực hiện nghị quyết còn chung chung...

Có thể thấy ở một số tổ chức cơ sở đảng, thực hành dân chủ trong sinh hoạt bị coi nhẹ, nề nếp sinh hoạt không được chú trọng. Do chưa chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt nên sinh hoạt dàn trải, thiếu trọng tâm, thiếu thiết thực, trùng lắp với sinh hoạt chuyên môn, chưa thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của sinh hoạt đảng. Nhiều chi bộ chưa xác định đúng, đầy đủ nội dung sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là những vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn chưa được nhận diện để đưa vào nội dung thảo luận, tìm biện pháp giải quyết; tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao, còn có tình trạng đảng viên thờ ơ không quan tâm tới công việc của chi bộ, dự họp nhưng không thảo luận, không có ý kiến, không thẳng thắn phê bình đảng viên là cán bộ lãnh đạo; trong sinh hoạt, nếu có thảo luận thì không đi vào trọng tâm, khó khăn cho kết luận và ra nghị quyết; không ít chi bộ lấy sinh hoạt chuyên môn thay cho sinh hoạt chi bộ.

Vẫn còn những tổ chức cơ sở đảng chưa quan tâm đến công tác kiểm tra thực hiện nghị quyết; giao nhiệm vụ cho cấp uỷ viên, cho đảng viên nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra; tính chủ động của nhiều cấp uỷ viên phụ trách đoàn thể chưa cao; việc thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong sinh hoạt đảng chưa kịp thời.

Chất lượng sinh hoạt tổ chức cơ sở đảng chưa cao nguyên nhân trước hết là do nhận thức của cấp uỷ và đảng viên về vị trí, yêu cầu sinh hoạt đảng chưa thật sâu sắc, còn biểu hiện ngại sinh hoạt đảng; cấp uỷ cấp trên chưa thực sự chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt; chưa thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tác đảng cho cấp uỷ, bí thư chi bộ; một số tổ chức đảng còn chậm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt.

Tăng cường thực hành dân chủ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức cơ sở đảng

Từ lý luận và qua khảo sát thực tiễn cho thấy ở đâu và tổ chức cơ sở đảng nào duy trì đều đặn nề nếp sinh hoạt đảng, trong sinh hoạt đã phát huy và thực hành dân chủ đúng tính chất và yêu cầu của nguyên tắc sinh hoạt đảng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ thì nơi đó giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo, được nhân dân tín nhiệm và ngược lại. Rõ ràng, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới gần 30 năm qua đều bắt nguồn từ việc khơi dậy phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Thực hành dân chủ trước hết là dân chủ trong Đảng, từ đó làm hạt nhân đẩy mạnh dân chủ trong xã hội. Vì vậy, điều này cần phải thấm sâu vào toàn bộ nội dung xây dựng Đảng, nhất là trong tổ chức cơ sở đảng. Dân chủ trên cơ sở thống nhất và ràng buộc giữa quyền với nghĩa vụ, lợi ích với trách nhiệm, đề cao pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Càng mở rộng bảo đảm và thực hành dân chủ trong Đảng bao nhiêu, Đảng càng thấy rõ nhu cầu nội tại thiết thân của Đảng, của chế độ là dựa vào dân mà xây dựng Đảng, Nhà nước và chế độ nói chung bấy nhiêu. Phát huy dân chủ trong Đảng là vấn đề thuộc về bản chất và bản lĩnh của Đảng Cộng sản cầm quyền. Dân chủ trong Đảng là nhân tố cơ bản và động lực mạnh mẽ để thực hiện và phát triển dân chủ trong xã hội. Đảng ta tồn tại không có mục đích nào khác ngoài phục vụ nhân dân, phấn đấu cho lợi ích và quyền làm chủ chân chính, đích thực của nhân dân trong xã hội… Vì vậy, cần bảo đảm cho thảo luận, tranh luận, lắng nghe, tôn trọng những ý kiến khác biệt, không áp đặt chủ quan. Qua kiểm chứng của thực tiễn thì cái đúng phải được khẳng định, tôn trọng và bảo vệ, cái sai phải sửa và kiên quyết sửa. Đương nhiên, nguyên tắc tập trung dân chủ yêu cầu thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên nhưng ý kiến thiểu số được bảo lưu, được tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Thực hành và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, đặc biệt ở tổ chức cơ sở đảng là một yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới, ở đó, mọi đảng viên đều có quyền tham gia, có quyền phát biểu ý kiến đối với các hoạt động của đảng nhằm xây dựng Đảng và phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Vì vậy, trong Đảng phải thật sự mở rộng và phát huy dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Và mỗi đảng viên, dù ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương dân chủ, mở rộng dân chủ trong xã hội, huy động được mọi nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Nhìn chung, dân chủ trong sinh hoạt là nguyên tắc, là truyền thống quý báu của Đảng ta. Nguyên tắc này đã được duy trì, phát triển cùng với sự trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta. Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ cả nước xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, ở nhiều nơi, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng đã mang lại kết quả tích cực. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy có những việc rất khó như giải phóng mặt bằng, quy hoạch lại khu dân cư, giải quyết những yêu cầu bức thiết và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chăm lo đời sống, tạo điều kiện giúp dân ổn định phát triển kinh tế - xã hội… ở các địa phương, nếu được tổ chức đảng cơ sở dân chủ bàn, thảo luận kỹ các chủ trương, giải pháp thực hiện, đảng viên gương mẫu, gần dân, nắm vững yêu cầu của dân, làm tốt công tác tư tưởng với dân, người đứng đầu cấp ủy chính quyền gần dân, dám đối thoại với dân thì đều mang lại kết quả tốt. Các hình thức dân chủ trong sinh hoạt của Đảng ngày càng được mở rộng, tức là sự tham gia của từng đảng viên, từng tổ chức đảng vào công việc chung của Đảng ngày càng chủ động, tích cực với trách nhiệm cao. Điều đó sẽ tăng cường năng lực, sức mạnh của Đảng./.

---------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 259

(2) Đề tài khoa học cấp Ban Đảng, Tăng cường thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, mã số KH - BĐ 2013-14