TCCSĐT - Ngày 18-11-2014, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì Hội thảo khởi động chiến dịch truyền thông: “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) do Liên hợp quốc phát động.

Tham dự Hội thảo có ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, các đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành trung ương, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định mục tiêu của chiến dịch quốc gia năm 2014 “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” với khẩu hiệu “Đừng vung tay, hãy cầm tay” là nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới và kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự, an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy có đến 58% số phụ nữ được hỏi cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục trong đời; khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên hợp quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo của quốc gia.

Việt Nam đã có khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao hiệu quả thực hiện luật pháp nói chung và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng nêu rõ chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái năm 2014 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội quốc tế và trong nước để cùng chung tay góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cùng phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại Hội thảo khởi động chiến dịch, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Nếu chúng ta muốn chấm dứt bạo lực, xung đột và chiến tranh, muốn xây dựng mối quan hệ đầy ý nghĩa thì chúng ta cần hiểu rõ hơn về nam giới và nam tính, cần đưa trẻ em trai và trẻ em gái tham gia các hoạt động xã hội theo những cách khác nhau. Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa trẻ em trai/đàn ông với trẻ em gái/phụ nữ. Nam giới và nữ giới phải cùng chung tay trong phong trào bình đẳng giới cũng như phòng, chống bạo lực.

Sau Hội thảo, khung chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ được đẩy mạnh bằng các hoạt động như tổ chức diễn đàn về phòng, chống bạo lực gia đình cho 500 công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp; hội thảo khởi động xây dựng đề án quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới; tọa đàm, mít tinh, diễu hành, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình ở các địa phương (với sự tham gia của 2.000 người), các hoạt động tuyên truyền trên truyền hình Việt Nam và các trang mạng xã hội…./.