Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Đồng Nai

Văn Phú Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai
20:24, ngày 08-06-2012
TCCSĐT - Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính, gồm 9 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố với 171 xã, phường, thị trấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây đạt bình quân 13,2%. Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng, có trình độ chuyên môn, có đạo đức, năng động, có tầm nhìn xa và năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Chủ động trong công tác quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là quy hoạch một đội ngũ cán bộ cốt cán, gắn với các khâu đánh giá, luân chuyển, đào tạo, sắp xếp, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Quy hoạch cán bộ là khâu nền tảng trong công tác cán bộ. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xác định: Có quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng, có chất lượng cao thì Đảng bộ tỉnh mới đủ khả năng lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.

 Từ nhận thức trên, nhiều năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tích cực chỉ đạo các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành quy hoạch cán bộ. Ngay từ tháng tháng 9 năm 1998, Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 36-NQ/TU về chuyên đề quy hoạch, đào tạo cán bộ. Trên cơ sở đó, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác quy hoạch cán bộ.

Trong công tác quy hoạch cán bộ, hầu hết các cấp ủy, chính quyền thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, bảo đảm quy trình; thường xuyên rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và bổ sung những nhân tố mới, những cán bộ có triển vọng phát triển. Trên cơ sở quy hoạch, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ và trẻ hóa một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý; thay thế những cán bộ có trình độ, năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số ngành, địa phương, đơn vị đã chủ động quy hoạch cán bộ kế cận, giới thiệu nhân sự được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo được động lực mới để đội ngũ cán bộ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Qua nhiều năm thực hiện, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, đã đạt kết quả tốt. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quy hoạch được 487 đồng chí  cho chức danh cấp trưởng, cấp phó, gấp 2,4 lần so với số lượng cần bố trí. Các huyện, thị, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh uỷ quy hoạch nguồn ban chấp hành được 927 đồng chí, gấp 2,6 lần. Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 87 đồng chí và Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa IX vừa qua đã chọn 51 đồng chí  bầu vào Ban Chấp hành mới. Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nên tại đại hội đảng các cấp trong tỉnh vừa qua, các cấp ủy đã được đổi mới nhiều. Số cấp ủy viên mới tham gia cấp ủy ở cấp cơ sở là 41,71%, cấp huyện 43,62%, cấp tỉnh 45,09%. Hầu hết số cấp ủy viên trúng cử đều là cán bộ trong diện quy hoạch và được sắp xếp, bố trí đúng với trình độ, chức danh được quy hoạch; chất lượng của nhiều cấp ủy được nâng lên về học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, trẻ tuổi tăng so với nhiệm kỳ trước. Kết quả này đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng.

Nhìn chung, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn Đảng bộ tỉnh bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa tiến hành thường xuyên. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ theo định hướng lâu dài; chưa gắn quy hoạch với đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng hợp lý để phát huy năng lực của cán bộ. Một số nơi làm chưa chặt chẽ, chưa thật sự khách quan, dân chủ, công khai hoặc còn lúng túng trong cách làm, chưa giới thiệu, tạo được nguồn cán bộ dự bị và kế cận nên trong bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không ít trường hợp bị động, chắp vá, thậm chí có trường hợp bố trí gượng ép, đưa người không đủ tiêu chuẩn vào các cương vị chủ chốt, làm cho cán bộ không phát huy được tác dụng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ đã quy hoạch còn thiếu tiêu chuẩn về trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước...

Một số giải pháp trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý

Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đồng Nai xác định phải thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thứcsự thống nhất của các cấp ủy đảng về công tác quy hoạch cán bộ. Trong chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta xác định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.

Từ thực tế công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua, có thể thấy trước hết phải nhận thức đúng và thống nhất về quy hoạch cán bộ. Muốn vậy, phải tăng cường công tác tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, quán triệt tốt và nhận thức đúng đắn chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nói chung và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý dựa trên cơ sở đánh giá và sử dụng con người. Đánh giá và sử dụng con người đúng thì phát huy được vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý; người được đánh giá đúng sẽ phấn khởi và nội bộ đoàn kết, thống nhất. Ngược lại, nếu đánh giá sai, quy hoạch không đúng cán bộ lãnh đạo, quản lý thì sẽ chọn người không đáp ứng được yêu cầu công việc, hậu quả rất tai hại cho cả trước mắt và về sau. Từng cấp ủy viên và người đứng đầu tổ chức phải xác định đây là công việc trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng bộ, của cấp ủy đảng, không “khoán” công tác này cho cơ quan, tổ chức. Trước tình hình đất nước và của tỉnh biến chuyển nhanh chóng, cần dự báo và chủ động chuẩn bị một đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực và đồng bộ.

Các cấp ủy đảng trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cấp ủy và toàn thể cán bộ, đảng viên những quan điểm cơ bản của Đảng được thể hiện ở Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng gần đây, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương các khóa, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX Về công tác quy hoạch cán bộ, tạo sự chuyển biến về nhận thức, từ đó xây dựng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ.

Trong đổi mới nhận thức về quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy cần chú ý mấy vấn đề sau:

- Khắc phục lối tư duy khép kín, cục bộ, thiển cận, chỉ giới thiệu người của ngành, địa phương, cơ quan mình vào quy hoạch. Nếu cứ bó ép trong từng địa phương, cơ quan, ban, ngành, tổ chức thì không có nguồn cán bộ dồi dào, đa dạng để bồi dưỡng, lựa chọn.

- Khắc phục quan niệm quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ là công việc, trách nhiệm của cấp ủy, mà không ý thức được đây là trách nhiệm của cả đảng bộ, của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Hai là, tạo nguồn cán bộ để đưa vào diện quy hoạch. Một trong những nội dung quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phải xác định và tạo được nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch. Cần tập trung phát hiện, thu hút nhiều cán bộ, công chức trẻ có thành tích xuất sắc, đang giữ các cương vị lãnh đạo cấp phòng ở các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp; các cán bộ khoa học và quản lý doanh nghiệp lớn tiêu biểu có năng lực, trình độ và triển vọng phát triển lâu dài.

Để có nguồn cán bộ dồi dào, các cấp ủy đảng cần động viên, tạo điều kiện để cán bộ phấn đấu, chuẩn bị dần về tri thức, tích lũy dần kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý từ cơ sở; mạnh dạn giao việc mới và khó cho cán bộ để thử thách và nâng cao dần năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ. Đối với những nơi có nhiều khó khăn, thiếu cán bộ tại chỗ, cần mạnh dạn, quyết tâm luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng từ các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố đến giữ chức vụ lãnh đạo ở các địa bàn này.

Cần cải tiến, đổi mới phương thức tuyển chọn, phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ trẻ có thành tích xuất sắc, có triển vọng vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ đang giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới. Xác định nguồn tuyển chọn ở phạm vi rộng, không nên bó hẹp, khép kín diện đưa vào nguồn quy hoạch; chú ý những cán bộ trẻ ưu tú ở tất cả các cấp, các ngành, trong các doanh nghiệp nhà nước và lực lượng vũ trang; làm cho đông đảo cán bộ trẻ ý thức được vinh dự, trách nhiệm khi được lựa chọn vào diện quy hoạch.

Xác định đúng “đối tượng” quy hoạch thì quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý mới thiết thực và hiệu quả. Thực tiễn công tác quy hoạch cán bộ ở tỉnh Đồng Nai thời gian qua cho thấy: nơi nào quy hoạch đúng cán bộ lãnh đạo, quản lý thì ở đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ khả năng lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Ngược lại, nơi nào đưa cán bộ vào quy hoạch không đúng thì công việc kém hiệu quả, nội bộ có vấn đề, tư tưởng không thống nhất, lòng tin của quần chúng vào Đảng, chính quyền giảm sút; nhiệm vụ chính trị không hoàn thành.

Khi xác định đối tượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải chú ý cả cơ cấu và tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà hạ tiêu chuẩn, hoặc ngược lại vì tiêu chuẩn mà không cần cơ cấu. Từng chức danh lãnh đạo, quản lý ở mỗi cơ quan, đơn vị của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang cần chuẩn bị quy hoạch từ 2 -3 đối tượng kế cận, từ 3 - 4 đối tượng quy hoạch dự bị nguồn, bảo đảm cán bộ trong diện quy hoạch được đào tạo theo yêu cầu tiêu chuẩn để không bị động, hẫng hụt khi có yêu cầu cần bố trí ngay.

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải theo quy luật phát triển và đào thải, phát triển tuần tự có kế hoạch và phát triển đột biến. Những đối tượng đã đưa vào quy hoạch, nhưng sau một thời gian không có triển vọng phát triển cần kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch. Ngược lại, có những đối tượng chưa đưa vào quy hoạch, nhưng trong một thời gian nhất định có sự phát triển, trở thành đối tượng tốt, có nhiều triển vọng cần đưa vào quy hoạch. Như vậy, vấn đề cốt yếu là quy hoạch phải đúng đối tượng, không cứng nhắc và sau từng năm nên có đánh giá, điều chỉnh đối tượng quy hoạch.

Ba là, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiến hành quy hoạch. Trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các đơn vị phải tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, có cơ chế mở rộng dân chủ để cán bộ, đảng viên tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ và phát hiện giới thiệu nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Đồng thời xác định hướng cơ cấu lãnh đạo nhiệm kỳ tới và cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ quy hoạch.

Các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện công khai trong toàn thể cán bộ, đảng viên tham gia bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ của đơn vị; phải thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình và thông qua tập thể lãnh đạo bỏ phiếu quyết định. Khi danh sách quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được cấp trên xác nhận, phê duyệt đưa vào quy hoạch các chức danh cán bộ do cấp trên quản lý, phải thông báo công khai cho đơn vị, cá nhân cán bộ được quy hoạch biết. Hằng năm, từng đơn vị cần rà soát lại quy hoạch, kịp thời bổ sung những nhân tố mới hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, đầu tư cho công tác quy hoạch cán bộ. Để thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy và người đứng đầu cần quan tâm chỉ đạo, kiểm tra một cách chặt chẽ quá trình thực hiện ở cấp dưới; giúp tháo gỡ các lúng túng, khó khăn trong công tác quy hoạch cán bộ cho cấp dưới. Đồng thời đề nghị Trung ương cần có chính sách đầu tư thỏa đáng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch như tăng chỉ tiêu đào tạo cho tỉnh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo cán bộ; tăng biên chế dự phòng để đưa cán bộ trong diện quy hoạch đi đào tạo và luân chuyển./.