Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, có tính đột phá
TCCS - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và khẳng định những điểm mới căn bản của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23-8-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 16 chương, 174 điều. Dự thảo Luật lần này thiết kế một khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính.
Dự thảo Luật được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.
Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải.
Đây cũng là lần đầu tiên dự thảo Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp
Lần đầu tiên quy định việc công khai quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật dành một điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã luật hóa chính sách “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường”.
Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, dự thảo Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.
Quy định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc cảnh báo chất lượng không khí ô nhiễm, dự thảo Luật bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, điểm nổi bật của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay, trong đó, việc tính phí sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Giảm thiểu thủ tục hành chính trong cấp phép xả nước thải, dự thảo Luật bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Song song với chế định này, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường cho đến khi cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan, đồng thời vẫn bảo đảm được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước công trình thủy lợi.
Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán; mặt khác, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn.
Đặc biệt, dự thảo Luật lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên trong trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên, dự thảo Luật bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, trong đó, bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường./.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới  (03/11/2020)
Phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (02/09/2020)
Bảo vệ môi trường từ bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập  (20/08/2020)
Thành phố Nha Trang quyết tâm xây dựng thành phố biển xanh, sạch, đẹp  (12/08/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp