Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh từ xe đạp điện, xe máy điện
TCCS - Với hình dáng thiết kế gọn, nhẹ, sử dụng tiện lợi, dễ điều khiển, giá cả phải chăng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, vận tốc tối đa không quá 25km/giờ, không tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Tuy nhiên, do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn…
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh trung học cơ sở đi đạp điện, xe máy điện gây ra. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% học sinh trung học phổ thông đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.
Nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi quá nhanh, chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất vào buổi đêm… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Xe máy điện được trang bị các thiết bị an toàn tốt hơn xe đạp điện, có vận tốc tối đa từ 25 km/h đến dưới 50 km/h. Tuy nhiên, độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.
Không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi ngược chiều, đeo tai nghe... Gặp những tình huống như vậy, nếu không quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ khi nào. Cùng với việc thiếu ý thức của một số người khi tham gia giao thông, điều đáng lo ngại là theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh mặt hàng xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu có dấu hiệu giả mạo, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Tăng cường quản lý, xử lý
Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế cũng như việc bảo vệ môi trường từ phương tiện xe đạp điện và xe máy điện. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn con em chấp hành tốt các quy định khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và cộng đồng. Người sử dụng phương tiện cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lựa chọn mua những dòng xe chính hãng, chất lượng tốt, cẩn thận trong cách điều khiển, tuyệt đối không được chủ quan để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện giao thông thô sơ. Do đó, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với xe đạp điện và người điều khiển xe đạp điện,… không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới. Cụ thể, xe đạp điện không phải đăng ký, cấp biển số, người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe,… Trong khi thực tế, xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ, lưu thông với tốc độ khá nhanh. Do đó, để siết chặt quản lý đối với phương tiện này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới Luật cho phù hợp, quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật, tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên từng loại tuyến đường, điều kiện sức khỏe, độ tuổi và nhận thức pháp luật giao thông đường bộ của người điều khiển,…
Tìm hiểu thực tế, hầu hết người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện chưa được học kỹ năng lái xe, học Luật Giao thông đường bộ... như người điều khiển các phương tiện cơ giới khác. Đáng nói, công tác tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông cho người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, nhất là trong các trường học thời gian qua chưa đạt hiệu quả tốt nhất, việc xử lý vi phạm chưa thực hiện nghiêm, thường xuyên; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường chưa được chặt chẽ nên vi phạm vẫn tái diễn...
Ngoài ra, rất nhiều người chủ quan cho rằng pháp luật Việt Nam không quy định về vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện là hoàn toàn có quy định bắt buộc cụ thể tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hơn nữa, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện cũng chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành - điều này không chỉ là phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là bảo vệ chính bản thân mình.
Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Để ngăn ngừa tai nạn giao thông từ xe đạp điện, xe máy điện, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo, công an các tỉnh, thành phố cả nước phối hợp tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến học sinh, sinh viên trên các địa bàn, triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông, yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông, như luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; tuyệt đối không đua xe, lạng lách, đánh võng, chạy xe hàng ba đùa giỡn, sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông. Học sinh nên tăng cường tìm hiểu và lựa chọn xe buýt công cộng để phục vụ việc đi lại thường xuyên của bản thân nhằm bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông…
Gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe đạp điện để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hỏng hóc; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường thời lượng, tin bài để phổ biến, tuyên truyền các quy định và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tổ chức nhiều hơn các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, với xe đạp điện nói riêng, sớm hình thành và coi văn hóa giao thông là nếp sống, thói quen hằng ngày khi tham gia giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các quận, huyện, thành phố, thị xã,… tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần tổng hợp, gửi thông báo về ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi cư trú của người điều khiển để có biện pháp giáo dục, răn đe. Yêu cầu học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Kiên quyết xử lý các trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định… Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm và gửi thông báo về nhà trường. Xác định nội dung chấp hành pháp luật giao thông là tiêu chí xếp loại thi đua của tập thể, cá nhân hằng năm của mỗi nhà trường. Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tổ chức thống kê, rà soát số lượng xe đạp điện của người dân trên địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp; tổ chức giáo dục các trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng; gắn trách nhiệm của cha mẹ, người nuôi dưỡng khi có con cái, người thân vi phạm.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng (cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường,…) trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện. Xe nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu do hải quan cấp, phải đăng ký kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, dán tem chất lượng trước khi lưu thông. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường, đánh giá thông số kỹ thuật, chất lượng của các cơ sở kinh doanh định kỳ hằng năm.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, tai nạn giao thông liên quan xe đạp điện, xe máy điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông.
Thành phố Hồ Chí Minh nhân rộng điển hình tiên tiến trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (16/11/2020)
Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (16/11/2020)
Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”  (16/11/2020)
Bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trong mùa mưa lũ  (05/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay