Quảng Ninh: Huy động tối đa mọi nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Trong gần 2 năm qua, Quảng Ninh luôn chủ động chuẩn bị mọi nguồn lực, từ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế,… đến các phương án phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với dịch, bệnh trên diện rộng; xây dựng các phương án ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tất cả các lực lượng cùng tham gia phòng, chống dịch
Là địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh luôn ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân, vừa ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Quảng Ninh thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, tham quan học tập, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để dành toàn bộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, thống nhất ý chí và hành động, kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; chủ động trong mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất; “thần tốc” triển khai tiêm vắc-xin mũi 2 trên diện rộng cho người dân. Với những việc làm như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chủ động phòng, chống dịch COVID-19 từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Thực hiện chủ trương, chiến lược mới của Trung ương trong phòng, chống dịch COVID-19, Quảng Ninh xác định 3 chủ thể chính trong phòng, chống dịch là Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân, trong đó, Nhà nước là chủ thể quản lý, phải đi trước một bước và chính quyền cơ sở là trọng tâm trong chiến lược phòng, chống dịch mới; nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là “chiến sĩ” quyết định sự thành công trong phòng, chống dịch. Đây là đối tượng được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất để chủ động phòng, tránh dịch bệnh cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp chủ động chuẩn bị phương án, kế hoạch thích ứng an toàn, bảo đảm an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn, yêu cầu người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng, tránh dịch mọi lúc, mọi nơi; động viên người lao động tập trung làm việc, không ra ngoài tỉnh nếu không thực sự cần thiết để giữ vững sản xuất, bảo đảm vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh xác định, trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 mới, các trạm y tế xã, phường và y tế học đường giữ vai trò quan trọng, cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế. Ngành y tế theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các biến thể mới; thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phương pháp, biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị với tinh thần tự lực, tự cường; tính toán kỹ phương án, phương thức vận hành để phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình trạm y tế lưu động theo yêu cầu của Bộ Y tế gắn với trạm y tế cấp xã phù hợp với thực tiễn địa bàn tỉnh Quảng Ninh (khu vực đô thị tập trung, đô thị không tập trung, khu vực nông thôn, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo); xây dựng tài liệu hướng dẫn cơ bản về phòng ngừa, điều trị khi mắc COVID-19 để người dân tự phòng, tự tránh, tự chữa bệnh, tự xét nghiệm tại nhà.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh huy động toàn bộ lực lượng y tế nhà nước, y tế tư nhân, lực lượng dân quân y, trường đào tạo ngành y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19; qua đó, đã huy động trên 7.000 y, bác sĩ, bao gồm cả hệ thống y tế công lập, tư nhân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh phát động các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia ủng hộ kinh phí, vật chất, nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ 4 phòng điều trị áp lực âm, 10 máy khử khuẩn, 3 máy tạo ôxy, 1 máy điện tim và 1 monitor theo dõi bệnh nhân, trên 2 triệu chiếc khẩu trang các loại, 2.675kg hóa chất, 1.520 bộ quần áo phòng chống dịch…; các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trong tỉnh mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương…
Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, ngay từ rất sớm, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kịch bản cho công tác phòng, chống dịch; bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ cho công tác xét nghiệm, sàng lọc và thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế. Giữa tháng 9-2021, dự toán ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 845 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 358 tỷ đồng. Đến nay, số kinh phí đã được bố trí phê duyệt, phân bổ là hơn 515 tỷ đồng. Trong số này, 85% kinh phí được dành cho mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư và các chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Quảng Ninh tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Quảng Ninh kiên trì thực hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân gắn với thực hiện “mục tiêu kép”, chiến lược “vắc-xin + 5K + công nghệ + truyền thông”, phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đề cao vai trò chính quyền cơ sở và ý thức của người dân, người lao động.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao Sở Giao thông - Vận tải, Sở Ngoại vụ chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan rà soát quy trình, thủ tục, giải quyết thuận lợi việc nhập cảnh đối với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, du khách và thân nhân vào Việt Nam theo nhu cầu, nhất là đối với các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính PCR hoặc test nhanh kháng nguyên với thời gian phù hợp. Thực hiện tốt công tác vận tải, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thuận lợi, không gây ách tắc. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục củng cố năng lực công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, trong đó nghiên cứu triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại chốt kiểm soát Bạch Đằng. Đẩy mạnh việc thiết lập các điểm kiểm soát dịch bằng mã QR tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, điểm kinh doanh. Yêu cầu người dân thực hiện quét mã QR khi đi đến các điểm nêu trên để kiểm soát chặt chẽ quá trình di chuyển.
Quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh 9 tháng đầu năm 2021 đạt được những kết quả nổi bật, đáng khích lệ, thể hiện qua nhiều con số ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,2% cùng kỳ, vượt 14,7 điểm % kịch bản; là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp, bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và của ngành than, ngành điện không đạt kịch bản tăng trưởng. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, 95% kịch bản, trong đó thu nội địa đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ và 2,5% so với kịch bản.
Thực hiện nhiệm vụ quý IV/2021, Quảng Ninh quyết tâm cao thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021, đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP hai con số, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, hoàn thành tiêm chủng cho 100% người dân có chỉ định tiêm, giữ vững vùng xanh an toàn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2021, từ nay đến cuối năm 2021 tỉnh Quảng Ninh tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế để đóng góp cho tăng trưởng. Trong đó, ngành than lên kế hoạch tổng động viên để tăng sản lượng từ 1-1,5 triệu tấn so với kịch bản đề ra đầu năm. Xác định đầu tư công là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành tiến độ các dự án; tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất san lấp, giải phóng mặt bằng, lao động và các điều kiện thi công. Đối với các dự án trọng điểm ở khu vực ngoài nhà nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp, du lịch dịch vụ, đô thị và khu vực dân doanh.
Trong lĩnh vực chế biến chế tạo, Quảng Ninh tập trung cho các dự án công nghiệp có thể tạo ra sản lượng vào cuối năm cũng như tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo trong các khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp Việt Hưng và khu công nghiệp Cái Lân tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu vực nông, lâm, thủy sản giữ vững sản lượng thủy sản để phục vụ thị trường trong và ngoài nước; giữ vững sản lượng lâm nghiệp; tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi trong ngành nông nghiệp.
Về thu chi ngân sách, các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn tỉnh, vốn cấp huyện do huyện làm chủ đầu tư theo đúng chủ trương của tỉnh…; tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương và sở, ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm ưu tiên cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và bố trí dự phòng ngân sách để bù đắp hụt thu. Thông qua một số chính sách đặc thù, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ cho các đối tượng chưa thuộc diện được quy định tại các nghị quyết của Chính phủ, phù hợp với thẩm quyền của chính quyền địa phương để hỗ trợ, động viên kịp thời các lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ 100% học phí năm học 2021 - 2022 cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa trong tình huống dịch bệnh xảy ra,... góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội./.
Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Một số kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu và gợi ý chính sách với Hà Nội (14/10/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay