TCCS - Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, văn hóa và lịch sử, công nghệ của từng địa phương sau khi hợp nhất bước đầu đã được khai thác, phát huy. Có được kết quả đó là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn.

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội (Trong ảnh: Nút giao Âu Cơ - Võ Chí Công)_Nguồn: zing.vn

Chuyển biến rõ nét

Sớm nhận diện những khó khăn về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của các địa phương mới hợp nhất về Thủ đô, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tham mưu với thành phố lập Quy hoạch GTVT Thủ đô nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư.

Ðánh giá chung cho thấy, hơn 10 năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. Kết quả đó được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành xây dựng 6 cầu lớn gồm: Trung Hà, Đồng Quang, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Việt Trì - Ba Vì; các tuyến đường như: Ðường 5 kéo dài, quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn - Nhổn - Sơn Tây), đường Cầu Giấy - Nhật Tân - Nội Bài...; từng bước hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai thành phố, theo đó, đường Vành đai 2 đã hoàn thành theo quy hoạch đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân - Đường 5 kéo dài; đang tiếp tục thi công đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (mở rộng dưới thấp và đường trên cao). Ðồng thời, hoàn thành hàng loạt công trình giao thông bảo đảm an sinh xã hội, gồm 2.200 km đường giao thông nông thôn, 12 cầu yếu, 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui... Hiện nay, Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình giao thông quan trọng đối với Thủ đô, như tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Ðông) và số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); đường Vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long). Năm 2018, đã thông xe cầu Việt Trì - Ba Vì; đường Hòa Lạc - Hòa Bình; cầu vượt nút giao An Dương... Mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt của Hà Nội có những bước chuyển mình ấn tượng, cho đến nay đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến so với năm 2008, vận chuyển hơn 430 triệu lượt hành khách/năm (tăng 64%), bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực

Triển khai Chương trình 06-CTr/TU, trong đó xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là khâu đột phá, Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.

Triển khai và cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, theo đó, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86% (đã phê duyệt 31/33 quy hoạch chung, 26/35 quy hoạch phân khu). Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch; quản lý khu phố cổ, phố cũ; quản lý công trình cao tầng. Công tác quản lý quy hoạch được chú trọng, ngày càng chặt chẽ hơn, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, đồng thời triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách như: Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng phần mặt đất; Vành đai 3 phần mặt đất đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 32; cải tạo, mở rộng tuyến đường đê An Dương - Khách sạn Thắng Lợi; cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; đường trục phía Nam (tỉnh Hà Tây cũ) đoạn Km0 - Km19+900; 5 công trình cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm (Cổ Linh - đầu cầu Vĩnh Tuy; Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; nút giao trung tâm quận Long Biên; Bắc Hồng; An Dương - Thanh Niên); kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,… Diện tích đất dành cho giao thông tăng lên, năm 2019 đạt 9,75% và hết năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị (năm 2015 là 8,65%); tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, năm 2019 đạt 17,03%, năm 2020 ước đạt 20,05% (năm 2015 là 14,4%).

Về phát triển đô thị, thành phố đã chú trọng triển khai phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô như: Ciputra, An Khánh, Mỹ Đình, Mỗ Lao, Vincity Sportia, Royal City, Vinhomes River Side, Vincity Ocean Park, Garmuda, Vinhomes Times city, Vinhomes Greenbay,… Từng bước phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án bắt đầu triển khai như: Công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh. Tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thấp. Triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội, tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45ha, khi hoàn thành dự kiến cung cấp thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở. Chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở của Thành phố với tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 25,3 triệu m2 (trong đó: nhà ở xã hội là 3,5 triệu m2, nhà ở phục vụ tái định cư là  0,84 triệu m2, nhà ở thương mại là 20,96 triệu m2); đến hết năm 2019 diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09 m2/người, dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch cải tạo 22 khu chung cư cũ theo kế hoạch. Chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh theo quy hoạch. Tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới (từ các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng). Diện tích đô thị ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, dân số đô thị ngày một tăng lên; tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch những thông tin cần thiết trong thực hiện các quy định về quy hoạch, đất đai và cấp phép xây dựng tại khu vực đô thị. Thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Trật tự, kỷ cương xây dựng từng bước được lập lại, số công trình vi phạm giảm mạnh từ 13,5% năm 2015 xuống còn 3,07% năm 2019; tỷ lệ công trình có giấy phép xây dựng, không vi phạm trật tự xây dựng tăng từ 86,5% năm 2015 lên 96,93% năm 2019.

Triển khai đồng bộ việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; ngầm hóa đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, tuyến đường mới, tỷ lệ ngầm hóa đạt 100%. Đã tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo; xử lý ô nhiễm môi trường các hồ; bảo đảm an toàn lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt; các chỉ số cung ứng điện được cải thiện đáng kể; đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng từ 95 đến 98%.

Ða dạng nguồn lực, tăng tính kết nối

Bên cạnh những kết quả nêu trên, ngành giao thông vận tải Thủ đô cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ðó là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị phát triển chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế; tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị còn chậm; hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu nghiêm trọng, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm...

Hà Nội hiện nay sau khi được mở rộng với việc hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) có diện tích tự nhiên lên tới 334.470,02 ha, lớn gấp ba lần diện tích cũ và đứng vào top 17 thủ đô trên thế giới có diện tích lớn nhất. Cấu trúc hành chính của Hà Nội hiện nay gồm 12 quận (Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm), 1 thị xã (Sơn Tây) và 17 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên và Ứng Hòa). Như vậy, số lượng các huyện ngoại thành vẫn rất lớn trong cấu trúc của thành phố Hà Nội.

Trên phương diện dân số, theo số liệu thống kê tính đến ngày 1-4-2019, Hà Nội có hơn 8 triệu người dân, trong đó dân số nội thành là gần 4 triệu người (chiếm khoảng 49,2%) và dân số ngoại thành ở nông thôn là hơn 4 triệu người (chiếm 50,8%). Số liệu thống kê về dân số cũng cho thấy dân số ngoại thành sống trong các điều kiện nông thôn vẫn còn lớn… Tất cả các vấn đề này đòi hỏi phải đẩy mạnh việc đô thị hóa ngay tại Thủ đô Hà Nội. Thực trạng phát triển của thành phố Hà Nội đặt ra bài toán đô thị hóa khá phức tạp, vừa phải bảo đảm tạo được các động lực mới để phát triển, giữ nhịp độ phát triển phù hợp với năng lực quản trị của bộ máy chính quyền được tổ chức gọn nhẹ, vừa tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, vừa bảo vệ môi trường trong lành cho cuộc sống đô thị. Với yêu cầu ấy, định hướng quy hoạch đô thị tại thành phố Hà Nội cần được đổi mới để vừa tạo được không gian thích hợp cho sự phát triển của đô thị hiện tại, vừa tạo hành lang cho sự xây dựng và phát triển các đô thị mới trực thuộc thành phố. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, sự biến đổi khí hậu không cho phép phát triển các đô thị hiện có bằng cách mở rộng quy mô thành phố theo mô hình “vết dầu loang”, mà cần tạo được các vành đai sinh thái với việc duy trì các vùng nông thôn là các vùng đệm giữa các đô thị mới ngay trong một đô thị lớn như thành phố trực thuộc Trung ương. Với yêu cầu này, thành phố Hà Nội và tương tự là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng sẽ phải xây dựng nhiều đô thị vệ tinh, trên cơ sở đó hình thành đại đô thị với phần chủ đạo là đô thị trung tâm bao gồm các quận hiện tại. Theo hướng này, Hà Nội quy hoạch xây dựng, phát triển các đô thị mới như: Láng Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Minh, Sóc Sơn…

Về định hướng phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn những năm tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư các công trình giao thông có tính kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, khu vực ngoại thành, cũng như các tỉnh lân cận thông qua các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị và các trục đô thị có tính kết nối. Ðơn cử như: các tuyến đường Vành đai 3,5 có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đoạn phía nam từ Hà Đông đi Thường Tín, góp phần giảm ùn tắc cho Vành đai 3 là tuyến kết nối ngang để các phương tiện đi trên các trục hướng tâm có thể di chuyển từ trục này sang trục kia mà không cần đi vào nội đô. Về lâu dài, việc đầu tư các tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 cũng có vai trò hết sức quan trọng trong hình thành hệ thống giao thông khung của thành phố. Các trục đường hướng tâm sẽ tiếp tục được đầu tư, gồm: quốc lộ 6, quốc lộ 1A, quốc lộ 3, đường trục phía Nam, các tuyến giao thông kết nối như: quốc lộ 21, đường 70; nhất là đẩy nhanh việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, gồm tuyến số 3, đoạn Nhổn - Sơn Tây; tuyến số 2, đoạn Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc... Trong khi chờ các tuyến đường sắt khối trung tâm và các khu đô thị vệ tinh, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu triển khai các tuyến vận tải khách vận chuyển nhanh, khối lượng lớn để vận chuyển hành khách từ các đô thị vệ tinh vào trung tâm thành phố và các khu đô thị vệ tinh với nhau./.