Nhân rộng những điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước
Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, giao lưu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng (thương binh 1/4, hiện là Giám đốc Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh, thành phố Hải Phòng) cho biết, năm 1971, khi đang là học sinh, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu trong Sư đoàn 9 và bị thương trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Thống nhất đất nước, ông phấn đấu học tập, lao động, vào làm ở Sở Thương nghiệp Hải Phòng.
“Tuy vậy, tôi không an phận thủ thường. Khi thấy những đồng đội thương binh gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi xin thành lập trung tâm thương binh. Mới đầu xí nghiệp có 35 thương binh, hiện nay con số đó là hơn 200 và con em làm việc tại xí nghiệp. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác động giúp toàn thể anh chị em trong đơn vị phấn đấu thi đua, vươn lên để làm giàu cho bản thân và xã hội”, ông Trần Hồng Quảng chia sẻ.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định, 70 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, công nhân, viên chức, lao động cả nước đã cùng với các cấp Công đoàn tổ chức các phong trào thi đua cả bề rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đổi mới nội dung và hình thức, phong phú, đa dạng.
Thời gian tới, các cấp Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động tiếp tục phát huy tinh thần giai cấp công nhân, tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động thiết thực lập nhiều thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; gắn công tác thi đua - khen thưởng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quan tâm chú trọng đến công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến để tiếp tục có nhiều gương mặt tiêu biểu, nhiều tập thể xuất sắc được tôn vinh khen thưởng trong thời gian tới.
Gìn giữ vốn quý nhất của người thầy thuốc
Hơn 37 năm gắn bó với ngành Y, Giáo sư - Tiến sỹ Cao Ngọc Thành (sinh năm 1958) - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã có nhiều nghiên cứu khoa học hướng đến sức khỏe cộng đồng. Qua quá trình hoạt động khoa học bền bỉ, Giáo sư Cao Ngọc Thành đã hoàn thành 17 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp nhà nước. Đáng chú ý là đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số". Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết thực hiện từ tháng 11-2011, tập trung nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật - sản giật. Đề tài bao gồm ba công trình nghiên cứu: Nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng cho phụ nữ toàn quốc về "Tiền sản giật - sản giật - bệnh lý thường gặp" và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ. Công trình thứ hai là áp dụng các cách đánh giá, chẩn đoán vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc, áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị nối thông vòi tử cung, gỡ dính hoặc tái tạo loa vòi, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị bằng tình trạng vòi tử cung và tình trạng có thai sau mổ cho phụ nữ vùng miền Trung và Tây Nguyên. Công trình thứ ba hướng đến phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm vi rút HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
Theo Giáo sư Cao Ngọc Thành, điểm nhấn của cụm công trình trên nằm ở công trình thứ nhất là chuyên về "Tiền sản giật - sản giật". Hiện nay, bệnh nguyên của tiền sản giật vẫn còn một số vấn đề chưa giải thích được và trên thế giới đang tìm kiếm một số biến dị di truyền của một số gen. Công trình đã sử dụng các kỹ thuật di truyền hiện đại để nghiên cứu một số gen có liên quan và đã phát hiện ra một số biến dị di truyền gen xuất hiện gây nên tình trạng xuất hiện bệnh lý tiền sản giật. Từ đó, tác giả đã nghiên cứu việc sử dụng một số thuốc có thể dự phòng được tiền sản giật và tìm ra được hai loại thuốc mà thế giới cũng có áp dụng là sử dụng aspirin liều thấp có thể dự phòng được trên 70% trường hợp xuất hiện tiền sản giật và bổ sung canxi có thể làm giảm 50% tỷ lệ tiền sản giật. Đặc biệt, cụm công trình này đã đoạt được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 ở lĩnh vực Y Dược.
Giáo sư Cao Ngọc Thành là một chuyên gia hàng đầu về sản phụ khoa và điều trị vô sinh hiếm muộn. Ông đã thành lập Trung tâm Nội tiết Sinh sản và vô sinh triển khai các kĩ thuật cao nhằm hỗ trợ điều trị cho các trường hợp vô sinh một cách hiệu quả nhất. Hiện Trung tâm tiến hành các kỹ thuật: Thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng; lưu trữ tinh trùng, trứng, phôi; hỗ trợ phôi thoát màng bằng hệ thống laser tự hành giúp gia tăng khả năng làm tổ của phôi; trích ly tinh trùng từ tinh hoàn, mào tinh của các bệnh nhân vô tinh; nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang. Trung tâm đã đem lại niềm vui cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn.
Đến nay, ông đã hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công; hướng dẫn thành công 52 Thạc sĩ, 57 bác sĩ chuyên khoa II; đồng thời xây dựng, phát triển bệnh viện trường và các trung tâm điều trị kỹ thuật cao với quy mô tiếp nhận khám, điều trị 1 triệu bệnh nhân/năm. Bệnh viện đã trở thành loại hình bệnh viện sự nghiệp công lập và được Bộ Y tế xếp hạng là bệnh viện loại I.
Giáo sư Cao Ngọc Thành còn là tác giả của 38 giáo trình, sách tham khảo; hoàn thành 134 công trình khoa học, báo cáo khoa học trên một số tạp chí khoa học, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Hiện nay, ông đang triển khai thực hiện đề tài cấp tỉnh nghiên cứu về những vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc miền núi. "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi luôn gìn giữ vốn quý nhất của người thầy thuốc là giỏi y thuật và giàu y đức"- Giáo sư Cao Ngọc Thành chia sẻ.
Ngôi trường dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Với mục tiêu hàng đầu là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) đã đạt nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học. Với những thành tích đó, tháng 4-2018 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là trường đứng đầu trong 59 trường ngoài công lập tại Việt Nam phát triển mạnh về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường Đại học Lạc Hồng được thành lập năm 1997 với một cơ sở hơn 8.000 m2, đào tạo cho gần 1.000 sinh viên. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay trường đã phát triển với 9 cơ sở, đào tạo khoảng 7.500 sinh viên. Hiện trường đã đào tạo bậc Tiến sĩ ở 2 ngành, Thạc sĩ ở 6 ngành và hệ đại học ở 21 chuyên ngành, trong đó tập trung phát triển mạnh về các chuyên ngành thuộc khối công nghệ, khối kinh tế và khối ngôn ngữ.
Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: Từ khi thành lập, sứ mệnh phát triển của nhà trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có năng lực và phẩm chất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của thầy và trò, Trường Đại học Lạc Hồng đã đạt nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học ở các Cuộc thi sáng tạo Robot, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải Sở hữu Trí tuệ thế giới của Liên Hợp Quốc (WIPO), Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai…Trường 8 lần lọt vào vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Robocon châu Á - Thái Bình Dương trong đó 3 lần đoạt giải Nhì, 2 lần đoạt giải Ba và 2 lần đoạt giải Vô địch. 4 năm liên tục (2015 - 2018), Đội xe LH-GOLD ENERGY của Trường đã đoạt giải Vô địch tại Cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu khu vực châu Á – SEM ASIA…
Từ những thành quả trong lĩnh lực khoa học công nghệ, trong giai đoạn 2012 - 2018, Trường Đại học Lạc Hồng đã chuyển giao 40 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các khối ngành về kỹ thuật, đặc biệt là các ngành cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử được ứng dụng thành công trong thực tiễn cho các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết, ngoài tập trung phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, Trường đang hướng tới mục tiêu ở mỗi ngành đào tạo sẽ có những “sân chơi” phù hợp với chuyên ngành có quy mô lớn và sẽ tăng dần từng cấp để sinh viên có điều kiện tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, có môi trường cạnh tranh để phát triển. Ví dụ, trường sẽ tạo ra các sân chơi, các cuộc thi cho sinh viên thử sức học tập và nghiên cứu, các cuộc thi sẽ được nâng dần từ cấp khoa, trường lên cấp tỉnh, trong nước và thậm chí tham dự các cuộc thi mang tầm vóc quốc tế như Cuộc thi sáng tạo Robot.
Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bộ Quốc phòng tổ chức chương trình Giao lưu “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Chương trình được tổ chức nhằm thông tin, tuyên truyền về quá trình hình thành, phát triển của phong trào thi đua quyết thắng trong Quân đội; tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ và điển hình tiên tiến.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã cụ thể hóa bằng phong trào thi đua quyết thắng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sỹ toàn quân phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm tròn chức năng "đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất". Cùng với đó là các đợt thi đua cao điểm, đột kích, các cuộc vận động được thực hiện sâu rộng, nhằm phát hiện và lan tỏa những gương người tốt, việc tốt trong toàn quân.
Giao lưu “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện theo hình thức sân khấu hóa, xen kẽ phóng sự về các hoạt động ghi dấu ấn của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Quân đội là cuộc trò chuyện, trao đổi giữa người dẫn chương trình với các khách mời như: Nữ du kích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Tám, thuộc đội nữ du kích Hoàng Ngân (tỉnh Hưng Yên), người gắn với sự tích "đòn gánh đánh Tây", vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ.
Tại giao lưu, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đại diện tập thể Bệnh viện chia sẻ về thành công của ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não. Đại úy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Tân, một trong những người thuộc lớp thủy thủ đầu tiên của 4 tỉnh miền Nam vượt biển ra Bắc xin vũ khí. Trung tá Ngô Hồng Sơn, Phó Trung đoàn trưởng Quân sự, Phi công Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân, người trực tiếp tham gia lái chính nhiều chuyến bay cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảo, tham gia hội thi hội thao đạt nhiều thành tích cao…Tại buổi giao lưu, các đại biểu, khách mời đã cùng nhau ôn lại quá trình hình thành và phát triển của phong trào thi đua quyết thắng trong Quân đội.
Phát huy những tấm gương Công an nhân dân
Trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước trong Công an nhân dân luôn được cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đạt được những kết quả to lớn. Qua các phong trào thi đua, lực lượng Công an đã thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước những vấn đề cơ bản, chiến lược quan trọng về ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chủ động đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, nhất là các vấn đề nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ…
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hơn 14 ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh; trên 5 ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an đã bị thương; hàng chục ngàn đồng chí bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, mang di chứng qua nhiều thế hệ. Trong hòa bình, lực lượng Công an tiếp tục cống hiến, chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, 51 cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh, 1.376 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ, hơn 222 ngàn tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng và rất nhiều tấm gương cống hiến, hy sinh thầm lặng chưa tổng kết thành các số liệu cụ thể.
Các điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an sẽ luôn là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, dũng cảm chiến đấu, không quản hy sinh, luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng, giá trị to lớn của việc tu dưỡng tư cách, đạo đức của người Công an cách mạng, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng theo Sáu điều Bác Hồ dạy; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, luôn “Tuyệt đối trung thành với Đảng - Tận tụy với dân - Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Phối hợp công tác Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương  (03/06/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về vụ Mobifone mua AVG  (02/06/2018)
Có một không khí thi đua để tăng trưởng  (02/06/2018)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm, tặng quà học sinh Lạng Sơn  (02/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên