TCCS -  Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Song hành cùng quá trình này, người dân đô thị phải đối diện các vấn đề an ninh tác động tiêu cực đến cuộc sống. Kinh nghiệm của một số quốc gia là những gợi mở hàm ý chính sách về việc tăng cường trách nhiệm của chính quyền đô thị trong bảo đảm an ninh con người phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, thực tiễn của các đô thị, trong đó có Việt Nam.

Trao quyền “tự trị địa phương” đối với chính quyền đô thị của một số quốc gia

Kinh nghiệm của chính quyền đô thị Tokyo (Nhật Bản)

Chính quyền đô thị Tokyo là một đơn vị hành chính đặc biệt của Nhật Bản, được gọi là “Tokyo Metropolis” (東京都, Tōkyō-to). Khác với các thành phố khác của Nhật Bản, Tokyo có một cơ cấu chính quyền bao gồm các khu hành chính đô thị (23 đặc khu - đây là cơ chế quận đặc biệt chỉ dành cho Thủ đô Tokyo), các thành phố, các thị trấn và làng xã. Được quy định theo Luật Tự quản địa phương, 23 đặc khu trên được coi là chính quyền tự quản cấp cơ sở với người đứng đầu là quận trưởng và hội đồng quận do người dân bầu trực tiếp. Đây là chính sách hiệu quả trong việc quản lý Thủ đô Tokyo - một trong những đô thị lớn nhất thế giới. Theo đó, chính quyền đô thị Tokyo được điều hành bởi một thống đốc (Governor) - người được bầu chọn qua bầu cử trực tiếp của người dân Tokyo. Ngoài thống đốc, Tokyo còn có một hội đồng thành phố (Tokyo Metropolitan Assembly) với 127 thành viên, chịu trách nhiệm thông qua ngân sách và các chính sách quan trọng. Do vị trí địa lý giáp biển, nằm trên các đoạn đứt gãy về địa chất, Thủ đô Tokyo thường xuyên đối mặt với các nguy cơ động đất, sóng thần và bão, do đó một trong những vai trò, trách nhiệm quan trọng mà chính quyền đô thị Tokyo phải thực hiện là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai, như bão lụt, động đất, sóng thần. Chính quyền đô thị Tokyo tập trung vào các biện pháp phòng, chống và ứng phó khẩn cấp để bảo vệ người dân, góp phần bảo đảm an ninh con người.

Tokyo Skytree là tòa nhà được Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất thế giới vào năm 2011,
được thiết kế dựa trên ý tưởng sử dụng shinbashira (trụ trung tâm) để chống động đất_Ảnh: baotintuc.vn

Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh con người trước thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, chính quyền đô thị Tokyo đã chủ động xây dựng, ban hành chính sách của thành phố trên các lĩnh vực khác nhau. Chính quyền đô thị Tokyo là chính quyền đầu tiên tại Nhật Bản đưa ra sáng kiến và thành lập cơ quan quản lý khủng hoảng (Deputy of Crisis management) vào năm 2003(1). Việc Tokyo chủ động thành lập thiết chế này cho thấy những phản ứng linh hoạt, chủ động của chính quyền đô thị trước vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, bão lụt. 

Thông qua cơ quan chuyên trách này, thị trưởng chính quyền đô thị Tokyo lãnh đạo trực tiếp chính quyền đô thị của các đặc khu, chính quyền của các thành phố, thị trấn trực thuộc Tokyo, các sở, ban, ngành của chính quyền đô thị Tokyo và các thiết chế tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai. Đồng thời, chính quyền đô thị Tokyo cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan này trong việc phối hợp với các đơn vị cảnh sát, lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cảnh sát biển, chính quyền đô thị của các vùng lân cận trong việc xử lý các vấn đề về thiên tai. Khi thiên tai xảy ra, cơ quan này sẽ ưu tiên xử lý vấn đề cứu trợ nhân đạo trước tiên, như thu thập và điều phối thông tin thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, điều tiết giao thông để bảo đảm an toàn tuyến đường vận chuyển, sơ tán và bảo vệ người dân. Việc thành lập cơ quan này bên cạnh vai trò, nhiệm vụ của các bộ trực thuộc chính phủ cho thấy sự chủ động, linh hoạt của chính quyền đô thị Tokyo, góp phần tăng cường khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả của chính quyền đô thị đối với những vấn đề phát sinh. Đồng thời giảm thiểu sự thụ động trong trường hợp chờ chỉ đạo từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, có thể dẫn đến việc phản ứng chậm trễ, làm ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh con người trước những thách thức mà thiên tai đặt ra. 

Bên cạnh việc thành lập thiết chế nêu trên, chính quyền đô thị Tokyo cũng được chính quyền Trung ương Nhật Bản phân quyền chủ động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và phân bổ ngân sách thành phố để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Theo đó, chính quyền đô thị Tokyo đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý quan trọng để chính quyền đô thị thành phố xây dựng các dự án phòng, chống thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh con người. Chẳng hạn như, để kết cấu hạ tầng thành phố có thể bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước những trận động đất lớn, trên cơ sở các quy định hiện hành(2), chính quyền đô thị Tokyo đã ban hành kế hoạch “Thúc đẩy việc cải tạo các công trình chịu động đất”. Theo kế hoạch này, đến năm 2025, 90% hệ thống nhà ở dọc các làn đường khẩn cấp, 100% hệ thống nhà công vụ, 95% các tòa nhà cao tầng, 100% bệnh viện của Tokyo có khả năng chống chịu động đất. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thiệt hại về tài sản và người do động đất gây ra ở Nhật Bản giảm đáng kể. Theo thống kê của chính quyền đô thị Tokyo, trong những trận động đất lớn nhất giai đoạn 2014 - 2024, hầu như hệ thống kết cấu hạ tầng, tài sản của người dân ít bị ảnh hưởng, số người chết và bị thương giảm xuống mức tối thiểu. So với giai đoạn trước đó, nhiều trận động đất với độ rung chấn tương đương đã gây ra nhiều thiệt hại lớn, như: trận động đất xảy ra ngày 1-7-2000 khiến thành phố bị hư hỏng 34 tòa nhà, công trình khác nhau, một số tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, 14 người bị thương, 1 người tử vong; trận động đất ngày 23-7-2005 khiến 12 người bị thương, 4 công trình xây dựng bị hư hại nặng(3).

Để làm được điều này, pháp luật Nhật Bản đã ban hành những quy định cụ thể về việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị Tokyo. Điều 92 Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản quy định “tự trị địa phương” là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, điều hành bộ máy chính quyền địa phương. Đây trở thành kim chỉ nam cho việc phát triển, xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị của Tokyo và các chính quyền đô thị khác của Nhật Bản. Trên cơ sở Điều 92, các Điều 93, 94 và 95 của Hiến pháp Nhật Bản đã quy định một loạt nguyên tắc(4) như: 1- Sự tự trị của địa phương phải cơ bản được tôn trọng; 2- Theo pháp luật, người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, thành viên hội đồng nhân dân và công chức địa phương khác phải do người dân bầu trực tiếp thông qua phương thức phổ thông đầu phiếu; 3- Chính quyền địa phương có quyền tự trị tài chính, bao gồm quyền thu thuế và quản lý ngân sách địa phương, sử dụng ngân sách đó để phát triển địa phương theo nhu cầu phát triển và quản lý đô thị; 4- Quốc hội không thể thông qua một đạo luật được áp dụng cho một địa phương nếu đa số cử tri của địa phương đó không chấp thuận. Có thể thấy, với một chính quyền địa phương được phân quyền mạnh mẽ, chính quyền đô thị Tokyo có sự chủ động trước các vấn đề xảy ra trên địa bàn, từ đó, bảo đảm hiệu quả an ninh con người trước thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai.

Kinh nghiệm của chính quyền đô thị Bắc Kinh (Trung Quốc)

Môi trường bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng đang diễn ra tại các đô thị ở Trung Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (Tổ chức nghiên cứu độc lập tại Phần Lan) cho thấy, 80% thủ phủ của các tỉnh, bao gồm cả Thủ đô Bắc Kinh, ghi nhận Chỉ số bụi mịn (PM2.5) năm 2023 tăng so với năm 2022. Sản xuất than và nhiệt điện ở những nơi không đạt tiêu chuẩn PM2.5 đã tăng lần lượt 4,4% và 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch tăng. Trung Quốc đứng thứ 19/134 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất trong năm 2023. 

Thủ đô Bắc Kinh từng được gọi là “Thành phố không thấy mặt trời” bởi vấn nạn ô nhiễm không khí. Do vậy, để bảo đảm an ninh con người, chính quyền đô thị Bắc Kinh đã tiến hành nhiều giải pháp quan trọng, tập trung vào các vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua phát động chiến dịch quy mô lớn nhằm “giành lại màu xanh cho bầu trời Bắc Kinh”. Trước tiên là chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí với những mục tiêu cụ thể, xác định những yêu cầu và giải pháp chi tiết như thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng, chuyển đổi xanh công nghiệp và giảm ô nhiễm lớn. Trung Quốc là quốc gia sở hữu thị trường năng lượng tái tạo, đứng đầu ngành sản xuất polysilicon với năng lực sản xuất chiếm 66%, các tấm bán dẫn (>95%), pin nhiên liệu (78%) và modul (72%). Đồng thời, Bắc Kinh đóng góp 40% cho sự tăng trưởng toàn cầu về điện mặt trời vào năm 2022(5)

Công nhân đang cắt ngắn các cây thủy sinh sống dưới lòng hồ tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc_Ảnh: special.nhandan.vn

Giảm khí thải từ giao thông cũng được coi là nội dung quan trọng trong chiến dịch giảm nguồn gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền đô thị Bắc Kinh ban hành các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với khí thải từ các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel; yêu cầu các chủ phương tiện phải thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện giao thông có khả năng gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng nguyên liệu, loại bỏ các phương tiện giao thông cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải; tăng cường lưu thông các phương tiện chạy bằng năng lượng mới. Bên cạnh đó, chính quyền đô thị Bắc Kinh cũng phân bổ khoản chi phí lớn trong việc chống ô nhiễm không khí, từ 434 triệu USD trong năm 2013 lên 2,6 tỷ USD trong năm 2017 và 2,73 tỷ USD trong năm 2023(6).

Kinh nghiệm của chính quyền đô thị London (Anh)

Chính quyền đô thị London là một trong gần 40 chính quyền đô thị ở Anh. Trong chính quyền đô thị của Thủ đô London, thị trưởng được bầu trực tiếp bởi người dân Luân Đôn, trong khi Hội đồng bao gồm 25 thành viên được bầu (14 đại diện cho các khu vực bầu cử và phần còn lại được bầu từ danh sách đảng phái theo tổng số phiếu bầu toàn thành phố). Chính quyền đô thị London phát huy vai trò bảo đảm an ninh con người từ rất sớm bởi London vốn được biết đến là một hình mẫu trong quy hoạch đô thị, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, góp phần bảo đảm hiệu quả an ninh con người. 

Tuy nhiên, vào những năm cuối của thế kỷ XIX, London phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh con người, như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao (khoảng 26%), tuổi thọ trung bình của người dân thấp (chỉ khoảng 24 - 26 tuổi), các cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn đến thành thị gây ra nhiều vấn đề xã hội, như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh hoành hành ở các khu ổ chuột, các dịch vụ công không đáp ứng được yêu cầu xã hội đặt ra do nền hành chính tại thành phố kém hiệu quả… Trong khi đó, chính quyền trung ương mà cao nhất là Nghị viện Anh chưa hoàn thiện các cơ chế dân chủ đại diện, chưa thực sự đại diện cho đại đa số nhân dân (mà chủ yếu là người dân lao động), do đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. 

Trước tình hình đó, một cuộc cải tổ toàn diện đã được tiến hành, trước tiên là việc hoàn thiện thể chế pháp luật về chính quyền đô thị. Hàng loạt đạo luật quan trọng như Luật về sức khỏe cộng đồng năm 1848, Luật dỡ bỏ tác hại năm 1885, Luật Vệ sinh môi trường năm 1866, Luật Torren năm 1868, Luật Hội đồng chính quyền đô thị năm 1882 và Luật Chính quyền địa phương năm 1888 và năm 1894 cho phép chính quyền đô thị ở Anh nói chung và ở London nói riêng có thẩm quyền chủ động can thiệp mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Tại thời điểm đó, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những vấn đề nhức nhối mà xã hội London phải trải qua được xác định là do quy hoạch đô thị chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Sau này, khi pháp luật tạo dựng những hành lang pháp lý thông thoáng cho chính quyền đô thị, chính quyền đô thị London đã nhanh chóng chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp căn cơ để thay đổi bộ mặt đô thị, giải quyết cơ bản những vấn đề xã hội. Nguyên tắc chung được áp dụng là ưu tiên bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, chính quyền đô thị London đã đưa ra những quy định quy hoạch đô thị, như quy định bề ngang tối thiểu cho đường phố để bảo đảm ánh sáng cho các căn nhà hai bên đường; quy định chiều cao và mật độ đối với các tòa nhà; đường ngõ riêng biệt được sử dụng làm lối vận chuyển chất thải nhằm bảo đảm vệ sinh đường phố chính… 

Đến năm 1999, trên cơ sở pháp luật của Anh tiếp tục được cải cách, Đạo luật về chính quyền đô thị London quy định trao nhiều thẩm quyền hơn cho thị trưởng của London. Cụ thể, thị trưởng London chịu trách nhiệm về các vấn đề, như: giao thông vận tải, cảnh sát và tội phạm, cứu hỏa và cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở và quy hoạch đô thị. Trong đó, nhiệm vụ quy hoạch đô thị được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất, pháp luật trao quyền cho thị trưởng London được phép hoạch định chính sách, đề xuất ngân sách hằng năm và quyết định quy hoạch không gian của thành phố. Đồng thời với việc trao quyền, pháp luật cũng quy định một cơ chế ràng buộc, giám sát chặt chẽ với thị trưởng thành phố(7). Theo đó, thị trưởng phải tổ chức đối thoại hằng năm với cử tri và điều trần trước Nghị viện Anh.

Kinh nghiệm của chính quyền đô thị Mumbai (Ấn Độ) 

Trước đây, Mumbai được gọi là Bombay, là thủ phủ của bang Maharashtra và là thành phố lớn nhất của Ấn Độ. Thành phố này nằm trên bờ biển phía Tây của Ấn Độ và có một cảng biển nước sâu. Đây là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ, đồng thời là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Thành phố này có dân số khoảng hơn 21 triệu người với diện tích khoảng 603,4 km² và nằm ở vị trí chiến lược với một cảng biển tự nhiên thuận lợi. Điều này đã giúp Mumbai phát triển trở thành một trung tâm thương mại quan trọng của Ấn Độ. 

Khác với chính quyền đô thị ở Tokyo, chính quyền đô thị ở Mumbai phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người dân. Một trong những vấn đề nổi cộm ở Mumbai là sự chênh lệch giàu - nghèo. Theo tờ Hindustan Times, thành phố này có số lượng lớn dân cư sống trong cảnh nghèo khó (chiếm khoảng 55% cư dân sống trong các khu ổ chuột). Các khu ổ chuột này là khu vực đông dân cư thường thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, như nước sạch và hệ thống vệ sinh. Ngược lại, Mumbai cũng có những quận giàu có, tạo ra một khoảng cách thu nhập lớn. Theo một cuộc khảo sát ở Maharashtra, thu nhập của người dân ở các quận nghèo nhất của Mumbai chỉ bằng 25% so với thu nhập của người dân ở các quận giàu nhất, cho thấy sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong thành phố(8). Trước vấn đề nan giải này, hàng loạt biện pháp đã được thực hiện bao gồm cả việc ban hành, sửa đổi các chính sách và pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, các giải pháp trên tỏ ra kém hiệu quả khi chính quyền đô thị Mumbai thiếu sự chủ động, khả năng tự quyết và ứng phó với những vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra. Điều này xuất phát từ thể chế pháp luật của Ấn Độ phân quyền cho các tiểu bang quyết định đến phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền đô thị của từng tiểu bang. Theo quy định của Đạo luật Maharashtra Slum Areas (sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện năm 1971), việc xử lý các vấn đề quá tải ở các khu ổ chuột tại thành phố Mumbai thuộc thẩm quyền của chính quyền bang Maharashtra. Điều này dường như đi ngược lại với xu hướng phân quyền cho địa phương để chính quyền đô thị có thể tự quyết các vấn đề an sinh xã hội của chính đô thị đó theo thẩm quyền. Chính vì vậy, chính quyền bang Maharashtra đã thành lập Cơ quan Tái định cư và Phát triển khu ổ chuột (SRA) nhằm giải quyết tình trạng quá tải các khu ổ chuột tại thành phố Mumbai. Thiết chế này hoạt động độc lập như một cơ quan quy hoạch cấp tỉnh thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền trong phạm vi của Mumbai. Thông qua sửa đổi Luật Quy hoạch khu vực và bang Maharashtra (MR & TP) năm 1966, SRA có thẩm quyền của một cơ quan quy hoạch, hoạt động như một chính quyền địa phương tại Mumbai. 

Thực hiện các định hướng của bang Maharashtra, SRA đã lập và nộp đề xuất sửa đổi Kế hoạch Phát triển của Mumbai, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch cho việc tái định cư các khu ổ chuột và thực hiện các chương trình tái định cư khu ổ chuột. Tuy nhiên, cho tới nay, kết quả mà SRA mang lại vẫn không thực sự khả quan. Thậm chí theo các thống kê, nhiều chính sách gần như không có hiệu quả, nhất là trong các năm 1985, 1991, 1995 do không thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản, làm gia tăng các chi phí xã hội, chi phí quản lý các khu ổ chuột, không có tác động sâu rộng đến xã hội…(9). Theo số liệu thống kê giai đoạn 1951 - 2001, số lượng các khu ổ chuột ở Mumbai tăng 15 lần (từ mức 40 nghìn người lên 620 nghìn người), các trường hợp có từ 2 người trở lên sống trong một ngôi nhà tại các khu ổ chuột tăng từ 5% lên mức 48,9%(10). Đến năm 2023, số người phải sống trong các khu ổ chuột đã cán mốc là 1,1 triệu người (gần gấp đôi năm 2001), chiếm 41,84% dân số. Việc giải quyết không hiệu quả vấn đề các khu ổ chuột đã kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh con người tại Mumbai, như ô nhiễm môi trường, nghèo đói và thất nghiệp, tỷ lệ tội phạm và bạo lực, nhất là bạo lực tình dục gia tăng đáng kể. Có thể thấy, sự hạn chế về thẩm quyền của chính quyền đô thị trong việc quyết định các vấn đề cấp bách tại Mumbai đã phản ánh vai trò kém hiệu quả của chính quyền đô thị, do đó chính quyền địa phương có xu hướng ỷ lại chính quyền cấp trên, làm ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề an ninh con người tại một đô thị lớn như Mumbai.

Như vậy, có thể thấy, một số thủ đô, thành phố lớn của các nước đã có sự chủ động trao quyền tự quyết cho chính quyền đô thị tùy thuộc vào đặc điểm, hoàn cảnh, thực tiễn của từng đô thị. Từ đó, phát huy kết quả trong bảo đảm an ninh con người trước các thách thức tới cuộc sống của cư dân thành phố. Song bên cạnh đó cũng có cả những hạn chế, nhất là quyền tự quyết, tự chủ chưa thực sự được trao cho chính quyền đô thị. 

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

An ninh con người được xác định là vấn đề mang tính thời sự trên mọi diễn đàn quốc tế và Việt Nam. Bảo đảm an ninh con người là một trong những nội dung quan trọng được xác định trong các văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng với những quan điểm chủ đạo như “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững”(11). Ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, vấn đề an ninh con người được đề cập toàn diện ở nhiều nội dung, lĩnh vực, bao quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phát triển con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể tại hai định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2023, đó là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”(12); “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm chính trị của Đảng trong bảo đảm an ninh con người.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng và thực tiễn trách nhiệm bảo đảm an ninh con người tại một số chính quyền đô thị trên thế giới, có thể rút ra một số bài học tham khảo cho chính quyền đô thị Việt Nam trong giải quyết các thách thức, nguy cơ đe dọa đến an ninh con người đang diễn ra tại các đô thị ở nước ta như sau:

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra thực địa tại công trường Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, trong nỗ lực của Hà Nội cải tạo sông Tô Lịch, góp phần bảo đảm môi trường sống trong lành hơn cho nhân dân Thủ đô_Ảnh: kinhtedothi.vn

Một là, chính quyền đô thị cần xác định bảo đảm an ninh con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển lâu dài, bền vững. Con người là chủ thể của sự phát triển, là động lực quyết định sự phát triển, đồng thời là đối tượng thụ hưởng kết quả của sự phát triển. Bảo đảm an ninh con người là nhiệm vụ quan trọng, là mục tiêu trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người được thực hiện. Do đó, cần phải gắn nhiệm vụ này với trách nhiệm và vai trò của mọi cấp chính quyền, trong đó, chính quyền đô thị - tổ chức chính quyền địa phương có thẩm quyền quản lý và điều hành các hoạt động trong phạm vi đô thị - phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện bảo đảm an ninh con người đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, pháp luật và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Bảo đảm an ninh con người phải được coi là một tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị nói riêng và các cấp chính quyền nói chung. 

Hai là, phải có cơ chế, chính sách, pháp luật trao quyền đủ mạnh cho chính quyền đô thị nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề mà đô thị đang gặp phải. Để có một chính quyền đô thị mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả, trước hết cần từng bước hạn chế cơ chế xin - cho, trao quyền cho chính quyền đô thị chủ động định hướng, phát triển đô thị trên cơ sở sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền Trung ương. Từ các mô hình phân tích như trên, có thể thấy khi chính quyền đô thị được phân quyền mạnh mẽ như Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thủ đô London (Anh), chính quyền đô thị có thể linh hoạt trong các vấn đề sử dụng ngân sách, phân bổ ngân sách vào các hoạt động cấp thiết mà không cần phải phụ thuộc vào chính quyền cấp trên như trường hợp của thành phố Mumbai (Ấn Độ). Để làm được điều này, chính quyền trung ương ở Nhật Bản và Anh đã tiến hành cải cách sâu rộng về thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để trao quyền cho chính quyền đô thị của Tokyo và London. Mức độ và phạm vi trao quyền cho các chính quyền đô thị phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất, mức độ của đô thị; đồng thời, được thực hiện trên cơ sở đánh giá toàn diện năng lực của bộ máy chính quyền đô thị.  

Ba là, cần có cơ chế lựa chọn đội ngũ lãnh đạo đô thị, xây dựng một chính quyền đô thị ngang tầm nhiệm vụ, đủ khả năng giải quyết hiệu quả những vấn đề mà đô thị gặp phải; đồng thời, dám chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy vai trò đưa ra quyết định của người đứng đầu (thị trưởng, thống đốc, chủ tịch hội đồng thành phố…) có tác động lớn đến tiến độ và chất lượng triển khai các chính sách của chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền đô thị. Cụ thể, từ trường hợp của chính quyền đô thị London có thể thấy, sự kiểm soát quyền lực đến từ hai cơ chế: 1- Cơ chế bên trong, đó là các thành viên của hội đồng thành phố có quyền giám sát, phủ quyết kế hoạch ngân sách của thị trưởng (trong trường hợp đạt tỷ lệ đa số); 2- Cơ chế bên ngoài, tức là thị trưởng phải tổ chức đối thoại hằng năm với cử tri và điều trần trước Nghị viện Anh.

Tóm lại, trên cơ sở kinh nghiệm của chính quyền đô thị của một số thành phố trên thế giới cho thấy, khi xác định trách nhiệm bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị ở Việt Nam, cần lưu ý phải nhận thức đúng tầm quan trọng của an ninh con người; từ đó, ban hành cơ chế, chính sách, quy định phù hợp, khả thi và xây dựng tổ chức bộ máy đủ mạnh, hiệu quả để giải quyết triệt để những nguy cơ, thách thức đe dọa đến sự an toàn của người dân đô thị./.


--------------------
(1), (2), (3) “Disaster Prevention Guide Book” (Tạm dịch: Sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai), Management section, Disaster Prevention Division, Bureau of General Affairs, Tokyo Metropolitan Government, tr. 60, 30, 63
(4) Chu Thị Thanh An: “Phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở Nhật Bản”, Thông tin Khoa học xã hội, 2021, số 5, tr. 28
(5)  Minh Hạnh: “Vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu”, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 26-4-2024, https://pilot.dcc.gov.vn/tin-tuc/vai-tro-cua-trung-quoc-trong-viec-thuc-2696
(6)  Thanh Thắng: “Vì sao Bắc Kinh có thể giảm thiểu ô nhiễm không khí nhanh đến như vậy?”, Tạp chí Tài chính online, ngày 17-12-2019, https://tapchitaichinh.vn/vi-sao-bac-kinh-co-the-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-nhanh-den-nhu-vay.html
(7) Võ Công Khôi: “Mô hình chính quyền đô thị của một số quốc gia châu Âu - Những gợi mở cho việc thực hiện chính quyền đô thị tại Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, ngày 23-12-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/862102/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-cua-mot-so-quoc-gia-chau-au---nhung-goi-mo-cho-viec-thuc-hien-chinh-quyen-do-thi-tai-viet-nam.aspx 
(8) Hindustan Times: “Gap between rich and poor widening in Maharashtra: Survey” (Tạm dịch: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở Maharashtra: Khảo sát), Hindustan Times, ngày 5-4-2017, https://www.hindustantimes.com/ 
(9) Bardhan, R., Sarkar, S., Jana, A., & Velaga, N. R.:  “Mumbai slums since independence: Evaluating the policy outcomes” (Tạm dịch: Khu ổ chuột Mumbai kể từ khi giành được độc lập: Đánh giá kết quả chính sách), Habitat International, 2015, 50, 1-11
(10) Amita Bhide: “Shifting terrains of communities and community organization: Reflections on organizing for housing rights in Mumbai” (Tạm dịch: Những thay đổi của cộng đồng và tổ chức cộng đồng: Suy ngẫm về việc tổ chức quyền nhà ở tại Mumbai), Community Development Journal 44(3):367-381, 2009
(11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 215, 116