Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay
TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh mới, nhất là trước những thách thức sau đại dịch COVID-19, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á thì việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết hàng đầu.
Nguồn nhân lực được xem là một trong những yếu tố then chốt giúp gia tăng khả năng cạnh tranh và quyết định sự thành bại trên thị trường du lịch của các doanh nghiệp, địa phương và rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia. Đây cũng là một trong những nhân tố có đóng góp quan trọng vào thành tựu xây dựng và phát triển ngành du lịch Việt Nam trong hơn 60 năm qua; giúp từng bước xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Do đó, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tư cho sự phát triển du lịch bền vững.
Hơn 3 năm qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch cả nước nói chung và ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Sự dịch chuyển lao động trong ngành du lịch cũng như yêu cầu mới về trình độ và kỹ năng của lao động ngành du lịch đang đặt ra những thách thức mới cho ngành “công nghiệp không khói” của Thành phố.
Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng. Nguyên nhân là do thời điểm đại dịch, có khoảng 72% - 82% lực lượng lao động của ngành bị mất việc làm, không ít người đã chuyển sang nghề khác và chưa sẵn sàng quay trở lại ngành du lịch. Tính đến ngày 18-12-2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.018 doanh nghiệp, trong đó có 759 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 163 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 20 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài; chủ yếu tại các quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Về số lượng hướng dẫn viên, Thành phố Hồ Chí Minh có 7.200 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 46,86% với 3.374 người và hướng dẫn viên du lịch nội địa là 3.826 người(1).
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý II-2023, Thành phố cần khoảng 67.000 - 73.000 lao động trong ngành du lịch; trong đó, nhu cầu nhân lực cao nhất nằm ở 9 nhóm ngành dịch vụ (trong đó có ngành du lịch) với khoảng 38.800 - 42.000 lao động, chiếm 58%(2).
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành, nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thừa vừa thiếu. Bên cạnh đó, cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề, còn xảy ra tình trạng mất cân đối trong đào tạo giữa chuyên ngành khách sạn và lữ hành. Một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý. Mặt khác, trên địa bàn Thành phố chưa có trường đại học chuyên đào tạo về du lịch; chỉ có các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về ngành du lịch, nhưng không chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu của ngành, chưa gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo về du lịch của các trường cũng khác nhau, chưa có giáo trình đào tạo chuẩn về kiến thức nền và các kỹ năng dành cho nhân lực ngành du lịch.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và chưa đồng đều, chưa chuyên nghiệp, còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, chưa nắm chắc quy trình, yêu cầu của công việc trong điều kiện mới, nhất là còn yếu về ngoại ngữ và các “kỹ năng mềm” (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm,…). Điều này có thể gây khó khăn trong việc truyền tải thông tin, tạo sự tin tưởng và cung cấp các dịch vụ tốt cho khách hàng quốc tế. Trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch thiếu lao động lành nghề thì sinh viên vừa tốt nghiệp lại chưa đáp ứng ngay được yêu cầu, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại. Trong những năm gần đây, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng số lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm 10%. Nhiều doanh nghiệp ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch. Việc chưa bảo đảm về chất lượng đào tạo đã gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ du lịch, sự hài lòng của khách hàng và khả năng cạnh tranh nguồn lao động của Thành phố.
Để thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, ngoài việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục, quy trình đầu tư…, thị trường lao động Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao đối với nguồn lực. Trước thực tế đó, trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chương trình tạo việc làm được mở ra nhằm thu hút và hướng nghiệp cho sinh viên ngành du lịch. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng kết nối với các đơn vị liên quan lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Cụ thể năm 2022, Sở Du lịch Thành phố phối hợp Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch COVID-19” trong khuôn khổ Ngày Hội Du lịch lần thứ 18 năm 2022 với 4 nội dung chính: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; liên kết vùng phát triển du lịch; liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; phát triển các loại hình du lịch đặc thù. Sở Du lịch Thành phố cũng phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức quản trị rủi ro trong du lịch với 80 học viên tham gia trực tiếp và hơn 300 học viên tham gia trực tuyến; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý buồng, phòng khách sạn trong bối cảnh mới với sự tham gia của 55 học viên ngành khách sạn trên địa bàn Thành phố… Trong năm 2023, Sở Du lịch Thành phố còn tổ chức các hội thi nghề nghiệp nhằm nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên cũng như giúp đội ngũ này gắn bó hơn với ngành du lịch.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, khách du lịch đến Thành phố đạt gần 30 triệu lượt, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021; riêng khách du lịch nội địa tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022; tổng thu du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm năm 2021, tăng 33,33% so với kế hoạch năm 2022(3). Để phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2022, hướng tới mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du dịch đạt trên 160.000 tỷ đồng, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.
Một là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Thời gian tới, cần xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành du lịch. Mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp một số cơ sở đào tạo du lịch, bổ sung một số ngành, nghề đào tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong quá trình phát triển du lịch Thành phố. Mở rộng, đa dạng hóa hình thức đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, như đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ thông qua công việc; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong các chương trình đào tạo, tập trung nhiều hơn vào hoạt động đào tạo kỹ năng, liên kết chặt chẽ trong phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong công tác nghiên cứu, đào tạo du lịch, như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning), xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử… Các tổ chức, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên ngành du lịch cần cải thiện chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo và nội dung học tập để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ và khuyến khích các nhân viên trong ngành du lịch tham gia các khóa đào tạo và chứng chỉ để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm chủ cảm xúc, quan sát, tổ chức sắp xếp và làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ, sử dụng các phương tiện truyền thông, ứng biến, tạo dựng mối quan hệ... Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong hệ thống các trường đào tạo về du lịch.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Do đó, cần đào tạo và phát triển năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác quản lý của ngành du lịch, giúp họ có khả năng đưa ra các quyết định và giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và trường học. Các doanh nghiệp cần đóng góp ý kiến và hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên ngành du lịch trong việc xây dựng chương trình đào tạo, giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế và nâng cao kỹ năng cần thiết trước khi bước vào thị trường lao động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường học sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên và góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực du lịch.
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách, các chương trình mục tiêu, các nguồn tài trợ hoạt động phát triển nguồn nhân lực, như nâng cấp và mở rộng cơ sở đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ thực hành của học sinh; đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình, giáo trình; đào tạo lại đội ngũ giáo viên; đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng đào tạo...
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch, trong đó có lực lượng sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Có kế hoạch thu hút và bồi dưỡng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành du lịch và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch tuyển chọn, cử cán bộ trẻ đi học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch ở trong và ngoài nước và có chính sách đãi ngộ phù hợp. Mở rộng giao lưu hợp tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực du lịch với các tổ chức quốc tế.
Khuyến khích và thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nhân lực du lịch, tạo cơ chế và điều kiện để các thành phần xã hội có thể tham gia đóng góp cho công tác đào tạo nhân lực du lịch. Áp dụng các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào đào tạo nhân lực ngành du lịch. Nâng cao vai trò và sự tham gia của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhằm kết nối cung - cầu, liên kết đào tạo, thẩm định chất lượng đào tạo nhân lực du lịch của Thành phố.
Ba là, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực đối với sự phát triển ngành du lịch Thành phố trên cơ sở quán triệt quan điểm đã được đề ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp du lịch của Thành phố. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người lao động trong ngành du lịch với sứ mệnh là “đại sứ văn hóa” của Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp với tăng cường các hoạt động tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó thu hút đông đảo khách du lịch đến với Thành phố; từ đó, vừa thúc đẩy nhu cầu về lao động trong ngành du lịch, tạo việc làm ổn định cho nhân lực ngành du lịch, giúp lực lượng lao động có nhiều cơ hội thực hành và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ; vừa tăng cường quảng bá hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và cả nước./.
---------------------------
(1) Xem: Thái Doãn Hồng: “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Công thương điện tử, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-nganh-du-lich-thanh-pho-ho-chi-minh-86198.htm, ngày 3-1-2022
(2) Xem: Vân Nguyễn: “TP. HCM cần đến 73.000 lao động trong quý 2/2023”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam điện tử, https://vneconomy.vn/tp-hcm-can-den-73-00-lao-dong-trong-quy-2-2023.htm, ngày 7-4-2023
(3) Xem: Nguyễn Cảnh: “TP Hồ Chí Minh thu hút gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế”, https://cand.com.vn/Thi-truong/tp-ho-chi-minh-thu-hut-gan-30-trieu-luot-khach-du-lich-quoc-te-i679446/, ngày 30-12-2022
Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế  (08/09/2023)
Quảng Ninh nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  (04/08/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển