Phát huy giá trị di sản văn hóa trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên thành phố mang tên Bác
TCCS - Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một quyết sách sáng tạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và mong muốn của nhân dân, nhằm kiến tạo môi trường văn hóa và động lực phát triển, làm cho “văn hóa Hồ Chí Minh” thấm sâu vào từng người dân, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn, hướng tới xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
1- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định, một trong những nhiệm vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và có tính nhân văn sâu sắc, phát huy những phẩm chất đặc trưng của người dân Thành phố (sự năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình), làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Để quyết tâm phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Bác Hồ kính yêu, Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định cần để tên gọi cao quý ấy trở thành động lực phát triển, thuộc tính văn hóa của Thành phố; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thấm vào từng người dân, trở thành một phẩm chất văn hóa của công dân Thành phố. Chính vì thế, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Trước hết, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định là một trong những phương thức xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thông qua tấm gương gần gũi, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người dân càng hiểu biết sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp, sự hy sinh và công lao vĩ đại của Người dành cho dân tộc Việt Nam, từ đó thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ngày càng hiệu quả hơn, thực sự trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân Thành phố. Việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng, khẳng định tấm lòng son sắt của người dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là mong muốn, là trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Người; qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, sống có lý tưởng, khát vọng, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng và xã hội, phát huy truyền thống nghĩa tình và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của Thành phố tới mọi du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến nơi đây.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã nêu rõ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố. Không gian văn hóa ấy sẽ góp phần lưu truyền những giá trị văn hóa đặc sắc mang ảnh hưởng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người dân Thành phố đã tiếp thu, hình thành trên cơ sở điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội… đặc thù của mình. Như vậy, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là tổng hòa nhiều yếu tố, từ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, phong cách, lối sống, cách ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh ở mỗi người dân Thành phố. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ là quy hoạch phát triển các công trình, thiết chế văn hóa, mà còn bao gồm cả sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng đến xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống ngày càng tốt hơn, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân. Chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trước hết là tất cả người dân của Thành phố, đồng thời còn là di sản văn hóa, chính trị của cả nhân dân, đất nước Việt Nam.
2- Thành phố mang tên Bác là địa phương sở hữu nhiều giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tiên phải kể tới bến Nhà Rồng, di sản văn hóa vật thể in dấu chân của Bác khi ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng lớn lao là giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Chính tại nơi đây, ngày 5-6-1911, chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) và lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Năm 1982, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng. Ngày 30-10-1995, Khu lưu niệm được đổi tên thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là một trong những di sản văn hóa quý giá của Thành phố, là một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc và các du khách quốc tế.
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc sắc này, thời gian qua, Bảo tàng luôn duy trì việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân. Bảo tàng đã xây dựng được một hệ thống gồm nhiều kho bảo quản để lưu giữ các tài liệu, hiện vật với các trang thiết bị bảo quản cần thiết. Những năm qua, Bảo tàng đã phối hợp, liên kết có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị và các bảo tàng khác trong việc tổ chức các đợt sưu tầm hiện vật, đưa tin, vận động nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng có gần 24.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có gần 3.700 hiện vật gốc, gần 1.900 tài liệu mật; xây dựng nhiều sưu tập với hàng nghìn hiện vật, trong đó có những hiện vật quý hiếm, có giá trị. Toàn bộ hiện vật được ghi chép, lập hồ sơ; các dữ liệu hiện vật được đưa vào phần mềm quản lý. Việc xét duyệt lý lịch hiện vật đi vào nền nếp, bảo đảm tính khoa học, với việc tổ chức họp định kỳ Hội đồng Khoa học của Bảo tàng. Bên cạnh đó, công tác trưng bày, triển lãm từng bước được đổi mới. Qua nhiều lần chỉnh lý, hiện nay, hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng gồm 7 phòng, 8 gian trưng bày phản ánh đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 3 phòng nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam dành cho Bác Hồ. Đặc biệt, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân các ngày lễ trọng đại của đất nước và mỗi khi đến tham quan Bảo tàng. Bảo tàng cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch tái hiện mô hình khung cảnh khu vực cảng Sài Gòn năm 1911, phục chế tàu Amiral Latouche Tréville, tạo điểm nhấn và tăng sức hấp dẫn của di tích lịch sử, văn hóa giàu giá trị này.
Thành phố còn có một di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia khác, rất đặc biệt gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là căn nhà nhỏ đơn sơ, nơi Người đã sống 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước, ở số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn, nay là số 5 đường Châu Văn Liêm (Phường 14, Quận 5). Cuối năm 1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận ngôi nhà là Di tích lịch sử quốc gia và gọi với cái tên gần gũi là “Nhà Bác Hồ” (tên đầy đủ của di tích là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”). Căn nhà xưa kia là một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Ngày 19-9-1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vào Sài Gòn với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Ba. Người đã sống ở đây 9 tháng, vừa dạy học, vừa đi làm ở trường thợ máy, vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động, cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đây là thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có cái nhìn thực tế về tình hình đấu tranh cách mạng trong nước, từ đó định hướng về con đường cứu nước sau này. Do đó, đây là di tích có giá trị rất đặc biệt, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, kiến trúc theo phong cách cổ của “Nhà Bác Hồ” vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và luôn mở cửa để đón du khách tham quan. Vào các ngày lễ lớn, “Nhà Bác Hồ” thu hút đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách du lịch nước ngoài đến tham quan, thắp hương tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều bạn trẻ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại di tích văn hóa giàu ý nghĩa này. Ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu để đưa Di tích số 5 Châu Văn Liêm đến với đông đảo người dân hơn. Mới đây nhất, một bộ đồ kaki trắng, đôi dép nhựa và chiếc điện thoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sử dụng cũng được bổ sung và trưng bày ở tầng 1 để không gian trưng bày thêm phong phú. Cùng với bến Nhà Rồng, di tích “Nhà Bác Hồ” ngày càng có sức lan tỏa hơn, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.
Không chỉ giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở Thành phố, những di tích lịch sử, văn hóa đã có sẵn, mà Thành phố Hồ Chí Minh còn chủ trương quy hoạch, xây dựng thêm những công trình gắn với hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác, gắn với di sản Người để lại, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại. Thành phố có đề án riêng về xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” gắn với chiến lược phát triển văn hóa Thành phố đến năm 2035. Ngành văn hóa Thành phố tham mưu phương án triển khai xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Ðức). Nơi đây sẽ hình thành các công trình, như Nhà sàn Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ, Vườn cây “Ðại đoàn kết”... Công trình khi hoàn thành có quy mô, tầm vóc đặc thù của một quảng trường trung tâm, với không gian mang đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân Thành phố, cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Để những di sản văn hóa gắn liền với Bác được thấm sâu, lan tỏa trong nhân dân, Thành phố xác định, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thiết thực nhất là thực hiện có hiệu quả, sâu rộng, thực chất cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các tầng lớp nhân dân, để học Bác trở thành tự giác, tự nguyện, đi vào nếp sống, nếp nghĩ và là động lực, sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố.
Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ra đời, như vở kịch “Dấu xưa” là bài học quý về tấm gương bình dị của Bác, vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” đặc tả về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với bí danh Tống Văn Sơ khi hoạt động cách mạng ở Hồng Kông (Trung Quốc) những năm 30 của thế kỷ XX, hay những ca khúc dạt dào tình cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều hơn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa cao đẹp từ chính nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ và sự nghiệp cách mạng của Người.
Đặc biệt, từ thực tiễn công việc xây dựng Thành phố, nhất là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, đã có biết bao những việc làm tử tế, những tấm gương đạo đức, nghĩa tình của rất nhiều người dân ở mọi lứa tuổi, thành phần, giai cấp. Giai đoạn 2016 - 2020, có 6.937 tập thể, 13.234 cá nhân được biểu dương, khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy; 772 tập thể, 1.201 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Thành phố; 24 tập thể và 45 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Trung ương biểu dương, khen thưởng(1). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người đã và đang ngày đêm lặng lẽ đóng góp tâm sức cho sự phát triển của Thành phố. Tất cả đều là những tấm gương vừa cao đẹp, vừa bình dị, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần lớn lao của di sản văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang được gìn giữ và phát huy bởi mỗi người dân Thành phố. Đây thực sự là phương thức phát huy những di sản văn hóa Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa, hướng tới xây dựng Thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, nghĩa tình, đồng thời cũng thể hiện phẩm chất, bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam. Do đó, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên Thành phố mang tên Bác không chỉ mang những nét riêng, đặc thù, mà còn là sự kế thừa và kết tinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.
3- Trong quá trình xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, trước hết, mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị cần thật sự là một “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thu nhỏ; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần là hình ảnh, tấm gương về người cán bộ “là đầy tớ trung thành, công bộc của nhân dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Khuyến khích các hình thức biểu dương, quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, kể cả có những phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học… Nhân rộng một số mô hình thành công trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, như ở quận Bình Thạnh với việc xây dựng khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Bác với mục tiêu mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố thực sự là một “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thu nhỏ, thành lập “Tủ sách Hồ Chí Minh”; mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) tái hiện các hình ảnh thể hiện cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với điểm nhấn là 5 chủ đề: Mối quan tâm, tình yêu thương của Bác dành cho giáo dục; cách thức mà cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường vận dụng để lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tác phẩm, lời căn dặn của Bác..., là nơi để nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục có ý nghĩa, như sinh hoạt của chi bộ, chi đoàn, liên đội, tổ chức kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, tổ chức các hội thi tìm hiểu về chân dung, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác, tuyên dương gương điển hình giáo viên, học sinh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh..., qua đó, đưa việc học Bác thành việc tự giác, thường xuyên của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường; mô hình triển lãm hình ảnh, tổ chức các hội nghị chuyên đề, các hoạt động trồng cây nhớ ơn Bác, biên tập tập san giới thiệu gương học tập và làm theo Bác; mô hình phát động phong trào thi đua xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở quận Tân Bình…
Thứ ba, tiếp tục tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hóa; phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố gắn với sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Tiếp tục xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa, triển khai các công trình xanh - sạch - đẹp ở các khu phố, khu dân cư do các đoàn thể, người dân cùng chăm sóc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đa dạng hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các sinh hoạt văn hóa. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, xây dựng chuẩn mực giá trị con người Thành phố.
Thứ tư, nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai đề án “Bảo tàng trên không gian mạng về Hồ Chí Minh”, tích hợp chia sẻ tất cả các dữ liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bối cảnh đất nước giai đoạn 1890 - 1975, giai đoạn 1975 - 2020 để khách quốc tế có thể tiếp cận, tìm hiểu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục đầu tư, tôn tạo, kiểm kê, sưu tầm các kỷ vật, di sản văn hóa vật thể trên địa bàn Thành phố gắn với đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ thông qua xây dựng những không gian thực và ảo (không gian mạng) nhằm đa dạng hóa các hình thức tái hiện, phục dựng cuộc đời và sự nghiệp của Bác (có thêm khu tái hiện theo không gian 3D), tăng tính tương tác cho khách tham quan, tìm hiểu, tăng sức hấp dẫn và hiệu quả lan tỏa tại các địa chỉ đỏ và các không gian mới xây dựng. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức cho chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, bản tin nội bộ; thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác; những lời Bác dạy; các giải pháp, hiến kế việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”... Đặc biệt, thời gian tới, cần phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc để thu hút người dân đến tìm hiểu, tham quan, đặc biệt là những người trẻ, du khách nước ngoài.
Thứ năm, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” cần được tổ chức thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, nhất là tại địa bàn dân cư, đồng thời đòi hỏi thời gian dài, xuyên suốt. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” cần trở thành một “hệ sinh thái” học tập và sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân của Thành phố, nhất là giới trẻ, là không gian nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, rèn luyện và làm theo Bác, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển “Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình”, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
---------------------
(1) Xem: Bùi Thị Ngọc Trang: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác là công trình văn hóa của ý Đảng và lòng dân, đăng trên Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tim-kiem/khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-tai-thanh-pho-mang-ten-bac-la-cong-trinh-van-hoa-cua-y-dang-va-long-d-1491878968, ngày 6-6-2021
Gắn kết hài hòa giữa bảo tồn giá trị các di sản văn hóa và phát triển du lịch ở làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội  (25/07/2023)
Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển