Huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng - kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương
TCCS - Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy Bình Dương tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo nền tảng và mở ra nhiều cơ hội mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Những thành tựu nổi bật đáng ghi nhận
Trước những thách thức, khó khăn do thiên tai, dịch bệnh tác động, Tỉnh ủy Bình Dương đã đề ra một số chương trình đột phá chiến lược, trong đó phải kể đến Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16-8-2016, “Về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương” (Chương trình số 23) với những nội dung “đúng” và “trúng” với đòi hỏi thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương trước yêu cầu mới. Nhờ đó, tỉnh Bình Dương luôn là địa chỉ hấp dẫn, vùng đất giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Tính đến hết tháng 6-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 535.585 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm, trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 14,48%; vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 38,87% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 46,65%. Với quan điểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển nên công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, do đó từ năm 2015 đến tháng 6-2020, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 252,96 nghìn tỷ đồng, trong đó có 25.801 doanh nghiệp đăng ký mới, với số vốn 149,23 nghìn tỷ đồng và 4.558 doanh nghiệp bổ sung vốn, với số vốn 103,73 nghìn tỷ đồng. Đối với đầu tư nước ngoài, đã thu hút 11,51 tỷ USD, trong đó có 1.004 dự án mới với số vốn 5,9 tỷ USD và 615 dự án tăng vốn với số vốn 3,6 tỷ USD; thu hút vào các khu công nghiệp khoảng 81,5% tổng số vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đến nay là 3.865 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,93 tỷ USD.
Song song với chủ trương thu hút đầu tư, thì việc phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Để hiện thực hóa chủ trương này, Tỉnh ủy Bình Dương xác định hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước để tháo gỡ những điểm nghẽn, bởi vì toàn tỉnh hiện có khoảng 7.300km đường các loại, trong đó 77,1km đường quốc lộ và 500km tỉnh lộ. Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp huyện trong toàn tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng phát triển đồng bộ, hiện đại, nhất là những công trình mang tính động lực,… nhằm bảo đảm các tuyến đường kết nối từ trung tâm đô thị của tỉnh với thành phố mới Bình Dương, từ thành phố mới Bình Dương đến các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; từng bước xây dựng hệ thống giao thông đường sông gắn với hạ tầng logistics.
Thực hiện Chương trình số 23, tỉnh Bình Dương tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cung cấp điện, thủy lợi, cấp thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng đô thị, nông thôn; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, việc nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn (được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa) là đòi hỏi khách quan, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tỉnh Bình Dương còn tích cực, chủ động và sáng tạo triển khai dự án chống ùn tắc giao thông trên bốn tuyến đường(1) theo hình thức hợp tác công - tư và xây dựng từng đoạn của tuyến đường vành đai 4 để kết nối Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, nhằm tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông thoáng, chống ùn tắc kẹt xe tại các điểm nóng, tạo cảnh quan đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đáng chú ý, với tư duy đi trước đón đầu, tỉnh Bình Dương còn mở đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến huyện Bàu Bàng, kết nối và đi ngang qua tất cả 29 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh, giúp hàng hóa của địa phương cũng như các nơi vận chuyển đến cảng Cát Lái, cảng Cái Mép nhanh chóng và thuận lợi.
Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế các huyện thuần nông, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, tận dụng lợi thế quốc lộ 13 kết nối xuyên suốt, tỉnh Bình Dương quyết định chọn huyện Bàu Bàng để thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh. Vì vậy, khi khu công nghiệp Bàu Bàng (do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC làm chủ đầu tư) khởi công năm 2016 và đi vào hoạt động đã giúp địa phương này tạo ra diện mạo mới, cùng với công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã kéo theo sự phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, giúp người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hằng năm 21,31%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 25,33%.
Sau những dấu ấn thành công bởi chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp lên phía bắc bằng những khu công nghiệp làm đòn bẩy tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ tại huyện Bàu Bàng với mục tiêu phát triển bền vững trước yêu cầu mới, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự án khu công nghiệp khoa học - công nghệ có diện tích 900ha do Becamex IDC đầu tư là một trong những dự án trọng điểm của Đề án thành phố thông minh Bình Dương, có sự hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới WTA. Dự án này học tập mô hình của thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Eindhoven (Hà Lan), Singapore và nhiều thành phố khác trên thế giới. Được biết, khu công nghiệp khoa học - công nghệ này khi đi vào hoạt động sẽ thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp giai đoạn hiện nay; kết nối với các viện, trường, doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, hướng đến trở thành một trung tâm đào tạo thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu chuyển giao công nghệ; xây dựng một đô thị nội khu là môi trường sống lý tưởng cho các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc. Với chủ trương này, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng khu công nghiệp khoa học - công nghệ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi những khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, tự động, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật,… giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học - kỹ thuật, chuẩn bị đón đầu các thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Xuất phát từ những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình số 23, tỉnh Bình Dương đã rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, điều kiện tiên quyết là sự thống nhất trong chỉ đạo và điều hành, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong huy động các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; vận dụng linh hoạt đường lối, chủ trương của Trung ương vào tình hình thực tế của địa phương để đạt kết quả tốt.
Hai là, công tác quy hoạch đi trước một bước, bảo đảm tính kế thừa và luôn đổi mới, linh hoạt phù hợp với chính sách, pháp luật, bảo đảm yêu cầu phát triển từng thời kỳ. Công tác quản lý, triển khai thực hiện cần bám sát quy hoạch, qua đó khai thác, sử dụng các nguồn lực đầu tư một cách có hiệu quả cao nhất.
Ba là, xây dựng được mô hình phát triển phù hợp gắn với sự tham gia hiệu quả của một số doanh nghiệp chủ lực địa phương có nguồn lực và tâm huyết, cùng với nhà nước thực thi các ý tưởng phát triển hệ thống hạ tầng mang tính “đón đầu xu hướng”, đặc biệt là đầu tư các trục giao thông tạo động lực, khu công nghiệp phức hợp hiện đại, mô hình đô thị thông minh mang tính chất đột phá, lan tỏa.
Bốn là, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gắn với kết quả tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” đáp ứng yêu cầu huy động các nguồn lực với nhiều phương thức phù hợp tham gia phát triển kết cấu hạ tầng.
Năm là, sử dụng hợp lý, linh hoạt các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư đúng định hướng, đúng mục tiêu, tạo đòn bẩy góp phần phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, tăng cường hợp tác, liên kết vùng, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Các cơ quan chức năng chủ động trong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng để khai thác tốt nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, tạo giá trị gia tăng mới cho kinh tế địa phương.
Tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi, đột phá để huy động nguồn lực cho phát triển bền vững
Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhận định, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là sự cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực, hạ tầng kết nối đến các đầu mối giao thông, giao thương quốc tế còn nhiều điểm nghẽn, quỹ đất phát triển công nghiệp không còn nhiều, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu ổn định và chủ động, những mô hình kinh tế hiện nay nếu chậm đổi mới sẽ không thể phát triển ổn định, bền vững… Để tháo gỡ những khó khăn và huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh trước yêu cầu mới, tỉnh Bình Dương xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm và các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm.
Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồng thời với điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm phù hợp với điều kiện triển khai thực tế, do một số dự án chia tách, chuyển đổi nguồn vốn hoặc do nhà đầu tư đề nghị ngưng thực hiện, đồng thời bổ sung một số dự án trọng điểm phù hợp với giai đoạn đầu tư mới.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai, kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, xã hội hóa. Tập trung rà soát chuyển các dự án có lợi thế, có khả năng tạo nguồn thu sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đối tác công - tư; huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư các công trình phúc lợi công cộng theo chính sách xã hội hóa đã được ban hành, đáp ứng các yêu cầu phát triển và an sinh xã hội, giảm bớt áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bốn là, rà soát, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, rút ngắn thời gian quy trình giải tỏa đền bù; chú trọng chính sách có liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Tăng cường học tập các mô hình, phương pháp huy hiệu quả trong công tác vận động, giải thích, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Năm là, tạo cơ chế thuận lợi cho các nguồn lực khác cùng với ngân sách tỉnh và các địa phương trong vùng triển khai nhanh các dự án giao thông tạo lực bứt phá của tỉnh trong giai đoạn mới, trước hết là các dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa và khai thông các điểm nghẽn về giao thông kết nối vùng và quốc gia như: Cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, hoàn thành thông suốt đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 746, 747B, 743, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; các cầu kết nối Tây Ninh, Đồng Nai; vành đai 3, vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh)... Tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của Trung ương, vận động, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, từng bước xây dựng hệ thống giao thông đường sông gắn với hạ tầng logistics là chìa khóa quan trọng trong liên kết vùng, giảm áp lực giao thông đường bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Sáu là, rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp hiện có và phát triển một số cụm công nghiệp mới, trong đó dành một phần diện tích để đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong nước; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình mới tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời kỳ 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo./.
------------------
(1) Gồm: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng; đường ĐT 746 và ĐT 747 B đi qua thị xã Tân Uyên; đường ĐT 743 đi qua địa bàn thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An
Từ kinh nghiệm thế giới đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở thành phố Cần Thơ hiện nay  (30/12/2020)
Tỉnh Phú Yên gắn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững  (15/12/2020)
Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam  (30/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển