Tỉnh Phú Yên gắn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững
TCCS - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Phú Yên thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế
Với việc xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đồng thời quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các chủ trương của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy chế, quy định về công tác cán bộ; phát huy trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp.
Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặc biệt quan tâm. Tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XII; thành lập tổ đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên Internet; xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả một số trang facebook, website, kênh youtube… chuyên biệt đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy, tổ chức đảng duy trì, phát triển sâu rộng, hoạt động nền nếp, trở thành công việc thường xuyên của tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như từng cán bộ, đảng viên. Nổi bật là việc xây dựng, nhân rộng các điển hình học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, như: Tổ chức chào cờ đầu tuần gắn với học tập theo gương Bác; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở; triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”... Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác; các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã kết nghĩa, chung tay giúp đỡ các xã, thôn, buôn vượt khó, vươn lên, toàn tỉnh đã giúp được 2.966 hộ thoát nghèo với tổng giá trị tiền trên 180 tỷ đồng.
Cùng với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Đảng bộ tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy các cấp. Sau khi biên tập, phát hành đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tài liệu về nhận diện 82 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện quyết liệt công tác xây dựng Đảng về tổ chức, nhất là chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đến nay, ở cấp tỉnh, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bên trong các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, giảm được 153 đơn vị, 334 cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và tinh giản 1.665 biên chế. Việc rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ, hệ số quy hoạch, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được thực hiện nền nếp và đạt tỷ lệ theo quy định.
Tỉnh ủy triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tất cả các cơ quan, đơn vị. Nhiều vụ, việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, sai phạm về kinh tế được phát hiện, đã được Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm, như: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tòa án nhân dân tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh; các vụ, việc, vụ án liên quan đất đai xảy ra tại phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu… Từ kết quả xử lý các vụ, việc trên, uy tín của Đảng bộ trong nhân dân ngày càng được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng cao, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh ủy xây dựng, ban hành 6 chương trình hành động, cụ thể hóa thực hiện 4 nhóm giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI đề ra, với nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đổi mới, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh huy động nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 107 dự án vào Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp, với tổng vốn hơn 11.101 tỷ đồng, trong đó có 78 dự án đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, giai đoạn 2015 - 2020, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm 7,8%. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GRDP; ngành nông - lâm - thủy sản được đầu tư phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 53,4 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Một yếu tố quan trọng thể hiện sự gắn kết hiệu quả giữa công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế địa phương là các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép chương trình giảm nghèo với nhiều chương trình, đề án khác, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ chủ yếu là tập trung chăm lo cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân nghèo, tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản theo hướng giảm nghèo đa chiều, làm cho tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4%-5%/năm. Thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách, quỹ hỗ trợ người nghèo…, tỉnh huy động trên 830 tỷ đồng giúp các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này, đã có 22.340 hộ nghèo xóa được nhà tạm, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh hiện không còn hộ dân chưa có nhà ở, tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố chiếm 2%, giảm 3% so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 ước còn khoảng 2,5%, giảm bình quân 2%/năm. Riêng 2 huyện nghèo Sông Hinh và Đồng Xuân, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5-9%/năm; tỷ lệ hộ tái nghèo chỉ chiếm khoảng 0,13% so với tổng số hộ nghèo.
Rõ ràng, việc gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với phát triển kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII đã rút ra được một số bài học quan trọng trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015 - 2020:
Thứ nhất, phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ các nhiệm vụ phát triển, trong đó, kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Thứ hai, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; kịp thời và kiên quyết thay thế cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phải chủ động, quyết liệt, nhạy bén, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn, trên tinh thần tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, chú trọng công tác dự báo và có tầm nhìn dài hạn.
Đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Phú Yên xác định, tiếp tục tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, với trọng tâm là công tác tổ chức, cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, từng bước đưa tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trước hết, Đảng bộ tỉnh Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, đổi mới, sáng tạo, khai khác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, giải pháp về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện tốt các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Thứ ba, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là đối với bộ máy chính quyền, bảo đảm phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển bền vững; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Thứ năm, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ, có giá trị gia tăng cao.
Thứ sáu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và cả nước; khắc phục nhanh thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, thị trường…
Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới với việc sản xuất hàng hóa, tạo ra các ngành nghề mới, sản phẩm mới, tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng./.
Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam  (30/11/2020)
Xây dựng hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cho lao động nông thôn di cư hòa nhập xã hội thành thị, chuyển đổi nghề nghiệp ổn định và bền vững  (20/11/2020)
Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020  (09/11/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên