Hà Nội ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước
TCCS - Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, Hà Nội tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Trong quá trình hiện thực hoá những mục tiêu, định hướng đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước của thành phố Hà Nội đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực
Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNTT trong thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước của thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, trên cơ sở đánh giá, khắc phục những tồn tại, phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2012 - 2015, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo kết quả thực hiện triển khai chương trình mục tiêu “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” tính đến năm 2019 cho thấy, Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định.
Lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng: Thành phố quyết liệt chỉ đạo nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Theo đó, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%, vượt chỉ tiêu yêu cầu của Nghị quyết số 05/2015/NQ- HĐND ngày 1-12-2015.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Hà Nội là thành phố đầu tiên trên cả nước triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Trong 4 năm từ 2016 đến 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp tăng dần qua các năm. Công tác giáo dục được quản lý thống nhất, đồng bộ trên hệ thống tập trung, ứng dụng CNTT từ khâu tuyển sinh, quản lý điểm, học bạ và cung cấp sổ liên lạc với phụ huynh. Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố được hình thành, phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích dữ liệu giúp nâng cao năng lực quản lý và công tác định hướng phát triển ngành giáo dục thành phố ngày một tốt hơn.
Lĩnh vực giao thông vận tải: Từ năm 2017, thành phố thí điểm và mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm, thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING. Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn Thành phố bằng thiết bị GPS, ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh, bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; triển khai dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thông giám sát bằng camera, ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng phạm vi khai thác, áp dụng đối với lĩnh vực quản lý của thanh tra giao thông vận tải; kết nối với phòng quản lý đô thị các quận/huyện, ứng dụng phần mềm cấp giấy phép lái xe.
Lĩnh vực xây dựng: Ứng dụng phần mềm quản lý nhà và công sở, quản lý các dự án nhà ở xã hội phục vụ công tác quản lý. Thành phố đã đặt hàng Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển phần mềm quản lý hệ thống cây xanh. Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng.
Lĩnh vực y tế: Hà Nội đã và đang nghiên cứu hệ thống quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử cho nhân dân, phần mềm quản lý bệnh viện. Từ năm 2017, thành phố triển khai hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm đại trực tràng tại 28 quận, huyện và gần 300 xã, phường. Từ năm 2018, thành phố triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Đến nay hoàn thành kết nối liên thông 100% nhà thuốc tư nhân, 100% nhà thuốc, quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập của thành phố.
Lĩnh vực tài nguyên - môi trường: Đến năm 2019, hoàn thành xây dựng hệ thống gồm 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động phục vụ cho công tác quan trắc môi trường không khí Hà Nội, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên cổng Giao tiếp điện tử thành phố. Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc đo vẽ và chỉnh lý bản đồ, tạo lập cơ sở dữ liệu về đất đai.
Lĩnh vực nông nghiệp: Triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh, bảo đảm an toàn đối với nông sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội (hn.check.net.vn).
Lĩnh vực thanh tra: Thành phố đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo dùng chung đến các sở, ngành, 30 ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tạo tài khoản cho 1.256 cán bộ, công chức của các đon vị để khai thác, sử dụng. Kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ (tính đến cuối năm 2019).
Lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng: Các dịch vụ thuế điện tử được triển khai đồng bộ tạo điều kiện tối đa, giảm chi phí cho người nộp thuế như nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử, thí điểm biên lai điện tử trong việc giải quyết các dịch vụ hành chính công tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sẽ tiếp tục mở rộng đến các cơ quan nhà nước của Thành phố. Bên cạnh đó, ngành thuế Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế.
Lĩnh vực hải quan: Tiếp tục vận hành hiệu quả Hệ thống thông quan tự động và một cửa quốc gia VNACCS/VCIS, nộp thuế điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nộp thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Triển khai áp dụng quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Tiếp tục ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giúp thành phố thực hiện thành công khâu “đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”, đóng góp quan trọng vào kết quả “kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại” như Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội khẳng định.
Trên cơ sở đó, một trong những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Theo đó, khâu đột phá thứ nhất chính là phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hạ tầng dữ liệu..., kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng được Hà Nội lồng ghép vào những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025.
Một là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên khoảng 30% vào năm 2025. Hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, CNTT, công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chủ động tham gia và tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số đưa Hà Nội sớm trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của khu vực ASEAN. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, chú trọng phát triển thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại; phát triển các loại hình phân phối hiện đại và triển khai áp dụng thương mại điện tử, từng bước thiết lập mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô, Hà Nội chú trọng triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ số vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng.
Hai là, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Tiếp tục ưu tiên phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa, hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ, mua bán, nhượng quyền sử dụng… Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới. Phát triển nhanh hệ thống các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao,… của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả quỹ khoa học, công nghệ.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đầu tư ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ; đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ mới, như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường... Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn các đối tác đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đề xuất với Trung ương cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trước hết là ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới...
Trong xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tạo sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thiết bị; áp dụng hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề...
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thành phố thông minh, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Phát triển CNTT và truyền thông, ứng dụng rộng rãi CNTT, công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển. Hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông như hoàn thiện, vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm dữ liệu của thành phố, kết nối đồng bộ, liên thông các cơ sở dữ liệu về dân cư, cán bộ, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, năng lượng… cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phấn đấu đạt 100%, nâng cao tỷ lệ người dân và doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Phát triển nhanh công nghiệp CNTT; gia tăng hàm lượng tri thức của sản phẩm phần mềm, nội dung số; đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghệ thông tin./.
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp  (01/12/2020)
Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội  (28/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay