Một bệnh nan y
Trong tháp nhu cầu Maslow gồm 6 bậc do nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đưa ra vào năm 1943, thì nhu cầu bậc cao nhất của con người là: “Muốn sáng tạo, muốn được thể hiện khả năng, khẳng định bản thân, được công nhận là có năng lực và thành đạt”, nói ngắn gọn là “nhu cầu được thể hiện mình”.
Suy cho cùng, nhu cầu được thể hiện mình là một trong những nhu cầu chính đáng của con người. Và chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn, khi nhu cầu, tham vọng cá nhân phù hợp với lợi ích tập thể. Điều đáng nói là, ở một số cá nhân, nhu cầu này đã phát triển một cách thái quá đến mức lệch lạc, phá vỡ sự hài hòa cần thiết, thậm chí biến chứng thành một “căn bệnh nan y”- bệnh ham quyền lực. Một số biểu hiện cụ thể là, có người dù đã về hưu vẫn thích thể hiện quyền lực như khi đang đương chức; có người chỉ là lãnh đạo ở một cơ quan, lĩnh vực nhất định nhưng lại mang thói hách dịch, cửa quyền đến cả những nơi không thuộc phạm vi mình phụ trách; có người chỉ nắm giữ quyền lãnh đạo nho nhỏ nhưng vẫn thích “ra oai”, thể hiện mình… Biểu hiện của bệnh ham quyền lực hết sức phong phú, đa dạng, nhưng cao nhất phải kể đến những người vì tham vọng quyền lực mà bất chấp mọi hậu quả, sẵn sàng “dìm” người khác để nâng mình lên; năng lực hạn chế nhưng ham hố "mũ cao áo dài" muốn phải ngồi nghế vượt qua cả cái đầu của mình; vì lợi ích cá nhân mà bất chấp lợi ích của tập thể; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không gương mẫu trong công tác; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó;…
Tham vọng quyền lực là một trong 27 biểu hiện được chỉ rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là một “căn bệnh nan y” bắt nguồn từ sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà mỗi đảng viên phải luôn nhớ đến, phải lấy đó làm điều tự răn mình để tránh. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII đang bước vào giai đoạn nước rút, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những chỉ đạo nghiêm khắc cho vấn đề này, sao cho không bỏ sót người có đức, có tài, nhưng cũng không được để “lọt” vào những người không xứng đáng, không đủ phẩm chất, tư cách, trong đó có những người mắc bệnh ham quyền lực. Muốn vậy, phải nhìn ra căn nguyên của bệnh, mà cái gốc của nó chính là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”(1).
Để công việc chung, lợi ích chung không bị ảnh hưởng, để bệnh ham quyền lực không có cơ hội nảy nở và phát triển, một trong những yếu tố cốt lõi là phải chọn lựa và rèn luyện được những cán bộ có đủ cả hai yếu tố “đức” và “tài”, trong đó “đức” phải là cơ sở vững chắc cho “tài” bộc lộ và phát triển. Và, một trong những phẩm chất cơ bản của “đức” là phải biết tôn trọng lợi ích tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị phải thực sự công tâm, khách quan khi lựa chọn cán bộ, nhất định không để những người mắc bệnh này “lọt vào” cấp ủy, vào Trung ương; phải nghiêm túc thực hiện Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Ngoài ra, cần phải mở rộng dân chủ nhằm đẩy lùi thói độc đoán, vị quyền…
“Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy” (Đạo đức kinh - Lão Tử). Người có bản lĩnh, có trí tuệ sẽ biết tiết chế dục vọng, biết “đủ” mà dừng lại đúng lúc. Khi tham vọng quyền lực quá lớn, vượt qua năng lực thực chất của bản thân, không phù hợp với lợi ích chung của tập thể…, chính là đang tự rước lấy tai họa cho bản thân mà không hay.
Tiếc rằng, trong thực tế, những người mắc “căn bệnh nan y” này, lại không phải là hiếm!
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 547
“Kim chỉ nam” cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ Petrolimex  (19/08/2020)
Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, xây dựng huyện Phú Xuyên phát triển bền vững  (13/08/2020)
Mục tiêu lớn cần giải pháp đúng  (31/07/2020)
Bản lĩnh vượt qua thử thách  (30/07/2020)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm