Đọc và học

Nguyễn Trọng Hoàn TS. Bộ Giáo dục và Đào tạo
10:07, ngày 13-07-2016

TCCSĐT - Trước khi viết bài báo này, tôi nhập từ khóa “đọc sách”, trong 0,44 giây tìm kiếm trên mạng google có khoảng 1.510.000 kết quả, và từ khóa “văn hóa đọc” thì trong 0,49 giây có khoảng 791.000 kết quả. Như vậy, có thể nói, “đọc sách” và “văn hóa đọc” đã và đang rất được quan tâm theo những lý do và bình diện khác nhau. Đọc được xem như một chiến lược trên hành trình tiếp cận những tài nguyên tri thức tiềm ẩn.

Sách, báo và người đọc

Hơn một thế kỷ trước đây, “vào 6 giờ 30 sáng ngày 15-5-1862, dân chúng Pa-ri bao vây phố Xen, tấn công vào hiệu sách Pan-nhe để cướp lấy tập 2 và tập 3 của cuốn truyện “Những người khốn khổ” thì đó là lúc mà độc giả của nhà văn Pháp nổi tiếng V. Huy-gô còn say mê theo dõi số phận của nhân vật Giăng Van-giăng với hàng loạt câu hỏi: “Liệu y có thoát khỏi tay mật thám Gia-ve không? Liệu y có cứu được nàng Cô-dét không?”. Sâu hơn nữa, đó là niềm hy vọng không tưởng của người tiểu tư sản muốn được nhìn thấy trong cuốn tiểu thuyết một điều mà trong cuộc sống thực, họ không thấy có: đó là một nhân vật anh hùng cứu vớt những người khốn khổ, những cô gái nghèo và những trẻ mồ côi, lập lại công lý trên thế gian này” (Đặng Thị Hạnh - Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4/2001). Nhiệt thành và tin tưởng những điều được viết trong sách, những độc giả của đại văn hào V. Huy-gô khi ấy dường như đã gắn liền việc đọc với khát vọng đổi thay xã hội.

Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng kiệt xuất của mình, Bác Hồ là một người đọc vĩ đại. “Luận cương đến Bác Hồ/Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin” (Chế Lan Viên). “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem” (Cứu Quốc, số 420/1946). Người từng khuyên: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng”, “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “Vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều”. Với Bác, muốn làm được việc gì cũng phải đọc sách, báo.

G. V. Ph. Hê-ghen, trong công trình “Mỹ học” nổi tiếng của mình đã khái quát: Con người có những đòi hỏi, những mong muốn mà tự nhiên không thể thỏa mãn được. Anh ta phải chiếm hữu những đối tượng của tự nhiên, sửa chữa nó, biến đổi nó, gạt bỏ khỏi đường đi của mình tất cả những gì cản trở, bằng cách sử dụng một cách có ý thức những hiểu biết mà mình có được, và như vậy là biến đổi cái bên ngoài thành một phương tiện mà anh ta sử dụng để có thể thể hiện chính mình trong mọi mục đích của mình. Đọc là một hình thái tồn tại và phát triển của tư duy nhằm không chỉ trau dồi nhận thức mà còn phát triển phương pháp tiếp cận và chiếm lĩnh thế giới là vì vậy.

Đọc như là mục tiêu chiến lược

Mở đầu cuốn sách nổi tiếng “Dạy trẻ biết đọc sớm”, G. Đô-man - người sáng lập Viện Nghiên cứu thành tựu tiềm năng con người tại bang Pen-sin-va-ni-a, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ - đã nhắn gửi: Nhiều vị phụ huynh chia sẻ rằng được ở với con, dạy con học và nhìn thấy con lớn lên từng ngày là sự trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời họ. Nếu yêu thương, quan tâm đến trẻ hết mực và dạy chúng đọc thì liệu chúng có thể đáng yêu, nhạy cảm, thông minh hơn và có năng lực hơn các trẻ khác? Câu trả lời là có. Phải chăng vì thế mà cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1964, và nay đã phổ biến rộng rãi trên 22 quốc gia và đạt trên 5 triệu bản.

Đọc - một vấn đề từng “nóng bỏng” ở nhiều quốc gia - kể cả các nước phát triển. Theo kết quả điều tra (năm 2001) của Bộ Giáo dục Mỹ, 70% học sinh lớp 4 ở nước này gặp khó khăn về đọc, vì thế, G. W. Bu-sơ đã mở đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình bằng một chiến lược đột phá đối với ngành giáo dục không phải là không có lý do. Dự án cải cách giáo dục mà Tổng thống G. Bu-sơ trình Quốc hội Mỹ chứa đựng nhiều nội dung đổi mới, trong đó là việc áp dụng một số môn thi trắc nghiệm bắt buộc nhằm kiểm tra kiến thức - chủ yếu là kiến thức toán học và khả năng đọc của học sinh từ lớp 4 đến lớp 8, chi riêng cho kế hoạch nâng cao trình độ đọc là 5 tỷ USD. Còn ở nước Anh, việc hướng dẫn cách đọc được đặc biệt chú trọng ngay từ bậc tiểu học, nhằm tạo ra “những viễn cảnh cho thế hệ mới” (perspectives for a new generation) và như thế, đọc ở đây được xem như điểm khởi đầu cho các năng lực khác (Đen-ni Các-tơ, 1998).

Đọc đồng thời là trải nghiệm. Nhưng nếu chỉ nhằm vào nhu cầu tức thời, mục tiêu cụ thể định sẵn của việc đọc, sẽ dễ bỏ qua “hiệu ứng kép” (bản chất, mang tính đặc thù trong hoạt động “giải mã” văn bản) của việc đọc. Pa-xcan Qui-nhắc cho rằng: Trong đọc có một sự chờ đợi không tìm được kết quả. Đọc, đó chính là lang thang. Việc đọc là lang thang (cố nhiên, đó là sự “lang thang” của những khát vọng khôn cùng, đặng dấn thân trên con đường mải mê đánh thức vùng tiềm năng vô tận của người đọc). Có lẽ đó cũng là điều mà nhà văn Pháp, người đạt giải thưởng Goncount 2002 này đã gặp gỡ với ý tưởng của Mai-cơn - một nhà văn Đan Mạch đương đại, rằng: Nếu bạn biết mình đang tìm kiếm điều gì, bạn sẽ tự hạn chế mình. Nhưng nếu bạn đi tìm một điều chưa biết, bạn sẽ khám phá được một điều gì to lớn hơn. Điều này ngỡ tưởng vô lý nhưng thực sự có lý, như Ô-xô - học giả nổi tiếng người Ấn Độ lý giải trong “Sáng tạo - bừng cháy sức mạnh bên trong” (Creativity - Unleashing the forces within): Nếu bạn bước vào vườn của tôi với suy nghĩ rằng sẽ tìm thấy kim cương và có thế khu vườn mới xinh đẹp thì khi không tìm thấy kim cương, anh ta sẽ bảo khu vườn thật vô giá trị dù trong vườn có vô số hoa đẹp, chim chóc đua hót, khắp nơi rực rỡ những sắc màu, còn gió thì thổi rì rào qua những rặng thông và khắp nơi rêu phủ xanh rì những tảng đá. Anh ta không thể nhận ra giá trị của khu vườn bởi anh đã mặc định trong đầu là phải tìm thấy kim cương, và chỉ khi đó mọi thứ ở đây mới có ý nghĩa. Anh ta đã bỏ lỡ ý nghĩa cuộc sống bởi chính suy nghĩ của mình. Bởi vậy, việc đào tạo người đọc mà cốt lõi là rèn phương pháp đọc (tâm thế, cảm xúc, thái độ, động lực, ý chí, kỹ thuật,...) từ đọc trên dòng đến đọc giữa dòng và cao hơn là đọc vượt dòng (như trường hợp nhà văn Nguyễn Kiên kể lại: Bài văn, từ những con chữ ngủ trên trang giấy, trở thành một cái gì đó cựa quậy trong đầu óc chúng tôi, trước hết là nhờ công thầy giáo đánh thức những con chữ ấy dậy và khơi lên trong chúng tôi niềm say mê tìm đến chúng; hay khi nhà văn G. Goóc-ki đọc cuốn “Một tấm lòng giản dị” của Phlô-béc đã phải nhiều lần đem soi những trang giấy ra ánh sáng “như thể cố tìm giữa các dòng chữ lời giải đáp”).

Điều đó cũng có nghĩa: việc đọc ban đầu có thể chỉ để tiếp nhận giá trị nội dung tường minh của thông tin, nhưng cao hơn là khám phá giá trị tiềm ẩn của thông tin - đọc đồng thời cũng là học - từ học nghệ thuật diễn đạt (lập luận, phân tích, khái quát, suy luận) đến rèn luyện tư duy phản biện (critical of thinking), phát hiện sự độc đáo của cấu trúc thông tin để phát triển tư duy phức hợp (pensée complexe - chữ dùng của E. Mô-rin).

Và một phương cách trong chiến lược học tập suốt đời

“Sự thật là một đứa trẻ bắt đầu học ngay từ khi sinh ra” (Glen Đô-man). Theo đó, trước khi vào trường mầm non và tiểu học, trẻ em đã biết được khá nhiều điều về bản thân mình và gia đình, về hàng xóm và các mối quan hệ với cuộc sống xung quanh và những mối liên quan cùng biết bao sự kiện. Có được điều đó, một phần do các em nghe kể, các em nhìn thấy, nhưng yếu tố rất quan trọng là do các em được người lớn hướng dẫn đọc trong sách, báo, tạp chí.

Hưởng ứng “Ngày thế giới đọc sách” (ngày 23-4), ngày 24-02-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

“Vấn đề” bức thiết đặt ra cho chúng ta hiện nay là nhận thức và xây dựng hình ảnh “người đọc”, có kế hoạch đồng bộ đào luyện các thế hệ người đọc đáp ứng chiến lược tự học và học tập suốt đời. Nên chăng, các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên khuyến cáo ấn tượng, quyết liệt hơn, kiểu như “Những con số biết nói”: Hiện nay ở các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/1 năm. Các nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a: 14 cuốn/1 năm, Xin-ga-po: 10 cuốn/1 năm,... và Việt Nam: 04 cuốn/năm (trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, chỉ có 1,2 cuốn là sách khác)./.