Tỉnh Quảng Trị kiến tạo hành lang phát triển mới, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm chiến lược
TCCS - Để phát triển, mỗi tỉnh, thành phố cần đề ra mục tiêu, lựa chọn cách thức, con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, tỉnh Quảng Trị tập trung kiến tạo hành lang phát triển mới, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm chiến lược.
Tập trung kiến tạo hành lang phát triển mới
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 4.739km2, 10 đơn vị hành chính cấp huyện, với 187,864km biên giới đường bộ tiếp giáp với hai tỉnh Sa-va-na-khet và Sa-la-van của nước bạn Lào, 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay; bờ biển dài 75km. Tổng dân số của tỉnh khoảng 64 vạn người. Quảng Trị nằm trên các điểm giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, nhất là có quốc lộ 9 nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường xuyên Á gần nhất và thuận tiện nhất nối Việt Nam với các nước ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuận lợi trong giao lưu và phát triển kinh tế khu vực miền Trung và cả nước.
Trong những năm qua, nhất là năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận, định vị lại vị trí của Quảng Trị trong mối quan hệ với các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, nhận diện rõ hơn tiềm năng, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém để xác định mục tiêu, định hướng, tìm các giải pháp kiến tạo phát triển, sớm đưa Quảng Trị bứt phá đi lên.
Xác định công tác quy hoạch có tầm quan trọng hàng đầu, kiến tạo hành lang phát triển phải bắt đầu từ công tác quy hoạch và tầm nhìn dài hạn dựa trên các dự báo và phân tích lợi thế so sánh của địa phương, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh lựa chọn các đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước xây dựng quy hoạch, tỉnh Quảng Trị mời các đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm và năng lực tham gia lập quy hoạch tầm nhìn phát triển, như hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory - Surbana Jurong (tập đoàn tư vấn thiết kế của Xin-ga-po) xây dựng “Ý tưởng quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; mời tổ chức AVSE Global (tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu) tham gia phản biện quy hoạch tỉnh,... Quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch có sự đồng hành, tham gia tư vấn của nhiều nhà đầu tư tên tuổi, như Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group), Công ty cổ phần BB Group (BBG), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), Tập đoàn Bitexco...; đồng thời, ngay trong quá trình quy hoạch, một số nhà đầu tư nước ngoài, như Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư SSF, Công ty cổ phần phát triển Sunshine Homes và Truth Assets Management,... đã đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn.
Với lợi thế là cửa ngõ ra Biển Đông của các nước tiểu vùng sông Mê Công, nơi hội tụ, lan tỏa các cơ hội hợp tác, liên kết vùng trong đầu tư và thương mại, tỉnh Quảng Trị tập trung định hướng xây dựng và phát triển các trục kinh tế kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với hành lang kinh tế Đông - Tây và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo; từng bước hình thành hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng nước sâu Mỹ Thủy kết nối với các tỉnh nam Lào và đông bắc Thái Lan. Hiện nay, quốc lộ 15B phía Lào nối cửa khẩu quốc tế La Lay và thành phố Pắc-xế, thủ phủ vùng nam Lào, kết nối các cửa khẩu Vang Tao - Chong Mek (Lào - Thái Lan), Nong Noc Khun - Domclo (Lào - Cam-pu-chia) đã được hoàn thành, được đánh giá là một trong những tuyến quốc lộ đẹp nhất của Lào. Tuyến La Lay - Mỹ Thủy được đầu tư xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo thêm một trục hành lang thương mại, du lịch kết nối với vùng nông sản hàng hóa của cao nguyên Bô-lô-ven trù phú và các địa danh du lịch nam Lào và các tỉnh Stung Treng, Pria Vi-hia của Cam-pu-chia.
Từ năm 2020 đến nay, các hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh Sa-va-na-khet, nhất là tại huyện Sê-pôn, nơi có Khu kinh tế thương mại Đen-sa-van tiếp giáp với Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) đang trở nên sôi động. Hàng hóa quá cảnh từ cảng Đà Nẵng qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào và ngược lại tăng đột biến. Năm 2020, có 620.000 lượt phương tiện với khối lượng hàng hóa 1,53 triệu tấn, trị giá 8,9 tỷ USD (23.387 container quá cảnh sang Lào, 31.218 container quá cảnh từ Lào đi Đà Nẵng); năm 2021, khối lượng và trị giá hàng hóa quá cảnh tăng trên 30% so với năm 2020. Từ ngày 3-12-2021, tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Côn Minh (Trung Quốc) chính thức vận hành, mở ra cơ hội hình thành hành lang giao thông Đà Nẵng - Lao Bảo - Viêng Chăn - Côn Minh, kết nối tiểu vùng sông Mê Công (GMS) rộng lớn. Dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2030, các hoạt động đầu tư, thương mại tại khu vực Lao Bảo (Việt Nam) - Đen-sa-van (Lào) sẽ trở nên sôi động. Đón đầu cơ hội này, tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với tỉnh Sa-va-na-khet đề xuất chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng khu kinh tế chung trên khu vực biên giới.
Bên cạnh định hướng phát triển dựa trên lợi thế đối ngoại, các cực tăng trưởng và trục kinh tế động lực, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, mặc dù thu ngân sách trên địa bàn chưa cao nhưng tỉnh đã tập trung, nỗ lực huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, coi trọng phát huy hiệu quả sau đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016 - 2020 đạt 73.423 tỷ đồng, riêng năm 2021 đạt trên 28.500 tỷ đồng, tăng 49,9% so với năm 2020. Tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tính đột phá, như sân bay, cảng biển; các dự án giao thông kết nối ven biển, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9,... Xúc tiến các thủ tục thành lập và đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (diện tích 215 ha), Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú (528,97 ha), Khu công nghiệp Quảng Trị - VSIP8 (481,2 ha) với sự tham gia của Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Tập đoàn Sumitomo Corporation. Hiện nay, VSIP8 đang khởi động các bước chuẩn bị triển khai dự án.
Xác định nguồn vốn ngân sách là vốn “mồi” hỗ trợ, dẫn dắt các nguồn vốn ngoài nhà nước, tỉnh Quảng Trị khai thác tốt nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Trong giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh thu hút được 226 dự án với giá trị viện trợ cam kết 99.344.266 USD. Năm 2020 và 2021, tỉnh đã vận động được 122 chương trình, dự án mới với tổng giá trị viện trợ cam kết là 59,76 triệu USD. Tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ nguồn tài trợ phi chính phủ (NGOs). Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được chú trọng. Tỉnh thành lập và đưa Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) đi vào hoạt động - một bước tiến quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 đạt 63,07 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2019. Công tác vận động, thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm, các nhà đầu tư chiến lược đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 320 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 143.340 tỷ đồng; riêng năm 2021 đã có 70 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 72 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2020.
Trong cơ cấu phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Trị xác định 3 trụ cột phát triển chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch; trong đó, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, công nghiệp năng lượng là ngành đột phá cho sự phát triển, du lịch là ngành mũi nhọn. Trong nông nghiệp, xác định phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao thu nhập nông hộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, quy trình canh tác hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ban hành nhiều chính sách địa phương để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong công nghiệp, tiếp tục định hướng đẩy mạnh phát triển các ngành có lợi thế, nhất là công nghiệp năng lượng, với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Tỉnh tập trung công tác quy hoạch phát triển điện năng, đề xuất các dự án năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện, trong đó có các dự án quy mô lớn, như dự án nhà máy nhiệt điện than công suất 1.320MW của Công ty điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi), dự án tua-bin khí hỗn hợp 340MW của Tập đoàn Gazprom (Nga), dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW của T&T Group và tổ hợp các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 965,6MW. Tỉnh đang đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu hợp tác với Lào xây dựng đường dây 500KV kết nối tỉnh Quảng Trị với tỉnh Sa-va-na-khet theo tuyến quốc lộ 9, nơi có nhiều dự án quy mô lớn đang đầu tư tại Lào.
Trong tổng thể định hướng phát triển, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm lãnh đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người tạo ra, tỉnh Quảng Trị đã tích lũy, chiêm nghiệm và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng. Tỉnh Quảng Trị hôm nay đi lên từ nền văn hóa kết tinh các giá trị của dân tộc, nhân loại và những bản sắc riêng. Nhận thức của nhân dân về văn hóa từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là di tích lịch sử cách mạng được bảo tồn và phát huy. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai đề tài khoa học “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”; đồng thời, tập trung cho công tác xây dựng văn hóa cơ sở, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng để giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Trị, xây dựng thương hiệu du lịch “vì hòa bình”,... Đây là cơ sở để tỉnh phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và nguồn lực con người Quảng Trị trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tầm nhìn, định hướng cùng với quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân là nền tảng, động lực để tỉnh hướng đến các mục tiêu dài hạn. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 đã tạo dựng cơ sở, tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2021, với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương - thu hút đầu tư - tạo đà tăng trưởng”, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá. Từ việc chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai và ổn định đời sống nhân dân. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển; nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 6,5% so với năm 2020, đứng thứ 3 trong 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có bước đột phá, thiết lập cột mốc mới với 5.511 tỷ đồng (năm 2020 đạt 3.450 tỷ đồng). Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ mới; an sinh xã hội, giảm nghèo và thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công được quan tâm, chú trọng. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Mặc dù đã cố gắng, nỗ lực để đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng tỉnh Quảng Trị còn gặp không ít khó khăn, hạn chế: Quy mô nền kinh tế nhỏ; thu ngân sách còn hạn chế và thiếu tính bền vững; tăng trưởng kinh tế chưa cao; các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông kết nối để liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các vùng, miền chưa đồng bộ.
Một số nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong thời gian tới
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ chiến lược, kiến tạo hành lang phát triển đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn; trước mắt, tỉnh tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch, chú trọng xây dựng các đề án quy hoạch phục vụ công tác thu hút đầu tư; công khai quy hoạch để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm để đóng góp mới vào tăng trưởng kinh tế; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ đầu tư đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị; gắn các tuyến đường bộ quốc gia với các tuyến đường tỉnh, gắn phát triển giao thông với hình thành các khu đô thị mới, khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cảng hàng không Quảng Trị và cảng biển nước sâu Mỹ Thủy.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong ba khâu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, phát triển các dịch vụ công trực tuyến; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển công dân số đồng thời với xã hội số, phát triển kinh tế số.
Thứ tư, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo nghề, đại học, cao đẳng; nghiên cứu xây dựng trường dạy nghề đạt chuẩn quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong khu vực, nâng cao chất lượng dạy nghề trong nông nghiệp gắn với thực tiễn của địa phương.
Thứ năm, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Tỉnh tập trung rà soát, đánh giá tổng thể tiềm năng phát triển năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo và lợi thế cảng biển nước sâu Mỹ Thủy cho tàu có trọng tải lớn (trên 100.000 DWT) nhập khẩu than và khí hóa lỏng LNG để đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ điện VIII); thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, trong đó có việc xây dựng đường dây truyền tải để cung cấp điện sang Lào qua tuyến đường 9. Trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư.
Thứ sáu, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và con người tỉnh Quảng Trị. Quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thứ bảy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại, chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, với niềm tin, khí thế và động lực mới, với định hướng chiến lược và hành lang kiến tạo phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Trị sẽ có những đột phá phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian không xa./.
Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới  (09/04/2022)
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thực trạng và khuyến nghị chính sách  (17/03/2022)
Tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh  (16/03/2022)
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các hợp tác xã ở Việt Nam  (06/03/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển