Bộ đội Biên phòng tiếp sức học sinh nghèo vùng biên đến trường
“Nâng bước em đến trường” là một trong nhiều chương trình an sinh xã hội về vùng biên, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, 104 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chăm lo, hỗ trợ với tổng số tiền 52.000.000 đồng/tháng (500.000 đồng/tháng/em), trong đó có 10 em ở nước bạn Campuchia.
Những ngày đầu năm học mới 2018-2019, chúng tôi có mặt ở các xã vùng biên thuộc huyện biên giới Giang Thành (tỉnh Kiên Giang), cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đến thăm và tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Vượt qua các con đường bùn lầy nhỏ hẹp dọc bờ kênh hay trên những tuyến đê vượt lũ, chúng tôi đến được những ngôi nhà nhỏ làm tạm bằng cây gỗ. Đại úy Nguyễn Đình Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phú Mỹ cùng đi trong đoàn chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã cùng “Nâng bước em đến trường” trong suốt 3 năm qua, luôn xem các em như người thân trong gia đình. Chúng tôi trích một phần nhỏ trong thu nhập với mong muốn san sẻ được phần nào, giúp những hoàn cảnh thiếu may mắn có cơ hội được nâng cao tri thức…
Em Phạm Ngọc Trân, học lớp 6 ở ấp Cả Ngay (xã Phú Mỹ) rất vui khi được các chú Bộ đội Biên phòng đến thăm. Em tâm sự: Nhờ các chú giúp đỡ, em được đến trường, gia đình em có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Em rất biết ơn các chú và xin hứa sẽ nỗ lực học tập, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Theo Trung tá Hà Đức Hạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Đồn tổ chức khảo sát và hỗ trợ cho 19 em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn đơn vị quản lý, trong đó 13 em ở xã Phú Mỹ và Phú Lợi, 6 em là người Campuchia. Chương trình đã giúp các em vững bước tới trường, tham gia học tập, trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng và phát triển vùng biên giới, phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Tại xã Vĩnh Điều, Thượng tá Phan Thành Công, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Điều cho biết, Đồn hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em để mua tập vở, đồ dùng, quần áo cho các em, nếu còn dư sẽ chuyển tiền lại để các em bồi dưỡng, trang trải thêm trong cuộc sống hàng ngày.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Điều đưa chúng tôi đến thăm nhà em Nguyễn Thị Tiên ở ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều. Gọi là nhà nhưng đây chỉ là căn lều dựng tạm bằng phên tre với lá dừa khô nằm xiêu vẹo bên dòng kênh. Bố mẹ của Tiên đi làm xa, ông bà nội già yếu, bệnh tật mà vẫn phải gắng gượng đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo nuôi em từ lúc mới 7 tháng tuổi. Tại lớp 4/4, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Vĩnh Điều nơi Tiên đang theo học, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phượng rất vui với ý nghĩa của chương trình “Nâng bước em đến trường”. Việc ủng hộ vật chất đã tiếp thêm động lực cho các em học sinh nghèo vùng biên giới vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Cô giáo Phượng mong rằng chương trình này phát triển hơn nữa và được nhân rộng trong toàn tỉnh cũng như ở các nơi khác trên cả nước.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tiếp tục khảo sát thêm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ; với một số trường hợp đang được hỗ trợ, nếu gia đình đã vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ chuyển sang những gia đình khác khó khăn hơn.
Thực tế, điều kiện ở các xã biên giới tại tỉnh Kiên Giang còn nhiều thiếu thốn về điện, đường giao thông, đặc biệt là về nguồn nước sinh hoạt. Tỉ lệ người nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp dẫn đến hiểu biết về pháp luật, quy chế của khu vực biên giới còn hạn chế. Cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đứng chân trên địa bàn vùng biên giới tiếp tục kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để có thêm nguồn hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó đến trường.
Đại úy Nguyễn Đình Thành chia sẻ: Với chương trình “Nâng bước em đến trường”, vật chất tuy không nhiều nhưng đằng sau đó là sự quan tâm, yêu thương và sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng với những người em, người con là những chủ tương lai của vùng biên giới, những người đã đồng hành với chúng tôi trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc./.
Tiếp tục các hoạt động của Tổng Bí thư trong chuyến thăm Hungary  (10/09/2018)
Khánh Hòa chủ động phòng chống sốt bệnh xuất huyết  (10/09/2018)
Hà Nội: Mở rộng và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS  (10/09/2018)
Sôi động lễ hội và hoạt động văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài  (09/09/2018)
Việt Nam đã sẵn sàng cho sự kiện đối ngoại đặc biệt năm 2018  (09/09/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên