TCCS - Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng đất nước, Hà Nội luôn là trung tâm chính trị đầu não, trung tâm kinh tế, ngoại giao lớn của quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hà Nội hòa mình vào dòng chảy của thời đại nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển bền vững.
Hà Nội - Trung tâm chính trị đầu não trong hội nhập quốc tế
Hà Nội tự hào là nơi kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ nhân tài của đất nước. Vì vậy, Hà Nội tích cực xây dựng hình ảnh của mình trong mắt người dân Thủ đô cũng như bạn bè quốc tế là một “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Hiện nay, Hà Nội đã và đang mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô cũng như đất nước trên trường quốc tế. Cụ thể, là trung tâm đầu não chính trị và ngoại giao của quốc gia, năm 2019, thành phố tích cực mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới qua việc ký kết hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp đón hơn 204 đoàn ngoại giao và lãnh đạo trên thế giới đến thăm và làm việc tại Hà Nội(1). Hơn nữa, Hà Nội còn đóng vai trò thành phố chủ nhà xuất sắc qua việc chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác hậu cần và an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra vào ngày 27 và 28-2-2019. Đây là sự kiện ghi dấu ấn nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện tính chủ động của thành phố, khả năng tiếp cận với thế giới, phát huy được trách nhiệm và có những đóng góp lớn cho đất nước. Không chỉ vậy, năm 2020, Hà Nội cũng tổ chức được gần 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn. Đáng chú ý, tháng 6-2020, Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” được thành phố tổ chức. Đây là hội nghị đầu tiên và lớn nhất cả nước, khu vực trong năm 2020 với hơn 2.500 đại biểu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD)(2).
Bên cạnh đó, trên cơ sở quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước(3) và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, Hà Nội duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế. Hà Nội cũng coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng, đồng thời góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh một cách chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN nhằm giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Các cơ chế đa phương về quốc phòng cũng được Hà Nội chủ động, tích cực tham gia theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ vậy, các tổ chức liên đô thị quốc tế như Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)… đều có sự góp mặt của Thủ đô Hà Nội(4).
Không chỉ quan tâm đến công tác đối ngoại quốc tế, Hà Nội còn chú trọng đến công tác đối ngoại trong nước. Nỗ lực trong công tác đối ngoại nhân dân của thành phố trong năm qua đã góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Hà Nội và nhân dân của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Hà Nội làm việc với hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, khắc phục thiên tai ở các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội thỏa thuận hợp tác với trên 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghiệp, du lịch, văn hóa, xã hội, dịch vụ, thương mại, đầu tư…
Tích cực hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực
Bên cạnh công tác đối ngoại, việc tăng cường hội nhập được Hà Nội triển khai trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội.
Về kinh tế, việc tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân đã góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 của Hà Nội ước tính đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015(5). Ngoài ra, theo Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thủ đô trong quý I-2021 đạt 101,5 triệu USD, chiếm 10,8% và tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, 49,8 triệu USD đầu tư vào 69 dự án cấp phép mới và 51,7 triệu USD của 22 dự án bổ sung vốn đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp quý I-2021 đạt 50,7 triệu USD(6). Cơ hội về vốn, công nghệ, kiến thức, kỹ năng và những thành tựu đạt được từ công tác đối ngoại đều là những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của Hà Nội cũng như cả nước trên thị trường quốc tế. Đây cũng là một tiền đề quan trọng cho khát vọng đưa nền kinh tế Hà Nội vươn tầm thế giới, nâng cao vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến trên trường quốc tế.
Về văn hóa, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di tích văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể(7). Hơn nữa, Thủ đô nhận ra tiềm năng, thế mạnh về văn hóa để phát triển và sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại. Cụ thể, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên chính thức của mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Bên cạnh đó, các quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng đã được Hà Nội ban hành và thực hiện, từ đó tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thân thiện, mến khách trong mắt bạn bè quốc tế.
Về du lịch, Hà Nội tập trung phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể nhằm phát triển du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng thiết kế và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, đẳng cấp mang đặc trưng Hà Nội, khẳng định năng lực cạnh tranh cao và thương hiệu du lịch Thủ đô. Không chỉ vậy, việc phát huy hiệu quả vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất của khu vực phía Bắc đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch của Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội cũng chủ động gắn kết chặt chẽ với các chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng, cả nước và quốc tế. Những hành động tích cực trong việc thúc đẩy du lịch Thủ đô trong giai đoạn qua là một trong những phương thức giúp Hà Nội tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng và bền vững.
Như vậy, thời gian qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế. Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ngoài ra, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công nhằm nâng tầm Thủ đô Hà Nội sánh ngang với các thủ đô của các quốc gia lớn trên thế giới. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc tế và đối ngoại nhân dân nhằm củng cố nền tảng cho việc hội nhập sâu rộng và bền vững của Thủ đô bởi nơi đây chính là bộ mặt đại diện cho Việt Nam, trung tâm chính trị, kinh tế, ngoại giao đầu não của quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, du lịch bằng cách nắm bắt những cơ hội hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, nhất là cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu./.
--------------------------
(1) Việt Anh: “10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2019”, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/10-su-kien-tieu-bieu-cua-thu-do-ha-noi-nam-2019-381354/
(2) Nguyễn Văn Cảnh: “Năm 2020, Hà Nội thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=H%C3%A0%20N%E1%BB%99i&servicecateid=1&scode=1&qcode=17, ngày 28-12-2020
(3) Nguyễn Văn Cảnh: “Hà Nội tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword= H%C3%A0%20N%E1%BB%99i&servicecateid=1&scode=1&qcode=17, ngày 30-10-2020
(4) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2020
(5), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sđd, tr. 41, 51
(6) Hải Vân: “Tình hình vốn đầu tư và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I năm 2021 của Hà Nội”, https://vanban.hanoi.gov.vn/kttd/-/hn/DBSLnqREexi2/2368/204801/51/tinh-hinh-von-au-tu-va-thu-hut-au-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-quy-i-nam-2021-cua-ha-noi.html;jsessionid=cNmiXJj+oZCHlKJZjvtjvpAX.undefined
Chương trình nghệ thuật “Sao Độc lập 2021”: Khúc ca khải hoàn về tinh thần đoàn kết và niềm tin chiến thắng  (09/10/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV  (09/10/2021)
Nỗ lực vượt khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội  (08/10/2021)
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục  (05/10/2021)
Hà Nội nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng  (03/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển