Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
TCCS - Chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 9-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng tham dự.
Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ trụ sở Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 57 phường của 3 quận, với 769 cử tri đại diện tại các điểm cầu.
Sau khi nghe dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, có 8 cử tri của các phường thuộc 3 quận nói trên đã phát biểu ý kiến thể hiện qua các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đa số cử tri bày tỏ, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và nguy hiểm, song với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, bước đầu đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được tình hình. Điều đó thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước và chế độ…
Cử tri bày tỏ đồng tình với việc, mới đây, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương đã tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cử tri đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực và mong muốn từ quan điểm của Đảng, Quốc hội thể chế thành quy định của pháp luật về những hành vi suy thoái về đạo đức, lối sống, phẩm chất; ban hành, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện những nội dung về pháp luật phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực. Đồng thời cử tri cho rằng, cần có cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng, tiêu cực…
Với tư cách thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến súc tích, ngắn gọn, tâm huyết, có trách nhiệm của cử tri, thể hiện tấm lòng của cử tri đối với sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới nói chung, trong đó có nước ta. Nhưng các hoạt động quan trọng của đất nước vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp với truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái. “Truyền thống anh hùng nhưng rất nhân đạo, nhân văn, nhân ái, đoàn kết, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn và phải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để đất nước bình yên mới có điều kiện phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đại biểu Quốc hội thực sự là đại biểu của nhân dân và xứng đáng là đại biểu của nhân dân, trung thực, trung thành, đủ sức đóng góp xây dựng luật pháp cho đúng với thực tiễn, thể chế hóa đường lối của Đảng; thực hiện việc giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân “Tiền hô hậu ủng” “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, thực hiện phương châm “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” thì đất nước ta không sợ kẻ thù nào, ngay cả giặc nội xâm là tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vì chúng ta đã có kinh nghiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới, tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII với hai trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực, đẩy mạnh đấu tranh, quyết tâm quét sạch chủ nghĩa cá nhân; không chỉ chống tham nhũng, mà phải chống cả tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri tiếp tục đóng góp ý kiến, giúp các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phải nêu cao trách nhiệm tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ phát huy trách nhiệm xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, với truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, những danh hiệu cao quý được cả nước và bạn bè thế giới tôn vinh, Thủ đô văn hiến, anh hùng, hào hoa, thanh lịch, thành phố vì hòa bình, phấn đấu không ngừng để dẫn đầu, trở thành tấm gương cho cả nước noi theo, xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng./.
Trung Duy (tổng hợp)
Nỗ lực vượt khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội  (08/10/2021)
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục  (05/10/2021)
Hà Nội nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng  (03/10/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển