Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã trình bày những thành tựu cơ bản mà Việt Nam đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010:

1.1- Tiềm lực kinh tế được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển

Thời kỳ 2001 - 2005 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm là 7,5% và hai năm 2006 - 2007 đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 8%. Các năm 2008 - 2010, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,96% (năm 2009 đạt 5,3% và năm 2010 đạt 6,78%); bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 7%/năm và 10 năm 2001 - 2010 tăng trưởng 7,26%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Như vậy, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế đạt trên 101,6 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD.

Như vậy, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, bằng khoảng 40,5% GDP; năng lực sản xuất nhiều ngành kinh tế tăng đáng kể.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, một số cân đối lớn của nền kinh tế (ngân sách Nhà nước, cán cân thanh toán tổng thể, nợ quốc gia và dự trữ ngoại tệ,...) cơ bản được bảo đảm.

Kết cấu hạ tầng có bước phát triển quan trọng, nhiều công trình mới đã phát huy tác dụng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,2% năm 2000 lên trên 30% năm 2010. Diện tích nhà ở tăng từ 8 m2/người lên 12,5 m2/người.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GDP tăng từ 36,7% năm 2000 lên 41,1% năm 2010; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 24,5% xuống còn khoảng 21,6% và tỷ trọng dịch vụ giữ mức 38,3%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 65,1% năm 2000 xuống 57,1% năm 2005 và xuống còn 48,2% năm 2010.

Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện; các cân đối vĩ mô chưa thật sự vững chắc. Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao và sử dụng nhiều vốn; năng suất lao động xã hội và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp, chậm cải thiện. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng công nghệ thấp và giá trị gia tăng thấp. Năng suất lao động còn rất thấp so với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Trung Quốc gấp 2,6 lần và Thái Lan gấp 4,3 lần năng suất lao động của Việt Nam. Tiêu hao năng lượng lớn, để tạo ra một 1 USD GDP, Việt Nam đã phải tốn lượng điện năng bằng 4,65 lần Hồng Kông, gần 2,10 so lần Hàn Quốc, 3,12 lần Xinh-ga-po, khoảng 1,37 lần Thái Lan và 1,69 lần Ma-lay-xi-a.

Kết cấu hạ tầng phát triển chậm, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ đang cản trở sự phát triển. Mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, hải cảng và sân bay hiện đại. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là ở các đô thị lớn vừa thiếu đồng bộ, vừa kém chất lượng đang gây ách tắc cho phát triển. Nguồn và lưới điện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Sản lượng điện bình quân đầu người một năm của Việt Nam mới ở mức 692,5 kwh, còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, quản lý chưa tốt và hiệu quả sử dụng chưa cao. Hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông, cấp và thoát nước ở các đô thị vừa thiếu, không đồng bộ, vừa kém chất lượng và quá tải, đang gây ách tắc cho phát triển.

Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.

1.2- Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện

Đường lối đổi mới của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống luật pháp từng bước được xây dựng tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường hình thành và có bước phát triển mới. Trong thời kỳ 2001 - 2010, đã tập trung vào việc xác lập và xây dựng thể chế, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách. Từ đầu năm 2001 đến tháng 07-2009 đã ban hành 133 luật, 337 nghị quyết, 46 pháp lệnh, 1.141 nghị định và hàng chục nghìn các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật theo từng ngành, lĩnh vực tạo cơ sở pháp lý cho việc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao khả năng thu hút các nguồn lực phát triển cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần đan xen có bước phát triển mạnh. Tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế từng bước được xoá bỏ. Kinh tế nhà nước được tăng cường, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đổi mới, cơ cấu lại mà trọng tâm là cổ phần hóa, tự chủ trong kinh doanh và hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn, đã góp phần quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng có bước phát triển, nhất là các tổ hợp tác. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 39,5% (năm 2009) trong tổng đầu tư xã hội, tạo ra 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn. Hằng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra 90% chỗ làm việc mới. Khu vực kinh tế tư nhân, tập thể và các hộ gia đình đã tạo ra 45% GDP. Các doanh nghiệp cổ phần đang trở thành hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phổ biến, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm mới. Cơ chế quản lý và phân phối có nhiều đổi mới, ngày càng phù hợp. Các loại thị trường cơ bản đã hình thành và từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Môi trường kinh doanh được cải thiện; quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân được bảo đảm đầy đủ hơn. Giá cả của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ do quan hệ cung cầu thị trường quyết định.

Tuy nhiên thể chế kinh tế thị trường chưa theo kịp yêu cầu phát triển; sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường chậm, chưa đồng bộ, môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, thông thoáng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống luật pháp vẫn còn nhiều bất cập, cơ chế và chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. Sức sản xuất chưa được giải phóng mạnh mẽ. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, cổ phần hóa còn chậm. Các doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực. Kinh tế tập thể vẫn còn lúng túng, hợp tác xã và các hình thức hợp tác khác phát triển chậm. Việc hình thành các loại thị trường chậm và chưa đồng bộ.Vai trò, chức năng và nguyên tắc hoạt động khách quan của thị trường chưa được tôn trọng đầy đủ. Tình trạng độc quyền doanh nghiệp chưa được kiểm soát có hiệu quả. Năng lực quản lý và điều hành vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có mặt còn yếu kém. Nguồn lực quốc gia cho phát triển chưa được phân bổ hợp lý và hiệu quả sử dụng chưa cao, còn lãng phí. Nhà nước chưa kiếm soát được đầy đủ các quan hệ thị trường, còn tồn tại các yếu tố đầu cơ. Chậm hình thành thị trường bất động sản; thị trường lao động còn nhiều yếu kém; thị trường khoa học và công nghệ còn nhỏ bé.

1.3- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt

Văn hóa phát triển đa dạng, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Từng bước hình thành những giá trị mới tốt đẹp trong lối sống và nhân cách con người Việt Nam. Xã hội hóa hoạt động văn hóa được đẩy mạnh và có những kết quả tích cực. Thị trường sản phẩm văn hóa từng bước phát triển; đã có một số sản phẩm văn hóa có giá trị.

Lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản phát triển nhanh về số lượng, phong phú về loại hình, chất lượng có mặt được nâng lên. Đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa - thông tin của nhân dân ngày càng khá hơn. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng rãi.

Giáo dục và đào tạo được toàn xã hội quan tâm và có bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập và việc làm của xã hội; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển và đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Đã hoàn thành phần lớn mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc đề ra cho năm 2015. Thu nhập thực tế của người dân năm 2008 so với năm 2000 tăng 2,3 lần; chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26% năm 2000 còn khoảng 10% năm 2010. Hằng năm, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho hàng nghìn xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và hải đảo. Đang triển khai chương trình giảm nghèo cho 62 huyện nghèo nhất cả nước, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho khoảng 75% số hộ nghèo vay vốn, chiếm khoảng 15% dân số được hỗ trợ tín dụng. Mạng lưới tài chính vi mô cũng đang dần khẳng định là kênh tài chính quan trọng góp phần đắc lực vào xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Môi trường sống được quan tâm và có mặt cải thiện. Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động triển khai thực hiện.

Công tác môi trường được quan tâm hơn và có những kết quả nhất định. Việc tuyên truyền được chú trọng, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp xã hội được nâng lên một bước. Hệ thống pháp luật, chính sách về môi trường từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Đầu tư cho môi trường được tăng cường.

Tuy nhiên, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách còn nhiều mặt chậm đổi mới; một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chuyển biến chậm. Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao ở những vùng sâu, vùng xa và vùng có nhiều khó khăn. Hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách và cơ chế quản lý trong lĩnh vực y tế chậm đổi mới, chưa đồng bộ; xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn nhiều hạn chế. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội chưa vững chắc. Lao động thiếu việc làm còn nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu lao động theo ngành nghề, trình độ chưa hợp lý, thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý giỏi và công nhân lành nghề, ý thức kỷ luật lao động chưa cao. Cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp vẫn còn cao, chất lượng lao động xuất khẩu ra nước ngoài còn thấp, khả năng hòa nhập, cạnh tranh (trình độ thể lực, ngoại ngữ, kỷ luật lao động) thua kém nhiều so với các nước trong khu vực.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, chưa đóng góp đáng kể vào nâng cao năng suất, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền và yếu về tính chuyên nghiệp; đặc biệt là thiếu nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia lành nghề, trình độ cao, đội ngũ cán bộ quản lý giỏi; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (40%).

Môi trường có mặt vẫn tiếp tục bị xuống cấp, môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả. Ô nhiễm nước, không khí, một số dòng sông ở một số nơi đã đến mức báo động; chưa kiên quyết xử lý, khắc phục các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng phá rừng, cháy rừng ở một số địa phương chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

1.4- Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững

Đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Bình đẳng giới có nhiều tiến bộ. Tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân được phát huy; chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được tăng cường; Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Kết hợp tốt hơn quốc phòng với an ninh.

Các vấn đề biên giới và lãnh thổ trên đất liền, trên biển và hải đảo được giải quyết phù hợp, giữ vững được chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đồng thời với việc kiện toàn các cơ quan công quyền, đã chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi Chính phủ trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; phát triển nhiều hình thức tự quản của dân hoạt động theo pháp luật. Dân chủ trong xã hội được mở rộng, dân chủ ở cơ sở được tăng cường, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được phát huy và bảo đảm tốt hơn.

Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm được phát hiện và xử lý theo pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn đang tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống hành chính còn chồng chéo, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực xây dựng thể chế, lập quy hoạch, kế hoạch, trình độ dự báo, phân tích kinh tế và khả năng phản ứng chính sách, tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, hiệu lực hiệu quả còn nhiều mặt hạn chế. Một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức kém phẩm chất, thiếu tinh thần trách nhiệm. Cải cách hành chính còn chậm, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, vướng mắc. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm.

Chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang có mặt còn hạn chế; thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển còn nhiều khó khăn. Ở một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ.

1.5. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước

Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và phát huy hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, còn chậm điều chỉnh chiến lược đối ngoại trong điều kiện mới. Công tác đối ngoại có mặt chưa thật chủ động. Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữa chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại và văn hóa đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại và thông tin trong nước... có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và đồng bộ.

Về bối cảnh trong nước, cần lưu ý:

- Về mặt tích cực: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã nêu những mặt đạt được về kinh tế, xã hội, chính trị, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi; vị thế trên trường quốc tế với đặc điểm mới nhất của tình hình nước ta hiện nay là: Đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển (thu nhập trên 750 USD/người), bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình (thu nhập trên 1000 USD/ người).

- Về hạn chế, yếu kém, chú ý 2 đặc điểm liên quan đến xây dựng mục tiêu và quan điểm của Chiến lược:

+ Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng... thấp; tăng trưởng dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng...

+ Ba "điểm nghẽn" của phát triển là:

(1) Thể chế kinh tế thị trường (đặc biệt là môi trường cạnh tranh, thủ tục hành chính);

(2) Chất lượng nguồn nhân lực;

(3) Kết cấu hạ tầng (chất lượng thấp, không đồng bộ); nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa hình thành đầy đủ.

Về nguyên nhân của các hạn chế, yếu, kém:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu...

+ Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết cùng lúc...

+ Những vấn đề mới nảy sinh chưa có tiền lệ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Nguyên nhân chủ quan (là chủ yếu):

+ Tư duy phát triển kinh tế - xã hội chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước, để tồn tại quá lâu mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng; bệnh thành tích còn nặng, chưa đi vào thực chất trong giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.

+ Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền và có Nhà nước pháp quyền đổi mới còn chậm.

+ Hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước có mặt còn thấp, tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém; chưa tập trung đúng mức để giải quyết có hiệu quả những khâu đột phá, then chốt và những vấn đề xã hội bức xúc.

+ Sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc chưa được phát huy tốt nhất cho mục tiêu phát triển đất nước.../.