Từ những phân tích về những thành tựu đạt được và nguyên nhân trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, trong Chiến lược 2011-2020 đã trình bày 4 bài học chủ yếu để làm tốt hơn trong thời gian tới:

(1) Bài học về phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Thực tiễn 10 năm thực hiện Chiến lược 2001-2010 cho thấy, chúng ta đạt được những thành tựu quan trọng như đã phần tích trên đây, trước hết, là do chúng ta biết phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ các điều kiện của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự giúp đỡ của các dân tộc trên thế giới...

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phải thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội với lộ trình và bước đi thích hợp, tập trung vào mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ và phát huy sức sáng tạo của mình.

(2) Bài học về đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Trong thực tiễn 10 năm qua cho thấy phát triển nhanh phải đặc biệt coi trọng tính bền vững. Phải giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, hài hòa mối quan hệ giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu đề cao yếu tố năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

(3) Bài học về bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thực tiễn nước ta và tình hình thế giới, khu vực cho thấy, ổn định chính trị - xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển. Phải xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội ngày càng vững chắc. Đồng thời phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Trong quan hệ đối ngoại, phải tích cực, chủ động, không trông chờ vào yếu tố bên ngoài một cách thụ động; phải tạo điều kiện trong nước, chuẩn bị sẵn sang cho hội nhập, chủ động đề xuất hình thức phối hợp, hợp tác với thế giới và khu vực.

(4) Bài học về bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Trong điều kiện càng đi sâu vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước phải giải quyết nhiều vấn đề mới, phức tạp, do đó, phải xây dựng cho được thiết chế thích hợp tạo sự gắn kết và phát huy cao nhất hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của Nhà nước và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp. Cả 3 nhân tố: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ đều phải được phát huy cao độ, không được coi nhẹ nhân tố nào. Đảng lãnh đạo, đề ra chủ trương, đường lối, định hướng cho sự phát triển; Nhà nước dùng các công cụ quản lý nhà nước để khơi dậy sức mạnh của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy tính tích cực, tính năng động, sáng tạo của mình; nhân dân tích cực tham gia vào công tác đảng, công việc quản lý xã hội của Nhà nước, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước với tư cách chủ nhân của xã hội.../.