Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số
TCCS - Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, việc phát triển kinh tế số ở nước ta còn bộc lộ không ít những hạn chế. Trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, việc đẩy mạnh “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”(1) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết.
Kinh tế số - xu thế phát triển tất yếu
Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tiễn cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.
Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên cách mạng kỹ thuật số. Vì vậy, kinh tế số vừa là đặc trưng, vừa là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia. Về khái niệm, tuy có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song đa số đều thống nhất rằng, kinh tế số là nền kinh tế tiến bộ, trong đó các mối quan hệ, hoạt động kinh tế, tài chính… trong hệ thống mạng lưới sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường toàn cầu được thực hiện trên nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại. Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 14-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” đã khẳng định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia có nền kinh tế số phát triển, để đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để tiên phong, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” (sản xuất tại Việt Nam) với hàm ý “doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới"(2). Những doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Năm 2021, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là trung tâm đổi mới hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới với hoạt động thương mại, đầu tư tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục với 1,37 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục…
Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”. Những kế hoạch, chiến lược truyền thông, xúc tiến thương mại trên không gian số đã hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của người dân, địa phương, doanh nghiệp; thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường; củng cố mối quan hệ hợp tác với những đối tác trên toàn thế giới, giảm thiểu chi phí xúc tiến thương mại. Năm 2020, Bộ Công Thương và chính quyền các cấp đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế đa quốc gia, trên 1 triệu phiên giao dịch với những đối tác quốc tế bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại đã giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng mới trên nền tảng kỹ thuật số; nhiều cá nhân và doanh nghiệp áp dụng các dịch vụ internet, công nghệ để mua bán sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, có trên 95% doanh nghiệp kỹ thuật số chấp nhận thanh toán qua internet, 79% sử dụng hình thức chuyển tiền kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay trên internet… Mỗi doanh nghiệp sử dụng trung bình 2 nền tảng số để đáp ứng nhu cầu khách hàng(3). Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, mạng lưới khám, chữa bệnh trực tuyến đã kết nối thêm 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng, miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương; nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10%, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và giảm tải cho hệ thống y tế(4).
Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý giảng dạy và học tập đã giúp lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều khởi sắc, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt là quy mô giáo dục được mở rộng đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Một trong những kết quả đáng tự hào và cần được ghi nhận chính là tỷ lệ học sinh trung học phổ thông được học trực tuyến chiếm 79,7%, cao hơn 67,5% so với mức trung bình chung của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giảng dạy và trao đổi bằng hình thức trực tuyến đã nâng cao sự tương tác giữa người dạy và người học, trở thành hoạt động cần thiết, mang lại nhiều sự thuận tiện, như giảm thời gian đi lại, tra cứu tài liệu, tăng khả năng tự học, tự đọc... Cũng qua việc áp dụng công nghệ số vào giảng dạy, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dạy và người học đều được nâng cao - đây là tín hiệu tốt, bảo đảm nguồn nhân lực tương lai sẽ nắm được công nghệ hiện đại, từ nền tảng này, nền kinh tế số quốc gia sẽ càng được phát triển và hội nhập nhanh hơn với thế giới.
Những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, thực hiện
Thứ nhất, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về lợi ích cũng như thời cơ và thách thức của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Vì vậy, việc đồng bộ cơ sở dữ liệu về kinh tế số còn manh mún và phân tán, chưa có sự kết nối, liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, môi trường pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ, nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Điển hình, mặc dù khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, nhưng với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19, sự phát triển của kinh tế số đã tạo ra những lúng túng nhất định cho các cơ quan quản lý nhà nước trong một số vấn đề, như: Quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến; bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thương mại điện tử; xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động, lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số…
Thứ ba, sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài với tiềm lực mạnh, tạo ra những sản phẩm sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước còn hạn chế do quy mô của đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, thiếu vốn và trình độ công nghệ thấp.
Thứ tư, thói quen mua sắm truyền thống, tâm lý, thị hiếu tiêu dùng tiền mặt của đại đa số người tiêu dùng ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đặc biệt, hành vi kinh doanh và thói quen tiêu dùng giữa người dân thành thị và khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách lớn, gây ra những khó khăn nhất định để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đồng bộ.
Thứ năm, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu, yếu cả về lượng và chất. Việt Nam hiện đang thiếu các kỹ sư công nghệ có trình độ cao và năng lực quản lý có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp công nghệ hiện nay và trong tương lai(5). Theo Công ty dịch vụ việc làm trực tuyến VietnamWorks, ước tính hằng năm, Việt Nam thiếu khoảng 78.000 nhân viên công nghệ thông tin và tính đến năm 2020 thiếu khoảng 500.000 nhân viên công nghệ thông tin, nghĩa là chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu thị trường(6).
Thứ sáu, an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ngày càng gặp khó khăn. Kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể kinh tế số. Trong quý I-2021, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận 1.271 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, trong đó có 623 cuộc tấn công Malware (phát tán các chương trình hoặc mã độc có khả năng cản trở hoạt động bình thường của hệ thống), 449 cuộc tấn công Phishing (giả mạo các tổ chức uy tín như ngân hàng, trang web giao dịch trực tuyến hay công ty thẻ tín dụng) và 199 cuộc tấn công Deface (bẻ khóa hệ thống và truy cập máy chủ web nhằm thay đổi giao diện và nội dung web)(7).
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới
Quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”(8) và để thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Cần có sự quan tâm sâu sắc của chính quyền các cấp trong vấn đề nâng cao trình độ nhận thức của xã hội về chuyển đổi số. Tăng cường, đổi mới phương thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông xã hội. Xây dựng các kế hoạch cụ thể, quy mô lớn để phổ cập kiến thức về chuyển đổi số đến mọi người dân.
Hai là, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số. Các cơ quan quản lý của Nhà nước cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy chế, văn bản pháp luật về khoa học -công nghệ số. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ những mô hình kinh doanh, chiến dịch quảng bá, khuyến khích phát triển dịch vụ, dòng sản phẩm, công nghệ số mang tính sáng tạo, đổi mới… Về phía doanh nghiệp, cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của công nghệ số, thúc đẩy phát triển sáng tạo những dòng sản phẩm, dịch vụ mới…
Ba là, cần chú trọng hơn nữa công tác an ninh mạng, tăng cường bảo mật, an toàn thông tin. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cần được pháp luật quy định rõ ràng với những chính sách, hành động cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người tham gia, bảo đảm môi trường không gian mạng an toàn và an ninh. Xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật quốc gia về khung danh tính số, định danh số và xác thực điện tử. Xây dựng, củng cố pháp luật về những chính sách tiền tệ, chính sách tài chính liên quan đến áp dụng công nghệ số vào những dịch vụ mang tính quốc tế, quản lý thuế điện tử, thanh toán điện tử, quản lý sản xuất, điện tử hóa mô hình kinh doanh.
Bốn là, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số. Đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc. Chú trọng chuyển đổi giao thức internet sang những thế hệ mới, mở rộng kết nối internet trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Phát huy tính tiên phong của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số; từ đó, quảng bá thương hiệu khắp quốc gia, khu vực và mở rộng ra thị trường thế giới. Cần chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa, như: Năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải; đào tạo từ xa, quản lý giảng dạy và học tập trực tuyến; quản lý hồ sơ bệnh án, điều trị bệnh trực tuyến; hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số… Nghiên cứu, cải tiến, phát triển kỹ thuật số các thiết bị, máy móc, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của cộng đồng xã hội, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai việc chế tạo, thiết kế, cải tiến dịch vụ, hàng hóa thay cho việc lắp ráp, gia công.
Sáu là, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ “lõi”, nhất là công nghệ số theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập. Tăng mức đầu tư của nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới. Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học - công nghệ, khuyến khích, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ./.
-----------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 239
(2) Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 14-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
(3) “Nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ lớn thứ 2 Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD: Các dịch vụ online lên ngôi”, Tạp chí Doanh nhân, https://tapchidoanhnhan.org/chuyen-thuong-truong/nen-kinh-te-so-tai-viet-nam-se-lon-thu-2-dong-nam-a-dat-220-ty-usd-cac-dich-vu-online-len-ngoi.html, ngày 11-11-2021
(4) Tường Huy: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html, ngày 18-5-2021
(5) Bích Ngọc: “Việt Nam: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Con số và Sự kiện, http://consosukien.vn/viet-nam-muc-do-san-sang-tham-gia-cach-mang-cong-nghiep-4-0.htm, ngày 23-9-2019
(6)VietnamWorks: “Ngành Công nghệ thông tin Việt Nam thiếu hụt số lượng nhân sự khổng lồ”, https://www.vietnamworks.com/hrinsider/nganh-cong-nghe-thong-tin-viet-nam-thieu-hut-so-luong-nhan-su-khong-lo.html, ngày 27-11-2015
(7) Quốc Trường: “Tình hình an ninh mạng của Việt Nam và thế giới trong quý I/2021”, Tạp chí An toàn thông tin, http://m.antoanthongtin.vn/an-toan-thong-tin/tinh-hinh-an-ninh-mang-cua-viet-nam-va-the-gioi-trong-quy-i2021-107145, ngày 20-5-2021
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 239
Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm  (28/07/2022)
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường cho khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh  (30/06/2022)
Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách  (26/06/2022)
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chuyển đổi số toàn diện  (16/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên