TCCS - Lời Bộ Biên tập: Ngày 15-6-2000, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 76 -QĐ/TW "Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú". Sau gần 10 năm thực hiện, chất lượng đảng viên, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng được củng cố. Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở xin trao đổi về một số vấn đề chủ yếu xung quanh vấn đề này.

* Hỏi: Mục đích của Quy định số 76-QĐ/TW Bộ Chính trị?

Đáp: Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị nhằm mục đích tăng cường quản lý đảng viên trong tình hình mới; là điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động và các quan hệ xã hội của đảng viên, đóng góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, qua đó giúp đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để cấp ủy nơi cư trú động viên, khai thác khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý về nhiều lĩnh vực của đảng viên đương chức vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở.

Đảng viên được cấp ủy nơi cư trú cung cấp thông tin về tình hình khu dân cư, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ địa phương và nhân dân nơi cư trú, giúp đảng viên nắm được thực tiễn ở cơ sở, những khó khăn, thuận lợi, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở để đảng viên đóng góp thiết thực vào hoạt động của chi bộ, đảng bộ nơi cư trú; tăng cường mối quan hệ, giúp nhau làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người trong lĩnh vực công tác.

* Hỏi: Một số yêu cầu và nội dung chủ yếu trong Quy định số 76 của Bộ Chính trị?

Đáp: Ngày 14-10-2003, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 23-HD/TCTW về việc thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị như sau:

1 - Về đối tượng thực hiện: Tất cả đảng viên đang công tác, sinh hoạt ở các cơ quan, doanh nghiệp các loại, đơn vị hành chính, sự nghiệp... đều được giới thiệu về giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú.

Đối với đảng viên thường xuyên đi công tác, học tập, nghiên cứu xa nhà, lưu động cũng phải giới thiệu về nơi cư trú hợp pháp để chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú biết, vận động gia đình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nhưng được miễn các kỳ sinh hoạt do cấp ủy nơi cư trú triệu tập.

2 - Về tổ chức, thời gian và nội dung sinh hoạt:

Về tổ chức: Đảng viên đang công tác về giữ mối liên hệ nơi cư trú không sinh hoạt chung với chi bộ địa phương; được tổ chức sinh hoạt riêng theo địa bàn dân cư do chi ủy chi bộ nơi cư trú triệu tập, chủ trì theo dõi, quản lý.

Thời gian sinh hoạt: Chi ủy chi bộ nơi cư trú tổ chức cho đảng viên đang công tác về giữ mối liên hệ ở nơi cư trú sinh hoạt định kỳ một năm ít nhất 2 lần.

Nội dung sinh hoạt: Cấp ủy nơi cư trú thông báo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và những nội dung công tác trọng tâm của địa phương, những vấn đề bức xúc trên địa bàn, để đảng viên tham gia bàn biện pháp giải quyết và gương mẫu thực hiện. Nhận xét đảng viên và gia đình đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật và các quy định của địa phương, xây dựng gia đình văn hóa ở nơi cư trú.

3 - Nhiệm vụ của đảng viên nơi cư trú:

Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, quy định của thôn, xóm, tổ dân phố.

Có trách nhiệm báo cáo với chi bộ nơi công tác kết quả tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ ở nơi cư trú, chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy nơi cư trú.

Tham gia đầy đủ các cuộc họp theo quy định hoặc đột xuất do đảng ủy, chi ủy nơi cư trú triệu tập. Có trách nhiệm tham gia ý kiến với chi ủy, đảng ủy nơi cư trú về công tác xây dựng Đảng, xây dựng địa phương.

4 - Nhiệm vụ của chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác:

Tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đảng viên mục đích, yêu cầu nội dung Quy định số 76; làm thủ tục giới thiệu đảng viên của chi bộ, đảng bộ mình về nơi cư trú; Quản lý chặt chẽ sổ theo dõi giới thiệu đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú, tập hợp ý kiến nhận xét đảng viên của cấp ủy nơi cư trú và chỉ đạo chi bộ nơi đảng viên đang sinh hoạt xem xét biểu dương, khen thưởng hoặc xử lý những vấn đề liên quan đến đảng viên.

Thông báo kịp thời cho cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang cư trú biết số đảng viên thay đổi chỗ ở, chuyển công tác, bị khai trừ, xóa tên, xin ra khỏi đảng, thường xuyên phải đi công tác xa, hoặc đã nghỉ công tác hưởng chế độ bảo hiểm xã hội... Hằng năm đánh giá kết quả thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW của chi bộ, đảng bộ gắn với tổng kết công tác năm và báo cáo lên cấp ủy cấp trên.

5 - Nhiệm vụ của chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú:

Kịp thời tiếp nhận đảng viên, giới thiệu về chi bộ trực thuộc nơi đảng viên cư trú để chi ủy theo dõi, quản lý và thông báo cho cấp ủy nơi đảng viên đang công tác.

Thường xuyên rà soát sổ theo dõi và tiếp nhận đảng viên về giữ mối liên hệ ở nơi cư trú. Kịp thời cung cấp những nội dung có liên quan đến đảng viên về giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú cho cấp ủy nơi công tác khi có yêu cầu...

* Hỏi: Những khó khăn trong việc quản lý đảng viên sinh hoạt hai chiều ở nơi cư trú hiện nay?

Đáp: Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vấn đề:

- Một số ít cấp ủy cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và một bộ phận đảng viên đang công tác chưa nhận thức một cách đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy định 76, nên quá trình triển khai, thực hiện chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp.

- Tính hình thức còn phổ biến trong nhận xét đảng viên đương chức ở nơi cư trú. Đặc biệt là việc quản lý đối với đảng viên đang làm ở các cơ quan trung ương hay những đảng viên thường xuyên đi công tác xa. Tính ràng buộc đối với số đảng viên này trong sinh hoạt với cấp ủy nơi cư trú hầu như không có.

- Cấp ủy một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung Quy định số 76. Một số ban chi ủy khu phố, thôn chưa chủ động nắm số lượng, biến động tăng giảm về đảng viên thuộc diện giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú; hoạt động giám sát, theo dõi đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân, nhận xét đánh giá đảng viên ưu điểm là chính, chưa mạnh dạn nêu khuyết điểm, nội dung đánh giá còn chung chung theo một khuôn mẫu, chưa chính xác, hoặc dễ dãi, hình thức.

- Chưa chú trọng đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt, lúng túng trong điều hành sinh hoạt, thiếu thông tin, chưa có hình thức vận động phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 76-QĐ/TW Bộ Chính trị...

* Hỏi: Việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên nơi cư trú của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Đáp: Ngày 21-4-2006, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư". Đó là:

Về chủ thể giám sát: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Người đứng đầu các tổ chức thành viên, Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị và đơn giám sát của đoàn viên, hội viên, thành viên của tổ chức mình và của nhân dân, sau đó phân loại, lựa chọn những sự việc có nội dung và địa chỉ rõ ràng gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Về đối tượng giám sát: Tất cả cán bộ, công chức, đảng viên làm việc ở cấp xã, khu dân cư; cán bộ, công chức, đảng viên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cấp xã, khu dân cư có liên quan trực tiếp đến giải quyết những việc về quyền lợi của người dân và cán bộ, công chức, đảng viên công tác ở nơi khác nhưng cư trú ở khu dân cư.

Về nội dung: Giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên trong lĩnh vực quản lý đất đai, thu chi các loại quỹ, lệ phí, cấp các loại giấy phép, chứng thực xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ, sử dụng tài sản, ngân sách và các khoản đóng góp của nhân dân; gương mẫu trong việc thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư và phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tham gia các hoạt động do xã, phường, thị trấn, khu dân cư tổ chức vận động và việc kê khai nhà đất, tài sản./.