TCCS - Lời Bộ Biên tập: Thời gian qua, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã nhận được nhiều thư từ, bài vở chung quanh vấn đề giám sát, quản lý cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở. Chúng tôi xin trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này.

Hỏi: Mục đích giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở? (Bạn Lê Thu Hằng, sinh viên Trường Đại học Công đoàn, Hà Nội).

Đáp: Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức, trách nhiệm gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, những quy định ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt.

Giúp cho các cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân, trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.

Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức, nhất là những tổ chức giải quyết những việc trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người dân.

Thông qua hoạt động giám sát để nâng cao vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Hỏi: Tòa soạn có thể cho biết cụ thể hơn nội dung giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam? (Bạn Trần Văn Tuyển, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Đáp: - Đối với cá nhân công tác tại cấp xã, khu dân cư. Giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý cá nhân có hành vi vi phạm sau đây:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý sử dụng đất đai; thu chi các loại quỹ, thuế, lệ phí; cấp các loại giấy phép, chứng thực xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; sử dụng ngân sách xã và các khoản đóng góp của nhân dân. Làm trái quy ước, hương ước ở khu dân cư; nội quy, quy chế làm việc, quy định về công khai thủ tục hành chính của tổ chức.

Thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết các công việc của dân, nhận tiền, lợi ích vật chất khác của dân liên quan đến công việc mà mình giải quyết.

Tổ chức, bao che, tham gia đánh bạc, số đề, cá cược, môi giới, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy; hoạt động mại dâm; gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình, vi phạm luật hôn nhân và gia đình.

- Đối với cá nhân cư trú ở cấp xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác.

Phát hiện những hành vi sai trái, thiếu trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; hương ước, quy ước của khu dân cư và trong việc tham gia các hoạt động do cấp xã, khu dân cư tổ chức và vận động.

Phát hiện, kiến nghị xử lý hành vi không trung thực kê khai nhà đất và tài sản, có bất minh về nhà đất và các tài sản khác.

- Đối với cá nhân công tác tại tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã. Giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm sau đây:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý đất đai; thu chi các loại quỹ, thuế, lệ phí; cấp các loại giấy phép, đăng ký, công chứng, chứng thực, xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ. Làm trái nội quy, quy chế làm việc, quy định và công khai các thủ tục của tổ chức.

- Đối với tổ chức cấp xã và tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.

Phát hiện, đề nghị tổ chức khắc phục những hành vi sai trái, thiếu ý thức chấp hành và thực hiện nghị quyết, quyết định của chính quyền cấp xã, các quy ước, hương ước của khu dân cư và tham gia các hoạt động do cấp xã, khu dân cư tổ chức.

Hỏi: Những kết quả đã đạt được của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở thời gian qua? (Bạn Thùy Linh ở Hà Nội và một số bạn sinh viên ở Hưng Yên).

Đáp: Thực hiện Thông báo số 161-TB/TW, ngày 21-4-2006, Chính phủ và ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006-NQLT). Quy chế này giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao hơn về ý thức, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của khu dân cư. Đồng thời, giúp cho các cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn dân cư nắm chắc hơn về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở làm căn cứ tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện và sử dụng cán bộ tốt hơn; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở.

Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là ở cơ sở và nhân dân trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân./.