Một hộ nghèo ở xã Công Lý, Lý Nhân, Hà Nam được vay vốn hỗ trợ nghề dệt vải - Ảnh: PV
TCCS - Lý Nhân là huyện thuần nông và được coi là “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh Hà Nam. Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2008, Lý Nhân là một trong số những đảng bộ huyện có số tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh đạt thấp; cũng là đảng bộ duy nhất của tỉnh có một TCCSĐ bị xếp loại yếu kém. Vậy Lý Nhân đang làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCSĐ?

1 - Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại

- Có phải Lý Nhân là huyện có tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh thấp nhất tỉnh Hà Nam và tại sao lại thế?

Trả lời câu hỏi đó của chúng tôi, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Nhân, Trương Minh Hiến, thẳng thắn thừa nhận:

- Đúng là số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh ở Lý Nhân ít hơn so với các đơn vị khác trong Đảng bộ Hà Nam. Chúng tôi xác định: Trong sạch, vững mạnh thì phải làm được cái gì cho nhân dân, cho tổ chức chứ xếp trong sạch, vững mạnh để mà vỗ tay cho đẹp lòng nhau, đẹp báo cáo thì kiên quyết phải chấm dứt.

Đồng chí Hiến cho biết, quan điểm của Huyện ủy là đánh giá nghiêm khắc, xếp loại đúng chất lượng để mỗi người trong tập thể được biểu dương đều thật sự thấy tự hào, còn người ở các tập thể chưa đạt được cũng “tâm phục, khẩu phục” và thấy được trách nhiệm phải tiếp tục phấn đấu vươn lên. Nếu khâu đánh giá, xếp loại không công minh, thiếu khách quan, cả nể, nặng về lấy thành tích thì sẽ không tránh khỏi sự so bì hơn, kém trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó dẫn đến sự thiếu tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chán nản, giảm sút ý chí phấn đấu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, vì thế, mà hao mòn đi. Cho nên, chúng tôi coi đánh giá đúng chất lượng TCCSĐ là động lực, là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.

Để đánh giá đúng chất lượng các TCCSĐ, cùng với xây dựng 23 tiêu chí xếp loại, đánh giá theo đúng hướng dẫn của cấp trên, Lý Nhân còn có cách làm riêng. Đó là giao việc nhận xét, đánh giá, thẩm định các tiêu chí cho các cơ quan chuyên môn. Khi các TCCSĐ gửi bản tự nhận xét, đánh giá, xếp loại lên, Huyện ủy chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân xem xét, đánh giá. Ví dụ : tiêu chí về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định và đánh giá; về lĩnh vực giáo dục thì do Phòng Giáo dục - Đào tạo đảm nhận... Cuối cùng, Huyện ủy tập hợp lại để thẩm định một lần nữa, rồi mới tổ chức bình xét, đánh giá, xếp loại.

Kết quả là, năm 2008 Lý Nhân chỉ có 56,33% số TCCSĐ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh; 18,30% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 23,94% hoàn thành nhiệm vụ; 1,43% hoàn thành nhiệm vụ yếu. Số tổ chức đảng trực thuộc các đảng bộ cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh cũng chỉ xấp xỉ 26%. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của Lý Nhân đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

2 - Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Sau khi có được cái nhìn tương đối chính xác, toàn diện chất lượng của các TCCSĐ, Huyện ủy xác định, trước hết, phải tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các chi bộ thôn, xóm. Thực tế cho thấy, chi bộ thôn, xóm phải gánh vác nhiều việc nhất. Vì đây giống như “cái đáy túi” đựng các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách từ trên dồn xuống, trước khi tỏa ra cuộc sống, trong khi năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

Phải thừa nhận là, năng lực của đội ngũ cấp ủy và đảng viên ở các chi bộ thôn, xóm vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu được tư vấn và chỉ dẫn tốt, họ hoàn toàn có thể tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao - đồng chí Ngô Xuân Quang, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy khẳng định. Chính vì thế, đầu năm nay, Huyện ủy đã ra chủ trương: Hằng tháng, mỗi cán bộ từ Ban Thường vụ Huyện ủy cho đến trưởng, phó các phòng, ban của huyện phải về tham gia sinh hoạt với một chi bộ thôn, xóm.

Theo đó, lịch sinh hoạt của các chi bộ thôn, xóm trong toàn huyện được thống nhất vào ngày mồng 3 hằng tháng. Ngày đầu tháng, các đảng ủy cơ sở phải gửi lịch sinh hoạt lên Huyện ủy, trong đó ghi rõ chi bộ nào sinh hoạt vào thời gian nào. Căn cứ vào đó, Huyện ủy phân công cán bộ đi thẳng về tham gia sinh hoạt với bất kỳ chi bộ nào (không thông qua Đảng ủy xã, không báo trước với chi bộ và không để cán bộ xã cùng tham dự) để tạo không khí thoải mái, giúp đảng viên bớt e ngại khi phát biểu.

Từ tháng 3 đến nay, mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ chúng tôi có 66 cán bộ về sinh hoạt ở 66 chi bộ. Đồng nghĩa với việc chúng tôi nắm bắt được tình hình mọi mặt ở 66 thôn, xóm. Có gì vướng mắc, nổi cộm là chúng tôi cử người về cùng cấp ủy, chi bộ tìm biện pháp giải quyết ngay - đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phấn chấn nói. Cái hay là thông tin từ cơ sở được phản ánh thẳng lên Huyện ủy, không qua một khâu trung gian nào nên rất nhanh, rất thật, rất sống động và chúng tôi dễ dàng nắm rõ bản chất vấn đề, nên giải quyết rất trúng. Mặt khác, anh em trực tiếp tham gia sinh hoạt còn giúp chi bộ tháo gỡ những vấn đề gây khó khăn cho cấp ủy, chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thông qua đó, chi ủy, đảng viên học hỏi được thêm kinh nghiệm lãnh đạo. Nhờ đó mà chất lượng sinh hoạt, hiệu quả điều hành thực hiện nhiệm vụ của chi bộ được nâng lên rõ rệt.

Tại xã Công Lý, khi được hỏi về hiệu quả của chủ trương đưa cán bộ huyện về tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Điển, khẳng định: Đây là một chủ trương hay, nhanh chóng tạo được những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các chi bộ. Khi kiểm tra nền nếp sinh hoạt của các chi bộ, chúng tôi nhận thấy, khi có cấp trên về tham dự thì buổi sinh hoạt chi bộ được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đảng viên đến dự đầy đủ, đúng giờ và phát biểu có tính xây dựng cao hơn. Mặt khác, trong buổi sinh hoạt, khi đụng vào những vấn đề khó, vượt quá khả năng của cấp ủy, của chi bộ, thì đã có cán bộ huyện tháo gỡ giúp nên chất lượng các buổi sinh hoạt có chất lượng rất cao, giải quyết khá tốt những vấn đề được nêu ra tại buổi sinh hoạt.

Còn ở xã Nhân Bình, Bí thư chi bộ 12, đồng chí Cao Hữu Vinh thổ lộ: - Anh em chúng tôi làm những việc cụ thể thì không khó khăn gì, nhưng nói năng, điều hành hội họp thì rất hạn chế. Từ khi có cán bộ huyện về sinh hoạt cùng, được các đồng chí uốn nắn cho nên buổi họp chi bộ được tổ chức có bài bản hơn, lượng thông tin nhiều hơn. Việc quán triệt, triển khai nghị quyết của cấp trên, ra nghị quyết của chi bộ rõ ràng, phù hợp thực tế hơn. Nhờ đó anh em đỡ lúng túng khi tổ chức thực hiện.

Một khi chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên thì năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chi bộ cũng sẽ được nâng lên.

Huyện ủy Lý Nhân coi đây là khâu đột phá để thực hiện tốt mục tiêu đề ra là năm 2009, phải có trên 80% số TCCSĐ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.

3 - Gỡ khó trong công tác phát triển Đảng

Theo đồng chí Trương Minh Hiến, cả hai giải pháp nói trên mới chỉ là những cách khắc phục có tính chất tạm thời và để giải quyết vấn đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở nông thôn” một cách triệt để và có tính bền vững cao, cần chú trọng vào công tác phát triển Đảng, nhất là khi tuổi đời bình quân của đảng viên quá cao: 55,6; cá biệt có nơi là 56 tuổi, xấp xỉ tuổi nghỉ hưu. Chỉ có một cách duy nhất là, kịp thời bổ sung lực lượng trẻ. Nhưng, lấy đâu ra nguồn? Nông nghiệp, nông thôn từ lâu đã không còn sức hút với lớp trẻ nữa. Mười năm qua, cả huyện Lý Nhân có khoảng 15 nghìn người (tương đương với số dân của một xã) trong độ tuổi lao động rời bỏ quê quán đi lập thân, lập nghiệp ở nơi khác. Song, khó không có nghĩa là không thực hiện được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Minh Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Bình, thẳng thắn: - Mấy năm qua, công tác phát triển Đảng của chúng tôi phải nói là rất yếu. Lý do là thiếu nguồn. Chúng tôi cứ nhắm vào lớp trẻ, nhưng họ cứ lớn lên là rời làng đi ngay. Không đi học văn hóa thì đi học nghề hoặc là đi buôn bán, làm thuê, làm mướn khắp nơi. Thành ra, chúng tôi phải thay đổi tư tưởng chỉ đạo: Vẫn chú trọng vào độ tuổi đoàn viên, thanh niên, nhưng không bỏ qua những đối tượng tuy không còn trẻ song vẫn hội đủ tiêu chuẩn có thể kết nạp được. Nói gọn lại là, phải tạo nguồn từ mọi nguồn, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn. Song cũng không quá cầu toàn. Chẳng hạn, chúng tôi phát hiện có những hội viên cựu chiến binh tuổi trên dưới 50, có trình độ, phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt lại có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, trong khi các chi bộ lại bỏ qua chỉ vì tuổi đã cứng! Hay là có khá nhiều người hội đủ tiêu chuẩn về văn hóa, phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín trong thôn, xóm nhưng vẫn phải đứng ngoài đội ngũ chỉ vì có ba con. Đội ngũ này cũng khá đông đảo. Vận dụng chủ trương của Huyện ủy là, những người sinh con thứ ba từ năm 1989 trở về trước, nếu bảo đảm các tiêu chuẩn vẫn có thế kết nạp được, thế là chúng tôi chú ý “khai thác”. Vậy là, chỉ cần thay đổi nhận thức một chút thôi, việc khó trở nên dễ giải quyết.

Nói về “Xã hội hóa công tác tạo nguồn phát triển Đảng”, Nhân Bình có cách làm khá hay. Đó là ở mỗi tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đều có một hoặc hai câu lạc bộ (phụ nữ có “Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau làm giàu”, “Phụ nữ với pháp luật”; nông dân có “Câu lạc bộ Nông dân phát triển bền vững”; thanh niên có “Câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp”...). Các câu lạc bộ này hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên có sự gắn kết khá đặc biệt và rất quy củ. Hằng tháng, hằng quý, cuối năm đều có những buổi sơ kết, tổng kết các hoạt động, biểu dương những người tham gia tích cực và có nhiều đóng góp cho công việc chung. Sau đó, danh sách những người được biểu dương, chưa phải là đảng viên được các câu lạc bộ gửi đến các chi bộ để cấp ủy xem xét, nếu hội đủ tiêu chuẩn thì đưa vào danh sách đối tượng cảm tình đảng. Cách làm đó được nhân rộng ra ở các tổ chức khác như dân quân, công an...

Chỉ mới nửa năm thôi, nhưng chỉ tiêu trong năm 2009 kết nạp 12 đảng viên mà Đảng ủy Nhân Bình đăng ký với Huyện ủy từ đầu năm, nay coi như hoàn thành, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi thông báo. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục xem xét các đối tượng đã được các chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội gửi đến. Khả năng có thể xét kết nạp vào Đảng được vài ba người nữa.

Kết quả nêu trên cho thấy, phương châm “Xã hội hóa công tác tạo nguồn phát triển Đảng” đơn cử như ở Đảng bộ xã Nhân Bình đã phát huy tác dụng tốt./.