Cuộc kháng chiến chống Mỹ và đại thắng mùa Xuân 1975 trong con mắt người nước ngoài
Tầm vóc to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong con mắt của người nước ngoài
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chấm dứt 21 năm chiến tranh, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ ở trong nước mà còn thu hút được sự quan tâm, đánh giá của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. L. I.Brê-giơ-nép, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô khẳng định “Thắng lợi tuyệt diệu ở miền Nam Việt Nam mở ra một giai đoạn quan trọng, nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và giàu mạnh”(1). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, độc lập tự do được khôi phục, đó là tiền đề để Việt Nam bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Đại thắng mùa Xuân là bước ngoặt lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam được coi là cuộc “đụng đầu lịch sử” giữa nhân dân Việt Nam và thế giới yêu chuộng tự do, hòa bình với âm mưu bá quyền thế giới của Mỹ nên thắng lợi của cuộc kháng chiến này không chỉ ở tầm quốc gia mà có tầm quốc tế. Chính vì vậy, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đánh giá đại thắng mùa Xuân 1975 là “một trong những chiến công oanh liệt vĩ đại nhất của loài người”, “một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười, sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít”(2), là dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng thế giới. Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành khẳng định đại thắng mùa Xuân năm 1975 “là thắng lợi chung của tất cả nhân dân cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức”(3).
Nó không chỉ là thắng lợi của một dân tộc bị áp bức (Việt Nam) chống lại chủ nghĩa thực dân mới, giành độc lập cho dân tộc mình mà là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Cả nhân loại tiến bộ đều hướng về, dõi theo cuộc chiến đấu này, cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi này cũng cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở mỗi nước mình. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông khẳng định “Thắng lợi của các đồng chí đã cổ vũ hết sức mạnh mẽ tất cả các dân tộc và nhân dân bị áp bức đang đấu tranh, nêu gương sáng chói cho sự nghiệp cách mạng chống đế quốc Mỹ của nhân dân toàn thế giới”(4). Còn Giáo sư Nguyên Dương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh tế thế giới, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh giành lấy hòa bình, chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Với chiến thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam đã mang lại niềm tự hào cho người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”(5). Như vậy, thế giới đánh giá rất cao sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đại thắng mùa Xuân đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Các học giả nói về nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng giống như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, làm chấn động địa cầu, rung chuyển cả thế giới khi đó, khiến nước Mỹ bàng hoàng, thế giới kinh ngạc. Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải chua chát thú nhận “Tấm thảm kịch Việt Nam đã làm tổn thương nước Mỹ, làm tổn hại chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài, hạ thấp chúng ta trong con mắt đối phương. Nhưng nó làm tổn thương chúng ta nhiều nhất ở trong nước. Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam làm hổ thẹn một nước mà không mấy khi thất bại”(6). Một đất nước giàu có, có tiềm lực quân sự và kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, trong lịch sử 200 năm của mình chưa từng phải nếm mùi thất bại mà phải chấp nhận thua cuộc tại Việt Nam - một đất nước đất không rộng, người không đông, còn nghèo nàn, lạc hậu, dân số đa phần là nông dân, đó dường như là điều “không thể chấp nhận”, là sự hổ thẹn của nước Mỹ. Báo Le Figaro của Pháp, ngày 03-5-1975 nhận định thất bại của Mỹ ở Việt Nam là “thất bại nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của nước Mỹ”. Một điều tưởng như không bao giờ có thể xảy ra đã xảy ra trên thực tế không những khiến thế giới phải khâm phục, ngưỡng mộ Việt Nam mà khiến nước Mỹ không thể nào hiểu nổi.
Đi tìm nguyên nhân tại sao Mỹ lại thua cuộc tại Việt Nam luôn là vấn đề đau đáu của cả chính giới và những nhà nghiên cứu Mỹ. Một đất nước luôn dựa trên sức mạnh vật chất của mình để áp đặt, thống trị các dân tộc khác cuối cùng đã nhận ra một sự thật là sức mạnh vật chất không phải khi nào cũng là vô địch, tinh thần cũng có sức mạnh ghê gớm, nhiều khi có thể chiến thắng được những ưu trội về vật chất. Sau hơn 20 năm khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, R. Mắc Na-ma-ra - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời kỳ Giôn-xơn làm tổng thống, trong hồi ký "Nhìn lại quá khứ, tấm thảm kịch và bài học Việt Nam" nhận ra sai lầm rằng nước Mỹ “đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Nước Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam nhưng chưa hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về con người, văn hóa Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chính là nhân tố quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã trụ vững và tiếp tục tồn tại, phát triển trước biết bao cơn phong ba, bão táp của lịch sử là nhờ biết phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, ý chí, quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, tinh thần tự cường của người Việt Nam đã được hun đúc và bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là vũ khí tinh thần để người Việt Nam có thể đương đầu với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Trong tập “Việt Nam, Việt Nam” - bút ký của Nhà xuất bản Penguin năm 1967, nhà điện ảnh người Anh F. Grin đã viết “Sự thống trị và các cuộc xâm lược liên tiếp của ngoại bang đã tạo cho người Việt Nam một chí khí giành độc lập và tự do khỏi người nước ngoài. Chính cái tính đa dạng về dân tộc đã nảy sinh trong con người Việt Nam một nhu cầu khẩn thiết về sự thống nhất dân tộc. Lịch sử của họ đã chứng minh rằng họ sẵn sàng chịu đựng những gian khổ không sao tưởng tượng được để bảo vệ sự thống nhất”.
Như vậy, chí khí giành độc lập, tự do cho dân tộc của người Việt Nam đã tạo cho họ một sức mạnh tinh thần ghê gớm, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, hy sinh lợi ích riêng, thậm chí cả mạng sống của mình để cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu chung là bảo toàn dân tộc, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn của dân tộc, quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc và yêu nước của người Việt Nam đã giúp cho mỗi người đều có lý tưởng cao đẹp, chi phối suy nghĩ và hành động của mình, đó là lý tưởng vì Tổ quốc, dân tộc. Nữ nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Giên Phon-đa, trong thư gửi báo ảnh Việt Nam ngày 22-7-1972 thừa nhận “chúng tôi đã tự hỏi tại sao và làm thế nào mà một nước nhỏ bé về mặt địa lý như Việt Nam lại không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ và có thể ngăn chặn một cuộc tiến công mạnh mẽ của đủ loại vũ khí Mỹ. Chúng tôi đã đứng trước một sự thật là: bởi vì các bạn biết tại sao các bạn đang chiến đấu…”(7). Nếu như trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lính Mỹ tham gia vì những bảo đảm vật chất nên họ dễ bị mất tinh thần, hoang mang, dao động, trở nên yếu đuối trước khó khăn, thất bại thì mỗi người Việt Nam đi vào cuộc chiến đấu và lao động một cách tự giác, vô tư, không đòi hỏi, với quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước khỏi sự nô dịch và phụ thuộc, về với quê hương, với niềm tin sâu sắc vào cuộc sống tương lai nên họ không dễ bị lung lạc về tinh thần khi gặp khó khăn, thất bại. Vì con người sống có lý tưởng cao đẹp, biết được mình đang chiến đấu, hy sinh vì cái gì, mục đích gì nên họ mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn và dũng cảm hơn. Và vì mỗi người Việt Nam đều có chung một ý chí, lý tưởng là kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, họ tìm thấy lợi ích riêng trong lợi ích chung đó nên họ đã gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành một khối thống nhất, một sức mạnh tổng lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đúng như giáo sư sử học Ga-bri-en Côn-cô đã đánh giá “Mỗi người đều vì nhân dân và đều vì một sự nghiệp mà trong đó số phận của từng người gắn với số phận của cách mạng. Chính sự tác động của quan niệm đó đã làm cho thắng lợi cơ hồ như không thể đạt được trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đã thật sự đạt được một cách trọn vẹn”(8).
Tại sao Việt Nam lại có đủ sức mạnh để đương đầu với Mỹ?. Bí mật sức mạnh đó đã được các nhà nghiên cứu tìm ra ở sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam. Nhưng chỉ đó thôi dường như vẫn chưa đủ. Họ còn tìm thấy ở người Việt Nam trí tuệ, thông minh, khả năng sáng tạo, linh hoạt, nữ văn sĩ Mỹ Ma-ri T. Mác Các-ti đã ghi vào sổ cảm tưởng của Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam ngày 20-3-1968: “Tôi rất xúc động trước sức mạnh sinh tồn của họ, sức mạnh này dường như bắt nguồn từ sự kết hợp trí thông minh, mưu lược và lòng tự hào”(9). Tình yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc đã giúp cho con người Việt Nam có khả năng chịu đựng, sự hy sinh to lớn, sự dũng cảm và bền bỉ đến không ngờ, sự gắn kết chặt chẽ trong một mục tiêu chung để chống chọi với mọi vũ khí tàn bạo của Mỹ, để nỗ lực vươn lên đương đầu với Mỹ. Trí tuệ và sự thông minh tuyệt vời giúp người Việt Nam thắng Mỹ. Đó là trí tuệ của một dân tộc có truyền thống “lấy yếu đánh mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, biết khoét sâu chỗ yếu của địch, phát huy chỗ mạnh của mình, biết làm suy yếu sức mạnh của địch và tăng cường sức mạnh cho mình. Trí thông minh, sự sáng tạo tuyệt với ấy của dân tộc thể hiện tập trung ở sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh của cuộc kháng chiến. Đó là nguyên nhân tạo nên sức mạnh Việt Nam.
Như vậy, đã có rất nhiều cuộc “giải phẫu, mổ xẻ”, phân tích của các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài về nguyên nhân tại sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng một cách ngạo nghễ, hào hùng một kẻ khổng lồ như đế quốc Mỹ. Chiến thắng “tựa hồ như không thể đạt được” đó cũng đã được hé lộ. Đó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam đã giúp chúng ta có thể đánh bại sức mạnh quân sự và kinh tế hùng mạnh của đế quốc Mỹ. Dân tộc Việt Nam hôm nay muốn tiếp tục phát triển để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, những “đại thắng mùa Xuân 1975” trong thời bình cũng cần phải tiếp tục phát huy bản lĩnh và trí tuệ ấy trong mỗi con người Việt Nam, phải biết khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, sự tài trí của mỗi con người Việt Nam. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định trong suốt chiều dài tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam./.
--------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Nhiều tác giả: Miền Nam - 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Nxb. Chính trị - Hành chính, tr. 8
(2) Sđd, tr. 9
(3) Sđd, tr. 10
(4) Sđd, tr. 8
(5) Nhiều tác giả: Đại thắng mùa Xuân 1975 - sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
(6) Richard Nixon: Chiến thắng mà không cần chiến tranh, Nxb. Simon and Schuster, 1999
(7) Sđd, tr. 13
(8) Gabrien Conco: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tr. 680 - 681
(9) Sđd, tr. 12
Chủ tịch nước tới Nga dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Vệ quốc  (07/05/2015)
Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại  (07/05/2015)
Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Biển, đảo Tổ quốc và chiến sỹ Hải quân” và "Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2015  (06/05/2015)
Nhà Bia Kỷ niệm: Ghi dấu những năm tháng đầy tự hào và vẻ vang của Tạp chí Cộng sản  (06/05/2015)
Chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13  (06/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên