Phát triển bền vững kinh tế vùng duyên hải miền Trung thích ứng với biến đổi khí hậu
TCCS - Vùng duyên hải miền Trung là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của nước ta. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, vùng duyên hải miền Trung thường xuyên phải đối mặt với bão lũ, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, khiến cho sự phát triển của vùng tồn tại nhiều yếu tố thiếu bền vững. Do đó, việc thích ứng với biến đổi khí hậu để vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Phát triển kinh tế bền vững thường bao gồm tính bền vững của các yếu tố: tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mức độ bình đẳng trong việc thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế, thể hiện ở một số khía cạnh:
Thứ nhất, duy trì phát triển trong “thời gian dài” (hay tính liên tục). Thực tế cho thấy, nền kinh tế của một số quốc gia hay địa phương có có tốc độ tăng trưởng khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện khá rõ rệt, nhưng chỉ duy trì trạng thái đó một thời gian ngắn và sau đó tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần, thì không thể gọi là phát triển kinh tế bền vững.
Thứ hai, phát triển phải dựa trên yếu tố “năng lực nội sinh” của nền kinh tế, như nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên… và ít bị phụ thuộc bởi những điều kiện bên ngoài. Nếu phát triển kinh tế đạt được chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài thì đó chưa phải phát triển kinh tế bền vững, mà chỉ là phát triển kinh tế phụ thuộc.
Thứ ba, tính bền vững trong phát triển kinh tế còn thể hiện ở việc ít bị tác động ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan bên ngoài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia như hiện nay, phát triển kinh tế chỉ bền vững khi có khả năng thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Vùng duyên hải miền Trung là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận(1), nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam; diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm khoảng 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng… Vùng duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế mà các vùng miền khác không có được.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó, vùng duyên hải miền Trung dễ bị ảnh hưởng chỉ sau vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cho thấy, giai đoạn vừa qua, vùng duyên hải miền Trung thường xuyên bị thiệt hại do biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Do địa hình thấp, dân số đông và kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và du lịch, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây ra những thiệt hại kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho vùng duyên hải miền Trung.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu khiến bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng tần suất, cường độ, mức độ khắc nghiệt và khó dự báo. Điều này khiến các tỉnh miền Trung tiếp tục đối mặt với nguy cơ lũ lụt và thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, vùng duyên hải miền Trung phải đối mặt với khoảng 43,6% tổng số cơn bão ở Việt Nam, trong đó có nhiều cơn bão mạnh và siêu bão gây nguy cơ lũ lụt và thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người và tài sản.
Thứ hai, lũ lụt, lũ quét cũng là một trong những thiên tai thường xuyên xảy ra ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho vùng. Năm 2021, khoảng 7.000 người ở các tỉnh duyên hải miền Trung phải di tản do lũ lụt (2).
Thứ ba, vùng duyên hải miền Trung thường xuyên phải đối mặt với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng hạn hán và thiếu nước xảy ra thường xuyên trong mùa khô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và kinh tế của các địa phương. Do nắng nóng và giảm lượng mưa hằng năm, dòng chảy tại các sông ở vùng duyên hải miền Trung bị suy giảm nghiêm trọng khiến cho hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng lan rộng và tiến sâu vào đất liền. Năm 2019, nước sông trong khu vực duyên hải miền Trung giảm và thấp hơn so với nhiều năm trước, các sông chính có lượng dòng chảy giảm từ 16% đến 57% so với mức trung bình nhiều năm. Do nước sông giảm thấp, tại dọc sông Thu Bồn nồng độ mặn lên đến 21‰, gấp 12-13 lần so với mức cho phép, khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động, nước mặn tràn vào đồng ruộng làm khô cháy cây trồng (3).
Thứ tư, dưới tác động của biến đổi khí hậu, vùng duyên hải miền Trung đang phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển đáng lo ngại. Tổng chiều dài của các đoạn bờ biển bị xói lở trong khu vực từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên lên đến 492km, tác động tới 65 khu vực và 105 đoạn bờ biển. Ở Nghệ An, 45 xã ven biển thì có 19 xã bị xói lở, tổng chiều dài xói lở lên đến 19km; mỗi năm, khu vực này ở Nghệ An mất gần 100ha đất ven biển, tốc độ xói lở từ 150 đến 200m/năm, khiến cho một số đoạn bờ biển đã đến gần khu dân cư (4).
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải miền Trung, là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của vùng nói chung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng có xu hướng giảm dần và chưa đạt mục tiêu đề ra tại Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2-8-2012, Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, cũng như quy hoạch của Chính phủ; tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, còn dựa nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI; chất lượng tăng trưởng mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước; GRDP bình quân vùng/địa phương thấp hơn bình quân cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2022 chỉ bằng 0,69 lần của cả nước, trong khi chênh lệch GRDP bình quân đầu người giữa các địa phương trong vùng cũng có xu hướng càng ngày càng tăng...
Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020(5) được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, vùng duyên hải miền Trung sẽ đối diện với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu trong cả ngắn hạn và dài hạn, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, có thể gây ra những tổn thất lớn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, cụ thể:
(i) Thay đổi nhiệt độ theo mùa và theo năm: Dự báo về nhiệt độ, vùng duyên hải miền Trung sẽ tăng nhiệt độ vào mùa hè, giảm nhiệt độ vào mùa đông, đồng thời nhiệt độ cực đại và số lượng các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiệt độ tăng nhanh hơn ở khu vực phía bắc và tăng chậm hơn ở khu vực phía nam và nhanh hơn ở các khu vực ven biển so với các khu vực nằm sâu trong lục địa.
(ii) Biến đổi về lượng mưa: Biến đổi khí hậu sẽ gây ra biến động lượng mưa ở duyên hải miền Trung, với sự tăng mạnh của lượng mưa vào mùa mưa và giảm lượng mưa vào mùa khô. Lượng mưa tại vùng duyên hải miền Trung theo dự báo sẽ tăng mạnh hơn so với trung bình cả nước, ước tính có thể tăng lên trên 20%. Tuy nhiên, lượng mưa có sự khác biệt giữa các vùng và tỉnh, thành phố trong vùng, khi một số địa phương, như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao trong năm, trong khi đó các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Quảng Bình lại có khả năng phải đối mặt với nguy cơ hạn hán.
(iii) Tăng cường xoáy thuận nhiệt đới và tần suất bão: Hiện tượng xoáy thuận nhiệt đới và bão sẽ gia tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện và trở nên khó dự đoán hơn.
(iv) Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng: Mức nước biển dâng tăng gây tăng nguy cơ ngập lụt cho khu vực. Dự báo vào năm 2050, trung bình mực nước biển dâng là 22cm cho toàn dải ven biển Việt Nam (thấp nhất là 14cm, cao nhất là 32cm). Đến năm 2100, dự kiến trung bình mực nước biển dâng là 53cm (thấp nhất là 32cm, cao nhất là 76cm). Dự báo vùng duyên hải miền Trung có mực nước biển dâng cao hơn so với các vùng khác trên toàn quốc và có sự khác biệt rõ rệt theo vĩ độ; khu vực ven biển Nam Trung Bộ có mực nước biển dâng cao hơn đáng kể so với khu vực Bắc Trung Bộ.
Các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung sẽ đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao do nước biển dâng, ngập đến 1,5% diện tích. Ngoài ra, thủy triều tại khu vực được dự báo cũng sẽ có sự biến động mạnh về biên độ và có sự khác nhau giữa các khu vực...
Để thích nghi và giảm bớt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, việc xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu là rất cần thiết và quan trọng, đặc biệt là các chính sách biến đổi khí hậu dành riêng cho vùng duyên hải miền Trung. Những chính sách này không chỉ giúp giảm bớt các rủi ro và tăng khả năng thích ứng của vùng trước biến đổi khí hậu, mà còn để vùng chuyển đổi sang một nền kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường, hiệu quả và bền vững hơn.
Nhằm phát triển kinh tế bền vững, thể chế hóa, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh ngày càng phải thích ứng cao độ với biến đổi khí hậu, cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xây dựng các chính sách tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế ra cả vùng. Xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài và lao động chất lượng cao để tăng cường năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế của vùng. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát huy tiềm năng, lợi thế của của từng địa phương và cả vùng trong phát triển kinh tế, giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư chung của xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, góp phần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối sự phát triển của vùng một cách hiệu quả. Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng cần được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán và có kỷ luật. Điều này bảo đảm sự liên kết nội vùng và liên vùng sẽ mang lại hiệu suất tối ưu.
Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng và địa phương. Quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương cần được xây dựng và thực hiện với tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải bảo đảm tính toàn vẹn và thống nhất trong quản lý và phát triển vùng, lồng ghép đầy đủ nội dung về biến đổi khí hậu theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các quy hoạch cần phân công rõ ràng vai trò, chức năng và nhiệm vụ dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương và tiểu vùng; bảo đảm tính khả thi, nhất là về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực và quản trị. Cần nghiên cứu cách tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng, như tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt, tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực và có khả năng lan tỏa sự phát triển cho cả vùng. Cần phát triển khu vực phía tây dựa trên tối ưu hóa tiềm năng kinh tế cửa khẩu, rừng và di sản văn hóa. Sự kết nối hữu cơ giữa các tiểu vùng và với các vùng khác trong nước cũng cần được tăng cường.
Ba là, nâng cao các cơ chế khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Cần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, xây dựng cơ chế và chính sách để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực. Điều này bao gồm cả việc xây dựng các cụm liên kết ngành và hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng. Cần đầu tư vào hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội cũng cần được phát triển để bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển: (i) Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi, các ngành kinh tế biển mới...; (ii) Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển; rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng để tăng cường liên kết, hạn chế cạnh tranh trong phân bổ, thu hút các nguồn lực; (iii) Cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp của vùng; tăng cường đầu tư cho ứng dụng khoa học - công nghệ và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch... Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, gắn với đô thị hóa; (iv) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.
Năm là, tập trung phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là đô thị ven biển, và cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong vùng: (i) Phát triển đô thị vùng với hạ tầng hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối trong và ngoài vùng. Tạo mạng lưới đô thị liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng. Tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng. Chú trọng phát triển huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển - đảo của vùng mang tầm cỡ quốc gia; (ii) Cải thiện hạ tầng giao thông vùng, bao gồm đường cao tốc, đường bộ ven biển và cảng hàng không. Kết nối thuận lợi trong và ngoài vùng. Nâng cấp và xây dựng cảng biển đặc biệt ở các địa phương có tiềm năng. Cải thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam và nghiên cứu tuyến đường sắt nối vùng với Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế; (iii) Tăng cường cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo và y tế. Nâng cấp bệnh viện cấp tỉnh và các cơ sở văn hóa trong vùng.
Sáu là, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường biển và nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu: (i) Kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh; hoàn thành việc xử lý khu vực bị nhiễm chất độc dioxin. Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và hải đảo; (ii) Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai; phát triển mạng lưới quan trắc môi trường tự động. Tăng cường dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bảy là, tập trung phát triển toàn diện về văn hóa và xã hội vùng: (i) Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp liên quan đến thế mạnh và phát triển của vùng. Xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường chất lượng hoạt động của các trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Nha Trang, phần đấu trở thành các trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và trên toàn thế giới; (ii) Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sáng tạo; (iii) Tập trung phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển; (iv) Hiện thực hóa các chính sách ưu đãi và trợ giúp xã hội một cách hiệu quả. Nâng cao mạng lưới y tế và chất lượng dịch vụ y tế, nhất là các tuyến cơ sở, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Vinh và Huế. Phát triển các thành phố này thành các hạt nhân y tế chuyên sâu, với tiêu chuẩn tiên tiến khu vực Đông Nam Á và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế./.
----------------
(1) Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
(2) C. Luu, Bui, Q.D. and von Meding, J: "Mapping direct flood impacts from a 2020 extreme flood event in Central Vietnam using spatial analysis techniques" (tạm dịch: “Lập bản đồ tác động lũ lụt trực tiếp từ đợt lũ lớn năm 2020 ở miền Trung Việt Nam bằng kỹ thuật phân tích không gian”), International Journal of Disaster Resilience in the Built Environment. 14, 2023, tr. 85-99
(3) Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung, ngày 15-8-2023, http://vnmha.gov.vn/cong-tac-pctt-tkcn-130/han-han-xam-nhap-man-o-cac-tinh-mien-trung-4029.html
(4) Văn Hào: “Xói lở dữ dội ở bờ biển Nam miền Trung: Nhiều hậu quả nặng nề”, Báo VietnamPlus, ngày17-7-2018, https://www.vietnamplus.vn/xoi-lo-du-doi-o-bo-bien-nam-mien-trung-nhieu-hau-qua-nang-ne/514018.vnp
(5) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2021
Xu thế cải cách hành chính trên thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững  (26/08/2023)
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  (28/07/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26  (15/07/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay