Vận dụng quan điểm của V. I. Lê-nin về phát triển trong nhận diện sự phát triển của lực lượng sản xuất thế giới hiện nay
TCCS - Quan điểm biện chứng duy vật về phát triển trong tác phẩm “Bút ký triết học” của V. I. Lê-nin là kim chỉ nam giúp Người hoạch định “Chính sách kinh tế mới” và chính sách đối ngoại “cùng tồn tại hòa bình” của chính quyền Xô viết non trẻ. Thế giới ngày nay đã có nhiều đổi thay, một thời đại kinh tế mới - thời đại kinh tế số đã xuất hiện - nhưng quan điểm này vẫn giữ nguyên giá trị mang ý nghĩa phương pháp luận nhận thức về sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thế giới đầy biến động, khó lường hiện nay.
Phát triển và sự thống nhất của thế giới
Phát triển và mối liên hệ phổ biến là hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật, nhưng chúng không tách rời nhau. Để nhận thức được bản chất và động lực phát triển của thế giới, V. I. Lê-nin yêu cầu: “Phải liên hệ, nối liền, kết hợp nguyên tắc chung về sự phát triển với nguyên tắc chung về sự thống nhất của thế giới, của giới tự nhiên, của vận động, của vật chất…”(1). Sự thống nhất này thể hiện “ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên”(2). Một trong những biểu hiện của “tính vật chất” của thế giới là mối quan hệ hữu cơ của con người và xã hội với giới tự nhiên cùng những quy luật khách quan chi phối, như các mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, kinh tế và chính trị, dân tộc và thời đại…
Về mối liên hệ khăng khít giữa con người và xã hội với giới tự nhiên, V. I. Lê-nin đã viện dẫn quan niệm của Peri: “Cơ thể phù hợp với môi trường, nó phát triển lên từ trong môi trường và tác động vào môi trường”(3) và khẳng định: “Các đặc tính của môi trường địa lý quy định sự phát triển của lực lượng sản xuất; còn sự phát triển của lực lượng sản xuất thì quy định sự phát triển của các quan hệ kinh tế, và tiếp sau đó, của tất cả các quan hệ xã hội khác”(4).
Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, đã có nhiều đại dịch xảy ra như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm khoảng 50 triệu người thiệt mạng. Với những hậu quả nặng nề mà loài người đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu, đại dịch COVID-19 thêm một lần nữa cảnh báo các quốc gia không kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, cần phải nỗ lực chung tay bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cùng hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững bởi vì các dân tộc đều cùng sống trên một hành tinh trái đất đang có sự biến đổi khí hậu cực đoan và khó lường.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) với mũi nhọn là AI đang thúc đẩy phát triển kinh tế số và toàn cầu hóa số như một hình thái mới của mối liên hệ và sự thống nhất của thế giới. “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”(5). Bằng cách thiết lập sự kết nối giữa tự nhiên và nhân tạo, các nghiên cứu và ứng dụng AI cho phép chế tạo máy móc giống các thực thể có tính tự nhiên và kỹ thuật như một kiểu thực hành tự nhiên (sinh học). Điều này không chỉ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống con người mà còn đòi hỏi phải xây dựng một mô hình hoàn toàn mới về giáo dục - đào tạo để có thể tạo ra một lực lượng lao động có suy nghĩ và kỹ năng khác biệt, có thể hiểu về kỹ thuật, công nghệ từ nghiên cứu AI, microbiome đến sinh học tổng hợp và nhiều lĩnh vực khác…, có năng lực ứng dụng sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý và sản xuất(6), để theo V. I. Lê-nin, “tạo ra thế giới khách quan”(7). Đó là xã hội AI với chính phủ điện tử, các thành phố thông minh, nhà máy thông minh và các cánh đồng “vắng bóng người” nhưng năng suất cao và sản phẩm chất lượng, an toàn. Đó là một thế giới kết nối với tốc độ cao cùng với các cấu trúc mới về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên nền tảng những kết cấu hạ tầng số công nghệ cao cùng những chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu…
Xu hướng này đang tạo ra những cơ hội mới cho các nước đi sau trong phát triển đuổi kịp và bền vững, đồng thời cũng làm gia tăng “khoảng cách công nghệ số” giữa các nước và giữa các nhóm xã hội trong một nước, kéo theo là sự bất bình đẳng mới trong đời sống quốc tế và trong xã hội. Tự động hóa sản xuất, dịch vụ và quản lý trong bối cảnh phát triển không đồng đều sẽ dẫn tới thất nghiệp, loại thải và nhu cầu tái đào tạo liên tục. Để giải quyết những vấn đề nảy sinh nan giải khác nhau trong thời đại kinh tế AI thì chính trị không chỉ là “sự phản ánh tập trung của kinh tế” mà, theo V. I. Lê-nin, “chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế” vì “không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình, và do đó, cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất”(8).
Xu hướng toàn cầu hóa số cùng những thách thức an ninh phi truyền thống khó lường như đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy các nước cần phải nỗ lực và nhất quán xây dựng các thiết chế chính trị và quản trị quốc gia tương ứng, trong đó có một số chuẩn mực chung như tính thượng tôn pháp luật, dân chủ thông minh, minh bạch và giải trình… thì mới có thể huy động và khuyến khích mọi tiềm năng đổi mới, sáng tạo của xã hội trong thời đại kinh tế AI. Liên hợp quốc cũng cần cải tổ theo hướng số hóa và dân chủ hóa nhằm kiến tạo trật tự pháp quyền, đa trung tâm, đa cấu trúc; đồng thời, yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền hợp pháp của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế - điều kiện tiên quyết cho hợp tác phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.
Phát triển với cuộc “đấu tranh”, thống nhất, đồng nhất và chuyển hóa của các mặt đối lập
Luận giải vai trò của chủ nghĩa tư bản trong tiến trình phát triển các hình thái kinh tế - xã hội như một quá trình lịch sử - tự nhiên, C. Mác đã chỉ rõ: “Khi nói đến mặt tích cực của lao động làm thuê, thì như vậy là người ta thừa nhận mặt tích cực của tư bản, của công nghiệp lớn, của cạnh tranh tự do, của thị trường thế giới, và tôi thấy không cần phải giảng giải để các bạn thấy rõ rằng không có những quan hệ sản xuất ấy thì cũng không tạo ra được những tư liệu sản xuất, những phương tiện vật chất để giải phóng giai cấp vô sản và thành lập một xã hội mới, và bản thân giai cấp vô sản cũng không thể đạt đến một sự thống nhất và một trình độ phát triển trong đó giai cấp ấy sẽ thực sự hoàn thành một cuộc cách mạng để đổi mới xã hội và đổi mới bản thân”(9). Chính vì vậy mà V. I. Lê-nin vừa coi “sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”, vừa là “sự thống nhất của các mặt đối lập” và “vạch ra rằng những mặt đối lập làm thế nào mà có thể và thường là (trở thành) đồng nhất - trong những điều kiện nào chúng là đồng nhất, bằng cách chuyển hóa lẫn nhau”(10). Đó là cơ sở phương pháp luận để Người đề ra công thức: “Chính quyền Xô viết + chế độ quản lý đường sắt của Phổ + kỹ thuật Hoa Kỳ và tổ chức Xanh-đi-ca + nền giáo dục quốc dân Hoa Kỳ + ete, ete = ∑ = chủ nghĩa xã hội”(11) trong điều kiện cụ thể của Cách mạng Tháng Mười Nga vào đầu thế kỷ XX. Ở đây, V. I. Lê-nin đã rất chú ý tới kỹ thuật, tổ chức sản xuất và nền giáo dục quốc dân Hoa Kỳ đào tạo lực lượng lao động tiên tiến. “Con người, với tính cách lực lượng sản xuất, không những sáng tạo ra của cải vật chất, mà cùng với sức sản xuất tự nhiên trở thành lực lượng cách mạng thúc đẩy sự phát triển của xã hội”(12).
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là sự tiêu biểu phản ánh quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1979, Trung Quốc đã tận dụng tối đa mọi cơ hội hợp tác với Mỹ để thực hiện “bốn hiện đại hóa”, trong đó có hiện đại hóa khoa học - kỹ thuật. Với sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001 và đây là cơ hội lớn để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng GDP trên 10% trong nhiều năm liên tục và tới năm 2010 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, “công xưởng thế giới” và là một động lực mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. GDP của Trung Quốc tăng gần 12 lần trong giai đoạn 2000 - 2019: 1.211 tỷ USD (năm 2000), 5.880 tỷ USD (năm 2010) và 14.342,9 USD tỷ USD (năm 2019). Thành tựu này có một nguyên nhân quan trọng là Trung Quốc đã thúc đẩy sự gia tăng thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên 28% vào năm 2018 và đang có xu hướng tiếp tục tăng thêm(13). Kết quả là cấu trúc ba trung tâm kinh tế thế giới: Mỹ - Tây Âu - Nhật Bản vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX đã chuyển hóa thành cấu trúc ba bên phụ thuộc lẫn nhau: Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản trong đầu thế kỷ XXI, trong đó riêng quan hệ giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã gắn kết tới mức có thể gọi là “Chimerica”.
Cùng với sức mạnh kinh tế gia tăng, cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố triển khai đại dự án “Nhất đới nhất lộ”, sau đổi thành Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) nhằm đưa Trung Quốc vào vị trí trung tâm của quyền lực thế giới(14). Còn Mỹ từ “khoảnh khắc đơn cực” sau Chiến tranh lạnh đã bị “tuột dốc chiến lược” vào năm 2016. Vì vậy, Tổng thống Mỹ D. Trump (2017 - 2020) đã chuyển từ chính sách can dự sang cạnh tranh chiến lược và đối đầu toàn diện với Trung Quốc, khiến quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Nhưng cuộc chiến thương mại giữa chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump với Trung Quốc đã không mang lại kết quả như mong muốn vì thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng mạnh: 276 tỷ USD năm 2017, 296 tỷ USD năm 2019 và 317 tỷ USD năm 2020; ngoài ra, 80% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc chưa có kế hoạch di chuyển khỏi thị trường này(15). Hiện nay, gần 100 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, con số này của Mỹ là 57 quốc gia. Khác với Liên Xô trước đây, tới nay, Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hiện diện ngay trong biên giới Mỹ. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Liên Xô vào những năm 80 của thế kỷ XX đạt mức 2 tỷ USD/năm, còn kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đạt gần 2 tỷ USD/ngày(16). Theo một số chuyên gia, thâm hụt thương mại của Mỹ chủ yếu là do mô hình kinh tế tiêu dùng và do ứng dụng công nghệ mới dẫn tới thất nghiệp. Trong số các nước lớn chỉ có Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng dương năm 2020 và sẽ có thể vượt GDP của Mỹ trước năm 2030.
Trước thực tế đó và hậu quả của đại dịch COVID-19, sau khi nhậm chức, Tổng thống J. Biden điều chỉnh lại chính sách đối ngoại nói chung và chính sách đối với Trung Quốc nói riêng. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao ngày 4-2-2021, Tổng thống J. Biden xác định Trung Quốc là “quốc gia cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, song Mỹ cũng để ngỏ khả năng “sẵn sàng phối hợp cùng Trung Quốc khi điều đó nằm trong lợi ích của Mỹ”(17). Ngày 19-2-2021, phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng thống J. Biden tuyên bố, Mỹ và EU “cần cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc”(18). Như vậy, bước đầu, Tổng thống J. Biden chưa xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược (strategic rival). Trong thời gian tới, Mỹ vẫn cần thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Còn Trung Quốc cũng cần hợp tác khoa học - công nghệ với Mỹ vì Mỹ là quốc gia đi đầu trong các ngành công nghệ quan trọng (sinh học, nano, thông tin) vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế số trong thế kỷ XXI.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với các lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức Mỹ ngày 29-1-2021, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh, đề cao tinh thần không xung đột và tránh đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tập trung vào hợp tác và giải quyết khác biệt là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Mỹ vì hai bên “có nhiều lợi ích chung hơn là khác biệt”. Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken cũng khẳng định quan hệ Mỹ - Trung Quốc là quan trọng nhất trên thế giới. Trong bài “Điều gì có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ - Trung Quốc” đăng trên trang nghiên cứu kinh tế và chính sách nổi tiếng thế giới Project Syndicate ngày 2-3-2021, Giáo sư Joseph Nye thuộc Đại học Havard (Mỹ) cho rằng: “Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sinh thái làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh lạnh thực sự, chứ đừng nói đến chiến tranh nóng, bởi cả hai nước đều có động lực để hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực”(19).
“Đấu tranh” để phát triển, theo V. I. Lê-nin còn là “thi đua kinh tế” nhằm “nâng cao năng suất lao động”(20). Để “cách mạng hóa công cụ sản xuất”, trong cuộc đua tranh công nghệ cao với Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch “Made in China 2025” nhằm nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp. Theo Cơ quan nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Anh, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2022 để trở thành quốc gia số một thế giới về đầu tư vào R&D. Trung Quốc không chỉ chiếm 25% nhân sự R&D của thế giới mà còn đứng thứ hai thế giới về những ứng dụng sáng chế quốc tế trong năm 2018 (53.981), chỉ sau Mỹ (55.981)(21). Sức ép chiến lược công nghệ của Mỹ càng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường tự lực công nghệ cao. Trong hai năm 2019 và 2020, Trung Quốc đều vượt Mỹ, đứng đầu thế giới về số lượng hồ sơ bằng sáng chế. Ngày 6-3-2021, Trung Quốc đã công bố chiến lược phát triển tầm nhìn 2035 với chìa khóa là đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học nhằm đạt được “những đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi” vào năm 2035.
Để giảm căng thẳng ở châu Âu nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, Tổng thống J. Biden cũng đã đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm, cũng như hợp tác trong một số lĩnh vực cần thiết với Nga. Từ sau cuộc khủng hoảng Crimea (năm 2014) tới nay, Đức bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, tiếp tục thúc đẩy hợp tác năng lượng với Nga. Hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ J. Biden nhậm chức, Tổng thống Pháp E. Macron công khai đề cập đến tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga, nhấn mạnh Nga là một phần thuộc châu Âu và không thể bị xa lánh. Trước đó, ngày 30-12-2020, EU cũng đã đạt được một thỏa thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU. Với mức độ “thống nhất” và “đồng nhất” lợi ích khăng khít như vậy giữa EU với Nga và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống J. Biden dù “cài đặt lại” quan hệ với EU thì cũng không thể ép EU “vào hùa” với Mỹ trong “liên minh dân chủ” để ngăn chặn đồng thời cả Trung Quốc và Nga, nhất là khi hai nước này đã có quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế. Ở châu Á, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đồng thời, tiếp tục là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc năm 2020. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11-2020 và cũng đang thúc đẩy hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên. Mỹ dưới thời kỳ của Tổng thống J. Biden muốn “trở lại”, thì Nhật Bản cũng muốn “trở lại” vị thế hoàng kim trước khi có Hiệp định Plaza năm 1985. Ấn Độ cũng đã trở lại hợp tác kinh tế với Trung Quốc và có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở thành đầu tầu tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI.
Mẫu số chung về lợi ích kinh tế đa cấu trúc giữa các trung tâm quyền lực thế giới theo chiều thuận hơn cho Trung Quốc như vậy sẽ ràng buộc và thúc đẩy chính quyền của Tổng thống J. Biden phải cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc theo hướng đối đầu có lựa chọn và gia tăng hợp tác phát triển có điều kiện, đồng thời còn có thể tính tới khả năng tái bảo đảm chiến lược lâu dài. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát triển và pháp quyền quốc tế
Về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất thế giới và pháp quyền quốc tế, V. I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển nào đó của lực lượng sản xuất là một tính chất nhất định của trang bị, của nghệ thuật quân sự và, sau cùng, của pháp quyền quốc tế - nói đúng hơn, của pháp quyền giữa các xã hội”(22). Luật kinh tế và thương mại quốc tế được hình thành và phát triển do nhu cầu thực tiễn giao thương và giải quyết các tranh chấp quốc tế nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển lực lượng sản xuất thế giới. Chẳng hạn, trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) ký kết năm 1947 - tổ chức tiền thân củaWTO - không có quy định nào về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa. Từ năm 1987, quá trình đàm phán, soạn thảo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) mới khởi động, được ký kết tại Marrakesh (Maroc) ngày 15-4-1994 và có hiệu lực ngày 1-1-1995. Hiệp định TRIPS là một trong những trụ cột quan trọng nhất của WTO và bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành một phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại đa phương của WTO, nhất là trong thời đại kinh tế AI vốn đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp mới về pháp lý quốc tế.
Từ năm 2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của AI tới hệ thống sở hữu trí tuệ, trong đó có ba vấn đề lớn: 1- Việc quy định loại công nghệ AI nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế; 2- Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI; 3- Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ AI hay không vì các công ước sáng chế thường quy định tác giả sáng chế phải là con người mà robot AI cũng đã tạo ra những tác phẩm như tranh vẽ, bài hát, thơ ca thì liệu có được bảo hộ hay không? (23). Ngoài ra, vấn đề chống độc quyền công nghệ cao cũng đã trở nên cấp thiết. Ngày 15-12-2020, EU đã công bố Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm vạch ra khung pháp lý buộc Google, Amazon và Facebook… phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU nhằm ngăn các tập đoàn công nghệ khổng lồ này thao túng thị trường.
Để thúc đẩy thương mại đa phương vốn bị cản trở trong thời gian qua do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân tộc kinh tế, ngày 18-2-2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một bộ các công cụ mới giúp hành động quyết đoán hơn trong quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc… và cải tổ WTO, trong đó có việc khôi phục hoạt động của Cơ quan phúc thẩm (SAB). SAB vốn chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của SAB đã bị tê liệt khi cựu Tổng thống Mỹ D. Trump từ chối bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB. EC đề xuất WTO cải tổ theo hướng tăng cường tính minh bạch trong thực tiễn thương mại của các thành viên, cập nhật các quy tắc về thương mại kỹ thuật số và có các thỏa thuận đa phương để tạo thuận lợi hơn trong đàm phán các thỏa thuận mới(24). Theo H. Paulson - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ (2006 - 2009) - vai trò của WTO là vô cùng quan trọng nhưng cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức này hiện không thể hoạt động và các quy định của WTO cũng rất cần được cải cách. Chính quyền Biden nên cùng các đối tác chủ chốt phát triển những chính sách củng cố và hiện đại hóa quy định trong các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số, hàng hóa và dịch vụ trong ngành công nghệ và bảo vệ môi trường(25).
Như vậy có thể thấy, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của V. I. Lê-nin về phát triển lực lượng sản xuất trong thế giới hiện nay góp phần quan trọng vào việc nhận thức sâu sắc tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, từ đó góp phần giúp chúng ta hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.
------------------------
(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 29, tr. 271
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 67
(3), (4), (7), (22) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 29, tr. 410, 548, 228, 548 - 549
(5) Tổng thống D. Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay sau khi nhậm chức
(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 23, tr. 269
(7) Tobias Rees: “Why tech companies need philosophers-and how I convinced Google hire them”, https://qz.com/author/tobias-rees/
(8) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 349 - 350
(9) C. Mác: Toàn tập, tiếng Nga, t. 5, tr. 556 - 557
(10) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 29, tr. 379, 240, 116
(11) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 35, tr. 684
(12) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 65
(13) “Thế giới đã quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc?”, https://vietnam net.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/the-gioi-phu-thuoc-vao-nen-kinh-te-trung-quoc-711765.html
(14) Jacob Stokes: “China’s Road Rules”, https://www.foreignaffairs.com/ articles/asia/2015-04-19/chinas-road-rules
(15) Yan Liang, Willamette University: “Biden on China: decoupling or competitive re-coupling?”, https://www.eastasiaforum.org/2021/02/19/biden-on-china-decoupling-or-competitive-re-coupling/
(16) The Economist: “A new kind of cold war”, May 16th 2019
(17) The White House: “Remarks by President Biden on America’s Place in the World”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/ 04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the world/
(18) The New York Times: “Biden Declares ‘America Is Back’ on International Stage”, https://www.nytimes.com/live/2021/02/19/world/g7-meeting-munich-security-conference
(19) Joseph S. Nye: “What Could Cause a US - China War?”, https://www.project-syndicate.org/commentary/what-could-cause-us-china-war-by-joseph-s-nye-2021-03
(20) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 8
(21) Anh Vũ: “Khoa học và công nghệ của Trung Quốc: Bí mật đằng sau sự vươn lên”, https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/KHCN-cua-Trung-Quoc-Bi-mat-dang-sau-su-vuon-len-25277
(23) Lưu Minh Sang, Trần Đức Thành: “Trí tuệ nhân tạo và những thách thức pháp”, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3303/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-thach-thuc-phap-ly.aspx
(24) Quang Đặng: “EU đề xuất các công cụ hành động “quyết đoán” hơn trong thương mại quốc tế”, http://congthuong.vn/bai-viet/eu-de-xuat-cac-cong-cu-hanh-dong-quyet-doan-hon-trong-thuong-mai-quoc-te-790
(25) Henry M. Paulson Jr.: “How American Free Trade Can Outdo China”, https://www.wsj.com/articles/how-american-free-trade-can-outdo-china-1614035718?mod=opinion_maor_pos5
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay  (14/01/2021)
Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam  (09/09/2020)
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (01/06/2020)
Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá  (11/02/2020)
Yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay  (12/01/2020)
Để phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay  (02/11/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay