Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-02 đến 04-3-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
20:20, ngày 06-03-2018

TCCSĐT - Phát biểu trước báo giới ngày 02-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga cũng như nhiều quốc gia châu Âu đều lo ngại về kế hoạch nâng mức thuế với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ trong tuần tới, đồng thời cho biết Moskva đang phân tích tình hình vốn có thể tạo ra những nguy cơ đe dọa tới các mối quan hệ thương mại này.

Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, ngày 27-02, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp cho biết đã yêu cầu các nhà băng vào cuộc, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm nay.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21-02), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng giao có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử; tiếp tục điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ đầu năm; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tiền mặt trong lưu thông. Chính vì vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước xem là một nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, để nâng cao tính lan tỏa trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng chủ động truyền thông trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng mình ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10-01-2018 chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng; trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Cũng theo bà Hồng, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho 7 dự án xã hội tại Việt Nam

Ngày 28-02, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng viện trợ trong khuôn khổ “Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở” cho Dự án mua sắm thiết bị khám chữa bệnh chuyên khoa mắt tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội Quảng Ninh và 6 dự án viện trợ tại Việt Nam.

Tại Lễ ký kết, Đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda cho biết “tổng giá trị viện trợ không hoàn lại tại 7 dự án trải rộng trên nhiều lĩnh vực đạt gần 600.000 USD”. Bao gồm, Dự án cung cấp trang thiết bị chuyên khoa mắt do bác sĩ Hattori Tadashi (người đã thực hiện các ca phẫu thuật giác mạc miễn phí trong 20 năm tại Việt Nam và cứu khoảng 15.000 người thoát khỏi cảnh mù lòa) đề xuất.

Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi cho những người dân tỉnh Yên Bái đã chịu thiệt hại nặng nề do cơn lũ năm ngoái gây ra, Dự án xây dựng các trường tiểu học, nhà trẻ, dự án cung cấp nguồn nước sạch (các dự án này được thực hiện tại 7 tỉnh thành là Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Yên Bái).

“Thông qua các dự án như vậy, chính phủ Nhật Bản muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển một cách bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong rằng các dự án này có thể giúp đỡ những người dân tại các tỉnh này có thể có được một tương lai tươi sáng hơn,” ông Kunio Umeda nói.

ASEAN - EU sẽ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do vào cuối 2018

Các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmström ngày 02-3 đã đạt được thỏa thuận sẽ chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU vào cuối năm 2018 để hiệp định này có thể sớm có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU lần thứ 16 bên lề Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24, bà Malmström nhấn mạnh hai bên sẽ sớm tiến hành các bước tiếp theo để có thể tiến tới những bước cuối cùng cho việc phê chuẩn hiệp định quan trọng này, đồng thời khẳng định điều này sẽ mở ra một hướng phát triển mới trong quan hệ giữa EU và ASEAN.

Cũng tại hội nghị tham vấn, hai bên ghi nhận Báo cáo Tiến độ của Nhóm công tác chung ASEAN - EU về việc xây dựng Khung Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU trong tương lai. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU giao các Quan chức Cao cấp ASEAN (SEOM) tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Khung Hiệp định thông qua tham vấn trong nước, cũng như tổ chức các cuộc đối thoại chuyên gia giữa hai bên.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU cũng ghi nhận tiến độ trong việc thực hiện Chương trình Hoạt động về Thương mại và Đầu tư giữa ASEAN và EU giai đoạn 2017 - 2018.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cảm ơn sự hỗ trợ của EU đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua triển khai các chương trình và sáng kiến thuộc Dự án Hỗ trợ Hội nhập Khu vực ASEAN do EU tài trợ (ARISE), cũng như Chương trình Xây dựng năng lực nhằm Giám sát Tiến độ Hội nhập và Thông số (COMPASS).

Hai bên nhấn mạnh việc thực hiện thành công chương trình hoạt động sẽ góp phần củng cố quan hệ thương mại giữa hai khu vực.

Hai bên cũng trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai khu vực nhằm tận dụng đà phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị cho biết với vai trò là điều phối viên hợp tác ASEAN - EU, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN và EU nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, thảo luận với EU về dự thảo Khung Hiệp định FTA dự kiến giữa ASEAN-EU trong tương lai.

Châu Âu chỉ trích kế hoạch của Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép, nhôm

Phát biểu trước báo giới ngày 02-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga cũng như nhiều quốc gia châu Âu đều lo ngại về kế hoạch nâng mức thuế với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ trong tuần tới, đồng thời cho biết Moskva đang phân tích tình hình vốn có thể tạo ra những nguy cơ đe dọa tới các mối quan hệ thương mại này.

Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert cũng khẳng định Berlin phản đối kế hoạch của Mỹ và cho rằng biện pháp đơn phương này của Mỹ sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng thừa trong ngành sản xuất nhôm thép hiện nay.

Ông cũng cảnh báo những mức thuế này sẽ gây ra nhiều "hậu quả đau đớn" cho hoạt động trao đổi thương mại quốc tế của ngành sản xuất nhôm thép tại Đức.

Trong khi Đức sẽ theo sát từng diễn biến trong kế hoạch của Mỹ để đánh giá những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nước này thì Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ có trách nhiệm đưa ra những phản ứng phù hợp với động thái mới của Mỹ.

EC cũng đã ngay lập tức cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả kế hoạch tăng thuế của Mỹ. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng chỉ trích kế hoạch của Mỹ là "đơn phương" và "không thể chấp nhận".

Ông cho rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm và thép của châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu kế hoạch của Mỹ được triển khai, trong đó thiệt hại nặng nề nhất sẽ là những tập đoàn lớn như Vallourec và Arcelormittal.

Quan chức Pháp cũng cảnh báo nếu Mỹ kiên quyết thực hiện kế hoạch nâng mức thuế thì châu Âu cũng sẵn sàng có những biện pháp đáp trả tương xứng, đồng thời khẳng định châu Âu có sẵn mọi biện pháp cần thiết.

Giới chức châu Âu đưa ra các phản ứng trên sau khi ngày 01-3, Tổng thống Trump tuyên bố tuần tới, ông sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Việc áp mức thuế nhập khẩu mới đối với 2 mặt hàng kim loại này, 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Nhà Trắng.

Tổng thống Trump cũng đã cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là phải chịu sự đối xử "đáng xấu hổ" từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, các đối tác thương mại chính của Mỹ như Canada, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Mexico cũng như Trung Quốc đã phản ứng giận dữ sau khi ông chủ Nhà Trắng công bố kế hoạch trên.

Ngân hàng Trung ương Nga tăng dự trữ vàng thêm 20 tấn trong tháng 1

Nga đã trở thành nước sở hữu vàng lớn thứ 5 thế giới sau khi Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tăng dự trữ vàng của mình thêm 20 tấn, lên 1.857 tấn vào tháng Một vừa qua.

Theo kênh truyền hình Nga Russia Today (RT), CBR đã tăng dự trữ vàng của Nga để đáp ứng mục tiêu do Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra nhằm giúp Nga giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các rủi ro địa chính trị.

Giới chức Kremlin đánh giá vàng là nơi "trú ẩn" an toàn khi có bất ổn địa chính trị. Kể từ tháng 3-2015, Nga đã tăng dự trữ vàng của mình hằng tháng.

Nga cũng là nước khai thác và sản xuất kim loại quý này lớn thứ 3 thế giới. RT cho biết chính phủ đã mua 2/3 lượng vàng khai thác trong nước.

Mỹ hiện là nước sở hữu vàng lớn nhất thế giới với 8.134 tấn. Đức đứng thứ 2 với 3.374 tấn. Tiếp đến là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với 2.814 tấn và Pháp ở vị trí tiếp theo./.