“Vành đai, con đường”: Hướng tới “Giấc mộng Trung Hoa”
TCCS - Tháng 11-2014, tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc chính thức đưa ra sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, được gọi tắt là sáng kiến “Vành đai, con đường”. Sáng kiến này được đánh giá là một sản phẩm tư duy chiến lược toàn cầu mới trong mục tiêu hướng tới “Giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu.
“Vành đai, con đường”: Tầm nhìn chiến lược
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, “Vành đai, con đường” đi qua 53 quốc gia, 94 thành phố. Các thành phố hải cảng sẽ là nơi giao nhau của điểm đầu và điểm cuối của “Vành đai, con đường”. Hiện nay, sáng kiến này được Trung Quốc đẩy mạnh theo các hướng phát triển chính sau:
Một là, từng bước cụ thể hóa nội hàm của sáng kiến “Vành đai, con đường”. Nội hàm của “Vành đai, con đường” theo giải thích của Trung Quốc là “ngũ thông, tam đồng”. “Ngũ thông” là chính sách thông thoáng, đường sá liên thông, thương mại thông suốt, tiền tệ lưu thông, lòng dân thông hiểu. “Tam đồng” là cộng đồng chung lợi ích, cộng đồng chung vận mệnh, cộng đồng chung trách nhiệm.
Hai là, trong tầm nhìn và hành động của “Vành đai, con đường” nêu rõ các nguyên tắc, khuôn khổ, ưu tiên và cơ chế hợp tác trong sáng kiến này. Đây là bước cụ thể hóa sáng kiến để đưa vào triển khai thực tiễn.
Ba là, vận động sự tham gia và ủng hộ của các nước (nhất là các nước trong vùng “Vành đai, con đường”) thông qua hợp tác kinh tế, các khoản vay, dự án đầu tư trực tiếp.
Bốn là, thành lập thêm các quỹ phục vụ cho việc hiện thực hóa “Vành đai, con đường”, như Quỹ Con đường tơ lụa.
“Vành đai, con đường” hướng tới các mục tiêu chiến lược về chính trị, an ninh, kinh tế, chủ quyền lãnh thổ và xây dựng một khuôn khổ luật chơi mới trong khu vực và trên thế giới, trong đó Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo. Sáng kiến “Vành đai, con đường” được coi là một bước đột phá trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc bởi “Vành đai, con đường” tuy không chỉ dành riêng cho các nước láng giềng, nhưng đối tượng chủ yếu vẫn là láng giềng của Trung Quốc (Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung và Nam Á) để thiết lập một khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc trong phạm vi “đại chu biên”, từ đó tạo thế và lực cho chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, cạnh tranh với Mỹ và vượt Mỹ. “Vành đai, con đường” do đó là một nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm phân chia lại vùng ảnh hưởng, trước hết là trong khu vực xung quanh.
Ở tầm chiến lược, “Vành đai, con đường” được đưa ra nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”, mà trước hết là tạo dựng sự hiện diện, nâng cao ảnh hưởng về kinh tế tại khu vực xung quanh Trung Quốc. Theo dự định, “Vành đai, con đường” khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế/thương mại lớn nhất thế giới với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với 70% dân số thế giới, 55% GDP thế giới và 75% nguồn tài nguyên của thế giới. Dọc theo “Vành đai, con đường” là các khu vực kinh tế sôi động của thế giới, phần lớn đều là các thị trường mới nổi với ưu thế của các nước đi sau và có không gian phát triển lớn. “Vành đai, con đường” có thể tạo nên một cuộc cách mạng trên lĩnh vực giao thông vận tải kết nối ba châu lục, thúc đẩy sự thông thương quốc tế ở quy mô lớn chưa từng có.
Mục tiêu kinh tế mà “Vành đai, con đường” hướng tới là:
Thứ nhất, giải quyết vấn đề năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc. Đây là vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Việc Trung Quốc dự định thông qua “Vành đai, con đường” để khai thác những thị trường mới cho hàng hóa sản phẩm của Trung Quốc là điều vô cùng cần thiết, bởi qua đó “... kết nối thương mại, loại bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư thương mại, cải thiện điều kiện hạ tầng thông quan, đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu một cửa, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hạ tầng ở nước ngoài, và hoan nghênh doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc...”(1) nhằm thúc đẩy các kết nối thương mại, cung ứng chặt chẽ hơn với khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Ấn Độ Dương và Đông Phi để đưa hàng hóa, đầu tư, dịch vụ ra ngoài, giảm thiểu áp lực sức mua giảm ở thị trường nội địa trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Thứ hai, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên từ các quốc gia, khu vực dọc “Vành đai, con đường”. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên nhập khẩu từ nước ngoài. Những nguồn tài nguyên này chủ yếu thông qua đường biển để vào Trung Quốc. Do vậy, các kênh vận chuyển tương đối đơn nhất. Hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia xuất khẩu tài nguyên chủ yếu vẫn chưa sâu sắc và ổn định. “Vành đai, con đường” sẽ tăng mạnh các kênh vận chuyển tài nguyên, năng lượng trên đường bộ, đường sắt và đường biển một cách hiệu quả, giúp Trung Quốc bảo đảm được nguồn cung của sản xuất trong nước thông qua nhiều kênh vận chuyển hơn.
Thứ ba, khai thác chiều sâu chiến lược khai phá miền Tây và tăng cường an ninh quốc gia. Nguồn tài nguyên của Trung Quốc nhập từ nước ngoài vẫn chủ yếu thông qua đường biển, trong khi đó đường biển phải chịu nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro từ bên ngoài, nhất là trong tình huống chiến tranh. Các khu vực miền Trung và nhất là miền Tây của Trung Quốc, có tiềm năng nhưng dân cư thưa thớt, công nghiệp ít phát triển, do đó tiềm lực phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng rất lớn, khi có xung đột chiến tranh thì sẽ ít gặp rủi ro hơn. Do vậy, “Vành đai, con đường” sẽ đẩy mạnh việc khai thác, phát triển vùng phía Tây, có lợi cho khai thác ở tầm chiến lược và tăng cường an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Thứ tư, giành quyền chủ đạo thương mại toàn cầu thế kỷ XXI. Sáng kiến “Vành đai, con đường” giúp Trung Quốc không những có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ mà còn tăng khả năng chi phối việc hình thành các quy định mới trong thương mại khu vực và toàn cầu. Thông qua các hệ thống kết cấu hạ tầng trên bộ và trên biển, các hiệp định thương mại tự do khác nhau và các thiết chế tài chính do Trung Quốc chi phối, Trung Quốc sẽ nắm trong tay quyền điều chỉnh hoạt động kinh tế, tài chính, mậu dịch quốc tế, quyền chủ đạo đối với các trung tâm vận chuyển hàng hải, cũng như thương mại quốc tế, quyền định giá, quyền phân phối tài nguyên.
Triển khai toàn diện ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực kết nối
Sáng kiến “Vành đai, con đường” đã được đưa vào trong văn kiện của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, theo đó “Vành đai, con đường” được xác định là một chủ trương lớn của Trung Quốc và là một trong những chiến lược của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, “Vành đai, con đường” còn được đề cập trong Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc (năm 2014, 2016); Hội nghị Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế Trung ương Trung Quốc (tháng 11-2014); Văn kiện “Tầm nhìn và hành động thúc đẩy cùng triển khai xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR)” (tháng 3-2015).
Ngay từ khi đưa ra “Vành đai, con đường”, Trung Quốc đã quy hoạch các địa phương nằm trong phạm vi chiến lược này(2). Theo đó, Tân Cương sẽ là trung tâm kết nối giữa Trung Quốc với các nước khu vực Trung Á, Nam Á và Tây Á. Hắc Long Giang là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với Mông Cổ và vùng Viễn Đông của Nga. Tây Tạng sẽ kết nối với Nê-pan. Quảng Tây và Vân Nam là cửa ngõ kết nối với ASEAN. Trong đó, Vân Nam có vị trí giáp với Việt Nam, Lào và Mi-an-ma nên sẽ là điểm kết nối giữa Trung Quốc với các nước Tiểu vùng sông Mê Công.
Nhìn chung, ở trong nước, “Vành đai, con đường” hiện đang bước vào giai đoạn thực hiện toàn diện ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực kết nối.
Với bên ngoài, Chính phủ Trung Quốc đưa ra quan điểm chính thức để tiến hành kết nối, thông qua năm yếu tố chủ đạo: 1- Kết nối chính sách (gác tranh chấp, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế); 2- Kết nối giao thông (thông qua xây dựng mạng lưới giao thông trên bộ và trên biển ở khu vực); 3- Kết nối thương mại (gỡ bỏ rào cản và thuận lợi hóa thương mại); 4- Kết nối tài chính - tiền tệ (giảm phụ thuộc vào công cụ và tài chính ngoài khu vực; giảm chi phí giao dịch thông qua tăng cường sử dụng nội tệ và thiết lập các hệ thống tài chính riêng); 5- Kết nối con người (tăng cường giao lưu gắn kết giữa nhân dân các nước trong khu vực).
Để vận động cho việc hiện thực hóa “Vành đai, con đường” ở ngoài nước, Trung Quốc đã:
Một là, tiến hành vận động cấp cao. Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã thăm chính thức các nước nằm trong “Vành đai, con đường” để thắt chặt quan hệ, đưa ra đề xuất hợp tác, kêu gọi sự tham gia và ủng hộ của các nước đối với sáng kiến “Vành đai, con đường”. Theo ước tính, trong một năm đầu tiên sau khi đưa ra sáng kiến “Vành đai, con đường”, từ tháng 9-2013 đến tháng 10-2014, lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành 13 chuyến thăm nước ngoài(3) để quảng bá sáng kiến này. Năm 2015, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đi thăm chính thức Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Pa-ki-xtan và In-đô-nê-xi-a. Trong chuyến thăm Nga (năm 2015), hai bên cam kết sẽ hỗ trợ nhau trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga giữ vai trò chủ đạo và Con đường tơ lụa do Trung Quốc đề xướng.
Hai là, tuyên truyền về sáng kiến “Vành đai, con đường”. Trung Quốc đã lồng ghép nội dung sáng kiến “Vành đai, con đường” vào các diễn đàn quốc tế mà Trung Quốc chủ trì tổ chức hay tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng kênh học giả(4) để thúc đẩy “Vành đai, con đường” và tổ chức các hội chợ và triển lãm quốc tế để tuyên truyền về tuyến đường tơ lụa hàng hải(5)...
Ba là, kết nối tài chính, tiền tệ thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB, năm 2013), Ngân hàng Phát triển mới (NDB, tháng 7-2014) và Quỹ Con đường tơ lụa (SRF, tháng 11-2014) theo phương châm xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”, nhằm đối trọng với các thể chế do phương Tây chi phối(6), mà Trung Quốc không có ưu thế; thành lập Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc - các nước Trung Âu và Tây Âu (trị giá 3 tỷ USD), phát huy hiệu quả của Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc - ASEAN.
Bốn là, kết nối giao thông. Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc đã triển khai xây dựng và đạt được một số kết quả nhất định về các dự án đường sắt cao tốc từ Bắc xuống Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây Nam. Trung Quốc coi đó là cơ hội để liên kết với các khu vực ở Nam Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí cả châu Mỹ. Xây dựng cảng biển cũng là một phần quan trọng trong triển khai sáng kiến “Vành đai, con đường”.
Năm là, kết nối kinh tế thương mại. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đã thành lập 118 khu hợp tác kinh tế và thương mại(7) ở trên 50 quốc gia, trong đó 77 khu hợp tác thuộc phạm vi của 23 quốc gia nằm trên “Vành đai, con đường”. Tính đến nay, đã có 2.790 công ty Trung Quốc đi vào hoạt động tại các khu hợp tác này, với số vốn đầu tư 12 tỷ USD, tạo ra giá trị hàng hóa lên đến 48 tỷ USD. Hiện Trung Quốc cũng có khoảng 25.000 công ty ở nước ngoài với tổng tài sản khoảng 3.000 tỷ USD và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu công nhân Trung Quốc(8).
Sáu là, kết nối con người. Kết nối con người được Trung Quốc coi là nền tảng xã hội cho việc xây dựng “Vành đai, con đường”, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương.
Hiện nay, nhiều dự án đã được thực hiện ở nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Á, Nam Á và kể cả ở châu Âu và châu Phi. Một số dự án ở vào vị trí chiến lược hoặc trung chuyển then chốt đã được triển khai và Trung Quốc dường như đã nắm được quyền chi phối đáng kể ở các dự án này.
Mặc dù còn quá sớm để đưa ra đánh giá chính xác, tuy nhiên, xét về mức độ triển khai, có thể thấy rằng Trung Quốc bước đầu thu lợi từ việc triển khai sáng kiến này. Bốn khả năng thu lợi là: 1- Sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển và các kết cấu hạ tầng khác; 2- Thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc; 3- Hình thành và khống chế các cơ chế hợp tác mới; 4- Ảnh hưởng/vị thế đối với các nước liên quan. Tuy nhiên, việc thu lợi về trung và dài hạn còn tùy thuộc vào khả năng Trung Quốc vượt qua các “nút cổ chai” bên trong để phát triển kinh tế, và vượt qua được sự kiềm chế của Mỹ để mở rộng không gian đối ngoại. Trong khi đó, mức độ các nước khác hưởng lợi từ việc tham gia sáng kiến này chưa thực sự rõ ràng.
Những phản ứng ban đầu đối với “Vành đai, con đường”
Với ASEAN: Kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ý tưởng về MSR, đã xuất hiện phản ứng khác nhau của các nước trong và ngoài khu vực. Có một số nước ngay lập tức hoan nghênh ý tưởng này, trong khi nhiều nước tỏ ra thận trọng, muốn có thời gian nghiên cứu kỹ hoặc “chờ xem” diễn biến tiếp theo trước khi có thái độ chính thức. Băn khoăn của các nước trong ASEAN đối với MSR chủ yếu xoay quanh bốn câu hỏi chính: 1- Mục tiêu chiến lược của MSR là vì kinh tế thuần túy hay có lồng ghép yếu tố chính trị và chiến lược? 2- Nếu chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế, mục tiêu cụ thể của MSR là gì? 3- Kế hoạch triển khai cụ thể sáng kiến ra sao? 4- Tác động của MSR đối với khu vực và thế giới như thế nào?(9)
Về mặt kinh tế - chính trị, có hai quan ngại chính trong ASEAN đối với “Vành đai, con đường”. Một là, hầu hết các nước trong Khối đều lo ngại về sự bất cân xứng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc khi quy mô kinh tế và sức mạnh của Trung Quốc tăng quá nhanh so với Đông Nam Á kể từ những năm 90 của thế kỷ XX. Hai là, MSR sẽ không kết nối được với Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và không phục vụ cho vai trò trung tâm của ASEAN tại Đông Á.
Phản ứng của các nước khác trong và ngoài khu vực châu Á quan tâm hoặc có liên quan trực tiếp đến “Vành đai, con đường” cũng có thể chia làm ba nhóm chính: 1- Nhóm ủng hộ và không muốn bị gạt ra ngoài, chủ yếu là các nước vừa và nhỏ ở Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu; 2- Nhóm quan tâm nhưng còn một số lo ngại, chủ yếu là các nước, khối nước vừa và lớn(10) trong khu vực “Vành đai, con đường” đi qua; 3- Nhóm chủ yếu bày tỏ lo ngại về dự án này, gồm các nước lớn không tham gia “Vành đai, con đường” và lo lắng về cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới(11).
Tổng kết lại, có thể thấy mặc dù các nước trong và ngoài khu vực đều nhận thấy cơ hội kinh tế trong dự án MSR nói riêng và sáng kiến “Vành đai, con đường” nói chung do Trung Quốc đưa ra, nhưng phản ứng của các nước đối với sáng kiến này của Trung Quốc khác nhau và đã có những điều chỉnh nhất định. Như một nhà phân tích đã dự báo, các nước càng gần Trung Quốc càng tỏ ra thận trọng trong việc ủng hộ sáng kiến “Vành đai, con đường” do chứng kiến những hành động đơn phương ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngược lại, các nước ở xa, nhất là các nước nhỏ, tuy có một số nghi ngại ban đầu nhưng không có lợi ích bị đe dọa trực tiếp nên thường không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ các đề nghị hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Tính đến nay, sáng kiến này đã được triển khai hơn ba năm. Các hoạt động triển khai đã được diễn ra trên các khu vực từ châu Á sang châu Phi và châu Âu ở tất cả các mặt, như phổ biến, tuyên truyền, hợp tác về tài chính và xây dựng kết cấu hạ tầng. Trước mắt có thể thấy, đây là một sáng kiến liên quan trực tiếp đến các chiến lược quan trọng mà Trung Quốc đưa ra kể từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở mức độ bao quát, sáng kiến “Vành đai, con đường” được cho là gắn với hai “mục tiêu 100 năm” đưa Trung Quốc đạt “Giấc mộng Trung Hoa” và vị thế cường quốc thế giới. Ở mức độ cụ thể hơn, sáng kiến “Vành đai, con đường” gắn chặt với: 1- Chiến lược phát triển kinh tế, theo đó Trung Quốc đang phải tìm ra các động lực tăng trưởng mới, vượt qua trạng thái “bình thường mới”, tăng nội nhu và phát triển thị trường trong nước, do vậy tầm quan trọng của việc khai phá và kết nối miền Tây với miền Đông Trung Quốc cũng như phía các nước láng giềng và từ đó lan sang tận châu Âu, châu Phi ngày càng lớn; 2- Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc với ưu tiên cao hơn dành cho quan hệ với các nước láng giềng, một phần quan trọng là để tạo tập hợp lực lượng mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ trước hết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 3- Chiến lược cường quốc biển, nhất là mục tiêu tranh giành chủ quyền trên Biển Đông, vươn sức mạnh hải quân ra tầm khu vực và quốc tế, vừa bảo vệ an ninh nói chung, vừa giảm lệ thuộc vào các tuyến đường biển then chốt hiện vẫn do Mỹ chi phối; 4- Chiến lược Trung Quốc vươn lên trở thành nước lớn.
Như vậy, “Vành đai, con đường” xét về bản chất, là một công cụ chiến lược giúp Trung Quốc triển khai các chiến lược phát triển, chiến lược quân sự và chiến lược đối ngoại, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt. Học giả Trung Quốc Diêm Học Thông nói: “Con đường tơ lụa trên biển là công cụ quan trọng để thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược. Vì thế có thể cho rằng đây là một công cụ chiến lược”(12).
Xét về mức độ triển khai, về phản ứng tương đối thuận của các nước liên quan, có thể thấy rằng, “Vành đai, con đường” đã có một sự mở đầu thuận lợi, nhất là do: 1- Sáng kiến này gắn liền với cá nhân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; 2- được thể chế hóa thông qua chính sách, bộ máy và đầu tư tài chính; 3- được sự hưởng ứng của nhiều nước liên quan.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quan ngại liên quan đến triển khai “Vành đai, con đường”, bao gồm: 1- Về địa - chính trị, chủ yếu là cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ; 2- Tranh chấp lãnh thổ; 3- Tính chất “nhiệm kỳ” của các đại sáng kiến, chủ trương của Trung Quốc; 4- Tính chất “đồ sộ” của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng; 5- Hạn chế mang tính kỹ thuật của các sáng kiến này; 6- Sự không hài lòng của một số vùng cư dân. Đồng thời “Vành đai, con đường” đối mặt với những thách thức: 1- “Vành đai, con đường” liên quan đến nhiều nước, cần lượng vốn khổng lồ. 2- Tính gắn kết, liên thông về cảng biển, đường quốc lộ và đường sắt của các nước trên trục “Vành đai, con đường” còn tương đối yếu. 3- Sự phát triển kinh tế của các nước không đồng đều, giới hạn khu vực không rõ ràng, sự đồng cảm khu vực thấp. 4- Sự cạnh tranh và va chạm giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Ấn Độ ngày càng gia tăng khiến cho liên kết khu vực không tiến triển. 5- Trung Quốc chưa đủ sức đóng vai trò dẫn dắt khu vực. 6- Những hành động cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều quốc gia lo ngại và mất đi động lực tham dự. 7- Chính trị bất ổn định ở các nước trong khu vực Trung Đông. 8- Thiếu các phương án cụ thể trong các hạng mục hợp tác với các nước liên quan, thông tin liên quan chưa minh bạch.
Mặc dù vậy, thời gian 5 năm tới tiếp tục là giai đoạn Trung Quốc tích cực triển khai sáng kiến này một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Cục diện khu vực và thế giới từ đó có thể tiếp tục có những thay đổi quan trọng, tác động về trung và dài hạn của việc Trung Quốc triển khai các sáng kiến chiến lược này vẫn là vấn đề giới phân tích tiếp tục quan tâm theo dõi./.
--------------------------------------------
(1) Xem nội dung bản “Tầm nhìn và Hành động chung tay xây dựng Vành đai con đường kinh tế tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI,” do Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố tháng 3-2015, tr. 6
(2) 12 tỉnh, thành, khu tự trị nằm trong SREB, gồm Tân Cương, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Thanh Hải, Nội Mông, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Quảng Tây, Vân Nam, Tây Tạng. 5 tỉnh, thành, khu tự trị nằm trong MSR, gồm Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông, Triết Giang, Hải Nam
(3) Đáng chú ý là các chuyến thăm Ca-dắc-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan, Man-đi-vơ, Xri Lan-ca và Ấn Độ
(4) Tháng 2-2015, Trung Quốc đăng cai hội thảo quốc tế về Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” tại Phúc Kiến, với sự tham gia của khoảng 280 học giả và chuyên gia đến từ 30 quốc gia đến để thảo luận về việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển
(5) Năm 2014, Trung Quốc đã tổ chức hai hội chợ triển lãm quốc tế về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” lần lượt tại Đông Quan, Quảng Đông và Tuyền Châu, Phúc Kiến
(6) Như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
(7) Các khu hợp tác kinh tế và thương mại được phân làm 4 loại: sản xuất - chế tạo, sử dụng tài nguyên, chế biến nông sản và dịch vụ hậu cần
(8)中国境外经贸合作区已达118个“一带一路”沿线77个,finance.chinanews.com/cj/2014/12-31/6926328.shtml
(9) Vũ Thành Công và Bùi Thạch Hồng Hưng: “ASEAN và Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc”, http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/5267-asean-va-con-duong-to-lua-tren-bien-cua-trung-quoc
(10) Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu (EU)
(11) Mỹ, Nhật Bản
(12) Đánh giá của Giáo sư Diêm Học Thông, Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa tại cuộc trao đổi ngày 5-9-2016, tại Học viện Ngoại giao
Năm mươi năm ASEAN: Cơ hội vàng cho một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng  (02/08/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 24 đến ngày 30-7-2017)  (02/08/2017)
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6  (02/08/2017)
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a  (01/08/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đôn đốc việc giải ngân vốn ODA  (01/08/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Cộng hòa Mozambique  (01/08/2017)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên