Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02 đến ngày 08-01-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:19, ngày 09-01-2017

TCCSĐT - Năm 2016, Việt Nam là nước có tốc độ xuất khẩu dệt may đạt 5,2%, là mức cao nhất so với bảy nước xuất khẩu dệt may lớn nhất của thế giới.

Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn cho doanh nghiệp

Dự hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của Ngân hàng Nhà nước sáng 05-01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngân hàng chú trọng những ngành, lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, phục vụ xuất khẩu, giải quyết việc làm, nhất là các chủ trương Chính phủ đã công bố như nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng, điểm đến của tín dụng.

Chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong hoạt động ngân hàng, Thủ tướng cho rằng, mặt bằng lãi suất còn cao; nợ xấu còn cao, việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa thực chất, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.

Nhấn mạnh đến mục tiêu hàng đầu trong năm 2017 là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát (dưới 4%), giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có đột phá trong xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng và sát thị trường hơn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao hơn, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng và tăng dự trữ ngoại hối; giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng lớn, những “anh cả đỏ” trong giới ngân hàng có lợi nhuận cao cần chia sẻ với doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại nên có gói ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao hoặc 1 loại hình sản xuất kinh doanh nào đó cần ưu đãi như du lịch, hàng không… Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu minh bạch hóa lãi suất, tránh việc doanh nghiệp và người dân đi vay không biết thực tế lãi suất như thế nào.

Bãi bỏ một số điều kiện về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo


Ngày 04-01, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo, một quy định trong Nghị định 109/CP đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.

Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Bộ trưởng khẳng định, trong dự thảo mới sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung-cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.

Ngành dệt may phấn đấu đạt mục tiêu hơn 30 tỷ USD năm 2017

Năm 2016, Việt Nam là nước có tốc độ xuất khẩu dệt may đạt 5,2%, là mức cao nhất so với bảy nước xuất khẩu dệt may lớn nhất của thế giới. Năm 2017 tình hình thị trường sẽ tương tự như năm 2016 hoặc có những tín hiệu sáng hơn một chút khi mà kinh tế Hoa Kỳ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn và mức độ tiêu thụ, tiêu dùng của thị trường này cũng hy vọng cải thiện hơn so với năm 2016.

Chính vì vậy, ngành dệt may đặt ra kế hoạch của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng 6,5-7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, để có được kết quả này rất cần sự nỗ lực tổng hợp cả về phía doanh nghiệp, quản lý nhà nước và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung. Trong đó, đặc biệt tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ đến các nơi. Ngoài ra, cũng cần tập trung củng cố mạng lưới phân phối logistics đối với các nước.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011


Theo số liệu được Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố ngày 07-01, dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 12-2016 đã giảm 41 tỷ USD xuống 3.011 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011 và là tháng thứ sáu giảm liên tiếp.

Tuyên bố của Cơ quan Kiểm soát Ngoại hối Nhà nước (SAFE) nêu rõ nguyên nhân chính khiến dự trữ ngoại hối giảm là do những nỗ lực ổn định đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Các hoạt động trên thị trường ngoại hối của PBOC, sự biến động về giá cả của các tài sản đầu tư cùng tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã tác động đến dự trữ ngoại hối.

Trong năm 2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm gần 320 tỷ USD, thấp hơn so với mức giảm kỷ lục được ghi nhận trong năm 2015 là 513 tỷ USD. Các chuyên gia ước tính Trung Quốc cần duy trì mức dự trữ ngoại hối tối thiểu từ 2.600 - 2.800 tỷ USD trong khuôn khổ các biện pháp phù hợp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong những tuần qua, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm vực dậy đồng nhân dân tệ và kiềm chế dòng vốn chảy ra nước ngoài. Nước này cũng siết chặt hạn chế đối với các cá nhân và công ty muốn chuyển tiền vốn ra nước ngoài. Trong báo cáo hàng quý vào tuần trước, PBOC khẳng định sẽ thúc đẩy cải cách cơ chế đồng nhân dân tệ, song vẫn duy trì sự ổn định cơ bản của đồng tiền này vào năm nay.

Triển vọng phục hồi kinh tế khu vực Mỹ Latinh không mấy sáng sủa

Theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực Mỹ Latinh trong năm 2017 sẽ chỉ ở mức hạn chế sau khi thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân này đối mặt với nhiều khó khăn do một số nền kinh tế hàng đầu khu vực rơi vào tình trạng bất ổn chính trị trong năm 2016.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ Latinh sẽ phục hồi nhẹ ở mức 1,6% trong năm nay, sau 2 năm suy giảm, nhờ vào nhu cầu bên ngoài mạnh lên, giá nguyên liệu tăng và sự cải thiện trong hoạt động kinh tế tại Argentina và Brazil.

Tuy nhiên, Fitch cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại và kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ gây rủi ro cho triển vọng kinh tế khu vực, đặc biệt đối với Mexico và các quốc gia Trung Mỹ do các mối liên kết và phụ thuộc vào Mỹ qua các kênh thương mại, tài chính và kiều hối. Ngoài ra, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, giá nguyên vật liệu tiếp tục giảm và các điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng quốc tế chặt chẽ hơn cũng sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Fitch cũng đánh giá năng lực của chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn hạn chế. Tăng trưởng thấp, nguồn thu giảm do liên quan tới giá nguyên liệu và áp lực đối với chi tiêu tài khóa sẽ dẫn tới nợ công tăng, ước tính lên đến tương đương 47% GDP của khu vực trong năm 2017. /.