Bình Phước phấn đấu thực hiện vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016
TCCSĐT - 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt 6,2%; trong đó, tốc độ tăng về công nghiệp - xây dựng 10,9%, dịch vụ 10,1% so với cùng kỳ, nhưng khu vực nông - lâm - thủy sản đã giảm 0,95% bởi hạn hán kéo dài. Với quyết tâm chính trị cao, Bình Phước kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ thực hiện vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm
Tình hình thời tiết khô hạn và lốc xoáy đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập và tình hình đầu tư sản xuất của người dân như: tiến độ gieo trồng không đạt kế hoạch, diện tích cây công nghiệp dài ngày bị chết, giảm năng suất và chất lượng vườn cây... ước tính tổng số tiền thiệt hại lên đến trên 710 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chống, khắc phục hạn hán, lốc xoáy bằng cách điều tiết nguồn nước tại hồ chứa, khai thông hệ thống kênh dẫn nước, trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao và phân bổ 14,9 tỷ đồng về các địa phương… Kết quả, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước thực hiện đạt 9.236 tỷ đồng, giảm 1,5% so cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt 41,87% kế hoạch năm.
Trong sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất thực hiện được 11.158 tỷ đồng, đạt 41,3% so với kế hoạch năm: tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 45 dự án có tổng vốn đăng ký là 3.487 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 30 dự án, tăng 19,66% về số vốn đăng ký; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 360 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký 1.750 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 4,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có 10 dự án đăng ký với tổng vốn 19,220 triệu USD. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 145 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 1,12 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 15.862 tỷ đồng, tăng 8,62%, đạt 44,06% kế hoạch năm; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 2,9%; Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 537,72 triệu USD, tăng 21,35%, đạt 42,17% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 139,27 triệu USD, tăng 7,34%, đạt 46,42% kế hoạch năm.
Thu ngân sách nhà nước đạt 1.964 tỷ đồng, đạt 51% so với nghị quyết năm. Và, đã chi 2.917 tỷ đồng, bằng 45,5% so với nghị quyết năm 2016.
Để tránh tụt hậu như năm 2015, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh so với năm 2015. Cụ thể, ban hành quy định về chính sách thu hút đầu tư, tổ chức hội thảo, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đúng tiến độ. Tỉnh đã phân bổ kinh phí từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2015, nguồn trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ vay xi măng trả chậm cho các địa phương; trong đó, tập trung ở 12 xã điểm của năm 2016. Nhờ vậy, bình quân số tiêu chí của các xã đạt đến 11 tiêu chí, tăng 0,32 tiêu chí so với cuối năm 2015; đối với các xã điểm năm 2016, bình quân số tiêu chí đạt 15,75. Riêng xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú) đạt 18/19 tiêu chí và xã Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh) đạt 17/19 tiêu chí.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Chỉ 6 tháng đầu năm đã giải quyết được việc làm cho 17.741 lao động, đào tạo nghề cho 2.244 lao động và tổ chức phiên giao dịch việc làm cho 21 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 7.385 lao động, tại phiên này có đến 1.100 lao động tham dự.
Công tác đối với thương binh, liệt sỹ được thực hiện tốt, tỉnh tiếp nhận, an táng 70 hài cốt liệt sỹ được đón nhận từ Campuchia trở về để đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh đúng dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng. Nhân dịp Tết Nguyên Đán, tỉnh đã tổ chức thăm và tặng 12.859 phần quà, với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng cho các cá nhân và gia đình thuộc đối tượng chính sách.
Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào nghèo, chủ yếu là dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ. Điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều đã triển khai thực hiện nghiên túc, hiện nay toàn tỉnh có 14.167 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,96% trên tổng số hộ dân và 4.132 hộ cận nghèo, chiếm 1,74% trên tổng số hộ dân. Các chính sách trợ giúp đối với hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, cụ thể đã mua và cấp phát 29.004 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 5.428 thể bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 8.484 hộ nghèo; giải quyết cho 1.993 lượt hộ nghèo và cận nghèo vay vốn với số tiền 45,315 tỷ đồng.
Cũng do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, nên người dân mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng gia tăng, nhưng đều được khống chế, chữa trị kịp thời không để xảy ra tử vong. Song song đó, các chương trình quốc gia y tế như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống lao, sốt rét, sốt xuất huyết, da liễu, bướu cổ… đều được tăng cường nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng chính sách được thực hiện đúng quy định. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 632.252 người, so với tổng số dân trên địa bàn tỉnh chiếm 69%.
Công tác bảo vệ môi trường rất được chú trọng, tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 17 dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường cho 3 dự án, cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải cho 16 đơn vị và đã thực hiện định kỳ giám sát chất lượng môi trường ở 20 đơn vị. Công tác quản lý Nhà nước về môi trường, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 3 tổ chức với số tiền trên 1 tỷ đồng và 29 quyết định trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản đối với 12 tổ chức và 17 cá nhân, với tổng số tiền là 233,5 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Đó là: Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, hiệu quả chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa phát huy được lợi thế để phát triển. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm. Cải cách thủ tục hành chính có quan tâm nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh, việc nắm bắt những quy định mới của Trung ương, Chính phủ trong phát triển kinh tế chưa kịp thời, chưa quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Một số dự án trọng điểm triển khai chưa kịp tiến độ. Nguồn lực cân đối cho Chương trình nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu. Số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả trên thực tế chưa giảm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như lề lối làm việc của một số cấp ủy, cơ quan chậm đổi mới; còn lúng túng trong giải quyết một số vấn đề phát sinh. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu ở một bộ phận cán bộ khi làm việc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp do chậm phát hiện, xử lý chưa kịp thời.
Phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục hạn chế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đề ra mục tiêu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 là đạt và vượt kế hoạch như: tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,5%, GRDP tính theo đầu người đạt 42,9 triệu đồng, tổng thu ngân sách đạt 3.850 tỷ đồng và đến cuối năm sẽ có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu trên, Bình Phước cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nhanh chóng hoàn thiện, triển khai thực hiện Chương trình phát triển doanh nghiệp. Tăng cường các biện pháp để thực hiện quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình; xây dựng chiến lược kinh doanh; đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhất là cán bộ quản lý của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính đi vào chiều sâu. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nâng chỉ số PCI năm 2016 tăng 10 bậc so với năm 2015; Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết cụ thể, hiệu quả những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng thị trường lành mạnh; chấn chỉnh tình trạng gian lận thương mại, tạo dựng thị trường cạnh tranh bình đẳng. Nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư - thương mại… khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thu hút đầu tư và tránh tình trạng hành chính hóa trong xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp cũng như người dân; có lộ trình triển khai thực hiện chương trình phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Hai là, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển hợp tác xã. Trong đó chú trọng xây dựng hợp tác xã điểm trong nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; Mời gọi và thành lập các công ty trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao gắn với chế biến; Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Hợp tác nghiên cứu, phát triển các giống cây chịu hạn và nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt…
Ba là, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. Trong đó chú trọng việc ban hành các chính sách về vốn, khoa học công nghệ, đất đai, giống cây… và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh như cao su, điều, tiêu, rau sạch.. kết hợp với mở thị trường tiêu thụ ổn định; Tập trung phát triển hình thành các vùng cây nguyên liệu có thế mạnh của tỉnh, gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Kiểm tra tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng; Triển khai trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng là 66,9% và hoàn thành chương trình trồng rừng thay thế; Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở 12 xã điểm còn lại trong năm 2016 bằng tăng cường nguồn lực, ngoài nguồn vốn phân bổ từ ngân sách cần có những biện pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn xã hội hóa việc thực hiện; khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của lãnh đạo các địa phương trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; Chủ động lên phương án ứng phó với thiên tai và các diễn biến thời tiết xấu trong mùa mưa năm 2016, trong đó chú trọng sử dụng các nguồn lực tại chỗ.
Bốn là, rà soát, kiểm tra tổng thể các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra tiến độ thực hiện và giải quyết dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc về thủ tục đầu tư, nguồn vốn..., nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm. Đẩy mạnh giải ngân những dự án thực hiện từ nguồn vốn ODA, sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án ADB, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Phấn đấu khởi công xây dựng Công viên Văn hóa tỉnh và đường vào trảng cỏ Bù Lạch; hoàn thành Dự án mộ 3000 người tại thị xã Bình Long.
Năm là, đánh giá thực chất, thực trạng hộ nghèo nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, khẩn trương thực hiện giao đất cho hộ nghèo đối với các diện tích đã được phê duyệt. Nhanh chóng giải quyết việc làm cho người đồng bào dân tộc tại các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để tính toán các phương án hỗ trợ đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống (giải quyết việc làm, phát triển sản xuất…).
Sáu là, xây dựng kế hoạch mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quan tâm thực hiện các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các chính sách xã hội khác. Tích cực triển khai chính sách tín dụng đối với các đối tượng chính sách, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tốt việc hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo.
Bảy là, tăng cường kiểm tra thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt các công ty sản xuất kinh doanh có khí thải, nước thải độc hại và các dự án chăn nuôi nằm trong các khu dân cư. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đối với các công ty, dự án không có phương án xử lý môi trường hiệu quả, dây dưa kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Đối với các dự án đầu tư mới, cần chú trọng việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Tránh tình trạng doanh nghiệp đã đi vào sản xuất mới phát hiện và không có phương án xử lý ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như môi trường đầu tư của tỉnh. Có cơ chế thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thu gom, chế biến rác; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực chế biến rác theo hướng sắp xếp lại các đội quản lý công trình đô thị ở các huyện, thị xã./.
Góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo  (16/09/2016)
Chủ động đối phó với thách thức về an ninh quốc gia: Nhìn từ góc độ hợp tác chính trị - an ninh ASEAN  (16/09/2016)
Chỉ số sức mạnh thương hiệu VietinBank được nâng hạng A+  (16/09/2016)
Chỉ số sức mạnh thương hiệu VietinBank được nâng hạng A+  (16/09/2016)
TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ THÔNG BÁO  (15/09/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên