Phát triển xanh lam ở Biển Đông và triển vọng đối với Việt Nam
Phát triển xanh, kinh tế xanh và kinh tế xanh lam là xu thế của thời đại
Phát triển xanh là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng phát triển xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, hướng đến cải thiện đời sống con người và sự công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên, vốn là những tiền đề gây nên sự “bất ổn” chính trị, xã hội. Kinh tế xanh là một trong những tiếp cận ưu tiên mang tính thời đại trong quá trình phát triển theo mô hình “kinh tế sinh thái hiện đại”. Đây là nền kinh tế có hướng chủ đạo đầu tư vào con người, tự nhiên và xã hội. Nó “hài hòa với môi trường” và có khả năng tạo ra những “cỗ máy xanh” cho nền kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận một cách thân thiện với môi trường”. Kinh tế xanh tập trung nghiên cứu sử dụng các công cụ kinh tế để giải quyết hợp lý những vấn đề của xã hội đi đến sự thịnh vượng và làm thay đổi hành vi của con người, hướng tới những lối sống bền vững hơn; là một lĩnh vực nghiên cứu triển khai toàn diện, bao gồm các mặt về tài chính công cộng, kinh tế chính trị và ứng dụng thực tiễn. Những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế xanh là nhằm đến là nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin thế hệ mới, sản xuất thiết bị công nghệ cao, vật liệu tiên tiến, các thiết bị, công cụ sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, các công nghệ thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng…
Kinh tế xanh lam là nền kinh tế xanh liên quan đến các vùng ven biển, biển, đại dương và hải đảo, như bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, phát triển thị trường các-bon, tăng cường quản lý đáy biển (khai khoáng, dầu, khí, cáp dẫn…), thay đổi phương thức quản lý nghề cá và nuôi trồng hải sản ở các cấp trong khu vực và quốc gia, bình đẳng, không bao cấp và khai thác bền vững, thích ứng với quá trình dâng cao mực nước biển và biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp vùng bờ, tăng cường sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật, kể cả ứng dụng các công nghệ sinh học, xác nhận và chấp nhận khả năng hấp thụ, lưu giữ các-bon-nic của đại dương và vùng ven bờ, tổ chức thị trường các-bon xanh, tăng cường xử lý ô nhiễm, chủ yếu là các chất dinh dưỡng trong biển và đại dương theo cơ chế thị trường, phát triển đột phá nguồn năng lượng tái tạo từ biển và đại dương…
Về thực chất, kinh tế xanh lam nhằm xác định lại quá trình phát triển của hệ thống kinh tế biển trong mối quan hệ tổng thể, biện chứng với vùng lãnh thổ, lãnh hải, chứ không chỉ quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề về môi trường đơn thuần. Kinh tế xanh tập trung chú ý đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau, ngay từ khâu cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng, cho đến quy trình tái chế, xử lý chất thải và sản phẩm sạch, từ sản xuất nông nghiệp cho đến công nghiệp, xây dựng, giao thông, các công trình phúc lợi, dịch vụ… Như vậy, kinh tế xanh, với thuộc tính tự nhiên về sự đổi mới, sáng tạo, sẽ thúc đẩy cùng lúc các lĩnh vực phát triển theo hướng “xanh hóa”. Không chỉ dừng lại như một hoạt động kinh tế thông thường, kinh tế xanh còn có khả năng giải quyết triệt để các mối quan hệ giữa các lĩnh vực, từ sản xuất, nghiên cứu, giáo dục và cả các yếu tố xã hội, văn hóa trong một mối liên hệ biện chứng. Thúc đẩy sự phát triển quy hoạch của vùng lãnh thổ, lãnh hải theo định hướng kinh tế xanh, xanh lam, có nghĩa là thúc đẩy và khuyến khích hơn nữa, sự hiệp đồng hiệu quả giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và quản trị phát triển xã hội.
Các hoạt động nghiên cứu, sản xuất xanh ngày càng được chú ý đặc biệt trên khắp thế giới. Đây đang được coi là “xu thế tất yếu của lịch sử phát triển”, là “tiếp cận tổ chức phát triển sản xuất để tạo ra các “sản phẩm” và “dịch vụ” “xanh, sạch”, có khả năng ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế những thiệt hại gây ra cho môi trường, như ô nhiễm nước, không khí, đất, biển và đại dương cho đến tất cả những vấn đề liên quan đến chất thải, tiếng ồn và những tác động không mong muốn đến các hệ sinh thái, đến sức khỏe của con người và tiết kiệm được năng lượng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát huy tối đa các giá trị văn hóa, xã hội…”.
Kinh tế xanh có 3 đặc trưng cơ bản trong nguyên lý tồn tại và phát triển. Thứ nhất là nền kinh tế “sạch”, mang hàm lượng trí tuệ cao. Thứ hai là nền kinh tế “hài hòa” - xanh hóa cho phát triển, phát triển để xanh hóa. Thứ ba là bản thân quá trình phát triển xanh cũng đã mang lại nhiều giá trị môi trường, xã hội và kinh tế, càng xanh hóa, lợi ích kinh tế càng cao.
Để đánh giá kinh tế xanh, người ta dùng tiêu chí GDP xanh. Đó là GDP trừ đi chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Hiện tại, việc thực hiện GDP xanh còn một số khó khăn về kỹ thuật như việc xác định giá trị của các yếu tố môi trường, các vấn đề xã hội… Các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp về học thuật cho các vấn đề này. Tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của một vùng, một quốc gia sẽ thay đổi khi thực hiện tính GDP xanh. Sự tăng trưởng thuần túy về kinh tế là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá thành tựu kinh tế. Còn GDP xanh đánh giá toàn diện các mặt tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Số liệu thống kê theo tiêu chí GDP xanh, vì vậy chắc chắn không chỉ phản ánh thực chất sự tăng trưởng của kinh tế mà còn chỉ ra các tổn thất môi trường, xã hội mà sự tăng trưởng kinh tế có thể gây ra. Việt Nam cũng đã đề xuất một số các chỉ tiêu giám sát và đánh giá sự phát triển kinh tế bền vững gồm: chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số bền vững môi trường (ESI), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) và mức độ góp phần giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo,…
Hiện nay, hoạt động kinh tế ở đại dương và các vùng biển (dầu khí, vận tải, cảng biển, nghề cá, du lịch, nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo, làm ngọt nước nước biển, các dịch vụ…) có doanh số hằng năm khoảng 3 - 6 nghìn tỷ USD. Tổng giá trị chức năng, dịch vụ sinh thái (khí hậu, nước, đất, dinh dưỡng…) từ các hệ sinh thái biển lớn hơn doanh thu hằng năm khoảng 3 - 7 lần, ước tính khoảng 21 nghìn tỷ USD/năm. Sự phát triển xanh lam, bền vững của đại dương đang phải đối mặt với 4 vấn đề cốt lõi: nghề cá thiếu bền vững; khí hậu toàn cầu thay đổi và axit hóa đại dương; ô nhiễm và chất thải; mất nơi cư trú, suy giảm đa dạng sinh học và sự xuất hiện các loài sinh vật ngoại lai.
Các chương trình phát triển kinh tế xanh lam ở Biển Đông
Triển khai cơ chế phát triển sạch trong công nghiệp
Cơ chế phát triển sạch (CDM), sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tuân thủ quy trình và điều kiện nghiêm ngặt để giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong 10 nước có tiềm năng phát triển cơ chế phát triển sạch. Tám năm qua, Việt Nam đã có 135 tài liệu thiết kế dự án CDM được phê duyệt; 34 dự án được đăng ký tại Ban Chấp hành Quốc tế về cơ chế phát triển sạch; 1 trong 2 dự án được cấp chứng chỉ phát thải. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là đơn vị đi đầu triển khai cơ chế phát triển sạch trong sản xuất. Hằng năm, PVN khai thác trên 24 triệu tấn dầu (quy đổi) từ hàng chục mỏ dầu/khí khác nhau, đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đang xây dựng hai tổ hợp lọc hóa dầu khác, có các nhà máy nhiệt điện, thủy điện dự kiến có thể sản xuất tới 30% sản lượng điện quốc gia vào năm 2015, hai nhà máy sản xuất phân đạm và đang xây dựng ba nhà máy sản xuất cồn sinh học công suất 100.000tấn/nhà máy.
Phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản bền vững
Việt Nam đã tăng cường hỗ trợ chương trình phục hồi các hệ sinh thái biển quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn), công tác khuyến ngư và ứng dụng tiến bộ trong khai thác, nuôi trồng và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng các mô hình khai thác nghề mới có hiệu quả; tập huấn kỹ thuật khai thác, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong điều hành sản xuất. Đã xây dựng mô hình làng nghề nuôi cá theo tiêu chuẩn sạch, tạo ra sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa, nhất là cho các du khách tham quan du lịch vùng nông thôn và xuất khẩu thủy, hải sản.
Việc triển khai các mô hình nuôi sinh thái như nuôi tôm hùm kết hợp với vẹm xanh (vùng vịnh Vân Phong), chi phí thức ăn giảm được 30% so với các phương pháp nuôi truyền thống, tăng tỷ lệ sống vật nuôi hơn 90%, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt: làm giảm hàm lượng hữu cơ trong tầng đáy cột nước và trong trầm tích; xử lý ô nhiễm vi sinh trong trầm tích. Để chủ động phát triển mô hình kết hợp tôm - lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, nên tiếp tục thử nghiệm, triển khai áp dụng một số phương án quản lý nuôi hải sản đang được nhiều nước áp dụng, có tính khả thi cao ở các vùng đất nhiễm mặn ven biển; quản lý môi trường trong luân canh tôm - lúa dựa vào cơ sở sinh thái học; quản lý tổng hợp vùng nhiễm mặn luân canh tôm, lúa; quản lý chất lượng sản phẩm lúa - tôm trong mô hình luân canh theo tiêu chuẩn quốc tế, như tiêu chuẩn của "Thực hành nông nghiệp tốt", hoặc theo hệ thống quản lý chất lượng cao toàn cầu như Global GAP (Good Agricultural Practices).
Phát triển du lịch sinh thái biển
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, quản lý phát triển bền vững hoạt động du lịch biển là nhằm xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, dựa trên cơ sở khoa học, kinh tế, xã hội đặc thù của quốc gia. Mục tiêu là xây dựng phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch biển đảo có vị thế, có khả năng cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế của Việt Nam, của khu vực và quốc tế. Trước mắt, phải tổ chức, triển khai các giải pháp quản lý phát triển du lịch phù hợp như quản lý hoạt động du lịch dựa vào đặc điểm cảnh quan địa lý và sinh thái học; phát triển du lịch trong chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển; xây dựng các chỉ thị quản lý phát triển hoạt động du lịch.
Triển vọng phát triển Kinh tế xanh đối với Việt Nam
Tại Diễn đàn “Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Khung chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Tầm nhìn đến 2050. Trong Khung chiến lược, ba mục tiêu chính được nhấn mạnh như giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống và tiêu dùng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể như giảm chất lượng phát khí thải nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% cho giai đoạn 2011 - 2020 và từ 35% - 45% cho giai đoạn 2020 - 2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42% - 45% trong giai đoạn 2010 - 2020 và 80% trong giai đoạn 2020 - 2030. Ngoài ra, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường; quyết tâm chuyển đổi và phát triển nền kinh tế xanh lam ở Biển Đông, dựa vào các lợi thế: vị trí địa chiến lược - kinh tế, vào quá trình hội nhập và sự cải thiện các chính sách, thể chế, pháp luật trong quản lý, nhằm tạo ra những tiền đề cơ bản để đạt được sự phát triển hài hòa, theo nguyên tắc phát triển dài hơi, xem xét các bài học và kinh nghiệm của thế giới và dựa vào các nguồn lực, trí tuệ và bản sắc dân tộc Việt Nam.
Tổ chức phát triển xanh lam, Việt Nam sẽ được những gì? Câu trả lời của các chuyên gia là: 1) Phát triển xanh lam không chỉ mang lại sự giàu có, phồn vinh mà còn thúc đẩy tăng trưởng cao theo nguyên tắc “lấy Biển nuôi Đất liền”; 2) Tạo ra mối liên kết hài hòa trong việc xóa đói, giảm nghèo tận gốc rễ với bảo vệ, phục hồi tốt hơn các nơi cư trú, tăng cường nguồn lợi biển và đa dạng sinh học; 3) Chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh lam, tạo được nhiều công ăn, việc làm cho cư dân, xóa bỏ được nạn thất nghiệp vốn là “căn bệnh kinh niên” trong nền kinh tế “nâu” (mô hình kinh tế công nghiệp hóa, nguồn năng lượng nhân tạo, phân tán, dựa vào các hệ sinh thái nhân tạo..).
Kinh tế xanh sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng bền vững, có tính cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế, tạo việc làm theo mục tiêu của thế giới “10 năm, 100 sáng kiến và 100 triệu việc làm”, tăng thu nhập thực sự cho mọi người, cải thiện đời sống cho người dân một cách thiết thực, bảo đảm an toàn môi trường. Như vậy, thực tiễn tại các nước cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn cho phát triển bền vững, giảm đói nghèo và tăng cường sức mạnh bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh hải. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “lỗi thời” là “ô nhiễm trước, xử lý sau”.
Phát triển kinh tế xanh nói chung, kinh tế xanh lam nói riêng, cần có cơ hội và nhiều điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái cũng như chính trị, xã hội,... Còn rất nhiều việc phải làm trong quá trình xanh hóa nền kinh tế nước ta ở Biển Đông, nơi có nhiều tiềm năng và là “trụ cột chính” cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Sự phát triển kinh tế xanh lam ở Biển Đông cần được nhìn nhận là nền kinh tế hiện đại, tiến bộ trong một không gian thống nhất, với 3 vùng đặc trưng vĩ mô: vùng biển ngoài khơi với các quần đảo xa: Trường Sa, Hoàng Sa, vùng thềm lục địa và vùng ven bờ bao gồm những thủy vực biển ven bờ cùng hệ thống đảo và vùng đất ven biển với sự liên kết cung ứng và hậu cần, thị trường đa năng của cả nước. Với mặt tiền hướng ra biển Đông, dài hơn 3.444km, một vùng lãnh hải rộng đến 1,278 triệu km2, hơn 3 nghìn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa, hơn 20 kiểu hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới điển hình,… là những giá trị kinh tế vô cùng quý giá. Sách lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng cần phải dựa vào các đặc trưng tự nhiên vốn có của từng vùng lãnh hải, do đó, phân vùng sinh thái (xác định khoảng không gian tối ưu trong phát triển kinh tế và quốc phòng) là một trong những việc cần phải ưu tiên của công tác tổ chức phát triển xanh lam trên Biển Đông.
Ngoài ra, tổ chức và quản trị không gian phát triển còn đòi hỏi phải sử dụng tối đa cách tiếp cận hệ thống, đa ngành, tổng hợp với việc linh hoạt, vận dụng một số phương pháp phân tích có triển vọng trong quản trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng, như mô hình DPSIR (động lực, áp lực, hiện trạng, tác động, đáp ứng), xác định các giải pháp ưu tiên theo nguyên tắc SMART (cụ thể, có thể định lượng, thiết thực, khả thi, thời gian), phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thử thách theo ma trận SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, đe dọa)…
Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tìm kiếm cơ hội, tài chính, quảng bá sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, điều tra cơ bản các quá trình hải dương học, nguồn lợi tài nguyên, môi trường cũng là giải pháp cần thiết và có nhiều triển vọng. Nguyên nhân và động lực dẫn đến phải tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển kinh tế biển xanh rất đa dạng, phong phú, vừa có tính toàn cầu, vừa có tính địa phương. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm chính trị, thể chế và điều kiện phát triển của từng quốc gia, từng địa phương. Việt Nam chủ trương mở cửa, coi trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.
Việt Nam đang nỗ lực sử dụng các giá trị tiềm năng ở Biển Đông, nhất là hệ sinh thái nhiệt đới, trí tuệ con người để sinh thái hóa nền kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng, để phát triển và bảo vệ đất nước theo hướng xanh hóa, phồn vinh, hạnh phúc và hữu nghị. Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị không chỉ đối với Việt Nam, với các nước xung quanh, mà còn quan trọng với cả các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, cần có sự hợp tác, chia sẻ và thân thiện trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh chủ quyền của các quốc gia./.
Đồng sàng dị mộng  (04/07/2013)
Đổi điền, dồn thửa: nhìn từ thực tiễn ở tỉnh Thanh Hóa  (04/07/2013)
Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 7  (03/07/2013)
Thành lập Lữ đoàn Không quân thuộc Quân chủng Hải quân  (03/07/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên