Thách thức và triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2013
1- Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012
Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng phản ánh rất nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu tốc độ tăng trưởng suy giảm sẽ làm giảm thu nhập của người lao động, giảm chi tiêu và đầu tư cho y tế và giáo dục, và do đó làm giảm chất lượng nguồn nhân lực trong trung và dài hạn. Tốc độ tăng trưởng giảm cũng làm giảm nguồn thu cho ngân sách và để duy trì thâm hụt ngân sách ở một mức độ nhất định, chi ngân sách cũng phải giảm theo. Trong khi đó, đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, chi ngân sách cho kết cấu hạ tầng, công nghệ, y tế, giáo dục,… cần phải duy trì nhằm tạo ra ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm không chỉ cho ngắn hạn mà còn cho cả dài hạn. Như vậy, tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia, nhất là đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, mặc dù quý sau tăng cao hơn quý trước nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2011 (5,03% so với 5,89%).
Đồ thị 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 và 2012 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bên ngoài và có những nguyên nhân bên trong.
Về các nguyên nhân đến từ bên ngoài:
- Các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới suy giảm tốc độ tăng trưởng hoặc rơi vào tình trạng trì trệ như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ấn Độ đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
- Các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới gặp nhiều khó khăn nội tại làm cho dòng vốn FDI vào nước ta chững lại.
Về các nguyên nhân nội tại:
- Chính sách tiền tệ thắt chặt vào các tháng đầu năm đã đẩy lãi suất tăng cao và điều kiện tín dụng ngặt nghèo làm cho chi phí vay vốn tăng. Kết quả là, thị trường bất động sản bị đóng băng, hoạt động sản xuất nhiều lĩnh vực như: xi măng, sắt thép, gạch,… bị ảnh hưởng nặng nề, và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao.
- Mô hình tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài dựa vào đầu tư mở rộng, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ đã góp phần làm cho tỷ lệ lạm phát tăng cao, năng suất của nền kinh tế thấp và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Diễn biến lạm phát
Năm 2011, tỷ lệ lạm phát ở mức cao, có nguy cơ rất lớn gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đem lại hệ quả xấu cho nền kinh tế, do đó bước vào năm 2012 Chính phủ đã quyết tâm thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát năm 2012 đã được kéo xuống ở mức rất thấp so với năm 2011 (từ 18,1% xuống còn khoảng 6,8%). Tuy nhiên, chính sách tiền tệ để chống lạm phát đã gây ra hiệu ứng phụ: số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng mạnh và thị trường bất động sản đóng băng.
Đồ thị 2. Tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2007 – 2012 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tỷ lệ lạm phát thấp của năm 2012 sẽ tạo tiền đề cho ổn định kinh tế vĩ mô, làm cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vào năm 2013 và các năm tiếp theo. Trong giai đoạn sắp tới, giữ lạm phát ở mức thấp sẽ là yêu cầu bức thiết, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự cam kết mục tiêu lạm phát từ phía Chính phủ và hành động chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách đi kèm khác phải tương thích với mục tiêu lạm phát đề ra ban đầu.
Vấn đề việc làm
Một biến số kinh tế vĩ mô quan trọng nữa là vấn đề việc làm và thất nghiệp, bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và các khía cạnh xã hội khác của nền kinh tế.
Có lẽ chưa năm nào các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn và thách thức như năm 2012. Số doanh nghiệp phá sản và giải thể tăng vọt, số lượng doanh nghiệp khó khăn cũng rất cao. Một trong những nguyên nhân đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn là lãi suất đầu năm tăng cao, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức cao đã làm cản trở dòng tín dụng, chưa kể thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng không chỉ các công ty kinh doanh nhà, văn phòng cho thuê mà còn đến các công ty liên quan đến xây dựng như: xi măng, sắt thép, gạch,… Vì thế, năm 2013, rất cần các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động.
Cán cân thương mại
Trong năm 2012, cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011; thặng dư cán cân thương mại hàng hoá đạt 0,3 tỷ USD và sau một thời gian khá dài, nền kinh tế nước ta xuất siêu. Tuy nhiên, cán cân thương mại được cải thiện không hoàn toàn do chính sách thương mại hay cấu trúc thương mại dịch chuyển theo hướng tích cực mà do nền kinh tế trong nước có tốc độ tăng trưởng suy giảm. Cán cân thương mại năm 2012 là kết quả nội sinh của hoạt động sản xuất trong nền kinh tế.
Đồ thị 3. Cán cân thương mại giai đoạn 2008 – 2012 (tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nói chung, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng nông sản, tài nguyên khoáng sản, và các sản phẩm chế tạo có giá trị gia tăng thấp. Trong các năm tới, cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, cần phải thực hiện những thay đổi trong cấu trúc xuất khẩu, dựa nhiều hơn vào công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại, nhằm tạo nên giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.
Đối với nhập khẩu, chủ yếu là nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước và phục vụ xuất khẩu. Vì ngành công nghiệp phụ trợ nước ta vừa thiếu, vừa yếu nên phụ thuộc nhiều vào những nguồn này để phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc (nhập siêu của nước ta chủ yếu là với Trung Quốc).
2- Những vấn đề, rủi ro và thách thức cho nền kinh tế
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức đáng báo động
Một vấn đề nổi cộm của năm 2012 là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao. Nợ xấu của nước ta có một số đặc điểm: Thứ nhất, nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất lớn, theo báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9-2012 thì DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. Thứ hai, nợ xấu lại gắn khá chặt với khu vực bất động sản, dư nợ cho khu vực này vay chiếm dưới 16% nhưng các tài sản thế chấp bằng bất động sản cho các khoản vay khác nhau chiếm tới 60% - 80% tổng giá trị tài sản thế chấp. Những điều này khiến cho nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm tới 50%, và làm cho công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều trở ngại.
Hàng tồn kho vẫn ở mức cao
Bên cạnh vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, hàng tồn kho tăng cao cũng được ví như một “cục máu đông” khác chặn dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế. Tính đến ngày 01-10-2012, “chỉ số hàng tồn kho trong công nghiệp chế biến và chế tạo ở mức 20,3%”(1). Hàng tồn kho tập trung ở các mặt hàng than, sắt thép, phân bón, xi-măng. Vì hàng tồn kho ở mức cao, một số nhà kinh tế cho rằng đây là nút thắt cho hoạt động của nền kinh tế, và đưa ra khuyến nghị nên kích cầu tiêu dùng cho các mặt hàng tồn kho. Tuy nhiên, kích cầu tiêu dùng cần phải có nguồn tài chính để hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ bằng biện pháp tạo tiền sẽ gây ra lạm phát, gây ra những hệ quả khó lường cho nền kinh tế. Nếu được hỗ trợ bằng ngân sách thì cần có nguồn thu đi kèm, trong khi đó thu ngân sách trong năm 2012 và năm 2013 chắc chắn sẽ rất khó khăn, và như vậy nếu bù đắp bằng hình thức vay vốn, sẽ đẩy lãi suất trên thị trường tăng cao. Còn với biện pháp kích cầu, thì cần phải có sự chọn lọc ngành, lĩnh vực, mặt hàng để kích cầu. Sự lựa chọn này có thể dẫn đến tham nhũng, móc ngoặc, cấu kết,…
Thị trường bất động sản đóng băng
Thị trường bất động sản đóng băng được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế trong năm 2012, nó là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số hàng tồn kho tăng cao(2). Thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh hiện nay là kết quả của một thời gian dài giá bất động sản bị “thổi” lên cao hơn giá trị thực trên thị trường và sự chênh lệch cơ cấu các nhóm hàng hoá trên thị trường bất động sản.
Hâm nóng thị trường bất động sản là một trong những điều kiện để giảm hàng tồn kho, kích thích sản xuất và đồng thời giải quyết phần nào vấn đề của nợ xấu. Tuy nhiên, công việc này không phải dễ dàng. Nhiều nước trên thế giới đã gặp phải hiện tượng bong bóng bất động sản vỡ và phải mất một thời gian tương đối dài để phục hồi. Do đó, làm vỡ băng bất động sản đòi hỏi phải kiên trì, có chính sách thận trọng và có tầm nhìn dài hạn. Các chính sách kích thích vội vã, đặc biệt mang tính hành chính có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Lạm phát “khứ hồi”- nguy cơ hiện hữu
Tuy sức ép lạm phát đã giảm, song, bước sang năm 2013, nhiều giải pháp kinh tế nhằm kích thích tổng cầu và hoạt động sản xuất của nền kinh tế có thể làm cho lạm phát quay trở lại. Thứ nhất, lương tối thiểu đối với lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã,… đã tăng kể từ ngày 01-10-2013 kết hợp với dịp Tết Nguyên Đán có thể đẩy mức giá trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, trong khi đây là nhóm hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ hàng hoá để tính CPI.
Thứ hai, giá điện tăng sẽ gây sức ép lên chi phí hoạt động sản xuất, giá thành sản phẩm và giá bán hàng hoá trên thị trường. Giá điện, giá nhân công và giá xăng dầu nếu tăng sẽ là “cú sốc” mặt cung lên nền kinh tế, vừa làm cho lạm phát tăng cao, vừa làm cho tăng trưởng sản lượng giảm.
Thứ ba, năm 2012 hàng tồn kho, nợ xấu cao là những yếu tố ngăn chặn dòng tín dụng ra của nền kinh tế. Với quyết tâm rất cao của lãnh đạo các bộ, ngành nhằm giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho, tốc độ tín dụng có thể được cải thiện so với năm 2012, và với lãi suất của nền kinh tế được điều chỉnh thấp, tốc độ tín dụng có thể gia tăng mạnh, tạo sức ép lên chỉ số lạm phát vào năm 2013.
3- Những triển vọng và thông điệp chính sách cho năm 2013
Những triển vọng
Nền kinh tế năm 2013 chắc chắn sẽ có cả những gam màu sáng, tối xen kẽ nhau.
Thứ nhất, về các nhân tố bên ngoài: Bước sang năm 2013, nền kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục khó khăn. Mỹ chưa thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính do các chính sách kích cầu chưa phát huy nhiều tác dụng. Châu Âu vẫn lúng túng với vấn đề nợ công và cho đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang có tốc độ tăng trưởng suy giảm. Mặc dù, lãnh đạo một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang có nhiều kế hoạch kích hoạt nền kinh tế, nhưng sẽ không hy vọng đạt được kết quả ngay lập tức vào năm 2013.
Thứ hai, về các nhân tố nội tại: Bước sang năm 2013, nhiều vấn đề cũ trong nền kinh tế chắc chắn vẫn tồn tại và chưa dễ gì được cải thiện. Nếu quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng có định hướng rõ ràng và những bước đi tích cực, nó sẽ tạo dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi đó, đầu tư và tiêu dùng có thể tăng, đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Với mục tiêu đặt ra cho năm 2013 đối với 2 chỉ tiêu là tăng trưởng và lạm phát cũng ở mức vừa phải: tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,5% và tỷ lệ lạm phát vào khoảng 8%. Tốc độ tăng trưởng đặt ra so với thực hiện của năm 2012 chỉ cao hơn một chút, cho thấy Chính phủ đã dè dặt hơn trong việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng và hướng trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ ba, về các chính sách điều hành kinh tế: Việc Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23% sẽ kích thích đầu tư, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, Ngân hàng Nhà nước đều thể hiện quyết tâm rất mạnh và đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm cứu thị trường bất động sản. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm 10% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, áp dụng sớm 6 tháng so với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bắt đầu từ 01-07-2013; gia hạn VAT từ 1 tháng đến 3 tháng cho các doanh nghiệp bất động sản và vật liệu xây dựng; kiến nghị Quốc hội giảm 50% VAT đối với kinh doanh nhà ở xã hội,… Hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2013 sẽ tập trung xử lý khoảng 100 đến 150 nghìn tỷ đồng nợ trong bất động sản,... Các chính sách của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, giảm nợ xấu và khơi thông luồng vốn, điều này có thể sẽ làm ấm thị trường bất động sản vào cuối năm 2013.
Những thông điệp chính sách
Thứ nhất, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể kỳ vọng sẽ hoàn thành trong một sớm một chiều, mà nó là một quá trình dài hạn, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế vĩ mô ổn định, minh bạch và hiệu quả nên là mục tiêu hàng đầu của các chính sách kinh tế, vì nó sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng của nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Do đó, chính sách tiền tệ phải hướng tới mục tiêu kiềm chế và giữ lạm phát ở mức thấp. Bên cạnh đó, cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá phải nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tiến tới cân bằng ngân sách, các khoản đầu tư từ ngân sách cần phải có tính trọng điểm, tập trung và hiệu quả.
Thứ ba, quá trình hình thành các chính sách kinh tế cần có sự tham gia xây dựng và góp ý từ các tầng lớp xã hội như các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người lao động,… để cho chính sách được thiết kế mang trí tuệ tập thể và dễ dàng đi vào cuộc sống, phù hợp thực tại của xã hội./.
-------------------------------------------------------
(1) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/94816/bo truong cong thuong hang ton kho dang giam gia.html.
(2) Báo cáo của 58/63 địa phương cho thấy hiện tồn đọng 20.851 căn hộ chung cư, 5.176 căn thấp tầng, 1.890.667 m2 đất nền, 64.847 m2 văn phòng cho thuê, với tổng số vốn ước tính là 52.542 tỷ đồng. Theo số liệu của Quỹ Dragon Capital cho thấy, số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70.000 căn ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nếu trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi căn thì số vốn đang “chết” ở đây khoảng 140.000 tỷ đồng.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến 27-01-2013  (28/01/2013)
Từng bước tạo tiền đề để Xín Mần cùng với các địa phương trong tỉnh Hà Giang phát triển với vị thế của tỉnh địa đầu Tổ quốc  (27/01/2013)
Hà Nam cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng nông thôn mới  (27/01/2013)
Gặp mặt cán bộ cao cấp Quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội  (27/01/2013)
Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử”  (27/01/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên