Quảng Ninh đổi mới, hướng công tác dân vận về cơ sở, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác dân vận, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận; qua đó, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kế thừa những giá trị tinh hoa trong truyền thống văn hóa dân tộc, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo Người, “Dễ mười lần không dân cũng chịu,/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(1). Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, thể hiện ở những nội dung chính sau:
Thứ nhất, về công tác quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác dân vận.
Công tác quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến đến cấp xã, phường; các hội nghị, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, đoàn thể, các cuộc họp thôn, bản khu phố... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 2.978(2) hội nghị quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác dân vận, lồng ghép nội dung chuyên đề công tác dân vận tại các hội nghị và các buổi sinh hoạt chi bộ; phát huy hiệu quả cổng thông tin điện tử, các trang báo của tỉnh và các địa phương, đơn vị, các trang mạng xã hội, trang fanpage cộng đồng, hệ thống truyền thanh cấp xã để tuyên truyền, phố biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo biên tập, xây dựng tài liệu, đưa nội dung các văn bản chỉ đạo về công tác dân vận vào Bản tin sinh hoạt chi bộ và Bản tin Dân vận của tỉnh; Trung tâm Truyền thông tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đưa tin bài về việc thực hiện công tác dân vận trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến; nhiều địa phương đã quan tâm biên tập tài liệu tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để người dân tiếp cận được dễ dàng. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tranh thủ cốt cán tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng bản tại địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân vận; đồng thời, ban hành các văn bản cụ thể hóa, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình tại địa phương, đơn vị(3); gắn công tác dân vận với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và chương trình công tác hằng năm, xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 100% cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố và đảng bộ trực thuộc tỉnh đã ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tại địa phương, đơn vị; một số cấp ủy cấp huyện đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, quyết định về công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo với hình thức phù hợp. Ban dân vận các cấp đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác dân vận; hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; công tác dân vận được thực hiện ngày càng hiệu quả, thực chất, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân; tăng cường sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản trong chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc ta, những giá trị văn hóa truyền thống, thành quả và bài học kinh nghiệm lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đẩy mạnh tổ chức các chiến dịch truyền thông trên hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh; phát huy các nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tận dụng tốt môi trường không gian mạng và các trang mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân, lựa chọn nội dung tuyên truyền bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương lớn, mới, những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo, những vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm công dân. Thực hiện tốt phương châm “Tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đâu, nhân dân hưởng ứng”; phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân; đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp; ý thức chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, đề cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Những kết quả đạt được góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đồng thời, giữ gìn, không ngừng nâng tầm, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, hệ thống di tích lịch sử, tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị riêng của du lịch Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên bám sát cơ sở, dự báo và nắm chắc tình hình tư tưởng hội viên, đoàn viên và nhân dân, những vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền; cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong đoàn viên, hội viên và nhân dân trước những vấn đề nhân dân quan tâm; vận động nhân dân cảnh giác trước các tin, trang facebook cá nhân có luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để xây dựng các chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho phù hợp với thực tiễn. Nhiều chủ trương lớn, mô hình mới thí điểm, việc khó của tỉnh đã đạt được thành công nhờ sự thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới(4), xây dựng nếp sống văn minh; trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm(5), dự án động lực của tỉnh(6); phòng, chống đại dịch COVID-19; giảm nghèo bền vững, xóa 100% nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh; bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp(7); triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu, bản theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”, các mô hình tự quản, mô hình an ninh cơ sở ở khu dân cư(8)... Cả hệ thống chính trị của tỉnh chung tay bảo đảm công tác an sinh xã hội, huy động nguồn lực xã hội lớn để hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường, nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn(9); nổi bật, năm 2023 đã huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 441/441 nhà trong chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền, nguyên vật liệu, hiện vật và ngày công trị giá trên 37,497 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chương trình xóa toàn bộ nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; từ năm 2022 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên huy động nguồn lực xã hội hóa, không sử dụng ngân sách để thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo” và tổ chức trao quà Tết đồng loạt, bảo đảm không để ai không có Tết(10).
Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo. Duy trì nền nếp cấp ủy các cấp định kỳ tổ chức giao ban với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh. Cấp ủy các cấp định kỳ nghe Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp báo cáo kết quả hoạt động theo quy chế làm việc của cấp ủy; kịp thời chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ đối với ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các tổ chức; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là công tác cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường; giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc triển khai. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp chỉ đạo triển khai 1.016 cuộc kiểm tra, giám sát liên quan đến thực hiện công tác dân vận; trong đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai 15 cuộc(11); tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác dân vận; lồng ghép nội dung kiểm tra, giám sát về công tác dân vận với việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động hằng năm của cấp ủy; kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Lựa chọn nội dung, phương thức kiểm tra, giám sát bảo đảm sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, như việc chấp hành nghị quyết, chính sách, pháp luật, hoạt động thực thi của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức trong giải quyết kiến nghị của nhân dân; lĩnh vực đầu tư công, đất đai, xây dựng, thu chi ngân sách, tổ chức - cán bộ, kê khai tài sản, thu nhập... Thông qua kiểm tra, giám sát đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ ra những hạn chế để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy vai trò của công tác dân vận, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, qua đó tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ./.
-------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 280
(2) Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 10 hội nghị, cấp huyện 160 hội nghị, cấp xã 2.808 hội nghị.
(3) Từ năm 2020 đến nay, cấp ủy cấp huyện đã ban hành 2.199 văn bản, cấp ủy cấp xã ban hành 9.176 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
(4) Vận động nhân dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền, hiện vật trị giá 84,76 tỷ đồng; hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, các công trình công cộng, tham gia đóng góp hàng chục nghìn ngày công thực hiện các công trình trên địa bàn.
(5) Như: Chiến dịch “30 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh”; Chiến dịch cao điểm “150 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường ven sông tốc độ cao nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều”; Chiến dịch “15 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án Đường tỉnh 342 nối thành phố Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn”...
(6) Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường 10 làn ven sông Quảng Yên - Đông Triều...
(7) Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 99,95%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây.
(8) Nhân rộng và triển khai 2.236 mô hình khu dân cư an toàn giao thông, 11.797 mô hình an ninh nhân dân, tổ tự quản, mô hình bảo vệ môi trường...
(9) Với tổng kinh phí trị giá 157,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.513 ngôi nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ huyện Bình Liêu, Ba Chẽ xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh.
(10) Năm 2022: 210.421 suất quà với tổng trị giá trên 99 tỷ đồng; năm 2023: 115.041 suất quà với tổng trị giá 72,475 tỷ đồng; năm 2024: 81.161 suất quà với tổng trị giá 56,8 tỷ đồng.
(11) Cấp tỉnh 15 cuộc (7 cuộc kiểm tra, 8 cuộc giám sát); cấp huyện 97 cuộc (32 cuộc kiểm tra, 65 cuộc giám sát); cấp xã 904 cuộc (202 cuộc kiểm tra, 702 cuộc giám sát).
Phát huy giá trị văn hóa công nhân vùng đất mỏ trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh  (11/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm