TCCSĐT - Những hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo… khiến cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng dẫn đến chuyển lên các tuyến trên để khám chữa bệnh, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện và giảm bớt chi phí.

Trước những yêu cầu trong giai đoạn mới, y tế cơ sở đang đứng trước đòi hỏi phải đổi mới toàn diện để phát huy vai trò quan trọng của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thời gian trước đây, các trạm y tế ở Hà Nội luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu, người dân đến khám bệnh rất thưa thớt, nếu có thì chủ yếu là người ngoại tỉnh đến Hà Nội mưu sinh. Người dân thiếu tin tưởng đối với tuyến y tế cơ sở, nhiều người cho rằng, trạm y tế xã, phường “không có thì thiếu, có thì thừa”.

Bên cạnh những trạm y tế khang trang vẫn còn nhiều trạm y tế phường, xã chật hẹp, xập xệ, ẩn sâu trong các ngõ ngách… Trạm y tế thiếu trang thiết bị, không có phòng chuyên khoa. Dó đó bệnh nhân chủ yếu sau khi đã có bệnh án, đơn thuốc thì mang về trạm điều trị hoặc chỉ đến trạm để xin giấy khám sức khỏe hoàn thiện hồ sơ xin việc…

10 năm hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, hệ thống y tế cơ sở đã được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư, đạt được nhiều kết quả. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, trong 10 năm sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, kết quả nổi bật mà ngành Ytế Hà Nội đạt được trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân là công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Hệ thống y tế cơ sở Hà Nội ngày càng được củng cố, tăng cường và đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2008 đến hết 2017, thành phố Hà Nội có 24 bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện ở khu vực ngoại thành được xây dựng mới với tổng kinh phí 1.282 tỷ đồng; tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở của thành phố trên 2.135 tỷ đồng.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư kinh phí để xây dựng các trạm y tế thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã; xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo đúng mẫu thiết kế của Bộ Y tế cho 202 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Riêng năm 2017, thành phố, các huyện đã đầu tư xây dựng với kinh phí trên 150 tỷ đồng cho 23 xã chưa đạt chuẩn để đảm bảo 100% các xã có cơ sở vật chất trạm y tế đảm bảo.

Kết quả của sự đầu tư trên thể hiện rõ nhất qua số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100%...

Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao. Hiện nay, 100% bệnh viện huyện đã thực hiện mổ nội soi, nhiều bệnh viện thực hiện được mổ sọ não… Nhờ đó, số bệnh nhân nội trú vượt tuyến, chuyển tuyến lên tuyến trên có xu hướng giảm đáng kể.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường...

Nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng.

Trước năm 2008, các trạm y tế xã chưa thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chỉ thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và khám cấp thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, 100% trạm y tế xã đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các trạm y tế xã đã thu hút được người bệnh đến khám tại trạm, có trạm trung bình có đến 30 - 50 bệnh nhân/ngày.

Ngoài ra, tất cả các chương trình y tế theo định hướng của Bộ Y tế đều được triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Các chỉ tiêu chuyên môn từng chương trình đạt và vượt mức thành phố giao.

Trong công tác phòng chống dịch, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã luôn chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, không để xảy ra ổ dịch lớn. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%.

Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực về y tế cơ sở có đủ 5 thành phần gồm bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, y sĩ y học cổ truyền và dược, thành phố đã tạo điều kiện cho cán bộ y tế có trình độ trung cấp học liên thông lên đại học và học chuyển đổi y học cổ truyền và dược sỹ trung học. Từ năm 2008 đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã cử 224 cán bộ là y sĩ đa khoa, y sĩ đông y đi học chuyên tu lên bác sĩ.

Tại Hội nghị trực tuyến 'Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở" do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, y tế cơ sở hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng. Nguyên nhân là do những hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo… Những hạn chế trên khiến cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng dẫn đến chuyển lên các tuyến trên để khám chữa bệnh, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Ngoài những khó khăn chung này, Hà Nội đang tiến tới triển khai việc tự chủ hoàn toàn về tài chính tại tất cả các bệnh viện công lập, trừ những đơn vị y tế đặc thù. Đây là một thách thức lớn đối với y tế cơ sở, khi đang quen sống dựa vào ngân sách, việc chuyển sang tự chủ, đứng vững trong nền kinh tế thị trường là điều không dễ dàng.

Với định hướng tiếp tục đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội đặt mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn theo hướng toàn diện, liên tục; phối hợp, lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở, chất lượng chuẩn quốc gia y tế; rà soát phòng khám đa khoa và trạm y tế để điều chỉnh, sắp xếp công năng phù hợp phát huy hiệu quả hoạt động./.