Đồng chí Hoàng Văn Thụ - tấm gương sáng của đạo đức cách mạng

Dương Minh Huệ
TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
23:55, ngày 15-11-2019

TCCS - Đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 - 4-11-2019) - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của mảnh đất xứ Lạng đã trọn đời cống hiến cho Đảng, cho dân tộc. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ không ham danh lợi, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ_Ảnh: TTXVN

Những cống hiến đối với Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh tại Nhân Lý, châu Văn Uyên (huyện Văn Lãng ngày nay), tỉnh Lạng Sơn, là con thứ 3 trong số 4 người con của gia đình nông dân, bố là Hoàng Khải Lan, mẹ là Hà Thị Mùi. Từ năm 1923, ông theo học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn. Những năm đầu thế kỷ XX, ở miền đất xứ Lạng, trong số những thanh niên người Tày sớm giác ngộ cách mạng, nhờ được tiếp xúc các tài liệu tuyên truyền và báo chí của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri. Hai học sinh Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri đều học giỏi các môn Toán, Quốc ngữ, Pháp văn; các bài kiểm tra thường đều được phê là “bien” (tốt) hoặc “très bien” (rất tốt). Hai thanh niên dân tộc Tày cùng một số bạn thân cùng chí hướng, lập nhóm thanh niên yêu nước, tổ chức hội họp bí mật, trao đổi sách báo mang tư tưởng tiến bộ khi đó, do các tổ chức cách mạng tuyên truyền.

Những thanh niên yêu nước này đã tích cực tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và đám tang cụ Phan Chu Trinh, do các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức tại Lạng Sơn. Do nhiệt tình cách mạng thôi thúc, vào cuối năm 1927, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri bí mật lên đường bắt liên lạc với tổ chức cách mạng. Sau 1 năm vừa học tập lý luận vừa hoạt động thực tiễn, đến cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được giao nhiệm vụ vận động cách mạng trên vùng biên giới Việt - Trung. Đầu năm 1929, những thanh niên này đã học nghề, làm việc và vận động cách mạng tại một xưởng máy của ông Vi Nam Sơn ở Long Châu, sau chuyển về Nam Ninh. Cũng thời gian này, với tên mới là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ xin vào làm việc trong “tu sở giới” (là công binh xưởng ở Long Châu), tìm hiểu đời sống công nhân, đồng thời nhận thêm việc làm ngoài giờ để lấy tiền cho quỹ hoạt động cách mạng. Tháng 12-1929, đồng chí Lê Hồng Sơn kết nạp Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư Chi bộ Long Châu. Chi bộ Long Châu “được giao nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước sang dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động” (1).

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), chi bộ đảng chỉ đạo vùng núi biên giới Cao - Bắc - Lạng được thành lập, gồm Hoàng Đình Giong (giữ chức bí thư), Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn, với nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là bắt mối, gây dựng các tổ chức cách mạng ở 2 tỉnh giáp biên giới là Cao Bằng và Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn, bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay thuộc huyện Cao Lộc).

Đến cuối năm 1931, với sự giúp đỡ của các quần chúng tích cực như Mã Khánh Phương, Kèn Chang, Khì Chang, hơn 30 quần chúng đã được giác ngộ, lập thành 10 tổ quần chúng trung kiên. Ngọn lửa cách mạng lan dần vào các xã bên trong biên giới như Tân Yên (nay là xã Tân Mỹ) và Thuỵ Hùng (nay là xã Thuỵ Hùng A), đến năm 1932 có thêm 9 tổ chức quần chúng trung kiên được thành lập với 27 tổ viên. Địa bàn cách mạng bí mật được hình thành, có đường dây đi lại giữa 2 vùng biên giới. Những lớp huấn luyện chính trị cho quần chúng được tổ chức với nội dung đơn giản, thời gian ngắn, nhưng góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Qua huấn luyện, quần chúng được trang bị phương pháp hoạt động bí mật và biện pháp đối phó tích cực đối với âm mưu đàn áp của kẻ thù. Để khích lệ lòng yêu nước trong quần chúng nhân dân địa phương, Hoàng Văn Thụ còn sử dụng hình thức văn hóa dân gian phổ biến được nhân dân trong vùng ưa thích, đó là sáng tác nhiều bài sli cách mạng có sức sống trong đời sống xã hội, trong số đó có bài “Tèo tàng cách mệnh” (Con đường cách mạng) còn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp, thành lập chi bộ đảng ở Thuỵ Hùng, do chính đồng chí làm bí thư. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là chi bộ đảng đầu tiên ở Lạng Sơn. Do vậy, không chỉ có trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng ở Văn Uyên, Chi bộ Thuỵ Hùng còn đảm nhận vai trò làm nòng cốt chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên địa bàn Lạng Sơn. Giữa năm 1934, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Chi bộ Thụy Hùng. Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp tiến hành khủng bố khốc liệt, hàng loạt cơ sở bị “vỡ”, nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị giết hoặc bị bắt giam. Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới, là cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao - Bắc - Lạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp về Bắc Sơn vào giữa năm 1936. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều cơ sở quần chúng trung kiên đã được xây dựng ở Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Sơn, Hững Vũ trực tiếp bồi dưỡng và kết nạp đảng viên. Ngày 25-9-1936, chi bộ đảng đầu tiên ở Bắc Sơn, gồm 4 đảng viên được thành lập tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng. Từ năm 1936, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, các cơ sở quần chúng ở Tràng Định được củng cố, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Những lớp dạy chữ quốc ngữ được tổ chức ở Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương) được kết hợp với tuyên truyền, giải thích chủ trương đấu tranh cách mạng của Đảng. Tại thôn Nà Han, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp giác ngộ quần chúng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Tràng Định, vào ngày 11-4-1938. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII, họp từ ngày 6 đến 8-11-1940 tại Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo việc duy trì phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, tháng 5-1941, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác mặt trận và binh vận. Ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt ở khu Tám Mái (Hà Nội), sau đó bị thực dân Pháp giết hại ngày 24-5-1944 tại Trường bắn Tương Mai (Hà Nội).

Nêu gương sáng về đạo đức cách mạng

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Ðồng chí để lại những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Ðảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Trong bài Ðạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (2). Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường của giai cấp công nhân. Ngay từ khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với lập trường của người yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm tham gia hưởng ứng các cuộc vận động do tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động. Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn trong nước và nước ngoài. Khi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, vững tin vào thắng lợi của cách mạng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng nhân dân, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội. Trong những tháng ngày hoạt động tại Long Châu (Trung Quốc), “anh phải vượt biết bao nhiêu khó khăn, sống những ngày thiếu thốn nhất để tiếp tục hoạt động cách mạng. Có lần đi xa, dọc đường anh phải đóng vai bán thuốc cao để kiếm tiền lộ phí và thậm chí phải đi xin ăn” (3).

Năm 1930, khi vào học làm thợ ở Nhà máy cơ khí Nam Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc), lương của thợ máy phải tằn tiện lắm mới đủ sống, ban ngày làm trong nhà máy, ban đêm làm thêm bên ngoài, đồng chí Hoàng Văn Thụ không quản khó khăn, bước vào đời sống thợ thuyền và trở thành thợ máy lành nghề. Những năm 1940 - 1941, cơ sở của Đảng bị khủng bố, bị “vỡ” nhiều nơi, Hoàng Văn Thụ cùng với đồng chí Trường Chinh phải đi chắp mối hết tỉnh này đến tỉnh khác, lúc ấy “anh chỉ còn đôi guốc mẻ, chiếc ô rách, ngày đi lang thang, đêm ngủ ngoài đồng, lắm lúc trong túi chỉ còn vài xu, phải ăn bánh đúc trừ bữa” (4).

Mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, lại bị kẻ thù theo dõi gắt gao, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng giao phó. Ngay sau khi Chi bộ Long Châu được thành lập, đồng chí được phân công gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn, bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay thuộc huyện Cao Lộc). Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố khốc liệt, hàng loạt cơ sở bị phá vỡ, nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị giết hoặc bị bắt giam. Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới, là cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao - Bắc - Lạng, Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp về Bắc Sơn vào giữa năm 1936.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn gần gũi, hòa đồng với quần chúng, đặt niềm tin mãnh liệt vào quần chúng nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể. Ðồng chí đã trực tiếp giác ngộ, vận động quần chúng, đóng góp tích cực trong việc thành lập các chi bộ đảng và phát triển  tổ chức đảng ở các Ðảng bộ Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều tổ chức cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Ðồng chí đề ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo việc duy trì, phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai.

Trong những ngày hoạt động cách mạng tại Hà Đông, “đối với những gia đình anh ở, anh chăm lo như người trong nhà, gặp người còn thói hư, tật xấu, rượu chè, cờ bạc, đánh vợ,… anh hết lòng cảm hóa. Đối với địa phương bảo vệ anh, anh tận tình giúp đỡ, ngoài việc họp với chi bộ bàn bạc giải quyết công việc, anh thường tranh thủ mọi hoàn cảnh tổ chức nói chuyện chính trị cho quần chúng nghe” (5). Những nơi đồng chí đến sống và hoạt động đều để lại những tình cảm gắn bó yêu thương, được nhân dân yêu mến và gọi tên quen thuộc như đồng chí Bảy, anh Lý.

Trong những ngày tháng gian khổ hoạt động cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng tin Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng để giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn được quần chúng tin yêu và chính đồng chí cũng là người luôn tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng. Mỗi lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, khi kẻ thù khủng bố ác liệt, đồng chí đều khẳng định: “Chúng ta không lo. Cách mạng đã thấm sâu vào quần chúng rồi. Quân địch cố nhiên không để cho chúng ta yên, nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ những người lãnh đạo chúng ta xa quần chúng, không sợ quần chúng xa chúng ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc ấy quần chúng lại che chở cho chúng ta và phong trào lại đi lên” (6). Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cách mạng phải biết tin yêu đồng chí, đồng bào, đồng thời cũng làm cho quần chúng nhân tin vào Đảng, tự nguyện đi theo Đảng làm cách mạng.

Ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man, bị khép tội tử hình, nhưng chúng không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của đồng chí. Ðồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Ðảng “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Trong xà lim, án chém, biết mình không qua khỏi dưới mũi súng quân thù, nhưng đồng chí vẫn tìm mọi cách hiến dâng những giờ phút còn lại của cuộc đời cho cách mạng: “Anh trau dồi lý luận cách mạng, kinh nghiệm đấu tranh và đạo đức cộng sản cho các đồng chí ở gần anh. Anh mở cuộc tranh luận với một số thủ lĩnh Đại Việt ở trong tù làm cho họ thấy được chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật Pháp do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo” (7).

Trong nhà giam Hỏa Lò, nhiều anh em tù chính trị bày tỏ sự thương mến, kính phục. Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn động viên anh em hãy lạc quan, hy sinh, phấn đấu hết mình, không băn khoăn, nuối tiếc: “Năm nay tôi 38 tuổi. Hơn 20 năm đấu tranh cách mạng, đến đây, tôi thấy rằng đã tận tâm, tận lực với Đảng, với dân tộc. Dù có chết tôi cũng an tâm” (8). Sáng sớm ngày 24-5-1944, trên đường đi ra pháp trường xử bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ hiên ngang trước quân thù, dõng dạc hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Hình ảnh hiên ngang của đồng chí trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản anh hùng ca về bản lĩnh, ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất./.

---------------------------------

(1) Hoàng Văn Thụ: Người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Lạng Sơn, Nxb. Lạng Sơn, 1984, tr. 12
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 9, tr. 284
(3) Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng - Văn - Thụ người chiến sĩ cộng sản gang thép, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tháng 5-1964, tr. 6
(4) Đảng Lao động Việt Nam: sđd, tr. 11
(5) Đảng Lao động Việt Nam: sđd, tr. 8
(6) Đảng Lao động Việt Nam: sđd, tr. 11
(7) Đảng Lao động Việt Nam: sđd, tr. 15
(8) Trần Đăng Ninh: Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1965, tr. 8