Thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Phí Hùng Cường(*), Lê Thanh Bình(**) (*) TS, (**) ThS, Học viện Dân tộc
22:58, ngày 02-10-2018

TCCS - Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX chỉ rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam” (1). Để thực hiện thành công các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng luôn được xem là một khâu then chốt, trọng yếu và có tính quyết định.

Thực trạng thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2)... “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(3). Với vai trò hết sức to lớn và quan trọng của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ này thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đảng ta chủ trương: “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương”(4), đồng thời “có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp huyện là người dân tộc thiểu số;... sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào dân tộc thiểu số làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở”(5). Tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, ngày 15-3-2010 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, ngày 12-02-2012, của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã có những quy định ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số trong đào tạo, sử dụng. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”(6). Ngoài ra, còn có nhiều văn bản được ban hành về chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học để đạt chuẩn chức danh, từng bước đáp ứng và nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động gắn liền nội dung tiến độ công việc, lộ trình thực hiện. Theo đó, tạo điều kiện cho cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý... Sau khi hoàn thành các khóa học, đội ngũ cán bộ được xem xét, bố trí vào những vị trí, chức danh phù hợp, phát huy kiến thức đã học, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.

Nhờ triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số nên số lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Tính “đến hết năm 2015, cả nước có 68.781 biên chế là người dân tộc thiểu số trên tổng số 588.453 biên chế, chiếm tỷ lệ 11,68%”(7). Cùng với việc tăng về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được tăng lên.Theo kết quả báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc tại các bộ, ngành và 36 địa phương “số cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo về chuyên môn có 17.598 người (toàn quốc là 374.263 người), chiếm tỷ lệ 4,7%; đào tạo về lý luận chính trị: 14.381 người (toàn quốc là 476.225 người), chiếm tỷ lệ 3%; đào tạo về quản lý nhà nước: 7.368 người (toàn quốc là 77.927 người), chiếm tỷ lệ 9,45%; đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ: 35.457 người (toàn quốc là 415.867 người), chiếm tỷ lệ 8,52%; đào tạo, bồi dưỡng khác: 36.648 người (toàn quốc là 219.940 người), chiếm tỷ lệ 16,67%; đào tạo ở nước ngoài: 99 người (toàn quốc là 2.989 người), chiếm tỷ lệ 3,3%”(8). Với việc tăng lên về số lượng, gia tăng về chất lượng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số cũng còn một số hạn chế, yếu kém nhất định, dẫn đến tình trạng “số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp nhiều nơi còn rất thấp so với tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số trên địa bàn, thậm chí có tỉnh chưa bằng 1/2 so với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số chưa đồng đều ở các cấp, giữa các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các ngành... Càng ở cấp cao, số lượng, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số càng thấp (tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Trung ương chỉ chiếm 5%,). Cả 5 tỉnh ở Tây Nguyên, dân tộc thiểu số chiếm thấp nhất là Lâm Đồng 22%, còn lại trên 35% và hơn 50% (Kon Tum 55%) nhưng cán bộ người dân tộc thiểu số của các tỉnh này chỉ đạt cao nhất không quá 15%”(9). Ở một số tỉnh, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số rất thấp, như Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Phú Yên, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế cán bộ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 0,5%(10). Thậm chí tại cùng một địa phương, còn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa các nhóm ngườidân tộc thiểu số trong đội ngũ cán bộ, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các dân tộc thiểu số khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số).

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là cán bộ cơ sở. Hiện nay, “Đội ngũ công chức cấp xã cả nước có 111.496 người. Trong đó, số công chức người dân tộc thiểu số là 17.728 người (chiếm 15,90%), số công chức nữ: 28.097 người (chiếm 25,20%). Về trình độ chuyên môn có 8.507 công chức (chiếm 7,63%) chưa qua đào tạo chuyên môn; công chức có trình độ sơ cấp là 2.409 người (chiếm 2,16%); trung cấp: 66.251 người (chiếm 59,42%); cao đẳng: 6.790 người (chiếm 6,09%) và trình độ đại học: 27.539 người (chiếm 24,7%). Về trình độ lý luận chính trị, số công chức chưa qua đào tạo là 46.082 người (chiếm 41,33%); trình độ sơ cấp: 23.481 người (chiếm 21,06%); trung cấp: 41.119 người (chiếm 36,88%); cao cấp: 814 người (chiếm 0,73%)”(11).

Những hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế. Ở một số chuyên ngành thiếu cán bộ nhưng không có nguồn để tuyển dụng (bác sĩ, kinh tế, kỹ thuật...); chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng, đặc cách đối với đối tượng thuộc các dân tộc thiểu số ít người; tình trạng sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm, gây áp lực lớn cho công tác tuyển dụng trong các cơ quan, đơn vị ở các địa phương; kinh phí, chỉ tiêu, cho việc thu hút, tuyển dụng cán bộ giỏi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; việc phát triển nguồn nhân lực từ sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc và miền núi còn thấp nên năng lực, trình độ của một số cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành thiếu thống nhất nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Một số giải pháp nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thời gian tới, cần thực hiện tốt và đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ dân tộc thiểu số. Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ. Nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phù hợp đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ.

Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, cần tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số liên thông từ bậc phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học đến đại học và sau đại học.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng theo các nghị quyết, quyết định, đề án của Đảng, Nhà nước đã được ban hành trong thời gian qua, cần thực hiện tốt Thông tư số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT, ngày 11-9-2014, của Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đặc biệt là thực hiện tốt những mục tiêu, giải pháp theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, như cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường đào tạo cán bộ chính trị. Điều quan trọng nhất là phải đào tạo theo chiến lược phát triển ngành, địa phương và từng dân tộc, theo quy hoạch đào tạo cán bộ. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan sử dụng cán bộ với cơ sở đào tạo. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là xác định rõ nhu cầu đào tạo đối với từng đối tượng cán bộ để có kế hoạch đào tạo cụ thể.

Ba là, phát triển mạnh mẽ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong những năm qua, ngoài một số địa phương có tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số cao, gần tương ứng với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số, như: Bắc Kạn (86%), Hà Giang (57%), Hòa Bình (52%), Tuyên Quang, Lai Châu (38%), Thanh Hóa (30%)..., hầu hết các tỉnh còn lại tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ dân số là dân tộc thiểu số có mặt trên địa bàn, như Điện Biên có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 30% so với tổng số cán bộ, công chức của tỉnh, trong khi tỷ lệ dân tộc thiểu số của tỉnh là 80,1%, các tỉnh khác, gồm Đắc Lắc là 13% so với 31%, Đắc Nông 9% so với 32,4%, Trà Vinh 18% so với 31,5%...”(12).

Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện theo đúng cơ cấu: “Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh tối thiểu là 3% đến 20% trên tổng biên chế được giao, tùy thuộc vào tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số của tỉnh. Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện tối thiểu là 5% đến 35% trên tổng biên chế được giao, tùy thuộc vào tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số của huyện. Đối với xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã tối thiểu là 10% đến 50% trên tổng biên chế được giao”(13).

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến cử tuyển. Tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục với tính liên tục, liên thông giữa các bậc học. Điều chỉnh, quy định cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh người dân tộc thiểu số của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tạo nguồn cán bộ và phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Tạo sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền cử với cơ quan có trách nhiệm đào tạo, xem xét, tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường nhằm bảo đảm việc triển khai có hiệu quả. Lồng ghép giữa đào tạo văn hóa với đào tạo kiến thức chuyên biệt quản lý, lãnh đạo đối với các đối tượng dự nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nguồn cán bộ, vừa bảo đảm tính thống nhất quốc gia, vừa phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số.

Năm là, triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số sẽ động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi, nâng cao năng lực về mọi mặt. Cần có chương trình đào tạo trí thức, nhân tài cho đồng bào dân tộc thiểu số; đưa những thanh niên ưu tú dân tộc thiểu số đi học tập ở nước ngoài, tiếp cận được công nghệ mới, kiến thức mới phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách tiếp nhận, tuyển dụng đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số, phù hợp với từng địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Tóm lại, để thu hút, tuyển dụng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trong thời gian tới cần thực hiện tốt và đồng bộ một số giải pháp trên, bởi đó không chỉ là việc thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số mà còn đáp ứng yêu cầu chiến lược công tác dân tộc cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

----------------------------------------------------

(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 77
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 273, 269
(4)Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Hà Nội, 2003, tr. 36
(5) Quyết định số 122/2003-QĐ-TTg, ngày 12-6-2003, của Thủ tướng Chính phủ Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013): Điều 5 (Khoản 4),
http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=28814
(7) Võ Thị Tuyết Thu: Định hướng và những giải pháp xây dựng, hoàn thiện chính sách quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện chính sách pháp luật giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với Hiến pháp, Hà Nội, 2016
(8) Báo cáo số 840/BC-HĐDT13, ngày 5-1-2014, của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII về Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đến năm 2013”
(9) Báo cáo số 840/BC-HĐDT13 của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII đã dẫn
(10) Mạnh Quang: Giải pháp về chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, Tạp chí Mặt trận, số tháng 2-2012
(11) Trần Thị Hạnh: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa IX và một số kiến nghị, http://www.tapchicongsan.org.vn
(12) Bộ Nội vụ: Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới (Đề án 402), Hà Nội, 2015
(13) Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới