Các cơ chế hợp tác ở khu vực Mê Công và sự tham gia của Việt Nam
TCCS - Trong hơn hai thập niên qua, đặc biệt là những năm gần đây, hợp tác ở khu vực lưu vực sông Mê Công ngày càng trở nên sôi động với sự đan xen của nhiều cơ chế khác nhau. Trong những tháng đầu năm 2018, hàng loạt các hội nghị cấp cao liên quan đến tiểu vùng này đã diễn ra, bao gồm Hội nghị Cấp cao Mê Công - Lan Thương (tháng 1, tại Cam-pu-chia), Hội nghị Cấp cao Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia (tháng 3, tại Việt Nam), Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công (tháng 4, tại Cam-pu-chia). Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng vào sự thành công của các hội nghị này, trong đó có vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và Hội nghị Cấp cao tam giác phát triển.
Tính đa dạng và đan xen của các cơ chế hợp tác
Hiện nay, trong khu vực sông Mê Công có khoảng 15 cơ chế hợp tác và được chia thành hai nhóm: nhóm các cơ chế nội khối (hợp tác giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Công) và nhóm các cơ chế hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mê Công với các đối tác bên ngoài.
Nhóm các cơ chế nội khối:
Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission - MRC): Ngày 05-4-1995, các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký “Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công” (gọi tắt là Hiệp định Mê Công 1995). Theo đó, MRC được thành lập, mở ra một giai đoạn mới cho các hoạt động hợp tác, phát triển bền vững khu vực sông Mê Công. Trong các cơ chế hợp tác hiện hữu ở khu vực sông Mê Công, có thể nói MRC là tổ chức có vai trò đặc thù nhất và khó có thể thay thế. Với Hiệp định sông Mê Công, MRC là tổ chức duy nhất tại khu vực có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý. Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác với các quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước. Hội nghị Cấp cao MRC lần thứ 3 diễn ra tại Xiêm Riệp (Cam-pu-chia) vào tháng 4-2018, với chủ đề “Một Mê Công, một tinh thần chung” đã ra Tuyên bố Phnôm-pênh, trong đó nhắc lại cam kết chính trị ở cấp cao nhất của các quốc gia thành viên đối với Hiệp định Mê Công 1995 và khẳng định vai trò đặc thù của MRC trong hợp tác phát triển bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên liên quan tại lưu vực sông Mê Công.
Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS): Chương trình hợp tác GMS được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bao gồm sáu thành viên: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và hai tỉnh tự trị của Trung Quốc (Quảng Tây và Vân Nam). Các thành viên GMS đã thông qua các dự án hợp tác lớn cho từng vùng, tuyến hành lang kinh tế, như Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC)... và đưa ra mười lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn và phát triển đô thị dọc các hành lang kinh tế. Kết nối kết cấu hạ tầng là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và trên thực tế là lĩnh vực nổi bật nhất, thu được nhiều thành tựu quan trọng nhất trong khuôn khổ GMS trong hơn hai thập niên qua(1). Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 (tháng 3-2018, tại Hà Nội) đã thông qua Khung đầu tư tiểu vùng đến năm 2022 với danh sách hơn 222 dự án cụ thể, có quy mô khoảng 65 tỷ USD, đồng thời thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022 và một số văn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác trong 5 năm tới, bao gồm thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay.
Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC): Ý tưởng hợp tác Mê Công - Lan Thương với sự tham gia của sáu nước ven sông (Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Trung Quốc trong thời gian gần đây, cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) được chính thức thành lập tại cuộc họp Lãnh đạo cấp cao MLC lần thứ nhất tại Tam Á (Trung Quốc) vào ngày 23-3-2016. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tam Á về Hợp tác Mê Công - Lan Thương. Với Tuyên bố này, các nước lưu vực sông Mê Công xác định khuôn khổ hợp tác “3 + 5”, tức là hợp tác trên 3 trụ cột về chính trị và an ninh, kinh tế và xã hội, phát triển bền vững và nhân văn, với 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói, giảm nghèo(2).
Mặc dù mới hoạt động trong hai năm nhưng hợp tác trong khuôn khổ MLC đã đạt được một số kết quả thực chất, như hoàn thành tất cả 45 dự án thu hoạch sớm trong cả năm phương hướng ưu tiên nói trên. Về mặt tài chính, Trung Quốc đã cam kết chi 11,54 tỷ USD cho các khoản vay ưu đãi và tín dụng, trong đó 1,54 tỷ USD bằng đồng nhân dân tệ. Đáng chú ý là Hợp tác Mê Công - Lan Thương đã được thể chế hóa rất cao với việc tổ chức hội nghị lãnh đạo cấp cao hai năm một lần, hội nghị bộ trưởng ngoại giao và cấp SOM tổ chức hằng năm. Các nước thành viên cũng thành lập Ban Thư ký cấp quốc gia về Hợp tác Mê Công - Lan Thương trong năm 2017(3).
Hội nghị Cấp cao Mê Công - Lan Thương lần thứ hai tại Phnôm-pênh (10-01-2018) đã thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung Phnôm-pênh và Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 - 2022. Các văn kiện khẳng định giai đoạn 2018 - 2019 là giai đoạn “tạo lập nền tảng” thúc đẩy hợp tác theo các lĩnh vực và tập trung vào các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Giai đoạn 2020 - 2022 là giai đoạn củng cố và mở rộng, theo đó, các nước thành viên sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong năm lĩnh vực ưu tiên của MLC, đồng thời có thể tìm kiếm khả năng mở rộng hợp tác. Hội nghị cũng ghi nhận danh sách 214 đề xuất dự án và báo cáo của sáu nhóm công tác chuyên ngành.
Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia (CLV): Sáng kiến Tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia được Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam lần thứ nhất tại Viêng Chăn vào năm 1999. Mục tiêu của Tam giác phát triển CLV là phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định, an ninh của cả ba nước. Việc hợp tác tập trung vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, thương mại, đầu tư và đào tạo.
Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 10 tại Hà Nội đã thông qua Tuyên bố chung về hợp tác CLV, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, ứng phó với các thách thức chung. Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, Hội nghị đã nhất trí từng bước mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV hướng tới bao trùm toàn bộ ba quốc gia. Để khởi động quá trình này, các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030, bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về kết cấu hạ tầng, thể chế và kinh tế và giao lưu nhân dân.
Hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV): Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất được tổ chức vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (tháng 11-2004) tại Viêng Chăn. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Viêng Chăn về “Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV”, khẳng định quyết tâm của các nước CLMV tăng cường hợp tác kinh tế với nhau và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công, ASEAN và khu vực. Lĩnh vực hợp tác của khuôn khổ CLMV bao gồm: thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông A-y-e-y-a-oa-đi - Chao Pray-a - Mê Công (ACMECS): ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm năm nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam, được thành lập vào tháng 11-2003 tại Hội nghị cấp cao Ba-gan do Thái Lan đề xuất. ACMECS có bảy lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại - đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp - năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế. ACMECS đã thành lập bảy nhóm công tác tương ứng với các lĩnh vực hợp tác nêu trên. Mỗi nước ACMECS điều phối ít nhất 1 lĩnh vực hợp tác, trong đó Thái Lan điều phối hai lĩnh vực là thương mại - đầu tư và y tế; Việt Nam điều phối hai lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp - năng lượng; Cam-pu-chia điều phối hợp tác du lịch; Lào điều phối hợp tác giao thông; Mi-an-ma điều phối nông nghiệp.
Sáng kiến liên kết ASEAN: Nhằm tăng cường liên kết ASEAN với hợp tác GMS, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 1995 đã thành lập chương trình Hợp tác phát triển Mê Công - ASEAN (AMBDC), với trụ cột chính là xây dựng một hành lang đường sắt từ Xin-ga-po đến Côn Minh, Vân Nam qua bán đảo Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Lào, phân nhánh đến Cam-pu-chia và Mi-an-ma. Chương trình được xem như một cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì sự phát triển của sông Mê Công và là một diễn đàn đối thoại chính sách với ASEAN và Trung Quốc nhằm củng cố phát triển kinh tế tiểu vùng và hợp tác xóa đói, giảm nghèo(4).
Nhóm cơ chế hợp tác với các nước đối tác ngoài khu vực:
Hợp tác Mê Công - Nhật Bản: Khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản được đưa ra vào năm 2007, triển khai trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước sông Mê Công... Một số sáng kiến hợp tác đáng chú ý bao gồm: “Kế hoạch hành động 63 chương trình hợp tác Nhật Bản - Mê Công”, với hai trọng tâm là Sáng kiến Mê Công xanh và Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghiệp Mê Công - Nhật Bản. Nhiều dự án quan trọng đã và đang được triển khai trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, môi trường, giao lưu văn hoá và hợp tác công tư. Đặc biệt, Sáng kiến Mê Công xanh hướng tới đẩy mạnh hợp tác đa dạng sinh học về quản lý nguồn nước, giải quyết khẩn cấp vấn đề môi trường liên quan tới sự phát triển vùng. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Nhật Bản cam kết gia tăng viện trợ ODA lên tới 750 tỷ yên Nhật (tăng 150 tỷ yên so với giai đoạn trước) cho lưu vực sông Mê Công nhằm thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực trên bốn trụ cột: phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, nguồn lực công nghiệp, phát triển bền vững và phối hợp chính sách với các bên có liên quan(5).
Hợp tác Mê Công - Hoa Kỳ: Năm 2009 đánh dấu sự trở lại của Hoa Kỳ tại khu vực sông Mê Công(6) với Sáng kiến lưu vực sông Mê Công (LMI) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma (Mi-an-ma chính thức tham gia vào năm 2012). Các nước thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển kết cấu hạ tầng. Đến nay, LMI đã và đang triển khai một số sáng kiến và hoạt động hợp tác nổi bật sau: Kết nghĩa giữa Ủy hội Mê Công và Ủy hội sông Mi-xi-xi-pi nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa hai bên; Chương trình “Dự báo Mê Công” và các hợp tác môi trường nhằm xây dựng các trạm quan trắc tự động để theo dõi về biến đổi khí hậu tại tiểu vùng; Hỗ trợ trao đổi học thuật và chuyên gia đến lưu vực hằng năm. Bên cạnh LMI, các nước cũng đã thành lập cơ chế hợp tác giữa các nước LMI và những người bạn (FLM), với Hội nghị Bộ trưởng FLM lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 7-2011, gồm các nước LMI với Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Niu Di-lân, ADB và Ngân hàng Thế giới (WB).
Hợp tác sông Mê Công - Ấn Độ: Triển khai chính sách hướng Đông từ năm 1989, Ấn Độ đã tích cực tăng cường hợp tác với khu vực Mê Công và ASEAN. Đến năm 2000, hợp tác Mê Công - sông Hằng (GMC) được thông qua tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao sáu nước Cam-pu-chia, Ấn Độ, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu của MGC là củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước thuộc lưu vực sông Mê Công và sông Hằng thông qua bốn lĩnh vực hợp tác chính là du lịch, văn hoá, giáo dục và kết nối giao thông.
Bên cạnh các cơ chế trên, khu vực Mê Công còn có cơ chế Mê Công - Hàn Quốc, Mê Công - Thuỵ Sĩ... Tuy nhiên mức độ hợp tác chưa đáng kể.
Có thể nói, hợp tác khu vực sông Mê Công đã có những thay đổi to lớn cả về chất và lượng, thực sự trở thành một cấu phần quan trọng trong tiến trình hội nhập và kết nối khu vực. Thông qua các cơ chế này, các nước ven sông ngày càng có điều kiện cải thiện, xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, quản lý bền vững nguồn nước và nâng cao đời sống của người dân ven sông. Các chương trình, dự án đã giúp bảo vệ và phát triển tài nguyên nước sông Mê Công theo hướng bền vững, phục vụ cho lợi ích của trên 60 triệu dân trong lưu vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới. Các dự án kết nối không chỉ giúp cho các nước trong tiểu vùng, mà còn giúp tiểu khu vực này kết nối với các trung tâm kinh tế phát triển mạnh mẽ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Bên cạnh những thuận lợi, hợp tác tiểu vùng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Dễ nhận thấy là các nước trong tiểu vùng (trừ Trung Quốc) đều có năng lực kinh tế hạn chế, còn trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, năng lực thực thi và triển khai các dự án cũng còn chậm và thiếu hiệu quả. Hiệu quả của các cơ chế với đối tác ngoài khu vực còn chưa đồng đều. Tuy nhiên, có thể nói thách thức lớn nhất đối với các nước là hiện nay có quá nhiều cơ chế hợp tác chồng chéo, nhiều nội dung hợp tác trùng lặp, có những cơ chế tồn tại nhưng hầu như không hoạt động trên thực tế.
Sự tham gia và những đóng góp của Việt Nam
Cùng với đà phát triển của các cơ chế hợp tác Mê Công, Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác và có nhiều đóng góp cho hợp tác phát triển khu vực dưới nhiều hình thức, như tổ chức các hội nghị/hội thảo, xây dựng các văn bản quan trọng, xây dựng và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ tài chính cho các nước láng giềng.
Đóng góp quan trọng nhất là Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực trong tiến trình thể chế hóa và đưa các nội dung quan trọng vào khuôn khổ các cơ chế phù hợp với lợi ích quốc gia và lợi ích chung của các bên liên quan. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực từ rất sớm vào quá trình xây dựng các cơ chế, thủ tục và chương trình hợp tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong đó đáng chú ý nhất là việc xây dựng và đàm phán Hiệp định Mê Công 1995. Đối với Việt Nam, Hiệp định này là một cơ sở pháp lý quan trọng (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội (tháng 4-2014) với Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 3 tại Cam-pu-chia (tháng 4-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ủy hội tập trung vào nội dung sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước sông Mê Công và các tài nguyên liên quan; tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 cũng như bộ các thủ tục, quy định của Ủy hội; nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên; xây dựng Khung quy hoạch phát triển lưu vực hài hòa với quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia thành viên; nêu một số sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC), Việt Nam cũng thúc đẩy tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công nhằm đạt được sự cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông. Có thể nói, cùng với Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia tích cực, chủ động nhất trong quá trình chuẩn bị, xây dựng các văn kiện cũng như thảo luận tại các hội nghị trong khuôn khổ MLC, thúc đẩy các điểm đồng, đặc biệt là hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, củng cố lòng tin, chia sẻ lợi ích và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Việt Nam đã tham gia khá hiệu quả các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ GMS, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hoá và thể nhân qua lại biên giới, trao quyền đi lại cho các phương tiện vận tải trên lãnh thổ của các nước GMS. Việt Nam cũng chủ trì nhóm công tác thương mại - đầu tư trong cơ chế ACMECS và CLMV. Trong cơ chế hợp tác CLV, Việt Nam đóng vai trò chủ đạo, chủ trì rà soát và xây dựng quy hoạch lại Tam giác phát triển đến năm 2020, xây dựng trang mạng riêng của Tam giác phát triển bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Lào và Khmer), hỗ trợ Lào và Cam-pu-chia trong việc xây dựng một số tuyến đường chính liên kết các tỉnh biên giới, xây dựng chợ biên giới, trạm liên kiểm.
Về môi trường và phát triển bền vững, Việt Nam đóng vai trò chủ trì hợp tác về môi trường trong hợp tác hạ nguồn Mê Công - Hoa Kỳ; tham gia tích cực vào sáng kiến “Một thập niên Mê Công xanh” trong hợp tác Mê Công - Nhật Bản. Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa được nội dung hợp tác nguồn nước trong cơ chế Mê Công - Lan Thương. Trong GMS, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng khuôn khổ chiến lược bảo vệ môi trường GMS; xây dựng hệ thống thông tin và giám sát môi trường; giảm đói nghèo và quản lý môi trường ở các vùng sâu, vùng xa, rừng đầu nguồn; quản lý và bảo vệ đất ngập mặn của hạ lưu sông Mê Công...
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam tiếp nhận nhiều cán bộ, sinh viên từ Lào và Cam-pu-chia sang học tại trường Đại học Tây Nguyên và hỗ trợ xây dựng trường phổ thông nội trú tại tỉnh Xê-kông (Lào) và Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia). Trong cơ chế CLMV, Việt Nam đã xây dựng quỹ học bổng CLMV nhằm cung cấp đều đặn hàng năm các suất học bổng cho ba nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma. Đây là một trong 58 dự án điểm đầu tiên được thực hiện và cũng là một trong những kết quả nổi bật của cơ chế hợp tác CLMV.
Đáng chú ý, trong quá trình tham gia các cơ chế hợp tác khu vực sông Mê Công, Việt Nam đã chủ động tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề sử dụng nguồn nước bền vững. Do nhu cầu phát triển kinh tế, một số nước đã đẩy mạnh triển khai các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công mà không thực sự tuân thủ các quy định tại Hiệp định Mê Công năm 1995 cũng như mối quan tâm của các nước liên quan. Việt Nam đã sớm xác định vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chuyên môn mà còn là vấn đề phát triển bền vững và an ninh phi truyền thống, có tác động sâu sắc, lâu dài đến đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, trong quá trình xử lý, trên tinh thần xây dựng, hợp tác, Việt Nam đã vận dụng nhiều hình thức trao đổi với các thành viên Ủy hội qua nhiều kênh khác nhau, cả ở cấp làm việc, chuyên môn và cấp cao. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước kêu gọi tuân thủ đúng Hiệp định Mê Công 1995 và các thủ tục liên quan, hoãn việc triển khai các dự án này cho tới khi có nghiên cứu cụ thể về những tác động môi trường. Song song với quá trình tham vấn giải quyết tại Ủy hội, Việt Nam đã tích cực trao đổi với các bên liên quan thông qua kênh song phương, qua đó giảm thiểu số dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và lựa chọn các dự án ít tác động đến môi trường sinh thái toàn lưu vực. Việt Nam đã chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện dòng chính, như nghiên cứu của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia Lào và Cam-pu-chia về chủ đề “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mê Công đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (đã hoàn thành cuối 2015); nghiên cứu của MRC với chủ đề “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính” (hoàn thành vào cuối năm 2017).
Những hoạt động tích cực của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác khu vực sông Mê Công đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của các cơ chế cũng như sự phát triển của toàn khu vực Mê Công và quan hệ hợp tác của các nước trong khu vực. Luôn thể hiện là một thành viên tích cực, tuân thủ nghiêm túc và đề cao tinh thần hợp tác phát triển bền vững, Việt Nam thường được coi là nhân tố đi đầu, kết nối và là quốc gia có đủ năng lực và vị thế để góp phần quan trọng trong giải quyết các thách thức đang nổi lên đối với khu vực sông Mê Công hiện nay. Đồng thời, Việt Nam đã bước đầu chủ động đưa vấn đề nguồn nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vào trong các chương trình, văn kiện của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn hơn, như ASEAN, APEC, ASEM. Những hoạt động của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tăng cường gắn kết với các nước trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc tham gia các cơ chế hợp tác Mê Công cần được chú trọng, nâng cao hiệu quả hơn nữa.Thực tế cho thấy, với khá nhiều các cơ chế hợp tác hiện nay, một số cơ chế sử dụng các dự án của nhau, dẫn đến các con số ảo, không phản ánh chính xác thực tế hợp tác trong khu vực. Đối với Việt Nam, việc theo đuổi nhiều cơ chế khác nhau khiến sự tham gia có lúc, có nơi thiếu hiệu quả. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể cho việc tham gia các cơ chế hợp tác khu vực sông Mê Công, trong đó xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung và phân bổ nguồn lực cần thiết để tham gia nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Mỗi cơ chế hợp tác hiện nay có đặc điểm khác nhau, đồng thời có nhiều điểm chồng chéo. Việt Nam cần cùng các bên liên quan tiếp tục xác định tính đặc thù của từng cơ chế, sự bổ sung, bổ trợ của các cơ chế, loại bỏ những chồng chéo không cần thiết, cùng thúc đẩy các nội dung hợp tác có lợi trên cơ sở cân nhắc một cách tổng thể cả lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích quốc gia và lợi ích toàn khu vực. Đối với các vấn đề nhạy cảm liên quan đến quản lý, chia sẻ nguồn nước, trên tinh thần xây dựng, hợp tác, quan tâm lợi ích của các bên liên quan, Việt Nam cần kiên trì vận động, đấu tranh, đồng thời có cách xử lý khéo léo, linh hoạt trong từng khuôn khổ hợp tác. Đây là những vấn đề cần được quan tâm thấu đáo bởi lẽ xét về mặt chiến lược, khu vực tiểu vùng sông Mê Công có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với an ninh, phát triển bền vững của đất nước, mà còn là khu vực lõi để từ đó phát huy vị thế Việt Nam trên một tầm nhìn rộng lớn hơn ra châu Á - Thái Bình Dương./.
------------------------------------------------------
(1) Nguyễn Thương Huyền: “Những thành tựu chính trong kết nối cơ sở hạ tầng của Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng hơn hai thập niên qua”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 (183), tr. 37
(2) “Tuyên bố Tam Á”, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/2649_665393/t1350039.shtml, (truy cập ngày 11-12-2017)
(3) Wang Qingyun: “Trung Quốc cùng 5 quốc gia khánh thành các cơ quan của cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương”, Chinadaily, http://wap.chinadaily.com.cn/2017-03/10/content_28510599.htm, (truy cập ngày 11-12-2017)
(4) ASEAN, Overview of the ASEAN Mekong Basin Development Cooperation, http://www.asean.org/communities/asean-economic-community/category/overview-16
(5) New Tokyo Strategy 2015 for Mekong - Japan Cooperation (MJC2015)
(6) Chheang Vannarith (2010): “An Introduction to Greater Mekong Subregional Cooperation”, CICP Working paper No.34, Cambodia Institute for Cooperation and Peace
Việt Nam hoan nghênh kết quả Hội đàm thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ  (12/06/2018)
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên thành công tốt đẹp  (12/06/2018)
Tự chủ đại học gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình  (12/06/2018)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14: Thông qua 2 dự thảo Nghị quyết  (12/06/2018)
Xung lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada  (12/06/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay