Xung lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada
TCCSĐT - Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau (từ ngày 08 đến 10-6), đã kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn và đạt được những thành công quan trọng, khẳng định sự chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu; đồng thời tạo thêm xung lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada đi vào chiều sâu.
Trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu
G7 là một tập hợp gồm bảy quốc gia phát triển nhất thế giới, bao gồm: Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Canada. G7 là một tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu, chiếm khoảng 47% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới và là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Khác với lần đầu tiên vào năm 2016 tại Nhật Bản, lần thứ hai này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được mời với tư cách là quốc gia độc lập, không đại diện cho một tổ chức hay một nhóm nước trong khu vực.
Đáng chú ý, trong số 11 quốc gia được nước chủ nhà Canada mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy Canada coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Việt Nam, đồng thời khẳng định các quốc gia G7 đánh giá cao vai trò, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Với các chủ đề về phát triển bền vững, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vấn đề biển và đại dương, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển. Bởi vậy, thông điệp hội nghị đưa ra là tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Cùng với việc ủng hộ sáng kiến của Canada về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến để giải quyết tình trạng này.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến thành lập “Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra sáng kiến: các nước G7 thúc đẩy hình thành “Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa” với “sự chung tay hành động ngay từ bây giờ của các quốc gia để các đại dương của chúng ta luôn mãi xanh, ắp đầy tôm cá và không còn phế thải nhựa như là một di sản tốt đẹp cho các thế hệ mai sau”.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, những kinh nghiệm, chia sẻ, và đặc biệt là các sáng kiến mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tại hội nghị đã được nhiều nước thành viên và các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị hoan nghênh. Điều này cũng ghi một dấu ấn đậm nét của Việt Nam cũng như cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị quan trọng này.
Cũng trong tham luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yếu tố Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cam kết chung tay hành động cùng cộng đồng quốc tế để đưa Thỏa thuận COP 21 Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu sớm trở thành hiện thực.
Bên lề sự kiện ngoại giao của bảy nền kinh tế đứng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng như gặp gỡ Thủ tướng các nước Nhật Bản, Na Uy, Bangladesh, Italy; Tổng thống các nước Pháp, Argentina, Haiti, Senegal, Nam Phi; tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với lãnh đạo các nước về nhiều biện pháp tăng cường tin cậy, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước này, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhằm khai thác tiềm năng còn rất lớn của các mối quan hệ song phương.
Việc Việt Nam được mời dự Hội nghị G7 mở rộng năm 2018 cho thấy quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề quan tâm chung của thế giới và khu vực.
Thắt chặt quan hệ song phương
Cùng với những thành công của chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chưa đầy một năm, kể từ khi Thủ tướng Trudeau thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11-2017, hai Thủ tướng đã có lần hội đàm thứ hai, củng cố và tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực. Trước cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hội kiến với Toàn quyền Canada, Julie Payette.
Tại hội đàm, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada tại khu vực; đánh giá cao đóng góp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, đặc biệt là các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác nâng cao khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương.
Hai Thủ tướng cũng đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực chính trị-ngoại giao; thương mại, đầu tư và phát triển; quốc phòng an ninh, giáo dục, đào tạo, lao động và khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân và quan hệ địa phương.
Hai bên cũng trao đổi, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
Chờ đợi làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam
Luôn coi trọng các hoạt động xúc tiến thương mại trong mỗi lần công du đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp hai nước về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo lao động, vấn đề thúc đẩy thương mại song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh CPTPP sắp có hiệu lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ hiến bang Quebec; dự buổi ăn trưa làm việc do cựu Thủ tướng Canada, Jeans Chretien và Toàn quyền Canada Julie Payette chủ trì cùng với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Canada và Việt Nam.
Nhân dịp thăm Canada, vùng Quebec tươi đẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Đại học Laval danh tiếng, nơi có nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam theo học. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đại học Laval nói riêng và các tổ chức nghiên cứu của Canada sẽ có nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa với Việt Nam trong nghiên cứu, khoa học và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Canada và tới dâng hoa tại Tượng đài Nguyễn Trãi trên đường D'Auteuil, trong Công viên Esplanade. Tượng đài này của thành phố Quebec đã được công bố vào tháng 10 năm 2001. Đây là một biểu trưng, thể hiện tình hữu nghị lâu đời, quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, hai nền văn hóa Việt Nam - Canada.
Với những dấu ấn đặc biệt trên cả bình diện đa phương và song phương, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp không chỉ tạo xung lực cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada trên tất cả các lĩnh vực mà còn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, cam kết và hành động cụ thể của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu./.
Thủ tướng kết thúc chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng  (12/06/2018)
Thông qua 3 dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo  (12/06/2018)
Thủ tướng Canada cảm ơn Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị G7 mở rộng  (12/06/2018)
Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cấp chiến lược  (12/06/2018)
Báo chí phản ánh chiến tranh: Hiện tại và tương lai  (12/06/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên